10 lễ hội xuân đặc sắc nhất tháng Giêng
Tin liên quan
Những lễ hội đặc sắc dọc ba miền đất nước sau Tết Nguyên đán luôn thu hút được đông đảo du khách, thể hiện sự tôn kính, niềm tin thiêng liêng với những người được thờ cúng và sự hy vọng vào một năm mới bình an, hạnh phúc, nhiều may mắn.
Hội Lim, Bắc Ninh
Là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc, hội Lim diễn ra hàng năm từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hội mở đầu bằng lễ rước vào 8h sáng ngày chính hội 13 tháng Giêng. Đông đảo người dân tham gia lễ rước trong những bộ lễ phục ngày xưa đẹp mắt, sặc sỡ, cầu kỳ.
Hội Lim có nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian như đấu cờ, đấu vật, đấu võ, đu tiên, nấu cơm, thi dệt cửi...
Nổi bật và hấp dẫn hơn cả là phần hát hội tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ nằm sát cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thếp vàng rời bến với những câu hò đậm đà tình nghĩa.
Các liền chị ngồi một bên thuyền và các em nhỏ ngồi đối diện, xúng xính trong những tà áo tứ thân cùng các liền anh đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Đêm hội hát thi quan họ giữa các làng quan họ diễn ra vào tối ngày 12. Mỗi làng quan họ đều dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim.
Lễ hội chùa Hương, Hà Nội
Thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, lễ hội chùa Hương được xem là một trong những lễ hội đông đúc và kéo dài nhất nước.
Đến đây, du khách vừa được tham gia vào hành trình về cõi Phật vừa được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông khi ngồi thuyền ngắm cảnh hàng giờ. Bên cạnh lễ hội chùa Hương là các hoạt động văn hoá thể thao sôi nổi: Hát quan họ, hát tuồng và các cuộc so tài môn bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, chọi gà…
Lễ được khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch.
Trước hội, ngày mùng 4 sẽ tổ chức phần Lễ. Theo đó, 2 quả pháo lớn tượng trưng cho pháo Nhất, pháo Nhì sẽ được các thanh niên trai tráng trong làng rước từ nhà ông đám trưởng (Trưởng Ban Khánh tiết) ra đình cùng với đoàn tế hàng trăm người dưới sự chứng kiến và háo hức của hàng nghìn du khách thập phương.
Lễ hội Yên Tử, Quảng Ninh
Yên Tử - một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất Việt Nam mỗi năm vào mùa lễ hội vẫn thu hút được hàng trăm nghìn lượt khách đến hành hương. Khu di tích Yên Tử gồm hệ thống am, chùa, tháp và rừng cây cổ thụ hoà mình vào cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử.
Lễ hội Yên Tử diễn ra hàng năm từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài hết tháng 3 Âm lịch.
Núi rừng Yên Tử xưa nay được biết đến và ngợi ca là 'phúc địa', sở hữu nét đẹp hoang sơ, không gian thiên nhiên bao la, kỳ vĩ. Nơi đây là vùng non thiêng đại ngàn trong tâm thức người Việt, nơi phát tích của Thiền phái Trúc Lâm.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Hà Nam
Được tổ chức từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam mang ý nghĩa khuyến nông, là nét đẹp văn hóa về với nguồn cội.
Lễ hội gồm phần Lễ và phần Hội với rất nhiều các lễ khác nhau diễn ra trong 3 ngày: Lễ cáo yết Thành Hoàng, lễ rước nước lên chùa Đọi, lễ sái tịnh, hội thi vẽ và trang trí trâu, lễ rước kiệu đón vua, lễ tịch điền...
Riêng phần Hội gồm các gian hàng bán hàng lưu niệm, trưng bày sản phẩm, tổ chức giải vật Tịch điền Đọi Sơn cùng một số trò chơi dân gian, vui chơi giải trí khác.
Lễ hội cầu Ngư, Huế
Là lễ hội của làng Thái Dương hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, lễ hội cầu Ngư được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng Âm lịch để tưởng nhớ vị thành hoàng của làng là Trương Thiều (biệt danh là Trương Quý Công), người gốc Thanh Hoá đã có công dạy dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành.
Cứ ba năm một lần, làng lại tổ chức đại lễ hội cầu Ngư linh đình với những trò mô tả các sinh hoạt của nghề đánh cá với hoạt động 'bủa lưới' mang ý nghĩa trình nghề, nêu bật nét nghi lễ dân gian của cư dân vùng ven biển.
Lễ hội Vía Bà, Bình Định
Khai hội từ ngày 17 tháng Giêng hàng năm, lễ hội Vía Bà ngoài phần tế lễ, dâng hương, còn có phần trình diễn đội lân, đội rồng trực khai phần xướng hát lễ.
Phần hội diễn ra sôi nổi với sự góp mặt của Câu lạc bộ võ cổ truyền thị xã An Nhơn cùng các màn biểu diễn võ thuật, các trò chơi dân gian chạy việt dã, đập ấm, đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, thi đấu bóng chuyền và xem hát tuồng.
Lễ hội Đền Bà Đen, Tây Ninh
Lễ hội Đền Bà Đen diễn ra từ ngày mùng 10 đến rằm tháng Giêng hàng năm với hàng trăm ngàn du khách các tỉnh đều đến đây đi lễ, xin phước lành bà Linh Sơn Thánh Mẫu.
Lễ hội Đền Bà Đen hay còn gọi là lễ hội đền Linh Sơn Thánh Mẫu, đền nằm trên lưng chừng núi cao khoảng 380m. Đền đến nay đã được trùng tu nhiều lần với con đường bậc thang cho người đi bộ từ chân núi đi lên.
Lễ hội miếu Bà chúa xứ núi Sam, An Giang
Đây được xem là lễ hội lớn nhất trong những lễ hội sau Tết ở miền Nam, diễn ra từ ngày 23 đến ngày 27/4 Âm lịch tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Phần lễ gồm 5 nghi lễ truyền thống là lễ tắm bà, lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về miếu bà, lễ túc yết, lễ xây chầu và lễ chánh tế.
Lễ hội truyền thống miếu bà chúa xứ núi Sam đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngoài phần lễ, nơi đây còn diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ hấp dẫn như biểu diễn lân sư rồng, hát bội, nghệ thuật dân ca Khmer để phục vụ người dân nơi đây và du khách thập phương.
Lễ hội miếu Bà Thiên Hậu, Bình Dương
Theo tín ngưỡng của người Hoa, bà Thiên Hậu là một vị thần phò trợ cho họ trong những chuyến đi dài trên biển, tiếp đến là che chở cho họ ở những vùng đất mới. Tương truyền bà là người có thật, tên gọi Lâm Mị Châu người Phúc Kiến, đời Tống với những biệt tài rất đặc biệt từ lúc còn nhỏ như nghe và nhìn thấy một sự vật cách xa hàng vạn dặm.
Đây được xem là lễ hội Bà lớn nhất trong số các lễ hội sau Tết ở miền Nam, diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch.
Điểm nhấn của ngày chính lễ là nghi thức rước kiệu bà đi một vòng quanh thành phố. Sau đó, mọi người có thể vào viếng Bà, thắp nén hương thơm để tưởng nhớ tới công đức của Bà.
Lễ hội Dinh Cô, Bà Rịa - Vũng Tàu
Lễ hội Dinh Cô diễn ra từ ngày 10 tới ngày 12/2 Âm lịch tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nơi đây thờ bà Lê Thị Hồng Thủy - sau khi chết xác trôi dạt vào bờ được người dân chôn cất cô và lập miếu thờ trên đồi cao.
Từ ngày có miếu thờ, người dân nơi đây có cảm giác như có thêm sức mạnh tinh thần trong những chuyến hải trình trên biển.
Vào ngày chính hội, du khách đều cầm trên tay một cành huệ trắng - tượng trưng của sự tinh khiết của cô gái và một nén nhang để thắp trên bàn thờ. Và hàng trăm ngàn ghe thuyền xếp hàng ngay ngắn trên biển để chuẩn bị cho nghi lễ “Nghinh Cô” đầy tôn kính và linh thiêng.
Dung Nguyễn
Ảnh: Sưu tầm
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất