Sinh viên thất nghiệp và chuyện “học, học nữa, học mãi”!

2015-06-19 06:58
- Rất nhiều sinh viên ra trường không xin được việc làm và lại tiếp tục học thêm văn bằng 2 hoặc học lên cao học…

 

Hôm rồi tôi có về quê ăn cỗ cưới, gặp gỡ giao lưu với mấy đứa em trong họ mới biết họ nhà tôi toàn cử nhân đang học lên thạc sỹ cả, nghe oách quá! Tôi vừa mừng vì họ nhà mình hiếu học chưa lâu thì bỗng giật thột nghĩ “ơ thế chúng nó đi học cao học để làm gì nhỉ?”, liền đem tâm sự giãi bày với cha bác hai họ là “sao tụi trẻ họ nhà mình ham học vậy cô chú?” thì thấy bố mẹ người thì cười lảng lảng, người thì bấm tay nhau, có một vài nhà vẫn còn làm nông thì hồn nhiên trả lời “Khổ! Em nó ra trường có xin được việc đâu, lại chả đi học cho nó cao lên để còn đi xin việc!”.

Lúc ấy, tôi mới hiểu cái căn nguyên mà mấy đứa em họ không đi xin việc sau khi học xong đại học là gì? Hóa ra không phải là vì hiếu học, muốn mở mang tri thức mà là thất nghiệp nên đi học cao lên! Ngẫm mà thấy nản…

Sinh viên thất nghiệp và chuyện “học, học nữa, học mãi”!

Họ hàng ở quê tôi đa phần là người làm nông, nhìn chung cũng thiếu thốn vất vả, lo cho con cái ăn học là cả một sự cố gắng. 12 năm học phổ thông, 4 năm đại học, cộng là 16 năm đèn sách, bao nhiêu là của nả, bao nhiêu là mồ hôi, bao nhiêu là vất vả… người quê có tính hi sinh, chịu thương chịu khó cực kì, các cô chú tôi bảo “nghèo thì nghèo nhưng cái chữ là quan trọng, đời mình đã bán mặt cho đất bán lưng cho trời, thì đời con mình phải khác, phải dùng tri thức để mưu sinh chứ không thể là lao động chân tay như mình được!”.

Nghĩ vậy, nên dù mưa nắng, dù trăm thứ bệnh tật trong người, dù mùa giáp hạt vác rá đi vay gạo là chuyện thường thì cô chú tôi cũng chưa bao giờ để con mình phải bỏ dở việc học để làm thêm kiếm tiền, trí thức là phải vận dụng đầu óc, cứ tập trung mà học tốt! Bố mẹ các em tôi mỗi lần gọi điện thoại cho con đều động viên rất quyết liệt…

Sinh viên ở quê ra có đứa ngoan, có đứa ham chơi không lo học, cái phù phiếm của đô thị khiến tụi trẻ thích chí, lại thêm cái không có ai quản lý, mười mấy năm học ở quê chả biết sau cái lũy tre làng là gì, giờ được hưởng cái văn minh đô thị thì thú lắm, thế là mải chơi quên cả học, kì nào cũng nợ môn, có đứa còn sểnh ra cờ bạc lô đề, có đứa chơi game ngủ gục cả ở quán...ở nhà, cha mẹ có biết đâu, vẫn cặm cụi từng đồng gửi cho con…

Học hành như thế thì làm sao mà có kiến thức vào đầu để mà đi làm việc? thế nên, mọi kĩ năng đều yếu kém, học hành cho bố mẹ chứ có phải vì bản thân mình muốn học đâu…ra trường, cầm cái bằng đại học trung bình, mấy cái chứng chỉ vớ vẩn, kinh nghiệm bằng “0”, kĩ năng mềm không có, hiểu biết xã hội kém…mọi thứ chẳng có gì ngoài cái bằng đại học trầy trật…như thế thì làm sao có thể không thất nghiệp?

Sinh viên thất nghiệp và chuyện “học, học nữa, học mãi”!

Thế là, mang cái bằng về quê thị uy với thiên hạ xóm làng “cháu nó là cử nhân đại học đấy!” nghe oai thật, ít ra là cũng hơn so với cha mẹ chân lấm tay bùn..thế nhưng, ở nhà vài tháng, làng xóm bắt đầu hỏi “thế học xong chưa xin việc ở đâu à?” thì bố mẹ bắt đầu thấy ngượng hộ, các ông bà cử ở thành phố đã quen, giờ về quê thấy nản, thôi thì lại xin phép thầy u lên thành phố thi cao học, quyết tâm lấy cái bằng thạc sỹ cho nó thật oách, nếu mà chạy được việc thì cũng được nâng lương, phân tích qua lại, các cụ ở nhà nghe cũng có lý “đằng nào cũng có hai năm, 16 năm bố mẹ còn nuôi được, hai năm nữa có là gì…” vậy là, các em tôi lại lên thành phố để trở thành học viên cao học!

Nhiều người lựa chọn việc học cao học vì thực sự họ thích học và có đam mê với chuyên ngành mà họ đã theo đuổi thời đại học, nhiều người học để giữ ghế, nâng lương…nhưng học cao học vì thất nghiệp thì chắc chỉ ở Việt Nam ta mới có!

Đây thực sự là một kiểu học rất độc đáo, mang đậm tâm lý tiểu nông và khá chua chát ở ngành giáo dục và đào tạo của nước nhà!

Phượng Ớt
(Theo Congluan)

 

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Suzy, Yoona bật mí cách mix chân váy chữ A trẻ như nữ sinh