Nên cho bé ăn dặm từ tháng tuổi nào?
2014-07-14 10:52
- (Em đẹp) - Thời gian bắt đầu và chấp nhận ăn dặm ở mỗi trẻ có thể rất khác nhau.
Tin liên quan
Khi nào nên tập cho bé ăn dặm?
Về mặt lý thuyết, thời gian bắt đầu cho bé ăn dặm đã được các chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ đưa ra bàn luận và rất nhiều trong trong số họ đã khuyên những bà mẹ có thể tập ăn dặm cho bé trong khoảng thời gian từ 4-6 tháng tuổi. Tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đều khuyến khích việc trẻ không cần phải ăn dặm trong suốt 6 tháng đầu đời nếu mẹ có đủ sữa mẹ hoặc đủ khả năng cho bé uống sữa công thức khi thiếu sữa mẹ (sữa công thức theo đại số ý kiến của các chuyên gia không được coi là thức ăn ăn dặm).
Bài viết này ủng hộ quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đó là trong điều kiện bình thường, ngoài việc tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức, mẹ có thể tập cho trẻ ăn dặm từ 6 tháng tuổi. Mặc dù vậy đây chỉ là một mốc thời gian trên lý thuyết và thời điểm này ở mỗi trẻ có sự khác nhau (có nhiều trẻ chỉ chấp nhận ăn dặm ở thời gian muộn hơn rất nhiều so với mốc 6 tháng).
Mẹ không cần quá sốt ruột mà cho bé ăn dặm sớm
(Ảnh: Rasingchildren)
Thời điểm cho bé ăn dặm trên thực tế ở Việt Nam
Cách đây vài thập kỷ, ở Việt Nam, việc cho trẻ ăn nước cơm, mật ong hay nước đường ngay từ khi chào đời không phải chuyện hiếm (nhất là thời điểm trẻ vừa ra đời và sữa mẹ chưa kịp về) và thời điểm cho trẻ chính thức ăn thêm cháo, bột (được tính như 1 bữa ăn chính của trẻ) thường bắt đầu từ rất sớm (2-3 tháng).
Ngày nay, việc dặm cho trẻ ăn quá sớm đã được chứng minh là không chỉ có hại cho hệ tiêu hóa non nớt của bé mà còn ảnh hướng đến sự phát triển toàn diện ở trẻ. Tuy vậy những quan niệm cũ vẫn còn “rơi rớt” ở 1 số gia đình nên số trẻ ăn dặm trước 4 tháng vẫn xảy ra. Ngoài ra, có không ít mẹ theo quan điểm ăn dặm kiểu Nhật đều bắt đầu cho con ăn dặm từ 5 tháng tuổi. Do đó, mặc dù chưa có 1 thống kê cụ thể và chính thức song số lượng trẻ bắt đầu ăn dặm khi tròn 6 tháng lại chưa chiếm đa số (các bậc phụ huynh thường hay “sốt ruột” với chuyện ăn uống của trẻ, cộng thêm tình trạng biếng ăn sinh lý hay diễn ra ở giai đoạn từ 3-5 tháng là nguyên nhân khiến trẻ được cho ăn dặm sớm hơn).
Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp trẻ không hề ăn thêm bất cứ đồ ăn nào ngoài sữa cho tới tận 8-9 tháng hay thậm chí là 1 tuổi. Điều này vẫn được chấp nhận nếu trẻ phát triển bình thường, không ốm bệnh và vẫn tiếp tục tăng cân. Nguyên do từ lúc chào đời tới tận 1 tuổi, sữa mẹ (sữa công thức) vẫn được coi là thức ăn dinh dưỡng chính của trẻ.
Thời điểm chấp nhận ăn dặm tự nhiên ở mỗi trẻ có thể rất khác nhau
(Ảnh: Kidshealth)
Tác hại khi cho trẻ ăn dặm sớm
Trong những tháng đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non nớt, do đó nếu cho trẻ ăn dặm sớm có thể làm nguy hại đến hệ tiêu hóa ở trẻ, đặc biệt là gan, thận. Trẻ không những gặp nguy cơ rối loạn tiêu hóa, và còn rất dễ bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì. Nguyên do là ở một số trẻ, khi hệ tiêu hóa chưa đủ hoàn thiện để tiêu hóa những đồ ăn không phải sữa mẹ thì việc trẻ ăn dặm đôi khi là vô nghĩa, thêm vào đó, việc ăn dặm khiến trẻ bú ít hơn. Điều này khiến trẻ không được cung cấp đủ dinh dưỡng phù hợp và cần thiết cho sự phát triển.
Ngược lại có những trường hợp trẻ ăn dặm sớm dẫn đến béo phì do việc ăn dặm đút thìa đôi khi khiến trẻ không tự quyết định được việc dừng ăn khi đã no (điều trẻ có thể làm khi trẻ bú mẹ). Ngoài ra trẻ được ăn dặm sớm thường có nguy cơ dị ứng thức ăn cao hơn những trẻ ăn dặm muộn hơn.
Làm thế nào để mẹ biết trẻ đã sẵn sàng ăn dặm?
Việc ăn dặm của trẻ nên được thử bắt đầu nếu mẹ nhận thấy một số dấu hiệu và điều kiện ở trẻ như:
- Có thể giữ thẳng đầu và có thể ngồi khi được hỗ trợ
- Cân nặng tăng gấp đôi lúc chào đời
- Trẻ mất phản xạ đẩy lưỡi tự nhiên (phản xạ có ở giai đoạn đầu đời của trẻ), thay vào đó phản xạ nhai và nuốt xuất hiện.
- Trẻ bắt đầu biết đón nhận đồ ăn mẹ đút bằng cách đưa môi ra phía trước
- Trẻ có biểu hiện tò mò với món đồ ăn của người lớn, đưa tay đòi với đồ ăn hoặc tỏ vẻ thích thú khi được đưa cho món đồ ăn đó.
- Trẻ đòi bú liên tục và luôn có cảm giác đói cho dù mẹ vẫn cho trẻ bú đầy đủ từ 6-8 lần/ngày. Tuy nhiên dấu hiệu này đôi khi bị nhầm lẫn với giai đoạn tăng trưởng nhanh (growth spurt) của trẻ.
Bé sẽ phát "tín hiệu" về thời điểm bé muốn ăn dặm
(Ảnh: Allabouthealth)
Những dấu hiệu nhận biết ở trên chỉ là tương đối, có thể xuất hiện hoặc không ở mỗi trẻ. Vì vậy, mẹ hoàn toàn có thể bắt đầu cho trẻ thử ăn đồ ăn mới ngoài sữa mẹ khi trẻ đã đủ 6 tháng và việc ăn dặm nên dựa trên cơ sở tự nguyện và vui vẻ. Nếu trẻ từ chối đồ ăn, mẹ hãy thử món khác. Nếu trẻ vẫn từ chối tốt nhất mẹ nên chờ đợi, bởi rất có thể trẻ chưa có nhu cầu ăn dặm và sữa vẫn đang đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.
*Bài viết có sử dụng tư liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): "Infant and young child feeding" Fact Sheet N342
Phong Anh (tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
5 phút với bài tập giúp vòng 3 săn chắc, sau 1 tháng body chuẩn nét