Bạt mặt ở phố gần chục năm, ngõ ngách Sài Gòn theo bước chân thuở còn sinh viên phát tờ rơi. Vậy mà thi thoảng, mình đi loăng quăng, nghĩ loăng quăng và thể nào trong tuần cũng phải chạy lạc đường vài bận. Bạn mình bảo, cái tính toàn sống trên mây. Mình cười cười. Như chiều nay, gió thông thống ngoài đường, lòng mình trống trải quá mà bạn thì đang ở rất xa. Thèm nghe câu nói quen thuộc mà thể nào tới câu thứ hai bạn cũng phải móc ngoéo mới chịu được. Mình cầm điện thoại, soạn xong tin nhắn, nghĩ sao lại xóa.
Quầy bar của "Café Saigon 1975".
Tối ngủ, mơ thấy gì không nhớ rõ, tự dưng tỉnh dậy chợt thèm xôi vò. Mà phải là gói xôi bán đầu chợ Bàu Sen, mình ăn quen suốt mấy năm đại học. Ký ức ùa về, xốn xang không ngủ lại được. Nằm tới sáng. Rồi ngủ quên. Tỉnh dậy đã 7 giờ. Dặn lòng thôi để bữa sau. Hôm qua, cô em đồng nghiệp hứa chiều cafe với mình. Vậy mà, việc xong, vọt mất về quê, quên cái hẹn. Mình ngồi đợi, mãi không thấy, nhắn tin hỏi. Em nói, mẹ gọi về quê ăn lễ. Tự dưng vui vui buồn buồn. Mới đó mà gần hết năm. Ông anh nhắn, chuẩn bị làm báo tết nha! Thấy thảng thốt! Thời gian trôi nhanh quá!
Mình yêu nhất khoảng thời gian trong lễ. Lơn tơn ngoài đường, phố thưa thớt vài tiếng xe, nắng xiên ngang vỉa hè. Lòng nhẹ bẫng. Đi tha thẩn, khi không nhớ một đoạn đường có tiệm sửa máy may, từ cái bảng hiệu cho đến phong thái của tiệm, chẳng có vẻ gì của năm 2015 cả. Lục tìm trong đầu, chẳng nhớ nó nằm trên con đường nào. Vu vơ ngồi cafe, xem được mấy bức ảnh Sài Gòn xưa trên những tấm bưu thiếp, bồi hồi lạ thường. Sài Gòn thiệt ngộ, chẳng có trầm tích, chẳng có phố cổ lêu hêu mà nhiều người vẫn giữ cho mình chút gì xa xưa rớt lại. Trong những tấm bưu thiếp nâng niu như cổ vật. Trong cả những hoạt động thường ngày.
Tầng hai với những đồ vật, tranh ảnh được chủ nhân cất công sưu tầm trong suốt nhiều năm.
Đó có thể là bà bán xôi bắp tóc bạc phơ mấy chục năm đầu đường Pasteur, tiệm hủ tíu ở quận Bình Thạnh, quán chè ba đời ở quận 6, quán cafe đèn bóng tròn mở toàn nhạc boléro của những tiếng hát trước 75 tối nào cũng đông nghịt người… Đó có thể là con phố Đinh Công Kiều ngập tràn đồ cổ, giả cổ của Sài Gòn xưa. Đó có thể là “gã” chủ quán “chịu chơi”, nghe ở đâu có “đồ cổ” thì lặn lội đi tìm. Đó có thể dăm ba bằng hữu, tóc đã lốm đốm muối tiêu, trốn phố phường, thả hồn theo tiếng hát Thái Thanh phát ra từ chiếc đĩa than “… Kiếp nào có yêu nhau/ Thì xin tìm đến mai sau/ Hoa xanh khi chưa nở/ Tình xanh khi chưa lo sợ…”
Gã chủ quán mê đồ cổ vốn chẳng phải đại gia gì cho cam. Được bao nhiêu từ nghề viết kịch bản và những suất diễn trên sân khấu, gã cắt củm để dành. Nghe ai rao cái chén, cái đĩa thời trước, cái điện thoại bàn nặng trịch, chiếc lon gi-gô, bi-đông nước… là gã lao đi tìm, chẳng quản xa xôi. Có món, gã mua được tức thì. Có món, vét hết tiền trong túi, đếm đi đếm lại không đủ, gã năn nỉ người bán, ráng để dành, nhất định gã sẽ trở lại. Hỏi, gã mua về bán lại kiếm lời phải không? Gã cười cười, lắc đầu: “Hổng có, tại thích nên mua". Đôi ba lần, thấy gã nhẫn nại, người này truyền tai người kia, họ đâm quý gã.
Một góc công sự được tái hiện tại tầng ba như nhắc nhớ về lịch sử Sài Gòn.
Giấu giấu diếm diếm suốt ba năm, người ta nghe gã mở quán cafe. Quán của gã, bề ngoài hiện đại, không có gì đặc biệt ngoài cái bảng hiệu gây tò mò “Café Saigon 1975”. Kéo cửa (gã xài cửa kéo, đúng kiểu xưa chứ không đẩy) thì như bước vào cỗ máy thời gian trở về ba, bốn chục năm về trước. Giật mình, hóa ra những món đồ bấy nay gã len lỏi săn lùng khắp nơi là để dành cho ý tưởng này.
Trái ngược về dáng vẻ hầm hố, gã rưng rưng xúc động, hồi còn nhỏ xíu, gã hay được ba má dắt đi chơi phố. Sài Gòn trong ký ức gã ngày ấy cũng hiện đại, cũng nhộn nhịp mà bình yên và thanh thản lắm, không cuống cuồng, tất bật như bây giờ. Gã nói, có đôi khi trong giấc ngủ, gã tự dưng nhớ gương mặt một ông chạy xích lô, mồ hôi nhễ nhại mà nụ cười rực rỡ như cái nắng tháng ba ươm vàng mật ngọt. Gã thèm thấy một chiếc xe lam tành tạch đỗ lại trước cổng chợ, thèm nghe tiếng các cô, các chị í ới gọi nhau trong tà áo dài trước cổng trường. Sài Gòn ngày ấy còn cất giữ nỗi đau thương của một thời trai trẻ, về chiến tranh, về mất mát, đói khổ, là những ngày cơm độn khoai.
Quầy bar gợi nhớ những quán rượu ngày xưa.
Vài người trêu, gã định làm thay nhiệm vụ của các bảo tàng, tái hiện Sài Gòn xưa. Gã cười, gã biết sức và lực của bản thân đến đâu. Đơn giản, đó là tất cả là ký ức của gã. Gã say nó, yêu nó như một mối tình. Và gã muốn lưu giữ nó, chia sẻ nó với những ai đã từng sống qua thời đoạn đó. Gã cũng chẳng có tham vọng kinh doanh, lời lóm gì. Bởi, với một người nghệ sĩ tính nghĩa hiệp như gã thì làm giàu chưa bao giờ là đích đến. Gã đến với cuộc đời này bằng tâm lý của một kẻ ham chơi. Và đã chơi, thì phải vui.
NSƯT Thành Lộc đến chúc mừng danh hài Lê Quốc Nam.
Thời gian sang cát lâu rồi, mà gã thì cứ lững thững như một kẻ đi ngược chiều trên đại lộ vun vút người, nhặt nhạnh, tìm tòi, cất giữ. Gã, là Lê Quốc Nam, tác giả của rất nhiều kịch bản sân khấu ăn khách tại Sài Gòn.
Sài Gòn lạ thiệt. Gió phóng khoáng vỉa hè, vậy mà có những người cứ đi gom góp, cất giữ những điều rất ngộ. Như mình chiều nay, ngồi ngó những tấm bưu thiếp một thời Sài Gòn xưa, hình như lòng mình cũng đang cất giữ. Những con đường gió lộng áo mỏng, mưa lất phất vỉa hè, ly cafe kèm trà đá miễn phí, đĩa cơm tấm bì chả rưới nước mắm chua ngọt... Những bước chân quen, anh em, bằng hữu... Chú xe ôm gà gật trên xe ở một góc đường... Như người xưa cất giữ tiếng gọi xích lô, tiếng ba bánh đạp, tiếng vó ngựa cọc cạch, tiếng xe lam tành tạch, vạt áo dài trắng tung bay trước gió...
Hoàng Linh Lan
Ảnh: Li Lam + LQN
(Theo Congluan)
Có bạn nào cũng đang dùng em kem chống nắng “quốc dân” này không?