Người thường xuyên lén xem điện thoại của người yêu có thể mắc chứng ám ảnh
Tin liên quan
Một số người cảm thấy muốn kiểm tra điện thoại của người yêu ngay khi thấy nó đang mở khóa. Nguyên nhân có thể là để thỏa mãn cơn tò mò hoặc vì cảm thấy mình cũng có quyền biết những bí mật trong điện thoại của "nửa kia".
Tiến sĩ Ernesto Lira de la Rosa, nhà tâm lý học và cố vấn cho Tổ chức Nghiên cứu Hope for Depression, cho biết hành vi này khá phổ biến. Nhiều người cảm thấy cần phải kiểm tra tin nhắn, ảnh, email hoặc lịch sử internet riêng tư của người yêu.
Người ta có thể cảm thấy bị tổn thương bởi đối phương và tin rằng việc xem tin nhắn sẽ giúp phục hồi niềm tin. Trong trường hợp khác, họ chỉ đơn giản là tò mò và nghĩ rằng việc nhìn trộm một chút không có hại gì. Tuy nhiên, hành động này thực sự có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn.
Ám ảnh tinh thần
Tiến sĩ Lira cho rằng việc xem lén điện thoại của người yêu không giúp cảm thấy yên tâm hơn. Nếu không tìm thấy điều gì đáng ngờ, cảm giác tội lỗi có thể dâng cao vì đã xâm phạm quyền riêng tư của đối phương.
Nếu phát hiện điều khả nghi, như tin nhắn từ một số điện thoại lạ, nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu và lo lắng và có thể tiếp tục kiểm tra điện thoại của người yêu. Điều này có thể dẫn đến chứng ám ảnh cao.
Thêm vào đó, việc bí mật theo dõi đối phương có thể gây ra chia rẽ trong mối quan hệ. Một tình yêu lành mạnh cần có giới hạn để mỗi người có không gian riêng. Việc giữ những điều riêng tư, như cuộc trò chuyện với bạn bè hay những bức ảnh không hoàn hảo, là bình thường. Chỉ vì người yêu không cho xem điện thoại không có nghĩa là họ đang giấu giếm điều gì.
Ngay cả khi nửa kia đã có hành động như nói dối hay ngoại tình trong quá khứ, việc đa nghi và theo dõi liên tục chỉ làm mối quan hệ thêm căng thẳng. Hơn nữa, nếu hành vi này bị phát hiện, nó có thể phá vỡ sự tin tưởng, khiến đối phương thất vọng và thậm chí dẫn đến việc chia tay.
Hãy thẳng thắn giao tiếp
Thay vì tiếp tục thỏa mãn ham muốn kiểm tra điện thoại của người yêu, tiến sĩ Lira khuyên mỗi cá nhân nên tìm hiểu về nguyên nhân sâu xa từ hành vi này. Đơn cử như việc chúng ta cảm thấy bất an, lo lắng bởi đối phương không quan tâm đến mình. Nhiều người trở nên đa nghi vì đối phương từng ngoại tình tư tưởng. Hoặc chính bản thân bạn quá đa nghi, nảy sinh suy nghĩ không thực.
"Chỉ khi hiểu rõ được nguồn gốc của những nghi ngờ, vấn đề sẽ được giải quyết bằng việc giao tiếp cởi mở", chuyên gia nói. Tiến sĩ Lira gợi ý chúng ta có thể bắt đầu cuộc trò chuyện bằng lời mở đầu "Em biết điều này nghe có vẻ cực đoan nhưng đôi khi em thấy lo lắng về mối quan hệ của chúng ta và sợ rằng anh sẽ rời xa" hoặc "Em biết chúng ta đã cởi mở với nhau nhiều hơn nhưng em không vượt được nỗi lo lắng anh gần gũi với người khác giới".
Sau trò chuyện thẳng thắn, bước tiếp theo là cùng nhau tìm ra cách giải quyết để có thể hài lòng cả hai. Điều này đồng nghĩa với việc hai bên cần có những thỏa hiệp hợp lý để xây dựng lại niềm tin.
"Điều kiên quyết là sự an tâm và tin tưởng trong tình yêu. Những chia sẻ chân thành và hiệu quả sẽ là phương án đúng đắn thay vì theo dõi hay lén lút kiểm tra điện thoại của người yêu", chuyên gia nói.
Anh Chi (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất