Với nhiều bạn gái, ngày về nhà bạn trai ra mắt là một ngày quả thực ra rất quan trọng. Họ rất mong muốn nhận được thiện cảm và sự tác thành của gia đình nhà trai, để họ và bạn trai có thể tính chuyện lâu dài. Tuy vậy, nhiều gia đình nhà chồng đã bày tỏ thái độ ghét ra mặt, khiến bạn gái chạnh lòng, tủi hổ.
Ngày ra mắt, mẹ chồng tương lai nói một câu khiến con dâu suốt đời không quên
Mới đây, trên một hội nhóm thường tâm sự chuyện tình cảm của bạn trẻ, một người dùng tên T.A đã tâm sự chuyện tình dang dở của mình. Được biết, cả hai đã yêu nhau được 1 năm trước khi quyết định làm đám cưới. Ngày ra mắt, mẹ chồng tương lai của cô bạn đã nói 1 câu khiến cô không quên được: "Thằng Đ nó thích nên dù không thích cũng đành chịu." Sau đó, bên nhà trai chốt ra Tết cưới và đã xác định ngày cưới.
(Ảnh minh họa)
Vì thời điểm đó, dịch bệnh căng thẳng nên nhà T.A cũng chỉ mời 10 mâm. Tuy vậy, bên nhà trai cho biết gia đình họ bị F0 hết, không thể tổ chức đám cưới nên chỉ có 3 người đi đón dâu. Bên phía nhà gái thấy vậy không đồng ý và còn đe dọa rằng nếu nhà gái còn đưa ra yêu cầu thì sau này về bên này T.A sẽ khó sống. Cảm thấy không được gia đình nhà trai tôn trọng, gia đình T.A quyết định hủy hôn.
Trích tâm sự của người bạn gái này:
"Bọn mình quen nhau gần 1 năm thì quyết định cưới. Cũng không có cầu hôn lãng mạn hay gì đâu, Đ bảo, 2 đứa mình quen nhau cũng 1 thời gian rồi, chắc cưới được rồi nhỉ. Tính mình đơn giản, đồng ý luôn. Kể với mấy đứa bạn thân còn bị mắng là đơn giản quá mức rồi.
Buổi đầu tiên mình đến nhà Đ ra mắt, lúc phụ làm bếp, mình vẫn nhớ như in, có 1 câu mẹ Đ nói với mình: “Thằng Đ nó thích nên dù không thích cũng đành chịu”. Nghe câu này buồn chứ, nhưng mình chỉ nghĩ chuyện này quá bình thường, dần dần sẽ cải thiện thôi.
2 nhà chốt quyết định ra Tết cưới, và tổ chức 2 ngày, hôm trước ăn hỏi, hôm sau cưới. Hơi xui là trước khi cưới tầm chục ngày, cả nhà mình đều bị F0. Cả nhà mình cố gắng ăn uống thuốc men cho khỏi để kịp ngày tổ chức. Trước 5 ngày thì cả nhà đều test 1 vạch, mình cũng nhắn thông báo cho anh ta biết. Đồng thời bàn với anh ta về việc thuê thợ chụp ảnh trong ngày cưới cho cả 2 nhà và thuê người bê tráp, đặt hoa cưới.
Hôm sau mình và mẹ ngược xuôi đi mời họ hàng ở Hà Nội, mình thì hối hả mời bạn bè và đồng nghiệp. Nhà mình không mời quá nhiều, chỉ khoảng 10 mâm. Tối hôm đó sau khi về đến nhà, thì Đ nhắn tin cho mình, báo vào ngày ăn hỏi, nhà anh ta không làm gì cả, nên không cần thuê thợ chụp. Vì người lớn trong nhà F0 hết rồi (ý chỉ họ hàng), chỉ có Đ cùng bố mẹ anh ta và mấy người bê tráp đến nhà mình. Và bảo là đã nói với mẹ mình về chuyện này rồi.
Mình hỏi mẹ luôn, thì mẹ mình cũng ngớ người, bảo vừa nói chuyện điện thoại xong, có thấy bên đó nói gì đâu. Mẹ mình gọi lại ngay lập tức để hỏi thực hư về việc mà anh ta vừa báo với mình, mẹ anh ta xác nhận luôn. Đồng thời bảo với mẹ mình ngày ăn hỏi thì phải cho đón dâu luôn, vì hôm sau cũng chỉ có 3 người đi đón dâu. Nhà mình không đồng ý, vì không thể tổ chức 1 đám cưới kiểu đó được.
(Ảnh minh họa)
Mẹ mình vẫn nói chuyện rất từ tốn, ngỏ ý nếu hôm đó không tiện tổ chức, vì họ hàng người lớn bên nhà trai không đến được do bệnh thì có thể dời đám cưới sang ngày khác, thì bố anh ta ngay lập tức nói vọng vào điện thoại, bảo “nếu lùi ngày lại thì dừng luôn, không cưới xin gì nữa hết, dẹp luôn”. Mẹ anh ta thì nói, nếu nhà mình đòi hỏi kiểu đấy thì sau này mình về bên đó khó sống. Nhà mình sai khi yêu cầu vào ngày cưới của con gái, mong muốn có đủ họ hàng 2 bên hay sao?
Hôm sau anh ta đến nhà mình với thái độ khá là kèo trên, nói với mẹ mình “ở bên nhà con, nhà trai quyết định gì nhà gái phải nghe theo hết”. Lúc sau mẹ anh ta lại gọi điện thoại cho mẹ mình, ý hỏi quyết định xong chưa, và giục “chốt nhanh lên để còn đặt tráp” với thái độ như trả giá khi mua hàng ngoài chợ. Mẹ mình vẫn không đồng ý. Mẹ mình hỏi thẳng Đ, nếu chuyện trót lọt, ngày nhà gái đưa dâu sang, nhà trai có bày bàn ghế cổng hoa đón tiếp nhà gái không, anh ta nói ráo hoảnh luôn là không thuê, chỉ dọn thêm vài bộ bàn ghế cũ trong kho ra nữa thôi.
Như vậy là nhà gái sẽ đưa dâu sang nhà trai trong tình trạng vườn không nhà trống đấy các bạn. Mẹ mình nói luôn, nhà con quá coi thường nhà mẹ và con gái mẹ. Đ bật cho mẹ mình nghe đoạn ghi âm khi họ hàng bên nhà anh ta bàn về việc nhà mình không đồng ý tổ chức sơ sài, thì có 1 đoạn nói “bảo nhà nó đưa dâu thì đừng kéo đàn kéo lũ sang đây, kẻo lây bệnh cho nhà này”.
Khi 2 đứa nói chuyện riêng, thái độ của anh ta vẫn là ”anh thấy bên nào cũng đúng, nhà anh không có ý gì là coi thường nhà em cả, nhà em như vậy anh ở giữa khó xử” Đến đây thì cái ý nghĩ hủy cưới lên đến 90% rồi. Vì bản thân Đ làm việc ở nơi tổ chức sự kiện cưới hỏi, có đầy đủ các đồ đạc như bàn ghế phông bạt, chính anh ta cũng phải đi setup cho nhiều đám cưới đám hỏi rồi, nhưng chấp nhận để bố mẹ sắp đặt cho đám cưới của chính anh ta theo cách không thể tồi tàn hơn.
Thêm nữa, mình hỏi, cứ cho là nhà mình đồng ý. Vậy về sau có làm tiệc báo hỷ chung 2 nhà không thì anh ta bảo không, chỉ làm cỗ riêng bên đó, và mời đại diện nhà mình vài người. Tối hôm đó, về nhà, anh ta lại nhắn cho mình, ý bảo mình khuyên bố mẹ đồng ý tổ chức theo ngày đã định sẵn. Vì nếu đồng ý thì hôm cưới sẽ có thêm 2 người, tổng đoàn 5 người. Mình dứt khoát từ chối. Mẹ và mình lại tiếp tục gọi điện báo cho những người đã mời là tạm hoãn cưới, sẽ giải thích lý do sau.
Đến ngày mà đáng lẽ sẽ là ngày vui, mình rủ anh ta đi ăn sáng rồi đưa mình đi làm. Anh ta lại nói: “các cụ nhà anh bảo là hủy luôn, bỏ luôn nhưng anh không muốn”. Mình hỏi, thế bây giờ nếu nhà mình đồng ý, thì tức là khi tổ chức lại, bố mẹ mình phải tự đưa con sang, chứ không có ăn hỏi hay đón dâu gì hết đúng không, thì anh ta im lặng. Sau hôm đó là không gặp nhau nữa. Sau 10 ngày, mình gọi anh ta đến nhà, đồng thời mình đã nhờ mẹ chuẩn bị 1 phần lễ đúng với những gì mà nhà anh ta đã mang đến nhà mình khi dạm ngõ để trả lại, đồng thời mình thì trả lại hết cho Đ những món quà mà anh ta đã tặng mình và quyết định chấm dứt luôn.
Anh ta có vẻ sốc khi nhà mình quyết định như vậy. Cố nói “Anh vẫn muốn 2 đứa mình dây dưa, chứ không muốn chia tay”, rồi “Anh muốn níu kéo nhưng chỉ 1 mình anh níu thì không được”. Mình hỏi “Anh có gì để em nhìn vào mà níu kéo, khi anh không có tiếng nói, khi mà đám cưới của chính anh mà anh nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ anh hết, coi họ hàng gia đình nhà em không ra gì?”.
Anh ta lại nói ”Mọi lời nói của anh vô giá trị”. Một người đàn ông 30 tuổi đầu, không thể làm chủ được việc trọng đại của chính mình, thì sau này còn làm được gì ra hồn nữa không? Mình cũng đặt nghi vấn với anh ta, sao 2 con người lúc mới quen và hiện tại khác thế, lúc mới quen thì khoe mẽ với mình “Anh mà cưới thì ở kho của anh có gì đẹp hết anh mang về nhà bày”, giờ thì cái hoa héo cũng ko thấy. Lại nói thêm, khi mình hỏi vụ hoa cưới, anh ta bảo mình dùng tạm hoa giả ở kho của anh ta."
(Ảnh chụp màn hình)
Dòng tâm sự của bạn gái đã thu hút đông đảo sự quan tâm trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng việc gia đình nhà trai không tôn trọng gia đình nhà gái thì hôn nhân của cả hai khó bền lâu, hạnh phúc. Nhiều người đã ủng hộ quyết định hủy hôn của bạn gái này.
"Vợ chồng chung sống vui vẻ được với nhau hay không phần lớn ở sự tôn trọng, nhường nhịn nhau. Bố mẹ chồng với con dâu cũng thế thôi. Ngay từ đầu họ đã thể hiện sự thiếu tôn trọng với mình và gia đình mình thì next là việc làm sáng suốt, coi như thoát được 1 tương lai đen tối! Chúc mừng em và gia đình", người dùng T.B bình luận.
"Chúc mừng bạn thoát được kiếp nạn nha", người dùng T.D bình luận.
Những điều bạn gái nên chuẩn bị trước hôn lễ
Tài chính
Tài chính là điều đầu tiên bạn cần quan tâm khi chuẩn bị hôn lễ. Nhiều người vẫn còn quan niệm rằng khi kết hôn thì chỉ cần nhà trai chuẩn bị về mặt tài chính là được. Tuy nhiên, có những khoản mà nhà trai và nhà gái hầu như độc lập. Do đó, bạn cần lên danh sách những việc cần đến tài chính bao nhiêu để có sự chuẩn bị cho hợp lý nhất.
Khám sức khỏe
Bạn có thể chủ quan bỏ qua bước khám sức khỏe tiền hôn nhân khi thấy cả mình và nửa kia đều đang khỏe mạnh. Tuy nhiên, đôi khi các bệnh truyền nhiễm hay vấn đề sức khỏe sinh sản không có biểu hiện bên ngoài rõ ràng. Nếu không giải quyết kịp thời, những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của cô dâu và chú rể mà còn gây nguy hiểm cho con cái sau này.
Ăn uống lành mạnh
Thời gian chuẩn bị đám cưới luôn bận rộn nên bạn dễ bỏ bê bữa ăn của mình mà chỉ lót dạ bằng những món nấu sẵn. Hơn nữa, bạn cũng dễ sa đà vào những bữa tiệc tùng chia tay thời độc thân với bạn bè với nhiều món không lành mạnh. Điều này không những khiến bạn dễ tăng cân mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe rất nhiều.
Giữ tâm trạng vui vẻ
Kết hôn là một sự kiện trọng đại nên có thể mang tới nhiều áp lực ảnh hưởng tới tâm lý và dẫn tới khủng hoảng tiền hôn nhân. Bạn có thể lo lắng tự hỏi liệu anh ấy có phải người phù hợp nhất với mình không, sau khi cưới nhau anh ấy có còn yêu mình như xưa không, đám cưới liệu có sai sót gì không… Những băn khoăn này khiến bạn dễ cáu kỉnh, mệt mỏi, mất tập trung hay thậm chí còn xuất hiện tâm lý muốn chia tay.
Khánh An
3 cung hoàng đạo nổi tiếng là 'thần kiếm tiền', đi đến đâu cũng tạo ra cơ hội làm ăn lớn