Bật mí đất nước được mệnh danh là "thiên đường" dành cho người độc thân
Tin liên quan
Ai Leen là một nữ giáo sư 47 tuổi đang sống và làm việc tại Singapore. Cô hài lòng với cuộc sống độc thân của mình khi luôn sống trong tình yêu thương của bạn bè và gia đình. Các cháu của Ai Leen quý cô đến nỗi chúng gọi Facetime cho cô mỗi ngày.
Độc lập về tài chính và có một gương mặt dễ thương, nữ giáo sư này đã trải qua nhiều mối tình nhưng vẫn chưa tìm được người đàn ông phù hợp để cưới. Song cô vẫn cảm thấy bình yên và tận hưởng cuộc sống của mình. “Singapore là thiên đường dành cho người độc thân”, cô nhấn mạnh. “Tôi không cần phải kết hôn để cảm thấy an toàn và có thể làm mọi việc mình muốn ở đây”.
Ngoài ra, nữ giáo sư đại học này xem Singapore là một “xã hội kết hợp” giữa văn hóa phương Tây và phương Đông. Từ đó, đây là một quốc gia lý tưởng dành cho người độc thân. “Các bậc cha mẹ Singapore khá cởi mở với lựa chọn hôn nhân của con cái nên giới trẻ không cần lo lắng về áp lực gia đình”, cô nói.
Khi quan niệm “Thành gia lập thất” đã lỗi thời
Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore, hiện có đến 70% người trẻ tuổi ở Singapore cảm thấy không cần phải kết hôn, mặc dù họ vẫn có ý định kết hôn trong tương lai. Báo cáo về xu hướng gia đình của Bộ Phát triển xã hội và Gia đình Singapore cho thấy số cuộc hôn nhân được đăng ký trong năm 2023 đã giảm so với năm 2022, năm mà số cuộc hôn nhân tăng mạnh nhờ các biện pháp giãn cách do Covid-19 được dỡ bỏ.
Nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore chỉ ra rằng 80% người trên 50 tuổi không có con vẫn cảm thấy hạnh phúc tương đương với những người có con, nhờ vào sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình.
Theo Straits Times, những kết quả này phản ánh những xu hướng tích cực về tương lai của Singapore. Giáo sư Paul Cheung từ trường Chính sách Công Lee Kuan Yew nhận xét: “Thực tế cho thấy việc trở thành người độc thân ở Singapore là điều dễ dàng.”
Ông giải thích rằng mong muốn kết hôn thường được củng cố bởi các chuẩn mực xã hội và giá trị truyền thống, nhưng những giá trị này đã dần mai một ở Singapore. Do đó, giới trẻ không còn coi trọng việc kết hôn như trước đây. “Vấn đề hiện nay là: ‘Mọi người có coi trọng việc sinh con không?’”, ông nhấn mạnh.
Giáo sư từ trường Chính sách Công Lee Kuan Yew cũng cho rằng: “Các gia đình ở Singapore đã thay đổi. Một người độc thân có thể dễ dàng kết nối với một gia đình khác.” Ông cho biết không ít người độc thân còn chuyển đến sống cùng anh chị ruột để chăm sóc cháu trai, làm tốt hơn cả cha mẹ của chúng.
TS Matthew Mathews, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore, cho biết: “Sự kỳ thị đối với những người kết hôn muộn đã giảm bớt, đây là một tín hiệu tích cực.” Ông bổ sung rằng hôn nhân ở Singapore không còn được xem là điều bắt buộc như trước đây.
“An cư lập nghiệp” mới là chuyện khó
Dù vậy, không có con đường nào trải đầy hoa hồng. Mặc dù không gặp áp lực “thành gia lập thất”, những người độc thân ở Singapore lại vướng phải vấn đề “an cư lập nghiệp”. Theo Straits Times, rất khó để một người độc thân có thể mua được nhà ở Singapore - một quốc gia vốn có diện tích khiêm tốn và có nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở cho các gia đình. Ooi Boon, một nhà báo 29 tuổi ở Singapore, thường than vãn với đồng nghiệp về chỗ ở của bản thân. “Rất khó để có cuộc sống ổn định nếu không mua được nhà”, anh than vãn.
Những người độc thân trong độ tuổi của Ooi Boon thường có hai lựa chọn: sống cùng cha mẹ hoặc ở ghép với bạn bè. Ở một góc nhìn lạc quan nào đó, theo Ooi Boon, giới trẻ Singapore đang độc thân ngày càng lâu nên anh sẽ dễ tìm thấy bạn cùng phòng hơn.
Một số người lại chọn chuyển đến và sống với anh hoặc chị ruột đã kết hôn của bản thân. Giống như chị Siew Hua, một chuyên viên truyền thông độc thân đã bước sang tuổi trung niên. “Tôi tin rằng cuộc sống độc thân hiện tại hạnh phúc tương đương với cuộc sống có gia đình trong tương lai”, Siew Hua chia sẻ.
Trước đó, Siew Hua đã sống cùng với gia đình của chị gái mình trong một thời gian dài. Mặc dù trái ngược về tính cách, hai chị em Hua vẫn là những người bạn thân nhất của nhau. Nữ chuyên viên truyền thông vừa là bạn, vừa là em gái, vừa là em vợ, vừa là một người dì trong suốt thời gian đó. “Tôi yêu mọi vai trò của mình, nhất là khi được chơi cùng những đứa cháu đáng yêu”, cô nói.
“Khi kết nối với một gia đình nào đó, người độc thân vẫn đóng những vai trò quan trọng. Họ hoàn thiện cuộc sống của gia đình đó như cách gia đình đó hoàn thiện cuộc sống của họ”, GS Cheung nhận định. “Mọi mảnh ghép trong cuộc sống đều có giá trị”.
Khánh An (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất