3 cách làm củ kiệu ngâm chua ngọt ngon bá cháy, ăn cùng thịt quay thì ‘cực đỉnh’
Tin liên quan
Củ kiệu ngâm chua ngọt kiểu miền Nam
Nguyên liệu:
- 1 kg củ kiệu
- Vài củ hành
- Muối hột
- Đường
Củ kiệu ngâm chua ngọt kiểu miền Nam
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế củ kiệu
Sơ chế củ kiệu (đây là bước rất quan trọng để củ kiệu của bạn không còn vị hăng, đồng thời, giòn và ngon hơn).
Để giúp củ kiệu không còn mùi hăng, đầu tiên, bạn chuẩn bị một hỗn hợp dùng để ngâm kiệu gồm: nước, tro, phèn chua (hoặc vôi trong).
Bạn ngâm kiệu trong khoảng 48 tiếng đồng hồ.
Sau đó, vớt củ kiệu ra, cắt rễ, ngọn và lột bỏ lớp vỏ bên ngoài thật sạch sẽ.
Chúng ta đem rửa lại củ kiệu, sau đó mang đi phơi nắng khoảng 2 đến 3 ngày rồi rửa sạch lại lần nữa và để ráo nước.
Bước 2: Cách ngâm củ kiệu với đường và muối
Chị em ngâm kiệu trong nước muối loãng trong khoảng 12 giờ đồng hồ để bớt vị cay và mùi nồng khó chịu của củ kiệu. Sau đó, vớt kiệu ra xả lại với nước sạch, để ráo.
Khi kiệu đã ráo, bạn ướp đường vào kiệu theo công thức: cứ 1 kg kiệu sẽ tương đương với 200 gram đường và 15 gram muối. Khi ướp, chị em nhớ trộn đều kiệu để kiệu thấm đều gia vị.
Cách muối củ kiệu miền Nam cũng giống các cách muối củ kiệu đơn giản ở các địa phương khác. Bạn xếp kiệu vào hũ thủy tinh thật đều và kín, tránh để khoảng cách giữa các củ kiểu hở quá nhiều. Phần muối và đường còn lại bạn rải đều lên mặt kiệu.
Sau khoảng 2 ngày, đường và muối sẽ tan hết, bạn gắp kiệu vào một hủ thủy tinh sạch khác. Đồng thời, dùng nan tre gài lên phía trên mặt kiệu rồi đổ phần nước đường, muối đã tan vào tiếp tục ngâm.
10 ngày sau, bạn sẽ có một hủ kiệu muối miền Nam ngon lành rồi đấy.
Củ kiệu muối chua ngọt bằng giấm đường
Nguyên liệu:
- Kiệu tươi: 1 kg
- Giấm ăn: 300 ml
- Đường trắng: 250 – 300 gram
- Phèn chua, ít muối hột
- Hũ ngâm (thủy tinh hoặc nhựa, có nắp đậy)
Củ kiệu muối chua ngọt bằng giấm đường
Cách sơ chế và phơi củ kiệu:
Củ kiệu ngâm nước muối pha loãng nửa ngày, rồi rửa nước lạnh nhiều lần cho sạch.
Đập nhuyễn phèn, pha đều với nước.
Cho củ kiệu đã sơ chế vào nước phèn pha loãng. Sau đó, phơi nắng củ kiệu khoảng ít nhất 2 tiếng cho ngấm trắng giòn.
Kiệu phơi xong thì lấy vào, rửa sạch, tiếp tục phơi nắng thêm 3 – 4 giờ đồng hồ nữa. Cắt rễ, bỏ ngọn, lột vỏ kiệu, rửa nước sạch.
Cách muối củ kiệu đơn giản chua ngọt với đường và giấm
Lấy tô lớn, đổ giấm vào, rồi từ từ cho kiệu vào, vớt ra cho khô. Cách muối củ kiệu đơn giản này giúp quá trình lên men diễn ra thuận lợi và dễ dàng hơn.
Lấy hũ ngâm, xếp sẵn một lớp đường dưới đáy.
Kiệu khô giấm thì xếp đều vào hũ ngâm, trên lớp đường. Lần lượt xếp xen kẽ lớp đường, lớp kiệu như vậy cho đến khi đầy hũ là được.
Đậy nắp kín, chừng 2 ngày sau là kiệu lên men. Nhưng lúc này, bạn thực hiện tiếp công đoạn gắp riêng kiệu ra cho vào một hũ khác, dùng nan tre gài lại. Ở phía trên nan tre, bạn đổ nước đường đã tan trong hũ ngâm củ kiệu cũ, đậy nắp.
Cách muối củ kiệu đơn giản chua ngọt với đường này ngâm thêm 14 ngày nữa là lên men chua ngọt vừa ăn.
Thông thường, củ kiệu thường dùng kèm tôm khô ăn tết cho hài hòa hương vị.
Củ kiệu muối chua ngọt bằng nước mắm
Nguyên liệu:
- Củ kiệu: 1 kg
- Cà rốt: 1 củ
- Đu đủ xanh: ½ quả
- Nước mắm ngon: 1 bát con
- Đường trắng: 1 bát con
- Muối tinh
- Ớt hiểm: 2 - 3 quả
- Hành lá: 1 nắm nhỏ
Củ kiệu muối chua ngọt bằng nước mắm
Cách làm:
Củ kiệu bạn rửa sạch bùn đất, cắt bỏ rễ và đuôi củ kiệu, bỏ cả lớp màng già bên ngoài, chỉ lấy phần ruột trắng non bên trong. Lưu ý, bạn không cắt quá sâu vào rể sẽ làm củ kiệu dễ bị úng nước, mềm mất đi độ giòn ngon.
Tiếp đó bạn chuẩn bị một chậu nước muối loãng, trút kiệu vào ngâm trong 4 - 5 tiếng. Bên cạnh muối, bạn có thể hòa tro bếp với nước và ngâm kiệu trong nước tro qua đêm. Cách làm này giúp kiệu bớt mùi hăng, trắng giòn khi muối.
Sau khi ngâm kiệu, bạn cho kiệu ra khay lớn, mâm hoặc rổ rá… đem phơi nắng 1 ngày cho kiêu rút bớt nước hơi héo, rồi lột bớt lớp màng kiệu bị héo và phần rễ khô còn sót lại.
Đu đủ bạn gọt vỏ, rửa sạch, thái mỏng rồi ngâm với nước lạnh cho bớt nhựa.
Cà rốt bạn gọt vỏ, rửa sạch, tỉa hoa rồi cắt mỏng.
Hành lá bạn cắt rễ, rửa sạch rồi thái khúc 4 - 5 cm.
Tiếp đó bạn nấu nước mắm ngâm kiệu: Bạn chuẩn bị một chiếc nồi, đổ nước mắm và đường vào trong, bắc lên bếp nấu sôi. Trong quá trình nấu bạn khuấy liên tục để đường tan. Nước mắm sôi bạn vặn nhỏ lửa, nấu tiếp khoảng 20 phút, quan sát thấy nước mắm sánh lại thì tắt bếp, hớt bớt bọt, để nước mắm nguội hoàn toàn mới ngâm kiệu.
Bạn xếp kiệu, cà rốt, đu đủ, hành lá, ớt hiểm vào hũ, sau đó đổ ngập nước mắm đường, có thể dùng 1 chiếc nan tre gài lại để kiệu không nổi lên trên nước mắm. Sau đó đậy kín nắp, để nơi khô thoáng. Khoảng 3 ngày sau kiệu ra nước làm loãng nước mắm ngâm, bạn trút hỗn hợp nước mắm này vào nồi, nấu sôi rồi để nguội đổ lại vào hũ kiệu ngâm. Khoảng vài ngày sau, kiệu ngấm nước mắm là có thể ăn được.
Sau khi mở nắp bạn nên cất lọ củ kiệu ngâm nước mắm trong tủ lạnh để bảo quản được lâu nhé!
Khi ăn bạn gắp củ kiệu ra đĩa, thưởng thức cùng bánh chưng, bánh tét hay đơn giản là chén cơm nóng, có thêm đĩa thịt luộc lại càng ngon hơn.
Chúc bạn thành công!
Bồ Đào (Tổng hợp)
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất