Làm cha mẹ thì có "quyền" đánh con?!

Diệp Tử Mộc 2014-12-05 15:38
- Đọc tin tức: Nghi án hai trẻ bị mẹ đẻ tiêm thuốc trừ sâu vào người, tôi thấy tim buốt đau. Là cha mẹ thì có quyền "đánh" con? - Quyền ngược đãi cả thể xác lẫn tâm hồn con trẻ.

Giống như rất nhiều bậc cha mẹ khác đang nuôi con nhỏ, mỗi lần đọc báo thấy những vụ trẻ em bị bạo hành, bị bỏ rơi, tôi đều nghĩ đến con đang say ngủ an lành trong vòng tay mình rồi nghĩ đến số phận của các em nhỏ bất hạnh mà đau buốt tim gan. Mới đây nhất khi đọc tin tức “Nghi án hai trẻ bị mẹ đẻ tiêm thuốc trừ sâu vào người – một trẻ đã tử vong”, tôi lạnh người. Chưa đủ bằng chứng để kết luận “tội ác tày trời” ấy có phải do người mẹ gây ra cho hai em hay không nhưng tôi muốn nói nhiều về cách yêu thương, về sự giáo dục của các bậc cha mẹ trong xã hội hôm nay, về cái gọi là lương tâm, về những giá trị của một kiếp người, về những sinh mạng nhỏ được hay bị chọn sinh ra.

Mỗi chúng ta, không ai có quyền được chọn người sinh ra mình. Bé Huỳnh Văn Quốc và bé Huỳnh Quốc Em cũng không có cái quyền đó. Chưa bao giờ tôi thấy những đứa trẻ đang ngày càng bị đe dọa như lúc này. Sự đe dọa đến từ bất cứ nơi đâu, ngay cả trong vòng tay yêu thương của gia đình. Tôi đi trên đường, không hiếm lần thấy cảnh những người mẹ tát bôm bốp, vừa đánh vừa chửi vào mặt con mình không ngần ngại chỉ vì đứa trẻ không chịu ăn nốt miếng cơm trong cái bát đầy ú ụ mà người mẹ cố nhồi nhét, bành miệng con mình đến nghẹn ứ. Miếng ăn là hạnh phúc mà sao đành biến thành cuộc chiến đầy nước mắt mỗi ngày. Cũng không hiếm lần tôi ngần ngại trước cảnh phụ huynh đánh chửi con mình ngay giữa cổng trường, trước mặt bạn bè, người dưng vì một bài kiểm tra bị điểm kém. Rồi con trẻ bất cẩn đánh vỡ cái bát cũng bị đánh, cha mẹ bất hòa - con trẻ cũng bị đánh, công việc không như ý - về nhà cũng lôi con trẻ ra quát mắng… Có vẻ như xã hội ngày càng hiện đại thì tình người lại càng vơi đi? Hàng loạt vụ án xâm hại, bạo hành khiến dư luận “bàng hoàng” như vụ bé Như Ý ( 9 tháng tuổi, Đồng Tháp ) bị cha mẹ đánh đập dã man trong một thời gian dài khiến cơ thể bị thương tật 25%, bé Kim Ngân ( 4 tuổi, Bình Dương ) bị mẹ đẻ và cha dượng bạo hành đến chấn thương sọ não, bé Bùi Khắc Vinh ( 7 tuổi, Nghệ An) bị cha chất rơm đốt bỏng nặng bộ phận sinh dục... Câu hỏi đặt ra là: Có phải cha mẹ Việt đang xem việc “giận cá chém thớt” lên con trẻ mình như một cái quyền tất yếu hay không?

Theo thống kê mới đây cho thấy có hơn 70% trẻ em Việt Nam từ độ tuổi 0 – 15 tuổi bị cha mẹ, người thân trừng phạt bằng bạo lực. Báo cáo giải trình của Chính Phủ trước Quốc Hội chỉ ra mỗi năm cả nước có 3000 – 4000 trẻ em bị bạo hành, trong đó có đến hơn 100 trẻ em bị giết hại. Đáng ngại là những vụ bạo hành trẻ em này đều đến từ các bậc cha mẹ, người thân, thầy cô giáo và những người chịu trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc.. Một con số gây bàng hoàng cho tất cả chúng ta, những người đã có và chưa có con.

Có cha mẹ nào sinh con ra mà lại không yêu thương con? “Đến hổ dữ cũng không ăn thịt con”, câu cách ngôn ấy đã khẳng định một cách rõ ràng con cái dù thế nào thì cha mẹ cũng không được ghét bỏ. Chúng ta cảm động trước những người cha, người mẹ sẵn sàng bỏ hết công ăn việc làm để đưa con mắc chứng tự kỷ đi điều trị khắp nơi, chúng ta rơi nước mắt cảm thông trước số phận người mẹ bất hạnh bị xe đâm trọng thương trên đường đi đẻ, trước khi chết vẫn cố gắng nhìn con lần cuối, nhưng chúng ta cũng cần nghiêm khắc với chính mình, cần phải nhìn lại chính “sự vô tâm”, “sự thờ ơ” của người lớn trong cách đối xử với con cái hàng ngày hôm nay.

Năm 1990, Công ước quốc tế về quyền trẻ em ra đời, trong đó ghi rằng: “do còn non nớt về thể chất và trí tuệ, trẻ em cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời”, như một sự khẳng định thêm cho chân lý “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Vì lẽ gì mà chúng ta – những người lớn chỉ nghĩ rằng – ta được quyền tự do, được quyền mưu cầu hạnh phúc còn con trẻ thì phải chịu một đời sống khác, ngay cả những đau khổ mà bậc làm cha làm mẹ gây ra? Dẫu không có những công ước, pháp quyền ấy thì loài người sinh ra đã có ý thức một cách tự nhiên như mọi giống loài khác là che chở, đùm bọc và chăm sóc con cái cơ mà?

Điều đáng buồn là chính các bậc cha mẹ không ý thức được việc họ đang làm với con mình hàng ngày là bất thường. Họ lấy quyền làm cha mẹ để "giận cá chém thớt", trút giận lên con cái, dùng đòn roi để nuôi dạy con trẻ như một điều rất bình thường mà quên mất những hệ lụy nguy hiểm kèm theo. Họ không nhận ra những đứa trẻ ngày một lầm lì, khép kín, lạnh nhạt với cha mẹ. Họ cũng không nhận ra con cái có xu hướng giải quyết mọi việc bằng bạo lực giống như họ đã làm. Và khi con cái không vâng lời, cái vòng lẩn quẩn của đòi roi luôn lặp lại như một cách tất yếu để kết thúc vấn đề. Cha mẹ cho rằng, đó là cách giáo dục tốt nhất. Nguyên nhân chỉ vì những áp lực công việc, tài chính, tình cảm, văn hóa truyền thống trong gia đình... Dù bất kể nguyên nhân gì thì người lớn tự gây ra những đau khổ, tai ương rồi trút tất cả những nỗi đau, sự oán hận của mình lên cuộc đời những đứa trẻ vô tội là không công bằng. Họ không nhớ đến một điều bất di bất dịch rằng: Trẻ con luôn vô tội, bất kể mọi hành vi của các con có thế nào. Các chuyên gia đã chỉ ra những hành vi đánh đập, ngược đãi bằng đòn roi của cha mẹ không phải là để dạy dỗ cho dù họ có biện minh, lý giải gì đi nữa, tất cả đều nhằm giải tỏa, thỏa mãn nỗi giận dữ của bản thân khi con không làm theo ý mình. Do vậy, hiệu quả giáo dục của đòn roi chỉ là con số không, chỉ đem về những tôn thương trong tâm hồn non nớt của con trẻ mà thôi.

Con trẻ sinh ra là để yêu thương và để được bảo vệ. Hãy lên án mạnh mẽ những người đang xâm hại đến quyền lợi của con trẻ, đang đe dọa tương lai của các con, bảo vệ tuổi thơ của con từ trong chính mỗi giây phút đời thường là chính bạn sẽ giúp cộng đồng chung tay xóa đi những tội ác. Quan tâm và yêu thương con trẻ bằng sự gần gũi, bằng mỗi ngày lắng nghe con dù chỉ là ít phút, bằng việc sẵn sàng phản đối những hành vi xấu gây hại đến con. Hãy để trẻ lớn lên là chính mình, nếu yêu thương đừng mang các giá trị, kỳ vọng của bản thân mà áp đặt lên con trẻ. Có như thế chúng ta mới góp phần gây ảnh hưởng đến xã hội, để không còn cảnh những ông bố bà mẹ trẻ bất đắc dĩ, không còn cảnh trẻ con bị bạo hành, bị bỏ rơi, bị buôn bán thương tâm nữa.

Diệp Tử Mộc
(Theo congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 loại mặt nạ sẵn có trong nhà chăm sóc da khi trời nồm