Tác dụng chữa lành của những thanh âm kỷ niệm: không bài hát nào hay hơn những bài hát bạn thích thời niên thiếu

I Am NGA 2022-10-03 08:22
- Dù cho gu nghe nhạc của chúng ta có thay đổi thế nào chăng nữa, tâm trí ta vẫn văng vẳng những giai điệu mà ta từng mê mẩn trên hành trình đầy sóng gió của sự trưởng thành

Xúc cảm được đánh thức bởi những thanh âm kỷ niệm

Tôi đang ngồi làm việc, bỗng chị đồng nghiệp gửi link nghe một show ca nhạc trên YouTube với tên gọi Hương mùa hè. Đây là chương trình làm mới lại những bài hát nổi tiếng một thời, với bản phối mới và những giọng ca mới, chủ yếu là các bạn ca sĩ trẻ. Chị bảo nghe đi, chill và bình yên lắm. Tôi cắm headphone nghe thử, bản phối mới cũng lạ, giọng ca sĩ cũng hay, nhưng không khơi gợi cảm xúc gì trong tôi cả. Chị ấy tiếp tục nhận định, những bài hát cũ vẫn có chỗ đứng trong lòng thính giả trẻ, chỉ cần làm mới lại, đánh trúng gu nhạc của gen Z bây giờ thì vẫn hot trở lại, như series “Gen Z và Trịnh” là một ví dụ. Lâu rồi tôi cũng không quan tâm xem đang có trend gì hay gen Z dạo này thích gì, tự xem mình là người thuộc về một thế hệ đã cũ.

Cho đến khi playlist phát đến bài Tình em là đại dương (Hoàng Dũng, Grey D cover) tôi mới thấy trái tim thổn thức. Trong chốc lát, giai điệu của bài hát này đã đưa tôi về với “em của thời niên thiếu”. Tôi nghe bài hát này lần đầu cách đây 17 năm, lúc đó tôi còn quá trẻ để có trải nghiệm yêu đương, đổ vỡ gì. Chỉ đơn giản là giai điệu bài hát này khơi gợi lại cảm xúc mạnh mẽ về một thời nhiều mộng mơ. Sau khi nghe hết bản cover do hai ca sĩ trẻ thể hiện, tôi nhanh chóng tìm nghe bản gốc để được sống lại những cảm giác chân thực nhất. Tiếng saxophone da diết, tiếng sóng biển, tiếng chim hải âu, hòa quyện với giọng hát đặc trưng của Duy Mạnh, tất làm nên một Tình em là đại dương không thể lẫn vào đâu. Ngày ấy tôi chưa biết yêu là gì mà cũng cảm nhận được sự tha thiết trong từng câu hát: “Đại dương mênh mông hỡi nơi em ở đâu? Trời xanh bao la ơi có thấy bóng em? Nhờ cơn gió hãy nhắn giùm rằng trái tim ta vẫn yêu người”.

Tác dụng chữa lành của những thanh âm kỷ niệm: không bài hát nào hay hơn những bài hát bạn thích thời niên thiếu

Bên dưới bản cover của các ca sĩ trẻ, có nhiều ý kiến khác nhau. Việc thể hiện lại một bài hit đã quá nổi tiếng sẽ khó tránh khỏi sự so sánh. Nhiều người cảm nhận rằng bản cover này đã thổi một làn gió tươi mát hơn, trẻ trung hơn vào bài hát, hợp với thị hiếu thính giả trẻ hơn, song họ vẫn thích bản gốc hơn cả. Tuy nhiên đại đa số thính giả vẫn mở lòng đón nhận bản cover bởi chính những ca sĩ trẻ đã làm sống lại những bài hát xưa cũ, giúp ca khúc chạm đến nhiều bạn trẻ hơn nữa chứ không chỉ là hoài niệm của thế hệ 8X, 9X. Một bài hát khi không còn được ai hát, ai nghe sẽ dần bị lãng quên theo năm tháng.

Dòng ký ức như chợt ùa về với những bài hát cũ, tôi tìm nghe lại nguyên list nhạc mình từng mê mẩn một thời. Ngày ấy tôi cũng từng viết thư cho thần tượng và được tặng một tấm ảnh có kèm chữ ký. Lúc bấy giờ muốn cập nhật tin tức về idol, chỉ có cách chờ báo Hoa học trò mỗi tuần chứ làm gì mạng xã hội như bây giờ.

Rồi tôi lớn lên, có nhiều thứ phải lo nghĩ hơn, những thần tượng, những mộng mơ thuở thiếu thời cũng dần rơi rớt đâu đó trên con đường trưởng thành. Nhân một ngày kỷ niệm ùa về, tôi thử vào trang Facebook của những ca sĩ tôi từng yêu thích, rồi lần tìm xem những talkshow họ tham gia xem chừng ấy năm qua họ đã sống thế nào.

Có người khiến tôi thở dài suy nghĩ, mình yêu mến nghệ sĩ nào chỉ cần quan tâm đến sản phẩm của họ là đủ, đừng nên tìm hiểu đời tư của họ làm gì cho đỡ thất vọng. Tôi nghĩ đến một bài viết mình từng đọc rằng người nổi tiếng được ví như những ngôi sao vì nhìn từ xa họ sáng lấp lánh, nhưng khi lại gần chỉ là những hành tinh xù xì, gai góc, thậm chí có ngôi sao đã tắt từ lâu, cái mà chúng ta nhìn thấy chỉ là ảo ảnh quá khứ.

Nhưng cũng có những người khiến tôi cảm động, khâm phục họ hơn bởi những tâm tư họ bộc bạch phía sau ánh hào quang. Như chàng hoàng tử của tôi, tôi chỉ biết anh ấy sinh ra đã ngậm thìa vàng, bước chân vào con đường thành người nổi tiếng với bao thuận lợi. Tôi đã không hề biết rằng sau ánh đèn lấp lánh, hào nhoáng trên sân khấu là một chàng trai lớn lên và luôn thiếu sự chăm sóc của bố mẹ do họ đều bận việc kinh doanh. Rồi anh phải đối diện với loạt biến cố gia đình, từ việc bố mẹ ly hôn, đến việc bà vú từng chăm sóc anh từ nhỏ đột ngột qua đời.

Khi thấy những thần tượng mình từng mến mộ có một đời tư sạch sẽ, nghị lực phi thường và đam mê, cống hiến hết mình vì nghệ thuật, tôi vẫn thấy có chút gì đó tự hào.

Nhìn lại, thấy một quãng thời gian dài đã trôi qua, những thần tượng mình yêu thích ngày ấy nay đều bước vào lứa tuổi U40, U50 cả rồi.
Tác dụng chữa lành của những thanh âm kỷ niệm: không bài hát nào hay hơn những bài hát bạn thích thời niên thiếu

Những bài hát ta nghe khi còn là thiếu niên hay hơn bất kì bài hát nào ta nghe khi đã trưởng thành

Mỗi năm trôi qua lại có loạt hit mới ra đời, những bài hát cũ dần rơi vào quên lãng, ngoại trừ vùng ký ức của những người đã từng nghe và thích nó. Có thể nghe tuyển tập những bài hit của năm 2022 sẽ khiến tôi đau đầu với thứ nhạc thời thượng xập xình, nhưng với top hit 2002 thì tôi lại cảm thấy yên bình và hạnh phúc.

Tại sao những bài hát ta nghe thời niên thiếu lại hay hơn bất kỳ bài hát nào ta nghe khi đã trưởng thành?

Có thể bạn chưa biết, gu âm nhạc được gieo trồng từ khi ta mới lọt lòng và phát triển mạnh mẽ nhất ở những năm tháng thiếu niên.

Thứ âm nhạc mà chúng ta nghe khi còn nhỏ trở thành một vùng ký ức dịu êm. Khi lớn lên, những thanh âm xưa cũ trở thành một phần ký ức của quá trình trưởng thành. Một giai điệu, một mùi hương quen thuộc là cách nhanh nhất đưa ta về miền ký ức.

Tác dụng chữa lành của những thanh âm kỷ niệm: không bài hát nào hay hơn những bài hát bạn thích thời niên thiếu

Theo giáo sư tâm lý học James Pennebaker, âm nhạc có mối liên quan chặt chẽ đến cảm xúc. Trong độ tuổi từ 14 đến 24, chúng ta thường trải qua sự thay đổi cả thể chất và tâm lý, như mối tình đầu, những lần thất tình đến tan nát trái tim và những cột mốc quan trọng khác, tạo nên mối liên hệ chặt chẽ với những bài hát mà chúng ta nghe.

Những bài hát yêu thích của chúng ta kích thích phản ứng khoái cảm trong não, chúng giải phóng dopamine, serotonin, oxytocin và các chất truyền dẫn thần kinh tạo cảm giác hạnh phúc khác. Chúng ta càng thích một bài hát, những hormone hạnh phúc càng “chảy” trong cơ thể chúng ta nhiều hơn. Điều này xảy ra với mọi người, ở mọi lứa tuổi nhưng khi dậy thì, bộ não của chúng ta trải qua nhiều biến đổi. Chúng ta trở nên nhạy cảm hơn và cơ thể sản sinh rất nhiều nội tiết tố. Vì thế, những bài hát mà chúng ta thích ở giai đoạn này sẽ đi sâu vào thùy não và thường gắn liền với chúng ta mãi mãi.

Dù cho gu nghe nhạc của chúng ta có thay đổi thế nào chăng nữa, tâm trí ta vẫn văng vẳng những giai điệu mà ta từng mê mẩn trên hành trình đầy sóng gió của sự trưởng thành. Bạn khó có thể thích một bài hát nào hơn cách bạn từng say đắm thứ âm nhạc bạn nghe khi còn niên thiếu.

Tác dụng chữa lành của những thanh âm kỷ niệm: không bài hát nào hay hơn những bài hát bạn thích thời niên thiếu

Gu âm nhạc sẽ ngừng "cơi nới" khi ta ngoài 30 tuổi

Càng “có tuổi”, ta càng dễ hoài niệm về những ngày xưa yêu dấu. Vẫn có những người tự cảm thấy tâm hồn mình vẫn trẻ trung bất chấp tuổi tác và liên tục làm mới mình bằng cách bắt kịp những xu hướng mới. Nhưng rồi ai cũng đến lúc phải chậm lại và không còn đuổi kịp trend của giới trẻ, bao gồm cả âm nhạc.

Có một sự thật là ta có xu hướng ngừng tìm nghe những bài nhạc mới khi ngoài 30 tuổi. Tôi đã bất ngờ khi biết điều này và giật mình vì thấy đúng thật nhỉ? Đúng là từ rất lâu rồi tôi không còn cập nhật những bài hát mới trên bảng xếp hạng và cũng chỉ nghe đi nghe lại những bài hát mà mình từng thích.

Tại sao khi trưởng thành, chúng ta thường hờ hững với những bài hit mới?

Có lẽ vì những cột mốc cảm xúc mạnh mẽ nhất chúng ta đều đã trải qua rồi, nên mối liên kết với bài hát mới không thể sánh bằng “tình cũ”. Hơn nữa, những bài hát mới dù hay đến đâu cũng vẫn thiếu đi một thứ gia vị gọi là kỷ niệm. Những bài hát đó chỉ đơn thuần là âm nhạc, nó không khơi gợi bất kỳ ký ức, hoài niệm nào cả. Nó không mang đến cảm giác thỏa mãn khi được chìm đắm trong những thanh âm ký ức và lẩm nhẩm theo đoạn điệp khúc mà mình đã thuộc lời từ lâu.

Tuổi trưởng thành thường kéo theo những áp lực cơm áo gạo tiền cùng trách nhiệm ngày càng lớn với gia đình. Một người tự nhận mình không thể sống thiếu âm nhạc mỗi ngày như tôi, nay thậm chí còn phải viết trong ghi chú việc nghe nhạc để đầu óc được thư giãn hơn.

Tác dụng chữa lành của những thanh âm kỷ niệm: không bài hát nào hay hơn những bài hát bạn thích thời niên thiếu

Thời mới lớn, tôi có đến mấy cuốn sổ tay chép lời bài hát được bạn bè trong lớp chuyền tay nhau đến cũ mòn. Giới trẻ bây giờ làm sao biết được cảm giác tua đến xước đĩa, vừa nghe vừa nhấn pause để chép lời? Cũng không còn chuyện mang thẻ nhớ ra quán để cop nhạc như ngày xưa nữa. Bây giờ mọi thứ đều trở nên dễ dàng, tiện lợi, chẳng ai còn lưu nhạc mp3 trong điện thoại vì đã có Spotify, YouTube. Cũng chẳng ai còn tỉ mẩn chép lời bài hát vì Google vài giây là cái gì cũng có. Âm nhạc bây giờ đa dạng, phong phú quá, những bài mới ra mắt liên tục thành ra những người “có tuổi” như chúng tôi thường dễ choáng ngợp, không biết nên chọn nghe gì.

Ngày xưa vốn dĩ có gì nghe nấy và theo thời gian những bài hát dần hóa thành kỷ niệm. Dù sau này, tôi có được tiếp cận với nhiều dòng nhạc đến đâu, tai nghe nhạc trở nên tinh tế thế nào thì cảm xúc khi nghe lại những bài hát cũ vẫn không hề thay đổi.

I Am NGA

Thiết kế: I Am NGA

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Cách trang điểm cho nàng tóc đen: Toàn mẹo 'nhỏ mà có võ'