Xâm hại tình dục – câu chuyện buồn nhất thế gian: Đừng tặc lưỡi bỏ qua, hãy lên tiếng mạnh mẽ!

Cẩm Mịch 2022-04-21 08:00
- Chúng ta cần lên tiếng và đấu tranh để những nỗi đau của các nạn nhân bị xâm hại không phải là vô nghĩa.

MXH những ngày này xôn xao chuyện nhà thơ Dạ Thảo Phương công bố thông tin gây sốc về việc từng bị một nam đồng nghiệp cưỡng dâm cách đây 23 năm. Sau khi bị cưỡng bức đến có thai và phải bỏ thai, người phụ nữ ấy đã sống trong trầm cảm nhiều năm trời, bị rối loạn ngôn ngữ và từng tự tử nhiều lần, may mắn đều được người nhà phát hiện và cứu.

Tất cả chúng ta đều biết rằng tính pháp lý của thư tố cáo này rất yếu, bởi sự việc đã quá thời gian truy cứu. Và bởi, ngoài những nhân chứng tại tòa báo đã chứng kiến cảnh "xô xát" mà như chị mô tả là cưỡng hiếp bất thành vào tháng 4/2000, chị không có thêm bằng chứng và vật chứng nào cho các vụ cưỡng hiếp đã thành trước đó, từ tháng 7/1999.

Với đại đa số các vụ hiếp dâm, bằng chứng luôn yếu, không có hoặc không đủ để buộc tội. Chưa nói đến 1 vụ việc đã xảy ra từ hơn hai thập kỷ trước. Dư luận chia phe. Ngay trong giới văn nghệ sỹ cũng chia phe. Khi không có bằng chứng, người ta chỉ còn niềm tin.

Người tin phía tố cáo nói sự thật, người tin người bị tố cáo đang oan sai. Ai cũng có lý lẽ để bảo vệ niềm tin của mình. Nhưng có rất nhiều câu hỏi chĩa về phía người tố cáo thể hiện sự hẹp hòi, định kiến giới nặng nề cùng tư duy của kẻ mạnh. Họ đổ tội cho phụ nữ và xem phụ nữ có nhiều phần trách nhiệm khi để một người đàn ông xâm hại mình. Như cách cô ta không giữ khoảng cách với người khác giới, cách cô ta ăn mặc, cư xử, thậm chí là cách cô ta thiếu thông minh, kém hiểu biết và quá yếu đuối khi xử lý tình huống. Biểu hiện phản ứng của một bộ phận không nhỏ dư luận, bao gồm cả giới trí thức, trong thời gian qua chính là lý do khiến rất nhiều nạn nhân của bạo hành tình dục, xâm hại tình dục câm nín suốt đời, mang nỗi đau xuống mồ xanh.

Xâm hại tình dục – câu chuyện buồn nhất thế gian: Đừng tặc lưỡi bỏ qua, hãy lên tiếng mạnh mẽ!

“Không có lửa làm sao có khói!” – Đừng khoét sâu thêm nỗi đau bằng cách đổ lỗi cho nạn nhân

Quấy rối tình dục bao gồm các hành vi có tính chất tình dục, không mong muốn như tiếp xúc thân thể, nhận xét/bình phẩm mang ý nghĩa tình dục, thể hiện, trưng bày hình ảnh tình dục, vật phẩm khiêu dâm; gạ gẫm tình dục bằng lời nói hoặc hành động. Hành vi đó có thể xúc phạm danh dự và ảnh hưởng đến sức khỏe và đe doạ sự an toàn”.

Hiện nay quấy rối tình dục đang có tỷ lệ cao trên thế giới và tại Việt Nam với những con số thống kê đáng chú ý.

Thực trạng quấy rối tình dục tại Việt Nam đang ngày càng phổ biến. ActionAid tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu giới - gia đình và môi trường đã thực hiện một cuộc khảo sát đã được thực hiện với những nhóm đối tượng khác nhau cho thấy: Có tới 87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; tới 53,7% nhân viên văn phòng và 59,5% công chức nhà nước từng bị quấy rối tình dục từ 2 - 5 lần; có 89% nam giới và những người chứng kiến đã thấy các hành vi này. Không chỉ vậy, 40% người tham gia khảo sát đã ít nhất một lần chứng kiến các hành vi quấy rối các em gái vị thành niên, 47% trong số đó chứng kiến hành vi này lặp lại nhiều lần.

Những năm gần đây, các vụ việc tố cáo hành động tấn công tình dục đã dần nhận được sự quan tâm của dư luận hơn trước. Thế nhưng bên cạnh những người ủng hộ, vẫn có hàng vạn bình luận “độc hại” nhằm đổ lỗi hoặc chỉ trích nạn nhân. Ho suy diễn và gán tội ngược lại cho nạn nhân với những lý lẽ phi logic, khoét thêm nỗi đau của người bị hại.  

Đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming) là một lỗi tư duy theo hướng nguỵ biện, bắt nguồn từ niềm tin về sự công bằng trong cuộc đời. Người đổ lỗi cho nạn nhân cho rằng sự bất hạnh xảy đến với ai đó nghĩa là trước đó họ đã làm điều gì đó sai, và nguồn cơn của bất hạnh là từ nạn nhân mà ra.

Ví dụ, trong những vụ việc về quấy rối tình dục, có không ít người cho rằng: “Ai bảo cố tình ăn mặc khêu gợi nên mới khiêu khích đàn ông”. Họ khuyên rằng phụ nữ nên “che chắn lại” để đừng “kích động bản năng” của đàn ông. Đó là những lý lẽ đầy tính hủ lậu. Chẳng lẽ phụ nữ đi biển mặc bikini thì xứng đáng bị cưỡng hiếp? Các bộ tộc thổ dân ở châu Phi chỉ đeo khố, vậy thì phụ nữ thổ dân xứng đáng bị cưỡng hiếp? Thực tế cho thấy, có rất nhiều người ăn mặc kín cổng cao tường mà vẫn bị tấn công. Nếu đổ lỗi cho nạn nhân quấy rối tình dục chỉ vì trang phục họ mặc, thì khác gì đổ lỗi cho nạn nhân bị cướp chỉ vì họ lắm của? Phụ nữ có quyền tự do ăn mặc theo cách mình muốn, và việc họ ăn mặc quyến rũ không thể là cái cớ để bị trừng phạt bởi cưỡng hiếp.

Lại có không ít ý kiến chỉ trích nạn nhân rằng: “Ai bảo đi chơi đêm với đàn ông?”. Vào năm 2015, tại Ấn Độ từng xảy ra một vụ tấn công tình dục gây chấn động, một cô gái bị cưỡng hiếp tập thể đến chết. Một trong 6 kẻ bị kết án đã nói rằng một cô gái đàng hoàng sẽ không đi lang thang vào lúc 9h tối, và đi chơi tối với bạn trai chính là hư hỏng. Lối tư duy này mang nặng sự phân biệt giới tính, ấu trĩ, coi phụ nữ là đối tượng hạ đẳng. Nhận lời đi chơi tối và cho phép quan hệ tình dục là hai chuyện hoàn toàn khác nhau và không thể đánh đồng.

Cũng có người nói: “Sao có thể bị cưỡng hiếp nhiều lần nếu không có đồng thuận. Lần 1 có thể là cưỡng ép, những lần 2, 3, 4… thì rõ ràng phải là đồng ý chứ!". Trên thế giới có rất nhiều vụ việc cưỡng hiếp nhiều lần với cùng 1 nạn nhân và 1 thủ phạm. Thực tế là, tâm lý sợ hãi đã khiến cho nạn nhất mất đi cơ chế phản kháng.

Đã có rất nhiều báo cáo về các trường hợp cho biết họ "không thể phản kháng" khi bị cưỡng hiếp. Không phải vì đồng tình, mà đơn giản là họ "không thể", vì toàn thân họ lúc đó bỗng đông cứng, không thể cử động. "Sự bất động căng cứng" (tonic immobility) là một trạng thái hoàn toàn tự nhiên của các loài động vật. Ví dụ với loài thỏ, khi phải đối diện với kẻ săn mồi, chúng có thể bất động và trông như không còn sống. Đó là với thỏ, nếu chúng trông như chết, kẻ săn mồi sẽ không còn tấn công nữa. Con người cũng vậy. Một nghiên cứu do tiến sĩ Anna Moller và đồng nghiệp thực hiện tại Stockholm (Thụy Điển) trên 298 phụ nữ từng tới phòng khám cho các nạn nhân bị cưỡng hiếp. Kết quả cho thấy 70% phụ nữ hoàn toàn bị căng cứng trong lúc sự việc xảy ra. Trong đó, 48% khẳng định họ bị nặng tới mức bất động.

Ngay cả khi lần cưỡng hiếp thứ 2, thứ 3… sau đó nạn nhân đã đồng ý, thì tội của lần thứ nhất vẫn là cưỡng hiếp. Không thể vì vì cưỡng hiếp xong, sau đó nạn nhân chấp nhận quan hệ tình dục, thì việc cưỡng hiếp của lần đầu tiên được xem là chính đáng. Tư duy đó chẳng khác nào xem phụ nữ như một giống loài hạ đẳng, chỉ là công cụ tình dục và sinh đẻ.

Tựu trung lại, một chiếc váy sexy quyến rũ, một lần đi chơi khuya,… không thể là lý do dẫn tới việc tấn công tình dục. Nguyên nhân của tấn công tình dục luôn là ở thủ phạm.

Xâm hại tình dục – câu chuyện buồn nhất thế gian: Đừng tặc lưỡi bỏ qua, hãy lên tiếng mạnh mẽ!

Những nạn nhân của xâm hại tình dục quá tủi hổ và đau đớn để có thể nói được hết những gì họ phải chịu đựng. Cho đến khi họ có thể cất lời, thì tiếng nói ấy chỉ có thể yếu ớt và ú ớ, khiến tất cả mọi người khó có thể hiểu hết được mức độ nghiêm trọng mà họ đã trải qua. Và nếu như vị trí xã hội của kẻ cưỡng hiếp càng cao, hành vi phạm tội của kẻ cưỡng hiếp càng có thể dễ dàng được lái theo một hướng hoàn toàn khác, thậm chí nạn nhân lại bị biến thành một kẻ trả thù vì tình, gài bẫy chính trị... Nhưng không vì thế mà chúng ta phải khuất phục trước cái xấu xa. Và im lặng trước tội ác chính là đồng loã.

Hy vọng rằng mỗi chúng ta, nếu như không đủ tin tưởng và lòng can đảm để góp gió thành bão, để đòi lại công bằng cho một ai đó đang kêu oan thì cũng đừng vội vàng phán xét và đổ lỗi ngược lại cho nạn nhân. Bạn có quyền khách quan và không tin tưởng vào lời cáo buộc khi chưa đủ chứng cớ, nhưng “khách quan” không-hề-đồng-nghĩa với “tấn công nạn nhân”.

Xâm hại tình dục – câu chuyện buồn nhất thế gian: Đừng tặc lưỡi bỏ qua, hãy lên tiếng mạnh mẽ!

 

Đừng hỏi "Tại sao không lên tiếng từ lúc bị cưỡng hiếp?", hãy nói: "Bạn hãy lên tiếng ngay bây giờ đi!"

Các vụ việc xâm hại tình dục luôn xảy ra trong bối cảnh vắng vẻ, không có người chứng kiến. Nạn nhân của xâm hại tình dục thường trẻ tuổi, tâm lý yếu, thiếu kinh nghiệm và hiểu biết, dẫn tới hoảng hốt, sợ hãi và không đi tố cáo ngay. Đây cũng là lý do mà kẻ thủ ác dễ dàng thoát tội do chứng cứ không được lưu giữ, trừ khi nạn nhân bị hiếp dâm đến chết hay bị hiếp dâm và bị giết sau đó.

Những định kiến cố hữu tồn tại trong một bộ phận dư luận không nhỏ mà dân gian thường gọi là bia miệng khiến nạn nhân rất khó lên tiếng tố cáo. Họ sợ lời dị nghị, sợ mất hạnh phúc gia đình, sợ không lấy được chồng, sợ không xin được việc làm, ngay cả khi công lý khẳng định họ đúng. Rất hiếm người đủ mạnh mẽ để vượt qua nỗi đau, vượt qua điều tiếng mà sống một cuộc đời Bình Thường.

Vậy nên, đừng đặt câu hỏi cho nạn nhân rằng: Tại sao không lên tiếng từ lúc...? Thay vào đó hãy nói với họ: Bạn hãy lên tiếng ngay bây giờ! Khi bạn đặt câu hỏi tại sao, đồng nghĩa với việc bạn không tin vào câu chuyện. Với nạn nhân, nếu việc bị cưỡng hiếp giết chết một nửa con người của họ thì việc bị người ta không tin mình giết chết một nửa còn lại. 

Các nạn nhân của xâm hại tình dục không lên tiếng chính vì sợ hãi những câu hỏi "Tại sao" đó.

Khi bạn hỏi "Tại sao", bạn đã tự đóng cửa với sự thật.

***

Quay trở lại chuyện nhà thơ Dạ Thảo Phương, câu chuyện chị tố cáo có thật hay không hiện chưa thể khẳng định. Phía Dạ Thảo Phương yêu cầu người bị chị tố cáo đối chất. Còn phía người bị tố cáo đã từ chối đối chất mà gửi đơn tới công an tố Dạ Thảo Phương vu khống, sau 1 tuần giữ im lặng.

Một người tha thiết đưa vụ việc ra ánh sáng, người còn lại thì không. 

Đưa câu chuyện này ra ánh sáng là một quyết định đau đớn. Khi viết lá thư tố cáo, người phụ nữ này đã phải đặt cuộc sống bình yên và sung túc hiện tại, nhân phẩm của mình, hạnh phúc của gia đình mình, danh dự của bố mẹ già và người thân mình trước dư luận, sẵn sàng đối mặt với những tổn thương khủng khiếp. 

Nếu những người tin chị chiếm đa số, chị được nhẹ lòng. Còn ngược lại, chị tự đưa mình ra giữa pháp trường cho miệng đời ném đá đến chết. Nếu công lý khẳng định chị đúng, chị được bảo toàn danh dự. Còn ngược lại, nếu người ta chứng minh được chị vì hận tình năm xưa mà tự phanh thây mình, mang cả danh dự bản thân, danh dự của cha mẹ, chị em, chồng, con ra để trả thù 1 người đàn ông không có gì là xuất sắc hay vĩ đại thì chị đã ôm bom tự sát vì sự điên rồ không tưởng của mình. Nếu là bạn, con em của bạn hay người thân của bạn, bạn có sẵn sàng đánh đổi vì sự điên rồ đó hay không?

Nếu bạn, người thân của bạn là nạn nhân của xâm hại tình dục, ngay cả khi không có đủ chứng cứ, bạn hãy cứ lên tiếng. Bởi công lý và tình yêu thương thực sự tồn tại trên cuộc đời. "Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa" (thơ Lưu Quang Vũ). Và còn bởi vì, nếu không có đủ chứng cứ, chúng ta vẫn còn niềm tin dành cho nhau.

Cẩm Mịch

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Yêu xa: Im lặng là dấu chấm hết?