Tạm biệt nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký - người thầy không cần phấn trắng bảng đen, truyền cảm hứng cho bao thế hệ học trò
Tin liên quan
Tôi vẫn còn nhớ tấm gương về thầy Nguyễn Ngọc Ký mà mình từng được biết đến thời tiểu học. Dù không thể nhớ rõ từng dấu mốc thời gian cùng hành trình của thầy, song ấn tượng về một người học trò viết bằng chân vẫn còn in sâu trong tâm trí của tôi. Năm 4 tuổi, thầy Ký bị bệnh và liệt cả hai tay. Không gục ngã trước số phận, thầy đã luyện viết bằng chân để tiếp tục đi học và theo đuổi ước mơ của mình. Sau này tôi có xem một chương trình trên tivi về thầy, không chỉ viết bằng chân, thầy còn đánh răng, thay đồ, ăn cơm,… tất cả những sinh hoạt hàng ngày đều được thực hiện bằng đôi chân điêu luyện.
Hồi nhỏ chúng tôi thường có những ý tưởng hơi điên rồ một chút, thử nhắm mắt lại để trải nghiệm xem người mù sẽ làm những công việc quen thuộc thế nào. Rồi khi đọc câu chuyện về thầy Ký, chúng tôi cũng thử kẹp bút viết bằng chân xem trải nghiệm ra sao. Thử rồi mới biết là rất khó, đủ để thấy những người khuyết tật gặp khó khăn thế nào khi cố gắng sống một cuộc đời bình thường. Để rồi mình biết ơn và trân trọng cuộc đời ra sao khi mình được lành lặn và mạnh khỏe.
Số phận có thể lấy đi của thầy Ký đôi tay nhưng không thể nào lấy được nghị lực của thầy. Càng ở trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, người ta càng mạnh mẽ và quyết tâm. Là một người khuyết thiếu đôi tay, thầy Ký không chỉ cố gắng hòa nhập với cuộc sống bình thường mà còn sống một cuộc đời phi thường.
Mặc dù phải viết bằng chân nhưng suốt quãng thời gian học từ cấp 1 đến cấp 3, thầy Ký luôn đạt học sinh giỏi và nhiều thành tích ấn tượng khác. Năm lớp 7, thầy tham dự kỳ thi học sinh giỏi Toán toàn quốc và đứng thứ 5, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu vì đạt thành tích vượt khó học giỏi.
Năm 1970, thầy Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội và sau đó thầy đã về quê ở Hải Hậu, Nam Định làm giảng viên, theo lời khuyên của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau 35 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, thầy Ký đã được công nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú và là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 58 tuổi, thầy được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao tặng danh hiệu Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết.
Ngoài sự nghiệp giáo dục, thầy Ký còn là một nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm tiêu biểu như Hồi ký Tôi đi học, Hồi ký Tôi học đại học, Hồi ký Tôi đi dạy học, Tâm huyết trao đời. Thầy đã xuất bản hơn 30 đầu sách, 1500 câu đố, bài thơ đố in thành 16 tập.
Với một người thầy, việc truyền lửa cho học trò cũng quan trọng như việc truyền kiến thức. Phải làm sao để sau mỗi giờ học trên giảng đường, những học trò vẫn tiếp tục miệt mài học hỏi, tìm tòi không ngừng. Chỉ cần kể về cuộc đời của thầy Nguyễn Ngọc Ký, chúng ta đã được truyền rất nhiều cảm hứng về nghị lực vượt lên số phận và tấm gương hiếu học. Trong cuộc đời mình, thầy Ký cũng nhiều lần được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống cho nhiều thế hệ học trò trong và ngoài nước. Hành trình truyền lửa ấy vẫn không dừng lại dù thầy phải chống chọi với tuổi cao và bệnh tật.
Suốt 76 năm cuộc đời, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương sáng về nghị lực phi thường, tình yêu cuộc sống và tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ. Sáng ngày 28/9, thầy Nguyễn Ngọc Ký đã ra đi sau quãng thời gian chiến đấu với bệnh suy thận. Người ta nói nhân gian chỉ là cõi tạm, sinh mệnh ngắn ngủi, ai rồi cũng phải đến lúc rời khỏi thế giới này. Điều quan trọng là những gì ta đã làm trong cuộc đời mình và di sản ta để lại khi rời đi, sao cho khi ta đến và đi, ta đã khiến thế giới này tốt đẹp hơn một chút. Thầy Ký đã ra đi nhưng tấm gương về một nhà giáo không cần phấn trắng bảng đen vẫn còn truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học trò.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất