Quán cà phê lưu giữ dòng nhạc tiền chiến

Anh Quân 2015-08-27 09:09
- Giữa những xô bồ của cuộc sống hiện đại hôm nay, quán Lộc Vàng là nơi người chủ quán già vẫn miệt mài gìn giữ dòng âm nhạc có giá trị bất biến theo thời gian cho thế hệ mai sau.
Người yêu nhạc vàng ở Hà Nội hẳn không mấy xa lạ với cái tên Lộc Vàng - người ca sĩ bước ra từ cuộc đời đầy bi kịch, nhiều nước mắt. Những người mê nhạc của ông thường lui về quán cà phê mang tên ông để thả hồn cùng những điệu nhạc, sống lại những năm tháng chưa xa của một thời quá khứ. 
Hàng tuần, ông vẫn hát bằng tất cả niềm đam mê vẹn nguyên thời trai trẻ để phục vụ người yêu nhạc Hà Nội. Ở tuổi 70, giọng ca Lộc Vàng vẫn khỏe khoắn, tâm trạng và nhiều cảm xúc như chính cuộc đời nhiều mất mát, khổ đau của ông khi quyết tâm theo đuổi dòng nhạc lãng mạn, trữ tình ấy.
Quán cà phê lưu giữ dòng nhạc vàng đặc sản của dân tộc
"Nghệ sĩ Lộc Vàng đi hết cuộc đời chẳng biết dại, khôn".
Tọa lạc ở số 71 đường Trích Sài, ven Hồ Tây lộng gió, quán cà phê Lộc Vàng của ông Nguyễn Văn Lộc (sinh năm 1945, mà người đời vẫn quen gọi là ca sĩ Lộc Vàng) là địa chỉ thân thương dành cho những ai yêu dòng nhạc tiền chiến (nhạc vàng) của dân tộc. Tên tuổi và dòng nhạc duy nhất biểu diễn tại quán của ông từ lâu đã đi vào tiềm thức của người Hà Nội xưa, để rồi mỗi khi lui tới quán, thưởng thức thứ âm nhạc đặc sản ấy, người ta được tắm mình trong cảm xúc, hoài tưởng và suy ngẫm, tìm đến những phút giây thư giãn thực sự, trở về những năm tháng đã qua của cuộc đời, để chiêm nghiệm nhiều hơn về cuộc sống hôm nay.
Quán cà phê lưu giữ dòng nhạc vàng đặc sản của dân tộc
Ông Nguyễn Văn Lộc mở quán cà phê này từ năm 2008, hàng tuần, quán ông phục vụ nhạc sống vào ba tối, thứ 2, 5, 7 vào khung giờ 20h30 cho đến 22h30. Những ngày này, quán lại đông khách hơn ngày thường. 
Bất kỳ ai khi lần đầu đến quán, gặp người đàn ông đã bước sang tuổi xế chiều đều cảm thấy ấn tượng. Ấn tượng bởi cử chỉ ân cần, trìu mến ông dành cho khách và nếu có thời gian ngồi tiếp chuyện, bạn sẽ còn bị ám ảnh bởi nét khắc khổ trong đôi mắt ngấn nước, luôn chực khóc của ông. Ông chia sẻ rằng mình mở quán cà phê này không vì mục đích kinh doanh, mà chỉ với một tâm nguyện duy nhất: muốn giữ gìn dòng nhạc trữ tình trước năm 1945 quý giá đang dần bị mai một cho dân tộc bởi theo quan điểm của ông, những lớp ca sĩ hiện nay đều hát bằng giọng Ô-pê-ra nên không thể hiện được hết chất giọng của người Việt Nam. Và đáng nói hơn, cuộc đời bi kịch, nhiều nước mắt của ông cũng có ân oán với dòng nhạc này.
Quán cà phê lưu giữ dòng nhạc vàng đặc sản của dân tộc
Ông nhớ lại, từ khi còn là trẻ con, ông đã được người cha tài năng gieo vào đầu những ca từ lãng mạn, sâu lắng của những bản nhạc vàng, ông ngân nga hát mỗi ngày và say mê theo những giai điệu mượt mà, quyến rũ ấy. Thời bấy giờ, ông và những người bạn của mình thường tụ tập gẩy đàn, hát cho nhau nghe. Dòng nhạc ngấm dần trong tâm thức và lớn lên theo những kỷ niệm của tuổi thơ ông.
Nhưng sóng gió cuộc đời ập đến bên đời ông cũng bắt nguồn từ tình yêu âm nhạc, dẫn ông đến một ngã rẽ oan nghiệt với những năm tháng đen tối nhất: Những năm 1970, nhạc tiền chiến bị đánh đồng với nhạc vàng uỷ mị, không được coi là một giá trị cần phổ biến. Ông và những người bạn bị kết án nhiều năm tù. Chôn vùi những năm tháng thanh tân đẹp nhất của cuộc đời trong lao khổ, sau khi ra tù, ông bôn ba khắp nơi, làm nhiều nghề để đi qua những khó khăn, thách thức của thời đại. Ông nói rằng mình là người may mắn khi gặp được người vợ hiền, đã đồng cam cộng khổ cùng mình trong những tháng ngày khó khăn nhất. Ông mang ơn vợ mình.
Quán cà phê lưu giữ dòng nhạc tiền chiến
Khi đã ổn định ít nhiều, ông tính chuyện mở quán. Ông xoay sở mở quán cà phê ca nhạc với mong muốn mang tiếng hát đến với công chúng nhưng ba lần thất bại, phần lớn là do chuyện lý lịch. Quán cà phê nhỏ giờ đây là thành quả của nhiều năm nỗ lực của ông và bạn bè. Ít ai biết được đằng sau tiếng hát thăng hoa trên sân khấu, ông phải vất vả nhiều nghề, thậm chí, có những khi ông phải bán nhà, cầm cố tài sản ít ỏi của mình để có tiền duy trì quán.
Để gìn giữ và trân trọng một nét đẹp văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến từng có lúc bị lãng quên và hắt hủi một cách xót xa này, ông đã rất khó tính khi chọn ra những ca sĩ hát giọng thật, âm sắc chuẩn, "người Việt Nam hát tiếng Hà Nội", có thể truyền tải được những cảm xúc thật nhất của ca khúc, đưa người nghe trở về với quá khứ. Họ là những ca sĩ nghiệp dư bước ra từ cuộc đời, cùng trăn trở với dòng nhạc của dân tộc và có khả năng thổi hồn vào những ca khúc bất hủ đi cùng năm tháng.
Quán cà phê lưu giữ dòng nhạc vàng đặc sản của dân tộc
Quán cà phê lưu giữ dòng nhạc vàng đặc sản của dân tộc
Trong không gian quán nhỏ của mình, ông treo trên tường những bức ảnh nhạc sĩ mà mình ngưỡng mộ như Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Trịnh Công Sơn. Ông thuộc lòng những tác phẩm của họ cùng những sáng tác của Nguyễn Văn Thương, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Khánh, Phạm Duy, Châu Kỳ... Sau năm 1945 còn có những bản của Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng... ông vẫn hằng đêm hát bằng cả trái tim mình, phục vụ những người chung sở thích.
Quán cà phê lưu giữ dòng nhạc vàng đặc sản của dân tộc
Nói về những kỷ niệm với quán cà phê này, ông có phần tự hào khi nói rằng có những người ở Sài Gòn, tỉnh xa, thậm chí người nước ngoài muốn nghe nhạc Việt đều đến quán của ông để nghe. Những tình khúc gắn sâu vào ký ức, hằn in vào tâm khảm của người nghệ sĩ già phải kể đến "Những người em gái miền nam" của Đoàn Chuẩn, "Đêm đông" của Nguyễn Văn Thương, "Nỗi lòng người đi" của Nguyễn Văn Khánh, "Đi tìm kỷ niệm" của Nguyễn Văn Thái và không thể thiếu "Niệm khúc cuối" của Ngô Thụy Miên - bài hát mà vợ ông thích nghe khi còn sống.
Những người đã từng là khách quen của quán ông, hẳn cũng phần nào cảm nhận được tấm chân tình hiếm có ông dành cho người vợ quá cố của mình. Ông chưa bao giờ thôi khóc trong lòng vì những mất mát, hy sinh của bà dành cho gia đình nhỏ. Mỗi lần nhắc đến vợ mình, ông đều nghẹn lại. Năm 2002, vợ ông không qua khỏi bạo bệnh, bà mất trong khi gia đình khánh kiệt mọi thứ, để lại niềm tiếc thương vô bờ và mang theo cả một phần tâm hồn ông xuống mộ. Suốt 13 năm qua, kể từ khi vợ mất, trong ngày giỗ của vợ mình, ông đều đứng trên sân khấu khỏ, hát bằng cả tâm hồn bài hát mà vợ ông thích nhất: "Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời/ Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây... Dù có ước, có ước ngàn lời, có trách một đời/ Cũng đã muộn rồi/ Tình ơi dù sao đi nữa xin vẫn yêu em". 
Video quán cà phê Lộc Vàng.
Nhiều người Hà Nội đến với quán ông như một thói quen, một nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Ông cũng dành cho những vị khách của mình sự mến thương chân tình của những người tri kỷ, họ chung nhau niềm đam mê được hát và được thưởng thức âm nhạc. Bởi vậy, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy ông chủ quán quen hầu hết mọi người và luôn dành thời gian để hỏi han, chuyện trò cùng họ.
Người đời đến với ông vẫn tin rằng ông có một sức mạnh nội tâm kỳ lạ để có thể đứng vững trước bão tố cuộc đời và vẫn hát bằng cả tâm hồn và trái tim với những vết sẹo không bao giờ lành trên sân khấu hôm nay. Nhưng những giai điệu ấy cùng tên tuổi người nghệ sĩ bước ra từ cuộc đời trầm luân ấy sẽ mãi trường tồn, bất diệt trong lòng người yêu nhạc.
Bài và ảnh: Anh Quân
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

"Phù phép" chân to như củ cải thành thon dài như siêu mẫu với 5 bài tập đơn giản, tập ngay tại nhà