3 cách làm bánh tro (bánh ú) tại nhà cho ngày Tết Đoan ngọ, thanh mát ngọt lịm, ai thử cũng mê

Bồ Đào 2022-06-01 13:45
- Nhân ngày Tết Đoan ngọ cận kề, cùng vào bếp tự làm bánh tro (bánh ú) thanh đạm, dễ ăn và ngọt mát bạn nhé!

Bánh tro nhân đậu xanh

Nguyên liệu:

  • Nửa kí gạo nếp vo sạch
  • 100 gram đường trắng
  • 1 muỗng canh nước tro tàu
  • 200 gram hạt đậu xanh không vỏ (hoặc tự đãi vỏ)
  • 1 thìa cà phê muối ăn
  • 1 lít nước lọc
  • Dụng cụ gói bánh: lá tre, lạt.

3 cách làm bánh tro (bánh ú) tại nhà cho ngày Tết Đoan ngọ, thanh mát ngọt lịm, ai thử cũng mê

Bánh tro nhân đậu xanh

Cách làm bánh ú lá tro nhân đậu xanh truyền thống Tết Đoan Ngọ:

Bước 1: Ngâm gạo nếp với nước tro tàu

Cho gạo nếp đã vo vào thau nước muối pha loãng, ngâm ít nhất 5 tiếng. Nếu có thời gian, bạn ngâm gạo qua đêm cho mềm hạt nhé.

Sau thời gian trên, vớt gạo ra cho ráo nước.

Đổ 1 thìa muối ăn vào trộn đều với gạo. Đây là mẹo làm bánh nếp tro có độ dẻo mềm ngon hơn chứ không bị cứng.

Cho nước tro tàu vào tô sạch, thêm nước lọc vào, khuấy đều.

Gạo nếp trộn muối cho vào thau sạch, đổ nước tro tàu vào sao cho ngập gạo, xóc lên rồi dàn đều cho gạo ngấm nước tro.

Ngâm gạo với nước tro trong 20 đến 22 tiếng đồng hồ.

Bước 2: Sên nhân đậu xanh

Cho đậu xanh vào thau nước ấm, ngâm ít nhất 2 tiếng cho mềm.

Sau thời gian trên, vớt đậu ra và cho vào nồi.

Đổ nước lọc vào nồi, đủ để ngập đậu, bật bếp nấu.

Bạn ninh đậu xanh với lửa nhỏ cho chín mềm và nhừ thì mới thêm đường vào khuấy đều.

Khi này, nhớ lấy muỗng/ muôi gỗ vừa khuấy, vừa tán đậu xanh chín ra cho nhuyễn và tơi.

Tắt bếp, đổ phần nước hầm đậu xanh đi. Cho đậu vào máy sinh tố, xay tốc độ cao cho nhuyễn mịn hoàn toàn.

Đổ đậu xanh vừa xay vào chảo, bật chế độ lửa liu riu, sên cho đậu xanh sệt khô lại thì nêm nếm đường vừa miệng, rồi tắt bếp.

Để nhân đậu xanh qua một bên, đợi nguội thì vo thành các viên tròn nhỏ khoảng hơn 1 đốt ngón tay một chút, để riêng. Trong lúc đó, bạn chuẩn bị lá tre để gói bánh tro nhé.

Bước 3: Cách gói bánh ú nếp tro bằng lá tre

Trước khi gói bánh, bạn rửa từng lá tre, dây lạt cho sạch. Sau đó, bắc nồi nước sôi, cho lá tre, dây lạt vào chần để làm sạch và giúp lá có độ mềm, dai, thuận lợi gói bánh ú.

Lấy 2 lá tre đã sơ chế xếp chồng lên nhau, rồi cuộn lại hình cái phễu như hình.

Quét một lớp dầu dừa (hoặc dầu ăn cũng được) mỏng bên trong phễu lá tre để khi nấu, bánh không dính lá.

Múc một ít gạo nếp ngâm nước tro vào phễu lá, rồi cho 1 viên nhân đậu xanh vào giữa. Sau đó, lắc nhẹ phễu cho gạo rải đều.

Phủ tiếp lớp gạo nếp lên trên nhân đậu xanh cho kín đều, dùng ngón tay nhấn chặt nguyên liệu xuống.

Lần lượt gấp các mép phễu lá vào trong cho kín, buộc cố định lại bằng dây lạt bên ngoài.

Thực hiện tương tự với các phần bánh còn lại.

Nấu bánh tro (bánh gio) cho ngày Tết Đoan Ngọ

Lấy nồi đủ lớn, đổ nước khoảng 3/4 nồi, nấu sôi.

Sau đó, nhẹ nhàng cho các gói bánh ú tro đã gói vào nồi sao cho ngập nước.

Nấu khoảng 1 – 2 tiếng là bánh gio chín đều, bạn vớt ra, xả nước lạnh để bánh chắc và ngon hơn.

Khi ăn, bạn chỉ cần mở lá tre ra và thưởng thức hương vị món bánh độc đáo này. Đặc trưng của bánh gio Tết Đoan Ngọ là sự quyện hòa giữa vị thơm dẻo của vỏ nếp bên ngoài và độ ngọt bùi của nhân đậu xanh bên trong. Bạn có thể chấm kèm bánh ú với nước sốt mật ong, hoặc nước đường để món ăn thêm ngon miệng.

Bánh tro nhân đậu đỏ

Nguyên liệu cần có cho món ăn này:

  • Nước tro tàu: 3 muỗng canh
  • Đường đen: 200g
  • Gạo nếp: 1kg
  • Lá tre bương
  • Đậu đỏ: 500g
  • Dầu ăn: 1 muỗng canh
  • Dây lạt

3 cách làm bánh tro (bánh ú) tại nhà cho ngày Tết Đoan ngọ, thanh mát ngọt lịm, ai thử cũng mê

Bánh tro nhân đậu đỏ

Cách làm bánh ú tro nhân đậu:

Ngâm gạo nếp với nước pha chút muối qua 1 đêm rồi vớt ra, vo lại cho sạch rồi để rổ cho ráo nước.

Cho nước tro hòa với 1 bát con nước lọc và trộn với gạo, để ngâm khoảng 6h. Ủ gạo xong thì rửa lại và chờ ráo, trộn tiếp với chút dầu ăn.

Tuy cách làm bánh ú nước tro có hơi cầu kì khi chuẩn bị gáo nhưng lại khiến lớp vỏ bánh thơm ngon một cách đặc biệt.

Đậu đỏ cũng ngâm nước ấm qua đếm rồi rửa lại và nấu cho chín. Giã đậu đỏ bằng cối hoặc cho vào máy xay nhuyễn.

Sên đậu đỏ cùng chút đường và dầu ăn cho đường tan và hòa đều vào đỗ thì tắt bếp, đổ ra bát. Chờ hỗn hợp nguội thì dùng tay lăn thành viên tròn như quả trứng chim cút.

Rửa sạch lá tre và xếp chồng lên nhay, cuốn đầu lá thành hình phễu và cho gạo nếp vào, đặt viên đỗ vào giữa và thêm chút gạo để phủ kín viên đỗ, ấn nhẹ tay cho mặt gạo phẳng thì gấp các góc lại và dùng dây buộc chặt.

Nếu thích cách làm bánh ú nhân đậu xanh thì có thể thay đậu đỏ thành đậu xanh và chế biến như bình thường nhé.

Gói xong bánh thì buộc khoảng 5 cái thành một chùm và bắt đầu luộc bánh. Đun nồi nước rồi thả các chùm bánh vào luộc chín, nước luộc phải ngập hơn một gang tay so với mặt bánh, thỉnh thoảng phải chế vào nước sôi vì khi luộc nước sẽ bị cạn.

Nấu trong khoảng 1,5 đến 2 tiếng tùy độ lớn nhỏ của bánh, bánh chín thì vớt khỏi nồi và treo ở chỗ thoáng.

Bánh tro chấm mật mía

Nguyên liệu cần có

  • Gạo nếp cái hoa vàng ngon: 500g
  • Nước tro
  • Lá dong (Bánh tro sẽ ngon và chuẩn vị hơn khi bạn sử dụng lá tre để gói)
  • Muối
  • Mật mía
  • Dây lạt buộc bánh

3 cách làm bánh tro (bánh ú) tại nhà cho ngày Tết Đoan ngọ, thanh mát ngọt lịm, ai thử cũng mê

Bánh tro chấm mật mía

Cách làm bánh tro truyền thống

Bước 1: Làm nước tro

Nước tro là phần vô cùng quan trọng quyết định đến thành công của món bánh tro.

Bạn sử dụng loại tro có bán sẵn đem về hòa với vôi tôi, để chừng 2 tiếng để vôi lắng xuống thì gạn lấy phần nước trong.

Chú ý, nên đổ phần nước này qua khăn lọc để loại bỏ toàn bộ các cặn bẩn còn sót lại. Nước tro vì thế cũng trong và bớt sạn.

Ngoài ra, bạn nên pha theo tỉ lệ phù hợp để nước tro không bị quá nồng mùi vôi nhé. Thường cứ 10g vôi bột sẽ pha với 1 lít nước.

Bước 2: Ngâm gạo

- Cho phần gạo nếp đã chuẩn bị đi vo thật sạch sau đó trút vào chậu nước ngâm khoảng 22 tiếng. Để biết gạo đã đạt chuẩn hay chưa, bạn chỉ cần dùng tay xiết nhẹ, nếu thấy gạo vỡ ra là được.

- Gạo đã ngâm xong, bạn vớt ra rổ cho ráo nước rồi xóc thêm 1 chút muối như thế bánh khi chín sẽ đậm vị hơn.

Bước 3: Gói bánh

- Lá dong rửa sạch, lau khô sau đó loại bỏ hết phần cuống cùng gân lá để lúc gói không bị giòn, gãy.

- Đặt lá dong vào một mặt phẳng sau đó rải gạo lên bên trên. Chú ý, nên rải gạo 1 lượng bằng 2 ngón tay là đẹp.

- Dùng tay gói mép lá với nhau, gấp vuông 2 đầu lá sau đó dùng lạt buộc bánh lại cho thật chắc. Ở bước này, bạn phải gói lạt sao cho bánh chắc, không bị rời ra.

Bước 4: Luộc bánh tro

- Xếp 1 lớp lá dong xuống dưới đáy nồi rồi lần lượt cho bánh lên trên. Đổ nước lã ngập mặt bánh và bắt đầu luộc.

Vì bánh khá nhỏ nên dễ bị nổi lên trên, khó chín đều. Bạn nên đặt vật nặng lên bên trên bánh như thế sẽ tránh được tình trạng trên.

- Bánh tro sẽ chín sau khoảng 2 - 3 tiếng luộc. Lúc này, bạn chỉ cần vớt bánh ra rồi để nguội và thưởng thức là được.

Bước 5: Thành phẩm

- Bánh tro sau khi nguội là có thể bóc ra và thưởng thức rồi. Bánh dẻo dai, thơm mềm, trong vắt. Khi ăn cảm nhận được cảm giác mát lạnh. Nhờ ngâm nước tro nên bánh có màu hổ phách cực kỳ bắt mắt.

- Bạn nên chấm bánh tro cùng với mật mía để món bánh này thêm ngon và đậm đà hơn.

Chúc bạn thành công!

Bồ Đào (Tổng hợp)

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Top 4 kem dưỡng trắng da mặt đáng để mua nhất mùa đông năm nay