Ta học được gì khi từ bỏ một công việc tốt?

I Am NGA 2023-10-24 19:00
- Một công việc tốt chưa chắc đã là một công việc phù hợp.

Câu chuyện của cô ấy

Cô ấy vui mừng khoe đã tìm được công việc mới sau 3 tháng “career break” (tạm hiểu là một quãng nghỉ trong sự nghiệp). Giữa thời buổi kinh tế suy thoái, nhiều người mất việc, tìm việc khó khăn, việc dám dành cho bản thân một khoảng nghỉ là quyết định dũng cảm nhất quãng đời đi làm của cô ấy. Sau đó cô ấy hồi hộp nộp CV vào một vị trí công việc mà mình yêu thích, ở buổi phỏng vấn, cô ấy đã hơi căng thẳng một chút, nhưng đã thể hiện rất tốt. Ba ngày sau, cô ấy nhận được offer, đúng mức lương mà cô ấy deal, lại chỉ phải thử việc một tháng. Lần đầu tiên bước chân vào một tập đoàn lớn, được thử sức ở một lĩnh vực mà mình đang quan tâm, cô ấy thấy mình như người trúng số.

Cô ấy đã làm việc chăm chỉ, cẩn trọng từng bước một. Cô ấy đã thật sự nỗ lực. Vốn là người hướng nội, trước giờ chỉ quen ngồi một chỗ viết lách, biên tập, lần đầu cô ấy trải nghiệm việc phỏng vấn nhiều nhân vật, lên kịch bản và đi quay ngoại cảnh thường xuyên. Nhìn lịch làm việc được note trên Google Calendar, cô ấy thấy vui vui, ít ra thì không còn phải làm công việc đều đều, nhàm chán, ngày nào cũng như ngày nào. Rồi cô ấy mơ màng nghĩ đến những chuyến đi công tác, thấy bản thân trở thành một con người mới thật năng động. Cho đến khi công việc dồn dập, chồng chất và cô ấy phải mang việc về nhà làm ngay cả ngày nghỉ cuối tuần. Cô ấy vẫn nghĩ rằng do mình mới đi làm, chưa quen việc nên thế, thêm nữa dự án đang cần đẩy nhanh tiến độ, sau này quen rồi sẽ đỡ vất vả hơn. Đây là dự án đầu tiên cô được giao, là căn cứ đánh giá kỳ thử việc nên phải làm cho tốt.

Ta học được gì khi từ bỏ một công việc tốt? 

Và rồi sau một cuối tuần kiệt sức vì tăng ca tình nguyện không lương, cô ấy ngỡ ngàng khi nghe lời phàn nàn của team leader. Leader nhắc nhở việc cô ấy chưa chú tâm vào công việc của team. Cô ấy bất ngờ, sau đó bất lực. Cô ấy được tuyển vào team A nhưng lại được giám đốc bộ phận giao cho dự án của team B. Mặc dù ngay từ ban đầu cô ấy đã nói rõ với leader team A về công việc mình đang phụ trách, cô ấy cũng đã cố gắng để cân bằng công việc giữa 2 team, nhưng rồi vẫn bị khiển trách. Quãng thời gian đầu mới đi làm là thời điểm quan trọng để làm quen công việc và hòa nhập với đồng nghiệp, nhưng cô ấy lại bị rơi vào tình cảnh tréo ngoe khi mắc kẹt giữa 2 team và không biết nên làm thế nào. Nếu phản ánh lên lãnh đạo cấp cao hơn, có thể sẽ bị team leader và đồng nghiệp “ghim”, càng khó khăn cho công việc sau này. Đây là một tình thế đòi hỏi rất nhiều đến kỹ năng giao tiếp và cách cư xử khôn khéo.

Cô thấy mệt mỏi và chán nản. Sau đó nhìn lại công việc mình đang làm, cô mới tự hỏi mình có thật sự yêu thích công việc này không? Lý do mình làm công việc này là gì? Một mức lương như mong muốn? Cái “mác” làm cho tập đoàn lớn? Cơ hội học hỏi, phát triển bản thân trong một lĩnh vực mới? Nhưng mỗi sáng thức dậy, cô có thấy hào hứng muốn đến công ty không? Liệu bây giờ cô ấy nghỉ việc thì có phải là bỏ cuộc quá sớm không? Cô ấy cố gắng đủ chưa? Việc không gắn bó lâu ở một chỗ có ảnh hưởng đến CV? Cô ấy đem vấn đề của mình tâm sự với một người bạn và sau khi lắng nghe một số lời khuyên thì cô đã mạnh dạn nghỉ công việc ấy. Trải nghiệm đó vừa đủ để cô rút ra những bài học cho chính mình.

Ta học được gì khi từ bỏ một công việc tốt?

Một công việc tốt chưa chắc đã là một công việc phù hợp

Cũng như chiếc áo đẹp treo trên mắc, không phải ai mặc lên cũng đẹp. Nó chỉ đẹp khi nó tôn lên vóc dáng và khiến bạn thoải mái. Cũng có những món đồ lung linh bắt mắt nhưng khi mặc vào lại đau nhức, khó chịu, chẳng hạn như những đôi giày cao gót. Khi lựa chọn một công việc, nhiều người thường chỉ quan tâm đến mức lương, cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc mà ít quan tâm đến khía cạnh công việc đó có phù hợp với bạn không và có đem lại cho bạn niềm cảm hứng mỗi ngày không. Cô đã từng nghĩ mình may mắn có được công việc tốt khi được làm trong tập đoàn lớn với mức lương mong muốn, nhưng đã có khoảnh khắc cô phải thốt lên rằng, dù có được trả bao nhiêu cô cũng không muốn tiếp tục nữa.

Điều bạn muốn chưa chắc đã là điều bạn cần

Cô vẫn nghĩ rằng cô muốn có một công việc tốt, một sự nghiệp phát triển. Nhưng đôi khi cô lại quên mất điều mình thật sự cần là gì. Chúng ta luôn muốn rất nhiều thứ nhưng điều chúng ta cần thì không nhiều như thế. Chung quy lại cũng chỉ mong có đủ cơm no, áo ấm, sống một cuộc đời hạnh phúc bình yên. Dù bạn có tham vọng bao nhiêu đi chăng nữa, thì điều kiện cơ bản vẫn phải là có một sức khỏe tốt và một nội tâm vững vàng. Có lẽ cô được trải nghiệm những thứ cô muốn, tựa như có được công việc “trong mơ” để nhận ra bài học này.

Ta học được gì khi từ bỏ một công việc tốt?

Đừng vì ngại bất kỳ ai mà lãng phí thời gian và sức lực cho một công việc không phù hợp

Cô có được công việc này, một phần cũng nhờ người quen giới thiệu. Anh cũng là người trực tiếp phỏng vấn cô. Tất nhiên, để có được công việc, cô cũng phải dựa vào năng lực, kinh nghiệm và tự mình vượt qua buổi phỏng vấn. Anh cũng là người luôn tìm cách giúp đỡ và bảo vệ cô ở công ty. Điều này khiến cô cảm thấy ngại nếu xin nghỉ khi phụ lòng người tốt giúp đỡ mình. Nhưng rồi cô nhận ra mình không thể lãng phí thời gian và sức lực cho một công việc không phù hợp chỉ vì “ngại” bất cứ ai. Cô vẫn quyết định xin nghỉ. Khi biết chuyện này, anh đã rất bất ngờ và động viên cô cố gắng, anh âm thầm quan sát và biết hết những vấn đề cô đang gặp phải. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, cô thấy lý do chính khiến mình xin nghỉ chủ yếu vì công việc không phù hợp chứ những lý do khác cũng chỉ là chuyện nhỏ nhặt.

Đừng bao giờ tự phá vỡ giới hạn của chính mình

Vốn là một người coi trọng việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cô đã tự giao ước với bản thân là luôn đặt một ranh giới rõ ràng giữa công việc và đời sống riêng tư. Cô nghĩ khi không phải lo các chi phí sinh hoạt cơ bản thì có thể dành khoảng thời gian ngoài công việc cho sở thích cá nhân và phát triển bản thân. Thế nhưng cô đã nhầm. Khi công việc khiến bạn bận rộn, căng thẳng quá nhiều, lại thường phải làm ngoài giờ, bạn sẽ chẳng còn thời gian, sức lực cho những việc khác. Việc tăng ca có thể xảy ra nhưng nó phải dựa trên tinh thần tự nguyện, quyền lợi rõ ràng và đảm bảo là việc này không diễn ra thường xuyên.

Ta học được gì khi từ bỏ một công việc tốt?

Làm việc không nhất thiết là phải đi làm công sở

Đối với số đông, việc học lấy cái nghề, ra trường có một công việc “ổn định” đã là công thức chung. Nghề freelance thường không được coi là một nghề và những người làm tự do thường vấp phải định kiến “vô công rồi nghề”, không có công việc ổn định. Nhưng không phải ai cũng hợp với mô hình làm việc này, có những người biết bản thân mình không hợp nhưng không đủ dũng khí hoặc không biết chọn con đường nào khác, thành ra cứ làm theo số đông. Thực ra ngày nay xã hội phát t triển, các công việc đa dạng, ngồi bất cứ đâu cũng có thể làm được việc. Có điều, bạn có đủ dũng khí để chọn con đường khác hay không mà thôi.

Đúng hay sai chỉ có tự mình trải nghiệm mới biết

Cuối cùng thì đúng hay sai phải tự mình trải nghiệm, chứ nếu chỉ đứng một chỗ phán đoán thì cũng không biết lựa chọn này là sai hay đúng. Trong công việc, luôn có một khoảng thời gian gọi là thử việc để cả người lao động và công ty biết được năng lực và mức độ phù hợp với công việc. Qua thử việc rồi mới tính đến chuyện mình có thể gắn bó bao lâu với công việc này. Nếu ngay trong khoảng thời gian thử việc, bạn đã không cảm thấy hào hứng với công việc thì cũng khó mà tính đến chuyện đường dài. Vì thế, thử trải nghiệm là cách tốt nhất để tìm lấy cho mình câu trả lời.

I Am NGA

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Nửa đêm xem World Cup, khán giả Việt kêu đau tim khắp cõi mạng vì lý do này