Mẹ chồng – nàng dâu: To tát hay chấp nhặt?
2014-11-18 08:58
- Tôi cho rằng, môi quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trở nên căng thẳng là do các nàng dâu hầu hết đang "bé xé ra to".
Tin liên quan
Nhân chuyện các mẹ bàn về “cực đoan” trong nuôi dạy trẻ, trong đó có đề cập tới mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu thời hiện đại, tôi cũng có đôi ba điều muốn góp vui. Vì tôi vẫn cho rằng, các nàng dâu hầu hết đang “bé xé ra to” khiến mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Mẹ chồng – nàng dâu: To tát hay chấp nhặt?
Lượn một vòng “phây” mới thấy ở "group" nào cũng có các mẹ than thở về “mộng chè” (từ các mẹ thường dùng để chỉ mẹ chồng), nào là “mộng chè” khó tính, ưa soi mói, không tâm lý, ngại chăm cháu, chăm cháu chả ra sao cả, nào là “mộng chè” đồng bóng, tham lam…. Nghe mà ái ngại. Mới thấy, sao mình với mẹ chồng chả mấy khi khúc mắc, hay mình may mắn hơn các mẹ?
Mẹ chồng tôi là người hiền lành – chắc chắn đó là điều tôi khá may mắn hơn so với nhiều người. Mẹ tôi là nông dân, mỗi năm ra chơi với con cháu 1-2 lần trong thời gian ngắn ngủi. Quãng thời gian dài nhất mà mẹ ở với chúng tôi là 8 tháng trông cháu. Nói thật ra, với một nàng dâu hiện đại và một mẹ chồng chân chất từ đồng ruộng, lẽ dĩ nhiên là có vô số thứ không có tiếng nói chung. Từ những việc cỏn con trong sinh hoạt hàng ngày như thói quen cất giữ đồ, nấu nướng cho tới những thứ “to” hơn là quan niệm nuôi dạy con, tôi và bà cũng khác.
Tôi cho rằng, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trở nên căng thẳng là do các nàng dâu hầu hết đang "bé xé ra to".
Tôi nhớ, hồi bé đầu nhà tôi chưa đầy 1 tháng tuổi, cháu hay khóc đêm, mỗi bận thế khoảng 1 tiếng đồng hồ. Trong khi tôi cố gắng dỗ bé ngủ, thì bà cho rằng, cháu bú sữa không đủ no nên mới bú lâu và thức khóc. Bà định sẽ quấy bột cho cháu ăn. Nói thật là tôi cũng phát hoảng, nhưng nghĩ, ngày xưa, thế hệ các bà các mẹ cho rằng như thế nên bà nghĩ thế, vậy nên tôi bảo: “Tại cháu mới sinh chưa quen với môi trường mới và cũng giật mình vì tiếng ồn thôi mẹ ạ”. Hôm sau, tôi phải tìm ngay cuốn sách về chăm sóc trẻ và chỉ cho bà đúng những đoạn cần thiết về nguyên nhân bé khóc cũng như thời điểm ăn dặm hợp lý. Tôi cũng dần dần trò chuyện và cùng bà tìm hiểu nhiều hơn các kiến thức nuôi dạy con mới. Mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn khi cả tôi và bà cùng tiếp nhận.
Nói vậy, không có nghĩa là việc gì chúng tôi cũng đồng thuận. Thi thoảng, tôi vẫn thảng thốt khi thấy mẹ chồng thử sữa trong bình pha có nóng quá không bằng cách mút núm ti của bình hay hút mũi cho cháu bằng miệng, bế rong cháu đi ăn… Còn mẹ chồng tôi, bà cũng để ý tôi những việc đôi khi chính tôi không ngờ như, quên khăn tắm ở đầu giường (vì tôi đang lau đầu thì bé khóc đòi ti nên để quên khăn mà không nhớ) hay không phân loại quần áo khi cho vào chậu giặt… Điều đáng nói là, những chuyện nhỏ nhặt ấy, bà không góp ý trực tiếp với tôi mà lại nói cùng chồng để chồng bảo vợ, việc ấy cũng khiến tôi có lần tự ái. Vậy đấy, mẹ chồng và tôi, chúng tôi cũng chấp nhặt nhau nhiều thứ.
Quay lại câu chuyện của các nàng dâu hiện đại. Quanh quẩn, đa phần tôi thấy mọi người đang gây những nỗi căng thẳng trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu vì những chuyện “nhỏ như con thỏ”. Chẳng hạn, tôi thấy một mẹ than rằng, bà trông cháu cho mẹ ra ngoài một lúc, về nhà, bà mẹ chồng kể một cách rất vui là vừa rồi thằng cu nó mút tay bà chùn chụt. Bà mẹ trẻ cho rằng hành động ấy “chẳng ra làm sao cả” bởi kẽ tay bà trông “bẩn chết đi được”. Bà mẹ trẻ chốt lại: “Thật là kinh tởm”. Một vài bà mẹ khác cũng vào bình luận kể xấu mẹ chồng rằng thì là “bà ấy định cho con tớ bú ti bà”, “bà ấy cho con mút môi bà”… Có mẹ than thở việc mẹ chồng cứ đi dép loẹt quẹt trong nhà, mẹ khác “phát điên” vì mẹ chồng suốt ngày đi buôn chuyện… Chẳng hiểu sao, tôi đọc mà xót xa.
Rộng lòng mà nghĩ
Tôi và mẹ chồng khác biệt còn rất nhiều thứ khác. Tuy vậy, mối quan hệ của chúng tôi vẫn tốt. Mẹ chồng, có những thứ khiến tôi không hài lòng đi nữa, nhưng bà đã bỏ ruộng vườn, đã chấp nhận xa bố chồng để chăm sóc con cho chúng tôi, điều đó đáng quý gấp vạn lần những thứ nhỏ nhặt kia. Bà yêu thương con cháu lắm, bà mới hy sinh cho chúng tôi như thế, cớ gì, chỉ vài ba những chuyện nhỏ mà tôi gây căng thẳng cho bà?
Tôi đã nghĩ thế, và việc tôi làm là cố gắng dung hòa, trò chuyện với bà nhiều hơn, những gì tôi chưa được tôi sửa hoặc nói để bà thông cảm, còn những gì tôi thấy bà chưa ổn, tôi sẽ khéo léo nhắc nhở, hoặc nhờ chồng, nhờ sách nói hộ. Nói cho đúng, ngay cả mẹ đẻ tôi, nhiều thứ tôi cũng còn xung khắc và bất đồng cơ mà. Một khi nghĩ những gì bà làm cho chúng tôi, tôi cảm thấy thoải mái và yêu thương bà nhiều hơn.
Chuyện các bà mẹ trẻ hùa nhau nói xấu mẹ chồng và kể lể những chuyện xung khắc đơn giản trong cuộc sống hàng ngày khiến tôi xót xa là thế. Tôi không nghĩ rằng có nhiều bà mẹ chồng xấu tính đến thế. Đành rằng cái chuyện “khác máu tanh lòng” chẳng phải hiếm, có nhiều bà mẹ chồng cũng ghê gớm thật, cực đoan thật, nhưng các bà mẹ chồng, đều yêu thương con mình, chỉ là cách yêu thương khác nhau, nghĩ khác nhau nên sẽ hành động khác nhau. Nhưng, tôi vẫn tin rằng, các bà mẹ chồng đa số là tuyệt vời, có thể, đến lúc bạn làm mẹ chồng, bạn sẽ hiểu các bà hơn đấy. Hơn nữa, những thói quen của bà, đôi khi chính bạn cũng mắc phải mà bạn đâu biết, như việc hay buôn chuyện, thế nhưng bạn đã luôn dùng “định kiến” để nâng những điều nhỏ nhặt trở thành to tát. Bỏ qua đi những chấp nhặt trong cuộc sống hàng ngày, những mâu thuẫn cỏn con thì bạn sẽ thấy yêu thương người mẹ thứ hai hơn.
Hãy tin tôi đi, cả bạn, cả mẹ chồng đều rất nhiều điểm “chưa được”, đừng “xé ra to”, mọi thứ sẽ vẫn là “chuyện nhỏ”. Cuộc sống của bạn sẽ dễ thở hơn nhiều, bạn sẽ gọi mẹ chồng là “mẹ” chứ không phải “mộng chè” hay “em xi” (MC) nữa.
Lê Minh
(Theo congluan.vn)
Mời độc giả đọc thêm bài viết được quan tâm:
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Buồn nhất sau chia tay là người ta quên mà mình vẫn nhớ