Mẹ chồng đổ bệnh sau khi bị con dâu Gen Z bóc phốt trên mạng

Anh Chi 2024-10-12 17:28
- Bà Hồng lăn ra ốm vì sốc khi được hàng xóm cho xem bài đăng "kể tội mẹ chồng" kèm cả file ghi âm, của con dâu trên mạng xã hội.

Một người phụ nữ 65 tuổi ở Bắc Giang, bà Nguyễn Thị Hồng, không quen biết gì về Facebook hay công nghệ. Bà không ngờ rằng chính sự thiếu hiểu biết này lại trở thành "đòn chí mạng" từ cô con dâu thuộc thế hệ Gen Z, khiến bà suy sụp.

Con trai bà, ngoài 30 tuổi mới lập gia đình, nên vợ chồng bà xác định rằng "dâu cũng như con". Bà vui mừng vì nghĩ có con dâu sẽ đỡ đần việc nhà, để bà có thể tập trung chăm sóc đàn gà, vài con lợn và chạy chợ.

Tuy nhiên, bà Hồng thừa nhận mình không khéo bếp núc và cũng ít khi dọn dẹp. Ngược lại, con dâu rất sạch sẽ và kỹ tính, điều này làm bà cảm thấy ngột ngạt. Nếu bà lỡ làm bánh rơi vụn ra bàn hoặc đi dép dính cát vào sân, con dâu liền cầm chổi quét sạch và nhắc nhở bà.

Mẹ chồng lăn ra ốm sau khi bị con dâu Gen Z bóc phốt trên mạng

Hai mẹ con vì vậy thường xuyên xảy ra xung đột, nói những lời khó nghe. Những câu nói này đều bị con dâu ghi âm lại và chia sẻ trong nhóm chat của gia đình bên ngoại để bàn tán. Cô còn đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội, khiến bà Hồng không hề hay biết. Chỉ đến khi bị cả làng bàn tán, bà mới nhận ra chuyện gia đình mình đã bị phát tán khắp nơi.

Tương tự, ở Hà Nội, bà Bích Hạnh, 57 tuổi, cũng gặp khó khăn khi thích nghi với lối sống của con dâu 26 tuổi. Cô luôn cầm điện thoại dù đang làm việc nhà, từ nấu cơm, rửa bát đến lúc ngồi vào bàn ăn. Bà Hạnh chia sẻ, nhiều lần thịt cháy hay nước trào vì con dâu mải bấm điện thoại. Khi bị nhắc nhở, cô con dâu chỉ bảo đang bận xử lý công việc, không thể bỏ máy xuống. Dù sống chung trong căn hộ hai phòng ngủ, nhưng bà Hạnh luôn cảm thấy vợ chồng con trai mình như thuộc về một thế giới khác. Họ đi làm về muộn, rồi gửi con ngủ cùng bà để tiện thức khuya làm việc đến tận 1-2 giờ sáng.

Mẹ chồng lăn ra ốm sau khi bị con dâu Gen Z bóc phốt trên mạng

Ban đầu, bà Hạnh đi chợ, chuẩn bị bữa sáng cho các con, nhưng khi gọi họ dậy ăn vào lúc 8 giờ, lại bị thái độ. Con dâu thậm chí yêu cầu chồng nhắc mẹ đừng "xâm phạm đời tư". Bà Hạnh cảm thấy cô đơn, hy vọng có con dâu để làm bạn, nhưng cuối cùng lại không có ai để nói chuyện cả ngày. Khi bà kể với con trai, anh lại gạt đi, cho rằng mẹ đang làm quá mọi việc. Điều này khiến bà ngày càng buồn tủi và cảm thấy khoảng cách giữa mình và các con càng xa.

Câu chuyện của bà Hồng và bà Bích Hạnh không hiếm gặp, khi một nghiên cứu vào năm 2021 của tác giả Lê Ngọc Lan, thuộc Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, chỉ ra rằng gần 86% các mẹ chồng cho biết con dâu không thể hiện tình cảm như họ mong đợi.

Tiến sĩ y tế công cộng, thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục (Hà Nội) cho biết từng tư vấn cho nhiều trường hợp mẹ chồng khủng hoảng vì phải chịu áp lực của nàng dâu. ''Các bà thường than thở làm gì cũng sợ con dâu mất lòng, tìm đủ cách chiều con dâu vẫn bị chê'', bà Nga nói.

Thực tế, có nhiều nàng dâu hiện đại khó tính, rất coi trọng sự riêng tư cá nhân nhưng không khéo léo xử lý tình huống. Có trường hợp mẹ chồng quan tâm, muốn giúp các con dọn dẹp phòng ngủ, bị con dâu tỏ thái độ khó chịu. ''Các cô ấy trách mẹ chồng lấy quyền gì vào phòng riêng của mình, trong khi bà chỉ nhặt rác, quét phòng cho sạch sẽ hơn'', bà Nga kể.

Một số nàng dâu lại quá để ý, dễ chạnh lòng. Đôi khi bị mẹ chồng chê bai, hay nhắc nhở một chút đã hậm hực, nói lại với chồng, khiến con trai trách mẹ, làm mối quan hệ thêm phức tạp.

Dưới góc độ tâm lý, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM, cho rằng bản chất của con người là mong được yêu thương, tôn trọng, nhưng có nhiều cô dâu không hiểu được điều đó. Họ cư xử thiếu tinh tế khiến mẹ chồng thấy bị coi thường. Buồn bực, khó chịu, nhưng vì không muốn làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của các con nên các bà âm thầm nhẫn nhịn, tự gây căng thẳng cho mình.

Bà Lã Linh Nga cho biết, một số ít trường hợp, con dâu có điều kiện kinh tế hơn nên xem thường nhà chồng. Nghiên cứu của tác giả Lê Ngọc Lan cho biết, 37,7% mẹ chồng cho rằng con dâu có tính vô tâm; 16,9% thiếu tôn trọng bố mẹ chồng. Khảo sát xã hội học cũng ghi nhận ngày nay đa số con dâu có địa vị kinh tế cao hơn mẹ chồng. Theo tự đánh giá của các mẹ chồng, mức đóng góp của con dâu vào chi tiêu gia đình là 38%, của mẹ chồng là 22%. Trong đánh giá của con dâu, tỷ lệ này là 45% còn mẹ chồng chỉ góp 19%.

Anh Chi (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Đâu chỉ có nữ giới, những sao nam này cũng chuộng trang điểm đậm