Cách đơn giản phòng chữa cước chân, tay mùa đông
Tin liên quan
Nếu vào mùa đông, các ngón chân, ngón tay của bạn bỗng nhiên bị sưng đỏ, kèm theo ngứa, rát, tức là bạn đã bị phát cước. Đây là một bệnh rất hay gặp vào mùa đông. Những người thường xuyên phải lao động ngoài trời, hoạt động chân tay tiếp xúc với môi trường lạnh thì dễ bị cước hơn những người làm việc trong môi trường ấm áp.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng cước là do vùng da bên ngoài tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh và bị kích thích trong 1 khoảng thời gian dài. Cũng có thể do tuần hoàn máu kém, người có tính chịu lạnh kém làm cho vùng da sinh ra co thắt, dẫn tới rối loạn tuần máu, thiếu ôxy, làm tổn thương mô. Biểu hiện của những người có tuần hoàn máu kém là thường bị lạnh tay, chân ngay cả trong thời tiết ấm áp. Việc tuần hoàn máu kém dễ khiến các vùng xa tim nhất không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, dẫn tới dễ bị tác động bởi nhiệt độ. Bên cạnh đó, nếu tay chân đang lạnh mà được làm ấm đột ngột bằng lửa hay lò sưởi, mạch máu cũng sẽ bị vỡ, dễ dẫn tới phát cước.
Phòng tránh cước ngay từ cách sinh hoạt hàng ngày
Các triệu chứng thường thấy của bệnh cước như các đầu ngón chân và tay sưng đỏ, ngứa ngáy như bị kim châm, thâm tím khi nhúng vào nước lạnh và ngứa ngáy khi được ủ ấm, thậm chí đau đớn, phồng rộp gây ra nhiều phiền toái trong học tập, sinh hoạt thường ngày. Do vậy, nếu thường xuyên bị cước tay chân khi thời tiết giá lạnh, bạn nên tìm cách ngăn ngừa sớm.
Có rất nhiều cách phòng ngừa cước chân, tay. Cụ thể, bạn nên kiên trì tập luyện thể dục, tăng cường khả năng chịu lạnh của cơ thể. Cần chú ý giữ ấm và khô ráo các bộ phận hay phải tiếp xúc với bên ngoài như tay, chân, mặt, tai.... Bạn có thể thoa chút vaseline vào các bộ phận đó để vừa giảm bớt da tản nhiệt, vừa có tác dụng giữ ấm, phòng ngừa phát cước. Khi vừa đi ngoài trời lạnh về, tay chân đang cóng, bạn tuyệt đối không dùng lửa hơ, sưởi. Thay vào đó, bạn nên xoa tay, giậm chân cho các chi nóng lên.
Trang phục những ngày giá buốt không nên quá chật để tránh tuần hoàn ngoại vi không tốt. Độ ẩm có thể tăng nhanh tản nhiệt trong cơ thể khiến bạn dễ bị bệnh cước hơn. Đo đó, những ngày lạnh trời, bạn nên giữ khô ráo trang phục, giày tất. Khi trang phục bị ướt phải kịp thời thay ngay, tránh để các bộ phận của cơ thể nhiễm lạnh.
Nếu công việc của bạn thường phải ngồi lâu hoặc đứng lâu thì bạn nên tranh thủ có những hoạt động cơ thể để xúc tiến tuần hoàn máu, giảm bớt phát sinh bệnh cước.
Hằng ngày, trước khi đi ngủ, bạn nên ngâm chân vào nước nóng ấm bỏ thêm chút muối, khoảng 15-30 phút. Bạn cũng có thể hòa nước ấm với gừng giã nhỏ rồi ngâm. Việc ngâm chân nước ấm sẽ giúp máu lưu thông tốt.
Uống rượu trong môi trường lạnh sẽ khiến mạch giãn, đẩy nhanh sự mất nhiệt lượng của cơ thể, cũng là nguyên nhân gây ra cước. Vì thế, nên hạn chế uống rượu, đồ uống có cồn.
Đặc biệt, người bị bệnh tiểu đường nên chú ý đến việc kiểm soát đường huyết. Bệnh tiểu đường dễ phát biến chứng bệnh mạch máu ngoại vi nên cần chú ý đến chân, tay vào mùa đông, ngăn chặn sơ xuất gây hậu quả nghiêm trọng.
Mẹo đơn giản trị cước
Khi đã bị cước, bạn không nên dùng các loại thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản, thịt bò, thịt gà, thịt vịt, rượu, bia… Vì chúng làm chỗ phát cước sưng ngứa nhiều hơn.
Ngoài ra, một số mẹo đơn giản sau đây có thể giúp bạn trị được cước:
Thứ nhất, lá lốt thái nhỏ, đun sôi với nước, cho thêm chút muối. Sau đó, dùng nước này để ngâm chân, tay khoảng 30′. Đều đặn ngâm 1 thời gian, bạn sẽ đỡ dần và khỏi hẳn.
Thứ hai, thoa 1 chút dung dịch rượu anh đào lên vùng chân, tay bị cước để làm dịu đi cơn ngứa, rát. Dùng 1 thời gian, cước sẽ hết.
Thứ ba, gừng tươi thái lát mỏng, xát lên vùng bị cước, làm 1 - 2 lần/ngày. Làm liên tục trong vòng 1 tuần, bệnh cước sẽ khỏi.
Minh Minh
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất