Làm sao để có ý tưởng?

2015-07-08 07:43
- Một đoạn hay dịch từ quyển “How To Get Ideas - Một nửa của 13 là 8” Của Jack Foster, tác giả Lê Trường muốn chia sẻ với những người làm sáng tạo.
Charles Baudelaire mô tả thiên tài như thể tuổi thơ hồi sinh không ngừng. Ông cho rằng nếu có thể trở lại thời thơ ấu kỳ diệu, ta sẽ cảm nhận được sự thiên tài. Và ông có lý, chính đứa trẻ bên trong ta đem đến sự sáng tạo, chứ không phải bản thân người lớn. Người lớn nghĩ quá nhiều và có quá nhiều xước sẹo trên da, lại còn bị gong cùm bởi trí thức và những rào cản, quy tắc, ngộ nhận và định kiến. Là người lớn, ta đeo thắt lưng và nhìn hai phía trước khi băng qua đường. Còn đứa trẻ trong ta thì đi chân đất, và chơi dưới lòng đường. Người lớn thì cố vụt bóng cho đúng cách. Trẻ con thì làm nhiều cách ngẫu hứng. Trẻ con thì ngây thơ, tự do và không biết những điều không được phép hay không thể làm. Đứa trẻ nhìn thế giới theo cách của chúng, không giống người lớn chúng ta tin là phải thế này thế kia.
Trong cuốn The Dancing Wu Li Masters (Tạm dịch: Khiêu vũ với những bậc thầy vật lý), Gary Zukav viết: “Trong vật lý cũng như các lĩnh vực khác, hầu hết những ai cảm nhận được sự hồ hởi trong qua trình sáng tạo đều là người tận dụng được được hết mức sự gắn kết giữa những hiểu biết và mạo hiểm để đi sâu vào những lĩnh vực chưa được khám phá, còn nằm ngoài rào chắn của sự hiển nhiên. Mẫu người này có hai đặc trưng. Thứ nhất là có khả năng nhìn thế giới bằng con mắt trẻ thơ, chứ không phải cái thế giới mà chúng ta biết. Đặc trưng thứ hai là sự tự tin mạnh mẽ trong mỗi người” Ông Zukav tiếp tục, “Đứa trẻ trong ta luôn hồn nhiên ngây thơ theo cách cảm nhận đơn giản nhất.
Làm sao để có ý tưởng?
Một câu chuyện Thiền học kể về Nan-in, một người Nhật thời Meiji đã đón tiếp một giáo sư đại học như thế nào. Vị giáo sư tìm đến xin học hỏi về đạo Thiền. Nan-in mời trà ông. Ông rót chén trà của vị khách đầy tràn cả ra ngoài. Vị giáo sư nhìn chén trà tràn nước cho đến khi ông không nhin được nữa và thốt lên: “Chén đã đầy quá rồi. Không thể rót thêm được nữa đâu!” “Ông giống như chén trà này”, Nan-in nói “Trong đầu ông đã đầy ắp những ý kiến và ước đoán. Làm sao ta có thể nói với ông về đạo Thiền khi ông không rũ bỏ những suy nghĩ của mình trước?” Qua đó Zukav nhận xét: “Chén trà của chúng ta luôn đầy ắp với những thứ ‘rõ rệt’, ‘lẽ thường tình’ và cả ‘hiển nhiên’”. “Nếu anh muốn trở nên sáng tạo hơn” nhà tâm lý học Jean Piaget nói “thì hãy giữ trong tâm hồn một phần trẻ thơ với sự sáng tạo và phát kiến đặc trưng của trẻ trước khi chúng bị tha hóa bởi thế giới người lớn.” 
Nhà Vật Lý J.Robert Oppenheimer đồng tình: “Đôi lúc, những đứa trẻ rong chơi trên phố có thể giải quyết những vấn đề vật lý khiến tôi đau đầu, bởi chúng có những giác quan nhận thức mà tôi đã mất lâu nay.” Thomas Edison cũng tán thành: “Phát minh lớn nhất của loài người là trí tuệ của trẻ thơ.” Và cả triết gia Will Durant nữa: “…trẻ con biết sự thật về vũ trụ chẳng kém gì Einstein khi ông ngất ngây với công thức cuối cùng của mình.” Mà kì lạ thay, chính Albert Einstein cũng nhận xét tương tự: “Đôi khi tôi tự hỏi sao mình lại có thể là người tìm ra thuyết tương đối. Tôi nghĩ là do người lớn không còn nghĩ về không gian và thời gian nữa. Hồi nhỏ người ta từng nghĩ về nó rồi. Có điều trí tuệ tôi lại phát triển chậm chạp, thế nên phải đến khi trưởng thành tôi mới bắt đầu tự đặt ra câu hỏi về thời gian và không gian.”
Có lẽ, nhà thờ xứ Wales Dylan Thomas đã đưa ra nhận xét xúc tích nhất khi ông viết: Quả bóng tôi ném khi chơi trong công viên Vẫn chưa rơi xuống đất Người lớn không chơi trong công viên, lũ trẻ thì có Người lớn thường làm theo những gì đã được làm trước đó. Với trẻ con không bao giờ có sự lặp lại. Mỗi lần đối với chúng đều là lần đầu tiên. Vì thế khi tìm kiếm ý tưởng, chúng thấy một thế giới tươi mới nguyên sơ, một thế giới không có quy tắc, không có biên giới, rào cản hay giới hạn, một thế giới đầy hứa hẹn và cơ hội bất tận. Bạn có nhớ câu chuyện trong cuốn Zen and the Art of Motorcycle Maintenance (Tạm dịch: Thiền và Nghệ thuật bảo dưỡng xe gắn máy) của Robert Pirsig nói về cô gái không nghĩ được gì để viết về nước Mỹ trong bài luận dài 500 từ.
Người thầy giáo yêu cầu viết về Bozeman Montana, thị trấn nơi cô học thay vì viết về cả nước Mỹ. Cô cũng không viết được. Rồi ông cho viết về con phố chính ở Bozeman nhưng cô cũng chẳng viết được một từ. Sau đó ông nói, “Thu hẹp phạm vi lại đến mặt tiền của một tòa nhà trên con phố này, Nhà hát Opera, Hãy bắt đầu từ một viên gạch ở góc trên cao bên trái.” Buổi học sau, cô gái nộp bài viết dài 5000 từ về mặt tiền nhà hát Opera trên con phố chính của Bozeman. “Tôi ngồi trong quán hamburger bên kia phố” cô nói “và bắt đầu viết về viên gạch đầu tiên, rồi viên thứ hai và cứ thế tôi viết mãi.” Ban đầu cô ta bế tắc, Pirgig viết “bởi cô tìm cách lặp lại những gì cô đã nghe kể…Cô không thể nghĩ ra cái gì để viết về Bozeman vì cô không nhớ nổi điều gì đáng để kể lại. Cô không hề biết rằng mình có thể nhận ra những điều mới mẻ đối với bản thân khi không bận tâm đến những gì đã được nói trước đây.”
Trẻ con không gặp phải sự bế tắc đó vì chúng không biết gì trước đó. Chúng chỉ biết hiện tại. Do vậy, khi tìm kiếm giải pháp cho một vấn đề, chúng tìm kiếm và thấy tận mắt lần đầu tiên. Lần nào cũng vậy. Lũ trẻ phá vỡ quy tắc bởi chúng không biết đến sự tồn tại của quy tắc. Chúng làm những điều kỳ cục khiến cha mẹ lo âu. Chúng đứng và nhảy nhót trên thuyền. Chúng la hét trong nhà thờ, rồi thì nghịch diêm, và dùng nắm đấm để chơi dương cầm. Chúng luôn nhìn thấy mối liên quan giữa những điều tưởng chừng chẳng dính dáng gì đến nhau. Chúng sơn cành cây màu cam, lá cỏ màu tím, và chúng treo xe cứu hỏa trên những đám mây. Chúng chăm chú tìm tòi những điều giản dị như cọng cỏ, chiếc thìa, khuôn mặt và có giác quan kì lạ về những điều mà người lớn chúng ta thường coi nhẹ. Chúng luôn hỏi, hỏi nữa, hỏi mãi. “Trẻ con là những nhà khoa học bẩm sinh”, nhà thiên văn học Carl Sagan nói, “Trước hết, chúng đưa ra những câu hỏi khoa học sâu sắc: Tại sao mặt trăng lại tròn? Tại sao bầu trời màu xanh? Giấc mơ là gì? Tại sao con người có ngón chân? Sinh nhật của Trái Đất là ngày nào? Khi vào trung học phổ thông thì chúng chẳng còn những câu hỏi như vậy nữa.” “Trẻ em đến trường với những dấu hỏi và ra trường với những dấu chấm hết.” Nhà phê bình văn hóa Neil Postman tán thành.
Làm sao để có ý tưởng?
Một quảng cáo của LEGO
Hãy biến mình thành dấu hỏi trở lại. Bất kể bạn thấy gì, hãy tự hỏi mình tại sao lại như vậy. Nếu bạn chưa tìm được câu trả lời hợp lý thì có lẽ sự tiến bộ đang ở phía trước. Bất kể bạn thấy gì, hãy tự hỏi mình tại sao lại như vậy. Tại sao dây chuyền sản xuất của bạn lại được thiết kế như vậy? Tại sao cô lễ tân kia lại ngồi sau bàn làm việc? Tại sao bạn cũng vậy? Tại sao bạn lại đi làm và tan sở vào giờ đó? Tại sao văn phòng hay công xưởng của bạn lại mở cửa và đóng cửa vào giờ đó? Tại sao danh thiếp của bạn, những đồ văn phòng phẩm, tập thuyết trình lại có thiết kế như vậy? Tại sao văn phòng phẩm của bạn có mẫu mã như vậy? Tại sao sản phẩm của bạn lại được đóng gói như thế? Tại sao hóa đơn lại được ghi như vậy? Tại sao quầy bếp và bồn rửa mặt lại có chiều cao như vậy? Tại sao vòi nước nhà bếp không có cần đạp chân? Tại sao tủ lạnh không có ngăn kéo?
Rất nhiều ngân hàng chỉ cho xếp một hàng dài để không khách hàng nào bị kẹt trong đám đông. Tại sao siêu thị và các cửa hàng lại không làm như vậy? Tại sao từ “Sữa” lại được in to nhất trên vỏ hộp sữa? Ai cũng biết đó là sữa. Tại sao không dùng chỗ trông đó để viết thông tin hữu ích hơn? Tại sao họ không thiết kế nắp bình xăng ở cả hai phía của ô tô để bạn có thể đỗ xa ở bất kì bên nào của cây xăng mà không cần phải kéo vòi xăng vòng qua phía bên kia? Tất cả chúng ta đều có hình ảnh trong đầu về bản thân. Bạn thấy mình bao nhiêu tuổi trong bức hình đó? Khi tôi đặt ra câu hỏi này cho một trong những người sáng tạo nhất mà tôi quen (người minh họa cho cuốn sách này), anh ta trả lời, “Sáu tuổi”. Chẳng trách được anh ta luôn có ý tưởng mới, giải pháp mới trong đầu. Anh ta luôn nghĩ mình là đứa trẻ sáu tuổi một cách vô thức, để có thể nhìn sự việc qua ánh mắt của một đứa trẻ sáu tuổi.
Đừng e ngại, hãy để đứa trẻ trong bạn đưa ra các câu trả lời. Hãy quên đi những gì đã làm. Hãy dẹp đi mọi quy tắc. Hãy biến mình thành người ngốc nghếch, phi lý. Hãy giải phóng bản thân. Nhiều lĩnh vực kinh doanh luôn thưởng cho những người có ý tưởng mới, và một trong những cách để tìm ra ý tưởng là có cái nhìn của trẻ thơ. Vì thế nếu lần sau bạn có vấn đề cần xử lý hoặc cần tìm kiếm ý tưởng thì hãy tự hỏi: “Nếu sáu tuổi mình sẽ làm gì?” “Nếu mình bốn tuổi thì mình nhìn vấn đề này ra sao?” Hãy thả lỏng. Chạy dọc hành lang công sở một hôm thử xem. Ăn một cây kem ốc quế ngay tại bàn làm việc. Bỏ hết mọi thứ trong ngăn kéo ra và bày trên nền nhà trong vài hôm. Sắp xếp lại đồ đạc trong phòng làm việc. Ngủ một chút sau bữa trưa. Vẽ hình lên cửa sổ bằng bút đánh dấu. Ghi ghép bằng bút chì. Hát nghêu ngao trong thang máy. Đấm tay xuống khi chơi dương cầm. Đứng lên và nhảy nhót trên thuyền. Hãy vui đùa.

Lê Trường
 (Theo RGB)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Sau tất cả, đây là những hot girl lột xác thành công nhất