Nhật ký tự do của tôi: Có một thế hệ trẻ đang lặng lẽ mắc kẹt trước áp lực cuộc sống hiện đại
Tin liên quan
Ai cũng tìm thấy nỗi niềm của chính mình trong những trăn trở của 3 chị em nhà họ Yeom
Bộ phim “My Liberation Notes” (Nhật ký tự do của tôi) đang làm mưa làm gió tại các bảng xếp hạng phim trong và ngoài Hàn Quốc. Phim kể về 3 người con của gia đình nhà họ Yeom với những trăn trở nặng trĩu ở tuổi trưởng thành. Dù làm việc ở Seoul và đã ngoài 30 tuổi, 3 chị em nhà Yeom vẫn sống cùng bố mẹ tại một ngôi làng rất xa thủ đô có tên Sanpo, gần như chẳng ai biết đến. Những người dân làng đã dần tản mác đi hết, khiến cho sự tồn tại của họ ở nơi đây càng trở nên cô lập.
Cô chị cả Ki Jung được cho là đã “quá lứa lỡ thì”, thường tìm đến rượu để giải sầu. Ngay từ đầu phim, Ki Jung đã luôn thể hiện khao khát có được tình yêu sau bao năm tháng thanh xuân bỏ qua nhiều cơ hội được yêu, hối hận sau bao lần lỡ phũ phàng với những gã trai cô không “vừa mắt”.
Còn Chang Hee mang nặng nỗi mặc cảm của một chàng trai tỉnh lẻ. Tự ti vì mình chỉ sống bên rìa Seoul, chẳng có nhà cũng chẳng có xe, anh không dám yêu đương hay kết hôn. Dù bên ngoài luôn là một người nói nhiều, nhưng sâu thẳm bên trong Chang Hee vẫn mắc kẹt với những nỗi niềm riêng của một người đàn ông trưởng thành.
Cô em út Mi Jung là một nhân viên văn phòng không nổi trội, sống nội tâm và luôn muốn thoát khỏi cuộc sống buồn tẻ và đơn sắc: “Tôi muốn tự do. Tôi muốn được giải phóng. Tôi không biết mình bị mắc kẹt ở đâu nhưng tôi cảm thấy bị mắc kẹt. Không có gì trong cuộc sống khiến tôi thoải mái. Tôi cảm thấy bị tù túng và ngột ngạt. Tôi muốn được tự do.”
Bên ngoài luôn tỏ ra mình ổn, nhưng sâu trong Mi Jung, cô cảm thấy áp lực với công việc, mệt mỏi với những cuộc hẹn của đồng nghiệp sau giờ làm.
Họ đều là những con người rất bình thường trong xã hội, dành quá nhiều thời gian để sống trong “vách ngăn” của chính mình. Họ chật vật để hoà nhập ở nơi làm việc, ám ảnh về mục đích cuộc đời, mong ước một lần được yêu thương, được chia sẻ và thấu hiểu. Đó là những nỗi niềm mà có lẽ ai cũng đã, đang trải qua một lần. Bộ phim đưa người xem dạo bước chậm rãi qua hành trình xoa dịu vết thương lòng của từng nhân vật, định hình điều gì đang giam giữ bản thân để rồi từng bước tìm lại những điều đẹp đẽ giản dị của cuộc đời.
Người trẻ ngày nay quá yếu đuối trước áp lực cuộc sống?
"Nhật ký tự do của tôi" đạt được nhiều thành tích sau công chiếu, có lẽ bởi từng thước phim đã khắc hoạ chân thực ẩn ức tâm lý, chạm tới góc tối ẩn sâu bên trong mỗi người trẻ đương thời. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà những vấn đề tâm lý được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết, đặc biệt là các chứng tâm lý mà giới trẻ thường mắc phải: rối loạn lo âu, chấn thương thơ ấu, rối loạn căng thẳng hậu sang chấn, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm,... Đặc biệt, những nghệ sĩ hay KOLs nổi tiếng trong giới trẻ đa phần đều có xu hướng bị ảnh hưởng bởi nỗi buồn, sự tổn thương và trầm cảm, ví dụ như Avicii, Billie Eilish, Sulli,... Viện nghiên cứu sức khoẻ tâm lý Mỹ đã đưa ra công bố sau nghiên cứu, độ tuổi 18 – 25 tuổi là độ tuổi có số lượng người mắc trầm cảm cao nhất. Nhiều người thế hệ đi trước bảo nhau rằng, người trẻ bây giờ được ăn ngon mặc đẹp nhưng cứ hễ “động tí” là tổn thương.
Phải chăng sức đề kháng tinh thần của thế hệ trẻ ngày nay đang yếu dần?
Người Anh có thuật ngữ “bông tuyết” để chỉ những người dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc khi đương đầu thách thức, hoặc quá căng thẳng khi mọi việc không theo ý mình. Người Đài Loan lại có cụm từ “thế hệ dâu tây” để nói về những người sinh sau năm 1981, được nâng niu nhưng cũng dễ “bầm dập” như những trái dâu tây, không đối mặt được áp lực xã hội và sức chịu đựng thấp hơn thế hệ trước.
Để lý giải cho điều này, hãy nhìn nhận lại cuộc sống vào những thập niên giữa và cuối của thế kỷ 20. Ông bà chúng ta sinh ra trong thời kỳ chiến tranh đầy khủng hoảng, phải chịu đói khổ, bệnh tật giữa bom rơi đạn lạc. Bởi vậy, họ chỉ cần được ăn no, mặc ấm là đã có thể hài lòng đến hết đời. Nối tiếp đó, bố mẹ chúng ta chỉ cần có một công việc ổn định, cuộc sống an nhàn ít biến động đã là hạnh phúc.
Thế nhưng, vật đổi sao dời. Thế hệ trẻ ngày nay sinh ra khi kinh tế đã thịnh vượng, khi bố mẹ họ đã đạt được những thành tựu nhất định hay chí ít là, một cuộc sống không thiếu ăn thiếu mặc. Họ được kỳ vọng sẽ làm được nhiều điều “ra gì” và đáng nể hơn. Mong ước của cha mẹ họ về một cuộc sống “tay cầm bút chân đút gầm bàn” đã là “lỗi thời”, giờ đây người trẻ cần có một công việc đãi ngộ tốt nhưng phải thú vị, phải đúng với những gì mình đam mê. Một hình mẫu về cuộc sống thành công đã thay đổi rất nhiều qua các thế hệ.
Tiêu chuẩn về cuộc sống thay đổi khi ăn ngày 3 bữa cơm là chưa đủ chất lượng, mà bạn phải dậy từ 5h sáng để đi tập gym hay yoga, làm việc thật năng suất để tháng này lại vượt KPI tháng trước, sau giờ làm đi học thêm một bộ môn mới để “thăng hạng” giá trị, tuân thủ theo chế độ eatclean và chăm sóc da thật kỹ lưỡng. Luôn phải bắt nhịp với rất nhiều thứ, luôn phải tích cực và thành công, người trẻ đã kỳ vọng (và bị người khác đặt kỳ vọng) rất nhiều về năng lực của bản thân họ và để rồi kiệt sức trước danh sách các việc cần làm dài dằng dặc. Họ không còn được sống là chính mình.
Và cũng bởi công nghệ ngày một phát triển, con người ngày càng trở nên cô độc hơn. Những nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, khi càng cô đơn, người ta càng có xu hướng tìm đến mạng xã hội. Còn khi dùng nhiều mạng xã hội, con người lại càng cảm thấy cô đơn.
Chớ vội phán xét rằng người trẻ ngày nay thật yếu đuối, quá nhiễu sự, toàn lấy các vấn đề tâm lý để “tỏ ra nguy hiểm”. Thế giới phát triển ngày một hiện đại hơn, kéo theo gánh nặng tinh thần của con người cũng không còn nhẹ nhàng như trước. Không giống như các thanh niên thời bao cấp đầy vô tư, trên vai người trẻ giờ đây là những áp lực vô hình, sự kỳ vọng của gia đình, lời phán xét của xã hội,... để rồi họ loay hoay không biết mình là ai với một trái tim trống rỗng.
Làm sao thoát khỏi ‘vách ngăn’ bức bối để tìm kiếm tự do cho chính mình?
Những “vách ngăn” mà bạn tự tạo dựng có thể khiến bạn mắc kẹt mãi mãi trong những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Để sống trọn vẹn, bạn phải học cách buông xuống những lo âu, gánh nặng để tìm về với chính mình.
Dùng một “phiên bản khác” để nói chuyện với chính mình
Những người mắc chứng lo âu, buồn bã thường trực có xu hướng coi một việc trở nên nghiêm trọng hơn bản chất của sự việc đó. Để tránh lãng phí năng lượng và thời gian, bạn có thể tưởng tượng xem mình ở 20 năm sau sẽ đánh giá chuyện này như thế nào. Hãy nhắm mắt và hình dung bạn ở phiên bản 20 năm sau, liệu bạn có nhớ đến những điều rầu rĩ của ngày hôm nay không? Liệu điều đó có quan trọng đến mức sẽ khiến bạn đau khổ mãi cho đến cuối đời? Và nếu như được đưa ra lời khuyên tới “bạn ở hiện tại”, “bạn của sau này” sẽ muốn nhắn nhủ điều gì?
Viết xuống để giải toả cảm xúc
Nếu như cảm xúc trong lòng bạn là một mớ hỗn độn nặng trĩu, đừng giữ trong lòng. Kể cả khi chẳng thể tỏ bày cùng ai, bạn vẫn có thể viết xuống để trút bỏ mọi cảm xúc. Hít thật sâu, lấy một tờ giấy và viết tất cả những cảm xúc mà bạn đang có. Đó có thể là tức giận, uất ức, đau lòng hay tủi thân. Sau khi viết xong, bạn có thể xé tờ giấy đó nếu muốn. Viết xuống sẽ giúp tâm trạng bạn được cải thiện.
Mỗi tuần, hãy làm ít nhất một điều bạn chưa từng làm
Không có cách nào để thoát khỏi “vách ngăn” nhanh hơn việc phá vỡ những giới hạn của bản thân và bước ra khỏi vòng an toàn. Tồn tại ở giới hạn là sự sợ hãi, lo lắng, khủng hoảng của bạn bấy lâu nay. Và khi bước qua được giới hạn, bạn sẽ dỡ bỏ được hàng rào ngăn bạn tự do và sống hết mình.
Vùng khám phá ở bên ngoài đang có rất nhiều cơ hội hứa hẹn và những nguồn sống dồi dào. Mỗi tuần hãy thử ít nhất một điều mà bạn chưa từng làm, đó có thể là một sở thích mới, một chuyến đi ngắn tới vùng đất mới, một môn thể thao mới, mở lòng với một người bạn mới,… Biết đâu sau khi thử làm một điều gì đó mới mẻ, bạn sẽ tìm thấy một con người lạ lẫm của chính mình và cảm thấy những điều bạn chưa từng cảm thấy trước đây.
Đừng nghĩ việc vượt qua nỗi sợ hay thay đổi bản thân là cần phải khốc liệt và “trời long đất lở”. Bạn không cần chiến đấu với chính mình để sống tốt hơn. Thay vào đó, bạn chỉ cần thay đổi từ những thói quen nhỏ để đơn giản hoá những vấn đề tiêu cực. Lối thoát không nằm đâu xa, nó ở ngay bên trong bạn.
Cẩm Mịch
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất