Bóc mẽ cô nàng thích... "kể chuyện ngày xưa"

2015-01-26 11:54
- Năng lực kém, lại thích thể hiện và ảo tưởng quá nhiều vào bản thân, nhiều cô nàng vội vàng nhảy khỏi công ty cũ để tìm kiếm nơi tốt hơn. Có điều, hẳn mọi chuyện không được như nàng mong muốn, nên...
 
 
 
Chân dung cô nàng
Tên: Không tiện nói ra, Nick name: “Pháo xịt”
Ưu điểm: Tự tin, rất tự tin
Tuổi: Không còn trẻ nhưng vẫn chưa chịu hiểu "mình là ai"
Sở thích: Nhảy việc và kể chuyện cổ tích
Ngoại hình: Nói chung là cũng đẹp, nhưng thường ở đời: được cái này thì hay mất cái khác

Lương thấp, việc nhiều, đường xa, sếp “hít-le”,… hoặc sếp vô cùng tuyệt nhưng bị đồng nghiệp kèn cựa, ghen ghét, vân vân... có trăm ngàn lý do để ai đó không hài lòng với cơ quan cũ và quyết định kí “roẹt” vào lá đơn “tôi thích”, rồi chuyển sang một chỗ khác tốt hơn.

Thế nhưng, với một cô nàng "Pháo xịt" thì không hiểu sao cơ quan cũ lương cao, sếp tốt, nhàn hạ, và thậm chí có 1 tí gọi là "chức quyền"... mà vẫn cứ thích "nhảy" sang một công ty mới. Buồn cười ở chỗ, khi ở cơ quan cũ thì kêu ca đủ kiểu, “mặt sưng mày xỉa” vì không hài lòng chỗ này, bất bình với chỗ kia. Nhưng khi sang cơ quan mới thì dường như tình hình cũng chẳng được cải thiện hơn chút nào. Đó là khi câu chuyện “ngày xưa, ở cơ quan cũ…” bắt đầu. Và buồn cười hơn, câu chuyện ấy lại bắt đầu bằng những lời ngợi ca “trên mây” dành cho chính nơi mà chỉ vài tuần, vài tháng trước "nàng" quyết tâm “dứt áo ra đi”.
Từ câu chuyện khoe mẽ lố bịch…
Sáng đầu tiên “nàng” bước đến cơ quan mới, trông không khác gì một siêu mẫu hàng đầu bước trên sàn catwalk. Mặt hơi chếch lên… trời, và môi nàng mỉm cười nhẹ ở 1 bên khóe miệng. Nàng giữ nguyên nụ cười như thế cho đến khi được chị phòng nhân sự đề nghị giới thiệu bản thân, nàng mới bắt đầu thẽ thọt: “Em tốt nghiệp trường A, từng làm việc ở tập đoàn B, cơ quan C,…” – những cái “ABC” mà nghe qua thôi là ai cũng phải trầm trồ. Rồi trong 15 phút làm quen, nàng chủ động hỏi người này, hỏi người kia trước học ở đâu, làm gì, trái ngành à, có định học lên thạc sĩ không,… Kết thúc “bài” giới thiệu làm quen, nàng tạm giành vương miện về trình độ học vấn cũng như độ “sang chảnh” ở những nơi nàng từng làm việc trước đây.
Về chỗ ngồi, nàng kéo ghế một cách duyên dáng và ngồi sao cho lưng thật thẳng. Sau đó, nàng nhìn trước nhìn sau rồi quay sang đồng nghiệp mới bên cạnh: “Này, sao máy tính ở đây chậm rề rề thế, phần mềm cũng toàn dùng bản cũ, ở chỗ cũ tớ quen dùng bản mới rồi, dùng cái này chán chết đi được!”. Hôm sau, nàng lại kêu sao cái ghế gì mà cứng thế, ngồi đau cả lưng; rồi bản làm việc thì sơ sài: “Ở bên kia, bọn em  được trang bị từ cái cốc uống nước trở đi”; rồi: “Sao bộ phận hành chính bên này làm việc buồn cười nhỉ, có mấy cái thông tin mà bắt gửi đi gửi lại. Ở bên kia, bọn em cái gì cũng chuyên nghiệp, thích lắm!...”
Hôm sau nữa, sáng đến muộn giờ, nàng kêu: “Trời ơi, ngày nào cũng chấm công thế này thì gò bó chết đi được. Ở công ty cũ em thích đến lúc nào đi đến, miễn là đạt hiệu quả công việc. Giờ giấc gò bó thế này làm sao mà sáng tạo được!”. Đồng nghiệp tỏ ra thông cảm: “Thôi, dần dần sẽ quen mà”. Nàng được thể: “Sao các chị có thể chịu đựng được nội quy khắt khe thế, em quen phong cách thoải mái rồi, giờ thấy bức bối lắm…”. Đồng nghiệp gật gù, khổ cho nàng thật, có năng lực thế, làm ở chỗ tốt thế mà giờ sang đây thiệt thòi thật, khác nào đang ở “lầu son” mà giờ rớt xuống “lều lá”.
Đã vậy, lúc thân thiết thêm một chút rồi, nàng trề môi: "Lương ở đây thấp thế mà mọi người cũng gắn bó được á? 'Ở chỗ cũ' lương em cao gấp 3 lần, làm trưởng nhóm mà việc còn chẳng nhiều bằng thế này ấy. Công ty thì to, nhìn sang trọng chứ không cái gì cũng cũ mèm như chỗ này...". Nàng nói, cảm thấy đầy tự hào khi ai nấy nhìn mình chăm chăm. Nàng cười thầm "đám kia chắc ghen tị với mình lắm!" - nhưng sự thật là, trong đầu ai cũng hiện lên 1 dấu hỏi chấm lớn: "Nàng đến đây làm gì???"
… Đến những ảo tưởng về năng lực
Đang ngồi làm việc, thấy chị kế toán kêu ca rằng tính toán cái này, cái kia sao mà phức tạp thế, “ong” hết cả đầu, nàng lập tức quay sang liến thoắng: “Chị phải tính thế này này, dùng hàm này, bỏ cái kia đi, làm chỗ này trước,…” làm ai nấy tròn mắt vì… chả hiểu gì, mà đến chị kế toán cũng không hiểu gì luôn, nhưng tất cả đều trầm trồ: “Nàng giỏi thật, không phải chuyên ngành mà cũng biết!”. Nàng vênh váo: “Chứ sao, ngày xưa ở công ty cũ em tính mấy cái này suốt!”. Rồi một hôm, nàng “ưỡn ẹo” bê cốc cà phê sang ngồi cạnh mấy anh kĩ thuật, nhấp 1 ngụm rồi trầm ngâm: “Chỗ này phải chỉnh sáng lên một chút mới đẹp anh ạ, âm thanh hơi khớp rồi, đoạn này ‘tua’ nhanh thêm một tí,…”. Các “ông” kĩ thuật toàn chưa vợ lại ga-lăng, nhìn nàng típ mắt khen nấy khen để rằng “chuyên môn phết!”, nàng lại “vênh” tập 2: “Ôi dào, mấy cái này đơn giản mà. Ngày ở công ty cũ em làm suốt, mà không phải chỉ đơn giản thế này đâu, bên đó yêu cầu phải nghệ thuật hơn nhiều. Em còn đào tạo được cả nhóm chuyên làm mấy cái này nữa cơ…”. Nàng cứ thao thao bất tuyệt cho đến khi xong, quay sang thấy anh nào anh nấy quay vào gõ máy tính ầm ầm (chắc chạnh lòng khi nghe nàng nói).
Cứ thế, ai trong văn phòng cũng được "nàng" góp ý vài lần. Mà lạ một chỗ là không biết "ở chỗ cũ" nàng làm gì, nhưng việc của người khác thì cái gì nàng cũng biết, thậm chí biết nhiều và luôn thích xen vào bằng được.
Thế rồi, đến lượt nàng “lên thớt” khi bỗng một hôm sếp hỏi 1 câu đúng “chuyên ngành” của nàng, thì nàng lại ấp a ấp úng rồi trả lời vòng vo khiến sếp có vẻ khó chịu. Nhưng nàng vẫn với sang giải thích đủ để cơ số người nghe thấy: “Ở công ty cũ bọn em toàn làm như vậy, có sao đâu”. Rồi sau rất nhiều lần “lên lớp” mấy em làm văn phòng ít tuổi hơn, rằng em cần phải phân biệt được vấn đề X, vấn đề Y trong báo cáo, không thể “đổ đống” như vậy được, rồi báo cáo thì phải làm theo trình tự thế này, thế nọ,… “ngày xưa làm trưởng nhóm ở công ty cũ, đứa nào mà sai quy trình là chị bắt làm lại ngay, ở đây trường nhóm còn dễ tính đấy,…!”. Thế nhưng, ngay sau đó sếp lại bực bội đập xuống bàn bản báo cáo của nàng, vì: “em viết cái gì trong đây thế này???”, thậm chí, dù đã có bằng “thạc sĩ ngôn ngữ” nhưng đến chính tả nàng cũng viết sai. Đến đây thì ai nấy bắt đầu ngán ngẩm và… hoài nghi về cái “ngày xưa” của nàng.
Biết thế, nhưng nàng chẳng những không “nhu mì” lại, mà càng thích thể hiện hơn, dường như chưa được mọi người công nhận “tài năng” thì nàng không yên tâm vậy. Thế nên mặc kệ công việc ngày càng bê bết của mình, nàng ra sức “nhảy” vào “góp ý” rồi chê bai công việc người khác. Thấy ai bàn bạc cái gì nàng cũng hóng được và chen vào bình luận nhiệt tình. Giờ, cả văn phòng chẳng ai trầm trồ như ngày xưa nữa, ai cũng thấy khó chịu với cách thể hiện ngớ ngẩn của nàng, vì chỉ vài tuần làm việc chung nàng đã hiện nguyên hình là cô nàng chả có tí năng lực nào mà chỉ nổ là giỏi. Thậm chí, đến đi ăn mọi người cũng “tránh” nàng, vì ai cũng chán phải nghe nàng nhận xét hết chuyện này đến chuyện kia, rồi kể lể: “Ngày xưa, ở công ty cũ…”
Cho đến một hôm, nàng bị sếp khiển trách rất nặng trước cả phòng vì không hoàn thành công việc. Những tưởng từ đây nàng sẽ thôi câu chuyện ngày xưa đi, nào ngờ, đến giờ nghỉ nàng cố bám theo mọi người đi ăn và ấm ức suốt cả bữa trưa: “Sếp gì mà khó tính, áp đặt,... Ngày xưa, ở chỗ cũ em có làm gì cũng chẳng bị ai ý kiến. Hồi đó đúng là sướng thật, lương cao, sếp thoải mái, giờ giấc tự do, việc thì chả nhiều như thế này lại được làm trưởng nhóm, giờ làm nhân viên quèn thôi mà suốt ngày trách với móc, lương thì trả được 3 đồng…”. Cứ thế, cố đợi cho nàng trút hết bức xúc, vừa dừng lời thì 1 chị trong nhóm hất hàm hỏi: “Chỗ cũ lương cao, sếp tốt, việc ít, chức to như thế, sao em còn sang đây làm gì?”
Nàng lặng im.
Tưởng hôm sau nàng sẽ đệ lên một tờ đơn “tôi thích” nữa, hóa ra không. Sau đó, chỉ thấy nàng cặm cụi làm việc, ít “ngày xưa” hơn và cũng thôi hẳn kiểu thích xen vào công việc của mọi người.
Hỡi cô nàng "Pháo xịt", tỉnh lại đi!
Không ai ngu ngốc tới mức từ bỏ một thiên đường để chui xuống địa ngục cả, và sự thật là chẳng có nơi nào khiến bạn hài lòng với tất cả mọi thứ. Hiển nhiên thôi, chúng ta đi làm chứ đâu phải đi du lịch! Thế nên nếu có năng lực, chẳng ai cấm cản bạn tìm một cơ hội mới tốt hơn. Còn nếu không, hãy cứ chăm chỉ làm việc để tích lũy kinh nghiệm, để nâng cao năng lực thay vì ngồi đó mà kể chuyện "ngày xưa", rồi so sánh chỗ này với chỗ khác một cách lố bịch như vậy. Bởi sự thật là đâu có ông sếp ngốc nghếch nào trả cho bạn rất nhiều tiền mà để bạn "chẳng phải làm gì" đâu, một đứa trẻ con cũng hiểu được điều đó. Thế nên, để có thể bay cao hơn thì trước tiên hãy học cách biết chấp nhận đã nhé!
Lê Nguyên
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 gương mặt bỗng vụt sáng thành sao chỉ sau một vai diễn của giới giải trí Vbiz