Lễ vu lan là gì? Vu lan báo hiếu ngày mấy? Ý nghĩa của lễ Vu lan báo hiếu
Bạn đã bao giờ nói yêu bố mẹ bao giờ chưa? Bạn có biết bố mẹ mình đang thực sự cần điều gì? Người ta vẫn nói, hãy dành những món quà ý nghĩa nhất cho đấng sinh thành nhân lễ vu lan. Cùng tìm hiểu lễ Vu lan là gì, nguồn gốc, ý nghĩa ngày lễ vu lan trong bài viết này bạn nhé!
Lễ vu lan là gì?
Vu lan, còn được gọi là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo và phong tục, nghi lễ của Việt Nam, Trung Hoa. Lễ vu lan trùng với Tết Trung nguyên của người Hán và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân ở một số nước Á Đông.
Theo tín ngưỡng dân gian, ngày xá tội vong nhân là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng cô hồn cho các vong linh không nơi nương tựa, không có nhân thân trên dương thế thờ cúng. Đây cũng là ngày mọi tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, thoát sanh về cảnh giới an lành
Cứ mỗi độ tháng 7 âm lịch về, người người, nhà nhà lại sửa soạn những món quà, những lời chúc ý nghĩa dành cho cha mẹ, những mâm cúng tươm tất dâng lên bàn thờ gia tiên. Lễ Vu lan từ lâu đã trở thành một nét đẹp về chữ hiếu trong đạo lý của người Việt.
Lễ vu lan báo hiếu tiếng Anh là gì?
Theo lối dịch vay mượn thì lễ Vu lan tiếng Anh là “Vu Lan Festival”.
Theo một từ điển Anh - Việt của Viện Ngôn ngữ học, thuật ngữ Lễ Vu lan được dịch theo lối giải thích như sau: “A Buddhist holiday, held annually on the 15th of the 7th month of the lunar calendar. The main objective of this festival is for the people to express their gratefulness and appreciation to their mother”.
Theo thầy Nguyễn Phước Vĩnh Cố, tìm bản dịch tiếng Anh của Lễ Vu lan trên Internet cho thấy một số kết quả là: Vu lan, Vu lan Bon, Mother’s day in Viet Nam, Ullambana, Parent’s day in Viet Nam, Filial piety festival/ ceremony, Buddhist holiday, a traditional event in praise of…, Wandering soul’s day, (Hungry) Ghost Festival, Amnesty of Unquiet Spirits…
Một số ví dụ về cách dịch “Lễ Vu lan” trong các bản dịch tiếng Anh:
1.As the lunar July is coming, many Vietnamese families start to make preparations for the Vu lan Festival (Ullambana). It is also known as the Amnesty of Unquiet Spirits.
2. Although there is no Halloween in China as we known it in the West, Hungry ghost Festival falls on the 15th day of the 7th lunar month
3. Thousands of Hanoians gathered on the streets outside of Tran Quoc Pagoda since last night in order to attend the Vu lan and the Amnesty of Unquiet Spirits
4. Ullambana or Bon Festival, the Festival of All Souls in Mahayana Buddhism, iss celebrated on the 7th full moon of the lunar calendar in many Asian cultures as a way of honoring the dead.
5. The Vu lan Day in Hoi An is known in English as the “Wandering souls Day”, as on this day souls are said to wander about their mortal homes. This event is…
6. Vu lan and the Amnesty of Unquiet spirits are celebrated on the 15th night of the 7th lunar month, which fell on September 5
7. Le Vu lan (Filial Piety ceremony, or Ghost festival) may soon be recognised as a national festival of Vietnam culture.
8. Trung Nguyen or Wandering soul’s Day is the second largest festival of the year (Tet is first). Though it falls on the 15th of the 7th lunar month.
Vu lan báo hiếu ngày mấy? Ngày vu lan báo hiếu 2022 là ngày nào?
Lễ vu lan là ngày rằm tháng 7 hằng năm, tức ngày 15 tháng 7 âm lịch. Nếu tính theo dương lịch, lễ Vu lan thường rơi vào giữa đến cuối tháng 8, đầu tháng 9 hàng năm. Cụ thể như sau
- Lễ Vu lan 2022 rơi vào thứ 6, ngày 12/08 dương lịch
- Lễ Vu lan 2023 rơi vào thứ 4, ngày 30/08 dương lịch
- Lễ Vu lan 2024 rơi vào Chủ nhật, ngày 18/08 dương lịch
- Lễ Vu lan 2025 rơi vào thứ 7 ngày 06/09 dương lịch
Tu báo hiếu là gì?
Tu báo hiếu là một nghi lễ, phong tục trong tư tưởng, nếp sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer dựa theo truyền thuyết Phật giáo đại thừa
Theo tục này, con trai đồng bào dân tộc Khmer cứ đến tuổi 14, 15 đều vào chùa Khmer học đạo làm người, tu báo hiếu công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành. Nét đẹp văn hóa quý báu ấy, từ bao đời nay, vẫn luôn được bà con dân tộc Khmer Nam bộ phát huy và lưu giữ.
Nguồn gốc của tu báo hiếu là gì?
Nguồn gốc của tu báo hiếu bắt đầu từ câu chuyện của một gia đình người dân tộc Khmer nọ có cha mất sớm, mẹ theo nghề đi săn bắt thú rừng để mưu sinh. Socpenh Kokma là đứa con duy nhất hằng ngày lui tới ngôi chùa gần nhà để cầu kinh lễ phật nhưng mẹ cậu là người không mộ đạo nên đã cấm con đến chùa.
Thấy việc làm của mẹ mình ngày ngày đều sát sinh hại vật tội lỗi, Socpenh Kokma trốn mẹ đi tu với mong muốn có thể giúp mẹ phần nào hóa giải tội lỗi. Khi mẹ Socpenh Kokma chết, linh hồn của bà đã bị quỷ dữ trừng phạt nhưng mỗi lần trừng phạt thì quỷ dữ lại không cách nào hành hình được với bà vì chính đức hạnh của Socpenh Kokma đã hóa giải những tội ác của bà khi còn sống.
Câu chuyện này đã lưu truyền qua nhiều thế hệ người dân tộc Khmer ở Nam Bộ. Từ đó, để cha mẹ được hưởng phúc đức, hóa giải các tội lỗi, con trai Khmer khi đến tuổi 14, 15 đều đến chùa tu tâm tích đức trong một thời gian, gọi là tu báo hiếu.
Tu báo hiếu có ý nghĩa gì?
Theo quan niệm của dân tộc Khmer, đi tu báo hiếu là hạnh phúc, vinh dự của thanh niên Khmer và gia đình, dòng tộc. Vì thế, nếu thanh niên Khmer chưa đi tu báo hiếu thì chưa phải là người trưởng thành
Tu báo hiếu ngoài ý nghĩa đáp trả công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ còn có ý nghĩa cho chính người đi tu. Đó là tu nhân tích đức để kiếp sau an lành, hạnh phúc. Do đó, con trai người Khmer khi đến tuổi trưởng thành dù rất bận rộn việc lo cho tương lai, lo mưu sinh… cũng vẫn cố gắng thực hiện nghi lễ tu báo hiếu.
Nguồn gốc, ý nghĩa ngày lễ Vu lan báo hiếu
Nguồn gốc ngày lễ Vu lan
Nguồn gốc Ngày lễ Vu lan báo hiếu bắt đầu từ câu chuyện của Đại đức Mục Kiền Liên có tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ mình.
Chuyện kể rằng khi Đại đức Mục Kiền Liên ( một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca) đã tu luyện thành công, ngài nhớ tới lời người mẹ Thanh Đề đã khuất của mình nên dùng mắt phép để tìm kiếm khắp trời đất xem bà đã đi đâu về đâu.
Thật đau lòng khi ngài tìm thấy mẹ mình đang bị lưu đày thành quỷ đói (Ngạ quỷ), lang thang vất vưởng khắp nơi, đói khát cực khổ vì những tội lỗi mà bà đã gây ra nơi trần thế. Mặc dù rất đau lòng và dùng phép thần để dâng cơm đến tận địa ngục cho mẹ nhưng tiếc rằng tất cả những thức ăn mà Đại Đức dâng cho mẹ đều hóa lửa.
Là một người con, Đại Đức Mục Kiền Liên không thể ngồi yên nhìn mẹ mình ngày đêm bị đày ải nơi địa ngục, ngài liền cầu cứu Phật tổ. Nhưng Phật dạy rằng dù Đại Đức có thần thông quảng đại đến mấy thì cũng không đủ sức để cứu mẹ mình đâu.
Cách duy nhất để cứu được mẹ là Đại đức hãy nhờ sức mạnh hợp lực của chư tăng khắp mười phương và ngày rằm tháng 7 (15/7 âm lịch) chính là ngày thích hợp để thỉnh chư tăng, sắm sửa làm lễ cúng dường Tam Bảo để cứu lấy phước cho mẹ. Phật cũng dạy rằng: “chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ thì cũng dùng cách này”. Từ đó, ngày lễ Vu lan báo hiếu được ra đời.
Ý nghĩa ngày lễ Vu lan báo hiếu
Ý nghĩa ngày lễ Vu lan báo hiếu là để bày tỏ tình yêu, lòng biết ơn đối với ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Chim có tổ, người có tông, như cây có cội, như sông có nguồn
Lễ vu lan cũng là dịp để con cái sum vầy, quây quần bên cha mẹ, gửi đến cha mẹ những lời chúc và món quà ý nghĩa nhất
Lễ vu lan cũng là một minh chứng cho truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, trên kính dưới nhường, ghi lòng tạc dạ công ơn biển trời của cha mẹ.
Ý nghĩa của lễ vu lan cũng là giúp chúng sinh tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục rất nhân văn của văn hóa Phật giáo là Từ - bi - hỉ- xả, vô ngã, vị tha.
Vì sao phải cài hoa hồng lên áo trong ngày lễ Vu lan?
Nghi lễ “Bông hồng cài áo” trong lễ Vu lan đã trở thành nét văn hóa truyền thống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đại lễ Vu lan từ lâu đã trở thành một ngày trọng đại không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa có nguồn gốc Phật giáo. Thực hiện đạo hiếu là bổn phận, trách nhiệm của mọi cá nhân chứ không phải riêng ai. Trong đại lễ này, người ta vẫn thường cài hoa hồng lên ngực áo? Vậy nguồn gốc nghi lễ “bông hồng cài áo” là từ đâu?
Nguồn gốc của nghi thức bông hồng cài áo
Nguồn gốc của nghi thức này bắt đầu từ thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chuyện kể rằng trong một lần thiền sư vào nhà sách ở Nhật bản vào đúng ngày của Mẹ (Mother’s Day) năm 1962, ngài đã được một cô gái cài lên áo tràng một bông hoa trắng mà không rõ lý do. Hỏi ra thì thiền sư được biết trong ngày này, ai còn mẹ thì được cài bông hoa đỏ, ai còn mẹ thì cài hoa trắng.
Cùng vào năm đó, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết nên cuốn sách mang tên “Bông hồng cài áo”. Chính câu chuyện trên của thiền sư đã trở thành nguồn gốc của nghi lễ cài bông bồng lên ngực áo trong ngày lễ vu lan, và cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tạo thi ca nhạc họa. Có thể lấy ví dụ như bài hát “Bông hồng cài áo” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết vào năm 1967.
Hoa hồng được coi là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý. Vì vậy, khi cài bông hồng trên ngực áo chính là tình cảm đẹp nhất, chữ hiếu mà con cái gửi đến đấng sinh thành. Khi cài bông hoa trên ngực áo, bạn sẽ cảm thấy mình nên sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, trân quý, biết ơn thật nhiều khi còn cha, còn mẹ.
Khi còn được cài bông hồng đỏ, thật hạnh phúc thay vì điều đó có nghĩa rằng, bạn vẫn còn cả cha lẫn mẹ trên đời. Nếu bạn chỉ còn cha hoặc mẹ, bông hoa hồng bạn cài trên ngực áo mỗi dịp vu lan sẽ màu hồng. Còn nếu không may mất cả cha lẫn mẹ thì bạn sẽ cài bông hồng màu trắng.
Ý nghĩa bông hồng đỏ, trắng, vàng cài áo trong ngày lễ Vu Lan
Ý nghĩa của bông hồng đỏ trong ngày lễ Vu lan
Đại đức Thích Giác Giáo cho biết: Trong ngày lễ Vu lan thiêng liêng, ai còn cha còn mẹ sẽ được gài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ - như một lời nhắc nhở bản thân còn cha mẹ, còn cả một bầu trời yêu thương rộng lớn nên hãy trân trọng và đừng làm buồn lòng họ.
Cha như mặt trời, đôi khi lạnh lùng, nghiêm khắc nhưng chỉ muốn con nên người, sẵn sàng hi sinh tất cả vì con, như mặt trời luôn gay gắt nhưng vì ánh nắng của nó mà mọi sự sống tồn tại, hồi sinh, phát triển, tươi tốt… Mẹ như mặt trăng, luôn dịu dàng, ân cần cùng con qua những đêm đen, bao dung, tha thứ cho những lầm lỡ của con trên đường đời
Ý nghĩa của bông hồng trắng cài ngực áo trong ngày lễ Vu lan
Những đứa con đã không may mất đi cha hoặc mẹ sẽ cài lên ngực áo một bông hồng màu hồng nhạt, ai mất cả cha cả mẹ sẽ cài lên ngực bông hồng trắng
Hoa hồng trắng mang màu tinh khiết nhưng buồn thương, đồng thời nhắc nhở con người ta hãy sống thật tốt, thật ý nghĩa để những người ra đi cảm thấy tâm hồn được an yên, thanh thản, không còn canh cánh những âu lo, muộn phiền nơi trần thế.
Ai mang trên ngực bông hồng trắng sẽ nhắc nhở mình rằng họ đã mất đi thứ quý giá nhất trên đời, vì vậy hãy sống sao cho xứng đáng với công ơn, sự hi sinh của cha mẹ.
Ý nghĩa của cài hoa hồng vàng trong ngày lễ Vu lan
Ngoài hoa hồng màu đỏ và hoa hồng trắng thì người ta cũng cài hoa hồng vàng trên ngực áo trong đại lễ Vu lan báo hiếu.
Ý nghĩa của hoa hồng vàng cài áo là đại diện cho sự phổ độ chúng sinh, mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để giải thoát (theo cách giải thích của nhà Phật). Sự cứu độ chúng sinh đạt tới sự giác ngộ là cách để báo đáp ân tình, báo hiếu cha mẹ ở hiện tại và các đời khác.
Màu vàng là màu của đạo Phật, thể hiện sự giải thoát, tuệ giác, cưu mang.
Nên làm gì trong ngày lễ Vu lan?
Trong dịp lễ Vu Lan, ngoài việc lên chùa cài hoa hồng, tụng kinh cầu siêu, cúng dường trai tăng…, người ta còn thiết mâm lễ cúng cho những vong hồn chưa được siêu thoát vì lễ Vu lan cũng trùng với ngày xá tội vong nhân.
Trong ngày lễ Vu lan, con cháu có thể tặng quà cho cha mẹ, ông bà. Những người đã mất cha mẹ thì hãy làm điều lành để chia sẻ đến cha mẹ hoặc lên chùa tụng kinh, niệm phật cầu siêu cho cha mẹ.
Mọi người cũng sửa soạn bàn thờ tổ tiên sao cho ấm cúng với hương hoa, sắm sửa tại gia đình. Ngoài ra, mọi người cũng nên làm nhiều việc để tích thêm nhiều công đức, phần nào hóa giải tội lỗi cho chính mình và những người đã khuất.
Cúng lễ Vu lan như thế nào?
Khi cúng lễ Vu lan, chúng ta nên đặt hết cái tâm vào để thể hiện lòng thành, không cần có chú trọng vào “mâm cao, cỗ đầy”.
Mâm cúng lễ vu lan báo hiếu
Những lễ vật cúng lễ Vu lan gồm: cháo loãng, gạo, muối trắng, nước lã, canh, xôi và các loại chè, khoai lang và khoai sọ luộc, bỏng ngô, ngũ quả, hoa, quần áo vàng mã…
Cách bày biện mâm cỗ sao cho đẹp mắt cũng thể hiện thành tâm của người sắm lễ trong ngày Vu lan báo hiếu.
Trên đây là những tổng hợp về ngày lễ Vu lan là gì? Vu lan báo hiếu ngày mấy? Hãy là những đứa con hiếu thảo khi cha mẹ vẫn còn trên cõi đời này, khi hoa hồng đỏ còn được cài trên ngực áo. Hãy luôn yêu thương cha mẹ để mỗi ngày đều là lễ Vu lan!
MIN (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất