Nhật ký chờ con: Ánh sáng cuối đường hầm
2014-08-31 18:19
- (Em đẹp) - Mẹ viết những dòng này trong những ngày đằng đẵng mong con, và chính lúc mẹ tưởng như chìm xuống đáy tuyệt vọng thì lại thấy le lói ánh sáng cuối đường hầm…
Năm thứ nhất – ngọt ngào!
Bố mẹ kết thúc 3 năm hẹn hò yêu đương bằng một đám cưới vui vẻ mà cả hai bên nội ngoại đều hân hoan chúc mừng. Bố 31 tuổi, mẹ 27, tuổi sung mãn để xây dựng một tổ ấm. Bố mẹ dự định sinh con vào năm sau, nghĩa là mẹ sẽ phải “kế hoạch” trong 6 tháng, để tiêm các mũi vắc-xin cần thiết và bổi bổ cơ thể để có một sức khỏe tốt nhất cho việc mang bầu, sinh con. Mẹ tranh thủ thời gian son rỗi rủ bố đi chơi khắp nơi, bù cho mấy năm “nằm ổ” sắp tới. Và bố mẹ đã có một năm đầu tiên thật ngọt ngào, hạnh phúc bên nhau con ạ!
Năm thứ hai – âu lo!
Hết 6 tháng “kế hoạch”, bố mẹ bắt đầu “thả” để mong bắt được một chú “hổ vàng”. Mẹ ra hiệu thuốc mua liền lúc chục que “quik stick” cất trong tủ để thử dần! Nhưng suốt 6 tháng sau đó, mẹ chẳng có cơ hội dùng đến một chiếc nào, vì chu kỳ của mẹ cứ đều đặn đến hẹn lại lên, chẳng sai một ngày. Mẹ bắt đầu lo lắng lên mạng tìm thông tin về các bác sĩ sản khoa, nam khoa. Ông bà nội, ngoại bắt đầu sốt ruột giục giã. Bạn bè của bố mẹ bắt đầu đem kinh nghiệm cá nhân chia sẻ, người chỉ theo thầy Đông y này tốt, người mách bác sĩ sản khoa nọ mát tay…
Các kết quả siêu âm, xét nghiệm, thăm khám bước đầu của bác sĩ đều kết luận sức khỏe sinh sản của bố và mẹ đều bình thường, không phát hiện vấn đề gì bất thường cả. Bác sĩ tư vấn cho bố mẹ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi điều độ nhất và đặc biệt là giữ tinh thần vui vẻ bởi nếu càng lo lắng, sốt ruột thì càng khó. Bác sĩ hẹn mẹ sau 3-4 tháng nữa mà con vẫn chưa về thì đến bác khám lại.
Bố thì rất lạc quan nhưng mẹ thì không thể không lo lắng, nhất là khi thấy bà nội, bà ngoại cố nén tiếng thở dài mỗi lần hỏi han mẹ. Bố sợ mẹ buồn nên những ngày nghỉ bố thường rủ mẹ đi ra khỏi thành phố cho khuây khỏa và bố mẹ đánh dấu những chuyến đi bằng cách đặt tên cho nó là kỳ trăng mật thứ mấy, thứ mấy. Hết năm thứ 2, bố mẹ đã đi đến kỳ trăng mật thứ 8 mà con vẫn mải chơi ở chốn nào xa lắm...
Trong những ngày đằng đẵng chờ con, có lúc mẹ tưởng như chìm xuống đáy tuyệt vọng (Ảnh minh họa theo freepress).
Năm thứ 3 – Khủng hoảng
Lại 6 tháng nữa qua đi mà chẳng có gì thay đổi. Bố mẹ mòn gót từ phòng khám này qua phòng khám khác, từ bệnh viện này qua bệnh viện kia, từ thầy lang này đến thầy lang nọ… Mệt mỏi và buồn chán vì mãi vẫn không tìm ra nguyên nhân gì. Có những giai đoạn ngửi thấy mùi thuốc bắc là mẹ ói và nhìn thấy dụng cụ siêu âm là mẹ nổi da gà…
Ông bà nội, ngoại động viên bố mẹ rằng con cái là số trời, trời cho lúc nào thì được hưởng lúc ấy… Mẹ cũng muốn tin như thế nhưng không khỏi hoang mang không biết đến khi nào thì bố mẹ mới được trời thương. Bố mẹ vốn chẳng tin mấy chuyện tâm linh nhưng bắt đầu phải chiều theo ý ông bà đến chùa nọ phủ kia dâng sớ dâng lễ cầu tự. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, bà nội bà ngoại đều bảo thế và bố mẹ cũng cố tin như thế!
Mẹ bắt đầu thấy sợ những ngày giỗ, tết, sum họp gia đình vì rất ngại phải trả lời những câu hỏi đầy vẻ quan tâm lo lắng của những người họ hàng: Sao vẫn chưa có gì à? Đi khám chưa? Có vấn đề gì không?... Mẹ cũng ngại đi đám cưới, đi liên hoan, họp lớp vì sẽ phải nghe đúng những câu hỏi ấy “tua” lại từ bạn bè, người quen lâu lâu mới gặp. Mẹ từ thèm nghe tiếng trẻ con cười đùa giờ lại sợ… Bố lo lắng bảo mẹ có dấu hiệu trầm cảm. Và bố đã liều mạng xin phép ông bà đưa mẹ đi xa hết 10 ngày nghỉ Tết dài đằng đẵng. Mẹ thực sự biết ơn bố vì hành động ấy.
Năm thứ 4 – Tuyệt vọng
Mong chờ mãi mà con không về, bố mẹ quyết định nhờ vào các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Lại những chuỗi ngày dài uống thuốc rồi tiêm thuốc, siêu âm đo trứng, đo niêm mạc… Mọi chỉ số của bố mẹ khá tốt nhưng kết quả cuối cùng lại vẫn là con số 0. Bố mẹ hoang mang. Bác sĩ điều trị trực tiếp cho mẹ thì phân vân.
Sau 3 kỳ IUI (thụ tinh nhân tạo) không thành công, bác sĩ chỉ định mổ nội soi cho mẹ để tìm xem có nguyên nhân bất thường gì trong tử cung, vòi trứng của mẹ mà khi siêu âm, chụp chiếu không nhìn ra không. Ca mổ kéo dài chỉ mấy chục phút, mẹ tỉnh táo hoàn toàn sau vài tiếng nhưng mẹ đã chết điếng người khi nghe bác sĩ thông báo tử cung của mẹ bất thường bẩm sinh, khả năng thụ thai là rất thấp và nếu có may mắn thụ thai được thì cũng rất khó giữ được thai. Cả đời mẹ sẽ không quên được giây phút ấy khi bố ôm chặt vai mẹ và cả hai cùng bật khóc như mưa như gió ngay trong phòng của bác sĩ.
Mẹ khóc suốt những ngày sau đó, khi có ai đó đến thăm, và khi còn lại một mình. Một cánh cửa màu đen nặng nề đã đóng sập lại trước mắt mẹ, mặc mẹ vẫy vùng xô đẩy kiểu gì nó cũng không nhúc nhích. Bố xin nghỉ phép, dùng hết số tiền mà bố mẹ dự định cho một ca thụ tinh trong ống nghiệm đưa mẹ đi nghỉ ở Thái Lan. Sau một tuần đưa mẹ đi tắm biển ở Pattaya, nghỉ dưỡng ở Chieng Mai, bố đưa mẹ về một bệnh viện ở Bangkok. Thì ra trong những ngày mẹ chìm trong nước mắt, bố đã kịp tìm kiếm thông tin về dịch vụ “mang thai hộ” ở Thái và quyết định lặn lội sang đây tìm hiểu chi tiết. Đó là phương thức tốt nhất trong hoàn cảnh của bố mẹ bây giờ!
Nhưng rủi thay (hay là may thay?!) chỉ hai tuần sau khi bố mẹ rời Thái Lan, báo chí đưa tin cảnh sát nước này triệt phá một đường dây đẻ thuê với quy mô lớn. Chút ánh sáng vừa lọt qua cánh cửa tối nặng nề đã vội tắt ngấm nhưng bố cười động viên mẹ là may mắn chưa ném tiền vào canh bạc mạo hiểm này.
Năm thứ 5 – Ánh sáng cuối đường hầm!
Ông bà nội, ngoại từ xa xôi bóng gió đã trực tiếp bàn tính với bố mẹ phương án nhận con nuôi. Bố nhường cho mẹ quyền quyết định, nhưng mẹ chưa sẵn sàng với việc nuôi một đứa trẻ không có tí huyết thống, quan hệ nào với mình hay gia đình mình.
Mẹ đã nghĩ đến chuyện ly hôn bố rồi mẹ sẽ cố gắng kiếm một cái học bổng ra nước ngoài học hoặc không thì sẽ chuyển vào Sài Gòn làm việc và sinh sống. Bố gọi kế hoạch của mẹ là “điên rồ” và nói sẽ không thể để mẹ rời xa bố theo cách ấy. Bố bảo bố và mẹ sẽ nỗ lực hết sức để có con, nhưng nếu đã hết cách thì bố hoàn toàn thoải mái sống một cuộc sống chỉ có hai bố mẹ. Mẹ thấy có lẽ ân huệ lớn nhất cuộc đời mà ông trời đã hào phóng ban cho mẹ đến lúc này là một người chồng luôn cảm thông và lạc quan nắm tay mẹ băng qua bóng tối.
Mẹ chỉ có một ông anh trai, còn bố may thay lại có một cô em gái. Thương bố mẹ vất vả, cô em của bố đã quyết định mang bầu giúp bố mẹ. Cả nhà e dè, phấp phỏng nhưng khi bố mẹ đến gặp bác sĩ vẫn điều trị cho mẹ khi trước nhờ tư vấn thì bác sĩ từ chối giúp đỡ bởi “pháp luật chưa cho phép”. Tia hy vọng vừa lóe lên lại tắt!
Chưa bao giờ mà bố mẹ lại phấp phỏng và chăm chú theo dõi một kỳ họp quốc hội đến như vậy. Và khi luật mang thai hộ được thông qua thì cả nhà cùng thở phào nhẹ nhõm như đã tìm ra ánh sáng cuối đường hầm. Khi mẹ viết những dòng này là lúc bố mẹ và cô đang chuẩn bị những điều kiện sức khỏe tốt nhất để có thể được đón con vào năm tới. Về nhà đi nhé con yêu, cả nhà đã đợi con 5 năm trời rồi đấy! Về đi con yêu, để thấy cả nhà đã yêu thương con biết nhường nào!
Về đi con yêu, bố mẹ đang mong chờ con đến (Ảnh minh họa theo interestingtalks).
Khánh Vân (ghi)
Hãy gửi chia sẻ về chuyện vợ chồng, thắc mắc giới tính... qua địa chỉ mail: giadinh@emdep.vn. Bài viết của bạn sẽ được đăng tải trên trang trong thời gian sớm nhất. Thông tin do bạn đọc cung cấp và chịu trách nhiệm về tính xác thực. Em đẹp giữ quyền biên tập và thay tên, địa chỉ nếu cần.
Mời độc giả đọc thêm bài viết được quan tâm Ừ thì tôi già, tôi "ế" đấy! Quá tin bạn, tôi bị “giật” mất chồng Vân Hugo: "Tôi vẫn chờ người đàn ông của đời mình" |
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Đôi khi mình gặp đúng người, nhưng yêu sai cách, và rồi mất nhau