Nhận diện đồng nghiệp toxic: Làm sao để không bị những 'drama' công sở 'thao túng tâm lý' bạn?
Tin liên quan
Bài học từ một lần bị cuốn vào drama nơi công sở
Lan vốn là một nhân viên trầm tính, hướng nội. Ở công ty cô chỉ tập trung vào công việc, làm tròn bổn phận của mình, hết giờ thì đi về, cũng ít giao du với đồng nghiệp. Những “drama” nơi công sở, cô chưa từng tham gia, ai nói xấu ai cô không cần biết, miễn họ không làm ảnh hưởng đến cô thì cô sẽ không quan tâm.
Cách đây vài tháng, công ty Lan có trưởng phòng Hành chính nhân sự mới, là một người kém tuổi Lan và kém tuổi tất cả các nhân viên trong phòng em ấy. Vài lần đi ngủ trưa cùng nhau, em trưởng phòng kia cứ rỉ rả kể chuyện drama phòng em. Em nói ở phòng em bị mọi người chèn ép, cô lập và thấy không hợp với môi trường công ty.
Vốn ít để tâm đến chuyện của người khác nhưng lần này Lan thấy cảm thông với em ấy. Em là người mới, lại quản lý những nhân viên lâu năm, hơn tuổi mình nên chẳng dễ dàng gì. Vài lần Lan có đưa ra ý kiến rằng em chưa biết cách khẳng định vị trí của mình, để nhân viên lấn lướt. Em còn trẻ, nếu cảm thấy không hợp, em hoàn toàn có thể tìm một môi trường mới. Thế nhưng mọi chuyện vẫn chẳng có gì thay đổi và mỗi buổi trưa Lan vẫn phải tiếp tục nghe những lời than vãn từ đồng nghiệp.
Cho đến một ngày, Lan chợt bức xúc khi nghe em trưởng phòng kia nói rằng chính Lan cũng từng là đối tượng bị phòng em nói xấu. Cảm xúc mệt mỏi, bực tức đó cứ quấn lấy đầu óc Lan, khiến cô không thể tập trung vào công việc. Cô bèn viết một bài giải tỏa cảm xúc trên chiếc blog nhỏ và nghĩ rằng chắc cũng chẳng có ai để tâm đến. Điều cô không ngờ đến là đồng nghiệp cô đã đọc được bài viết đó, họ chụp màn hình, chia sẻ cho nhau đọc. Chuyện ầm ĩ đến tận tai giám đốc, khiến cả công ty xì xầm, bàn tán.
Khi bình tâm suy nghĩ, Lan nhận ra rằng drama của phòng khác thì liên quan gì đến cô? Cô nổi giận khi biết mình bị nói xấu sau lưng, nhưng càng mệt mỏi hơn khi phải nghe bên tai những chuyện tiêu cực hàng ngày từ người đồng nghiệp kia. Lẽ ra Lan phải né ngay từ đầu, nhưng vì cả nể và vì thương người nên cô tự nguyện ôm rác vào người. Phải, em trưởng phòng kia cũng chỉ cần có người để xả rác của em ấy thôi và lôi kéo người khác nói xấu những người mà em ghét. Khi nhận ra điều này, Lan mới thấy bản thân quá dại dột, để bị cuốn vào những chuyện thị phi không đâu.
Nhận diện những kiểu đồng nghiệp toxic mà bạn nên né càng xa càng tốt
"Bà tám" công sở
Có những kẻ đi làm vì đam mê, nhưng mà là đam mê của họ là ngồi lê đôi mách, buôn tám chục câu chuyện về người khác. Ở bên cạnh những người như vậy vừa ồn ào, điếc tai, vừa ngán đến tận cổ những drama dài bất tận. Có vẻ như chuyện thâm cung bí sử, đời tư của người khác, cái gì họ cũng biết, chỉ có biết điều là không biết.
Họ là trung tâm của thị phi và là kẻ hủy diệt thời gian số một. Họ ngốn thời gian làm việc của bạn bằng những câu chuyện phiếm, hễ “túm” được ai là họ khiến người ấy bị nhấn chìm trong những câu chuyện liên tu bất tận. Tất cả chỉ để nhằm mục đích trốn việc mà thôi.
Hội "số khổ" thích "bán than"
Trên người họ luôn toát ra mùi phiền phức và tiêu cực. Dường như họ chẳng bao giờ vui vẻ, hài lòng với cuộc đời của mình cả. Lúc nào họ cũng có cả tá vấn đề đeo bám, họ than từ chuyện lương thấp, than việc nhiều, than sếp khó tính. Vấn đề là ngoài than vãn ra dường như họ chẳng bao giờ làm gì để giải quyết vấn đề của mình cả. Lúc này, mọi lời khuyên dành cho họ cũng chỉ là thứ thừa thãi bởi họ không cần giải pháp, họ chỉ cần ai đó làm cái thùng rác cho họ trút thôi.
Những kẻ thích đóng vai người tử tế
Nếu bạn đang mệt mỏi, chán nản, hãy thận trọng với những kiểu người này. Họ sẽ đến bên cạnh bạn, tỉ tê an ủi. Nhưng biết đâu đấy, những chuyện riêng tư mà bạn rút ruột rút gan ra để dốc bầu tâm sự với họ lại trở thành đề tài bàn tán của một tổ hội buôn dưa nào đó.
Những kẻ thích “ra dẻ”
Họ là những kẻ nổ tận trời xanh, "nổ banh nóc nhà" về bản thân. Lúc nào cũng “ra dẻ” rằng nhà có điều kiện, chồng làm ra tiền, còn họ đi làm chỉ để cho vui và lương tháng chỉ để tiêu vặt. Bên ngoài họ có thể tự đánh bóng bản thân nhưng bên trong xấu đẹp thế nào, ấm lạnh ra sao tự họ mới biết. Trong khi bạn phải dậy sớm hơn người khác, về muộn hơn người khác để hoàn thành công việc của mình thì sao phải lãng phí thời gian cho những người đi làm khi không thật sự cần một công việc?
Tuyệt chiêu né drama công sở
Đã chọn làm công việc văn phòng là khó có thể tránh khỏi những drama nơi công sở. Làm việc trong môi trường độc hại hay đồng nghiệp độc hại sẽ hút cạn năng lượng của bạn, khiến bạn rơi vào tầng cảm xúc tiêu cực. Liệu bạn có chấp nhận chịu đựng 8 tiếng mỗi ngày với những chuyện thị phi, mệt mỏi không? Vậy có cách nào giúp bạn né thị phi?
Hiểu rằng bạn chỉ có thể kiểm soát chính bản thân mình
Bạn sẽ không thể nào khiến đồng nghiệp nhiều chuyện ngừng nói xấu người khác. Cách tốt nhất là nên giữ khoảng cách với họ và không để bản thân bị phân tâm, mất tập trung, thậm chí là trở nên tiêu cực vì những chuyện tào lao của họ. Nếu cảm thấy đồng nghiệp đang làm phiền khiến bạn khó chịu, hãy thẳng thắn cho họ biết điều đó và vạch ra giới hạn của bản thân mình. Bạn cũng cần học cách quản lý cảm xúc của mình, không để bị ảnh hưởng dù người xung quanh nói hay làm gì.
Đừng để bị cuốn theo những lời than vãn
Tại sao những lời than vãn gây mệt mỏi mà nhiều người vẫn “thích” lắng nghe? Có thể vì họ đang chờ đến lượt mình. Than vãn là một trong những cách giúp giải tỏa sự thất vọng, nhưng việc mải chìm đắm trong những lời than thở chỉ ngăn bạn tìm cách giải quyết vấn đề. Bạn có bao giờ về đến nhà và dành cả buổi tối chỉ để kể lại những cuộc trò chuyện với đồng nghiệp của bạn? Hay mất cả cuối tuần để nghĩ về những chuyện xảy ra ở công sở. Đó là khi những người đồng nghiệp toxic bắt đầu xâm phạm cả thời gian cá nhân của bạn. Nếu bạn đang bị kẹt trong những suy nghĩ đó, hãy dọn dẹp nhà cửa, đi bộ hoặc dạo phố để đẩy những muộn phiền ra khỏi não.
Bình tĩnh và không ăn miếng trả miếng
Không nên vì tiếp xúc với những đồng nghiệp độc hại mà bạn cũng trở thành một người độc hại. Hãy kiểm soát suy nghĩ, lời nói và hành vi của bản thân để không rơi vào những chiêu trò dắt mũi của người khác. Đồng thời, bạn nên suy nghĩ tích cực và bao dung hơn với những hành động độc hại, thay vì nghĩ đến việc ăn miếng trả miếng.
Tham gia cuộc vui nhưng tránh bình phẩm nhiều
Ở công sở, khó tránh khỏi những câu chuyện phiếm và nói xấu lẫn nhau, có thể họ chỉ kiếm chuyện làm quà nhưng qua miệng người này người kia lại thành một câu chuyện khác. Nếu bạn tỏ thái độ hay giữ khoảng cách thì rất có thể bạn sẽ trở thành nhân vật chính trong những cuộc bàn tán của đồng nghiệp. Để tránh lạc lõng, thỉnh thoảng bạn cũng có thể tham gia tán gẫu một chút nhưng nếu thấy câu chuyện đang trở nên quá đà, khiến bạn khó chịu thì hãy khéo léo rút lui.
Không nên quá tin tưởng bất cứ ai
Khi đi làm, bạn rất khó tìm được tình bạn chân thành, vô tư như thời còn đi học. Để tránh tai bay vạ gió, dù thân thiết, tin tưởng đồng nghiệp đến đâu cũng có những chuyện tuyệt đối không được chia sẻ. Nếu chính bạn còn không giữ nổi bí mật của mình thì sao có thể trông chờ, tin tưởng vào người khác sẽ giữ nó thay bạn?
Không cần phải chọn phe
Chuyện chia bè kết phái nơi công sở cũng khốc liệt không kém hậu cung tranh sủng. Nhưng công sở cũng là một nơi mà người đến, người đi không báo trước. Không ai chắc chắn rằng phe đắc sủng sẽ mãi giữ được vị thế của mình. Muốn tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến, tốt nhất bạn nên giữ thái độ trung lập, tránh việc ngồi với nhóm này lại buôn chuyện về nhóm khác và ngược lại.
Bạn hãy nhớ rằng bạn đến công ty là để làm việc, kiếm tiền, tích lũy kinh nghiệm, phát triển bản thân và thăng tiến từng bước trên nấc thang sự nghiệp của mình. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng nên giữ vững lập trường, tập trung vào mục tiêu của mình và tránh để bản thân dính vào những chuyện thị phi không đáng có.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất