Người mẹ tưởng nhớ con bằng cách gieo ‘mầm thiện’: ‘Động lực sống của tôi là trở thành người mẹ khiến con tự hào’

Vy Cầm 2022-07-01 08:30
- Từ đau đớn khôn cùng, Hương đang dần “biến đau thương thành hành động” để những kỷ niệm đẹp và tình yêu con được sống tiếp và lan tỏa.

 

“Tôi luôn tự hỏi, mình sẽ đi qua bi kịch này như thế nào?”

Khi con chào đời, Vũ Lan Hương, một chuyên gia truyền thông người Việt tại Singapore, ấp ủ biết bao dự định về hành trình làm mẹ. Trong đó, chị ước mơ viết một cuốn sách nuôi dạy con trong môi trường đa ngôn ngữ và văn hoá. Nhưng số phận đã dẫn lối chị tới một ngã rẽ hoàn toàn khác. Cuốn sách đầu tiên của chị không phải về nuôi dạy con như đã định, mà lại là cuốn sách về cách thức đối diện với nỗi nhớ thương và mất mát sau khi mất con!

Bi kịch lớn nhất cuộc đời chị ập đến khi bé Leonardo, con trai chị, qua đời đột ngột vì viêm cơ tim cấp khi mới hơn 7 tháng tuổi dù đã được các bác sĩ ở bệnh viện Đại học Singapore cố gắng hết sức để cứu chữa. Hương không thể tin, và cũng không muốn tin. Chị ôm lấy con, cố giữ lại chút hơi ấm và liên tục gọi tên con, nhưng con chỉ lạnh dần và vĩnh viễn không tỉnh dậy. Hương ước giá đây chỉ là một cơn ác mộng bình thường, chỉ cần thức giấc, mọi chuyện sẽ trở về như trước kia và bé Leonardo sẽ lại cười lí lắc với mẹ như mọi ngày. Nhưng không, cơn ác mộng này theo chị cả lúc ngủ lẫn thức. Chị không thể trốn chạy.

Tuần đầu tiên sau khi mất con, đêm nào Hương cũng thức trắng. Trái tim bị bóp nghẹt, đầu óc trống rỗng, không tiếp thu được bất kì thông tin nào và từ chối chấp nhận hiện thực. Suốt 4 năm ở Singapore, chị không thể hình thành thói quen mang khăn giấy trong túi, dù đó là việc cần thiết vì các quán ăn nhỏ ở đây thường không cung cấp giấy ăn. Nhưng từ khi mất con, Hương chưa bao giờ quên mang theo khăn giấy khi đi ra ngoài. Chị luôn tự hỏi, mình sẽ đi qua bi kịch này như thế nào, và phải làm sao mới có thể tiếp tục sống.

Người mẹ tưởng nhớ con bằng cách gieo ‘mầm thiện’: ‘Động lực sống của tôi là trở thành người mẹ khiến con tự hào’

Người mẹ trẻ đã trải qua biết bao đêm trắng vì nhớ thương con. Ảnh: Unsplash

Sống sót qua cơn ác mộng lớn nhất cuộc đời

Thay vì đóng cửa trái tim và tự mình đắm chìm trong đau khổ, Hương đưa tay với lấy mọi nguồn trợ giúp có thể. Chị đón mẹ đẻ từ Việt Nam sang để có một chỗ dựa tinh thần bên cạnh mình.

Chị tìm tới các chuyên gia tâm lý chuyên về mất mát và nhớ thương, gặp họ ít nhất 1 lần/tuần và “lần nào cũng bước ra khỏi phòng khi đã khóc hết nước mắt”. Chuyên gia tâm lý giúp chị nhìn vào bên trong, đối diện với nỗi buồn để nhận diện và gọi tên. Họ chỉ cho chị những cách thức để đương đầu với sự buồn thương một cách lành mạnh. Chị đã tìm đến 4 chuyên gia tâm lý khác nhau và cuối cùng lựa chọn đồng hành với một người phù hợp nhất. “Đó cũng là lời khuyên của tôi dành cho các cha mẹ đồng cảnh ngộ, nếu có tìm đến chuyên gia, có thể bạn sẽ mất một chút thời gian để tìm được người phù hợp. Vì cũng như tất cả những mối quan hệ thân thiết khác, sự phù hợp rất quan trọng – như người ta hay ví là “cùng tần số” vậy”, Hương nói.

Chị cũng thường xuyên gọi điện cho bạn bè để tâm sự. Có nhiều đêm không ngủ được, chị nói chuyện với bạn đến 4h sáng: “Dù ngày hôm sau phải đi làm, các bạn vẫn luôn sẵn sàng đón nghe tâm sự từ tôi”.

Một người bạn của Hương sau khi biết tin đã lập tức tìm nhiều nguồn tài liệu có thể hỗ trợ tinh thần và gửi chị. Trong đó có danh sách những hội nhóm dành cho các cha mẹ mất con ở Singapore, những cuốn sách chữa lành và cả địa chỉ của những chuyên gia tâm lý chuyên về mất mát và nhớ thương.

Nhờ những thông tin quý giá đó, Hương đã tham gia vào một cộng đồng cha mẹ nhớ thương con ở Singapore. Nhóm thành lập được 20 năm và vẫn hoạt động tích cực cho đến tận bây giờ. Họ gặp nhau đều đặn mỗi tháng một lần, thông qua nền tảng trực tuyến hoặc gặp mặt trực tiếp.

“Những ai chưa từng trải qua nỗi đau đớn, chưa từng đối diện bi kịch lớn đến vậy sẽ khó mà hiểu được người trong cuộc nghĩ gì. Những cha mẹ như tôi có suy nghĩ rất khác bình thường. Đôi khi tôi tự hỏi liệu có phải mình đang “điên rồ” hay không, tại sao mình lại có thể suy nghĩ như vậy…”, Hương giãi bày.

Nhưng đến khi được nói chuyện với các cha mẹ đồng cảnh ngộ khác, chị bớt hoang mang hơn khi biết rằng suy nghĩ, hành động của mình là hoàn toàn bình thường trong hoàn cảnh đó. Người trưởng nhóm từng đích thân tìm đến gặp Hương và tặng chị một cuốn sách về những câu chuyện của các cha mẹ trong cộng đồng. Dần dần, tập thể ấy đã trở thành nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với chị. Có người thỉnh thoảng nhắn tin hỏi thăm tình hình của gia đình chị. Một số khác gửi tặng chị sách, trong đó có một cuốn sách mà về sau chị đã trở thành dịch giả chuyển ngữ sang Tiếng Việt. Có người mời vợ chồng chị đến nhà và cầu nguyện cho gia đình chị. “Họ nắm tay vợ chồng tôi và cầu nguyện cho tôi, lúc ấy tôi đã không thể ngừng khóc. Vì tôi cảm nhận được nỗi đau của họ và cảm nhận được sự quan tâm rất chân thành của họ. Và tôi có thể nhìn thấy trong mắt họ có một sự thương cảm rất lớn đối với mình, bởi họ biết tôi đang trải qua những ngày tháng tồi tệ mà họ từng trải qua. Họ thấu hiểu đến tận cùng nỗi đau đó”, Hương xúc động.
Những người cha mẹ mất con giống như tri kỷ, dẫn lối chị bước qua những tháng ngày tuyệt vọng kể từ khi con rời xa. “Hy vọng các cha mẹ đồng cảnh ngộ với tôi ở Việt Nam cũng sẽ có một cộng đồng như vậy. Có một nơi để chia sẻ với những người từng trải qua bi kịch tương tự, các cha mẹ sẽ tìm được nhiều an ủi và đồng cảm”.

Người mẹ tưởng nhớ con bằng cách gieo ‘mầm thiện’: ‘Động lực sống của tôi là trở thành người mẹ khiến con tự hào’

Ảnh: Unsplash

“Điều lớn nhất có thể níu kéo tôi lại với cuộc đời này ở thời điểm đó là tình yêu thương của bố mẹ, gia đình, bạn bè, và cả những người không quen biết dành cho chúng tôi”, Hương chia sẻ. Và bản thân vợ chồng chị cũng nỗ lực để tìm những phương pháp chữa lành phù hợp cho chính mình hậu đau thương. Khoảng 3 tháng sau biến cố, hai người đăng ký một lớp học thiền để tĩnh tâm và giúp cải thiện giấc ngủ, cũng như hoà mình vào thiên nhiên bằng cách đi bộ đạp xe cùng nhau trong các công viên xanh mát để cân bằng lại tâm trí. Đôi vợ chồng cũng học vẽ tranh như một cách để thể hiện suy nghĩ và bày tỏ cảm xúc. Vẽ tranh khiến chị duy trì sự tập trung, giúp tâm hồn bình yên hơn khi bớt bận lòng với quá nhiều suy nghĩ xáo động.

Người thân, bạn bè có thể làm gì để hỗ trợ các cha mẹ mất con trong những ngày tháng đau buồn?

Trải qua cơn ác mộng lớn nhất cuộc đời người làm mẹ, có một khoảng thời gian, Hương tránh gặp gỡ hoặc liên lạc với những ai nói lời làm mình đau lòng như một cách “tự dựng lên hàng rào bảo vệ”, dù chị hiểu rằng mọi người chỉ đang cố gắng động viên mình, không ai có ác ý. Dần dần, khi đã bình tâm hơn, chị mở lòng hơn và đón nhận mọi sự quan tâm, kể cả khi cách quan tâm không phù hợp với mong muốn của chị. Đi qua đau thương, có những mối quan hệ của Hương ngày càng thêm bền chặt và cũng lại có những mối quan hệ dần trở nên xa cách.

“Sở dĩ các cha mẹ mất con thường dễ đóng cửa trái tim bởi cảm giác không ai hiểu được nỗi đau của mình”, Hương giãi bày. Cũng vì thế, những lời an ủi động viên từ mọi người xung quanh đôi khi lại trở thành vết dao cứa rất sâu vào tim người trong cuộc. Thông thường, nhiều người hay động viên: “Mạnh mẽ lên, đừng khóc để con được siêu thoát”. Nhưng làm sao bạn có thể yêu cầu một người cha, người mẹ vừa mất con không khóc cho được? Hay, “Đừng quá đau buồn, con đã đến một nơi tốt đẹp hơn” sẽ khiến cho những cha mẹ vừa mất con cảm thấy đau lòng hơn bởi “Chẳng lẽ con sống với chúng tôi lại không đủ tốt đẹp hay sao?”. Hoặc cha mẹ có 2 – 3 người con có thể sẽ nghe câu: “Cũng may vẫn còn đứa A, đứa B”. Với những người làm cha làm mẹ, mỗi đứa con đều là một cá thể đặc biệt không thể thay thế. Dẫu cho họ còn có những đứa con khác, mất đi một đứa con vẫn là một nỗi đau vô cùng lớn và chẳng thể lấp đầy.

Nếu vậy, làm sao để người thân bạn bè an ủi, động viên chân thành mà không cứa sâu thêm vết thương của người trong cuộc?

Theo Hương, điều đầu tiên cần làm là tôn trọng quyền được buồn đau của các cha mẹ: “Hãy cho phép họ được đau đớn, được ôm ấp nỗi buồn của mình, được tưởng nhớ con theo cách mình muốn. Bởi sẽ thật vô lý khi bắt một người cha, người mẹ phải mạnh mẽ, phải lau nước mắt và đứng dậy ngay lập tức. Và sự đau buồn này là sợi dây duy nhất kết nối cha mẹ với những người con đã mất”.

Nếu như bạn không biết phải nói gì, hãy nói: “Tôi rất tiếc, tôi thương bạn rất nhiều”. Đừng vội nói rằng bạn hiểu nỗi đau của họ, hiểu những cha mẹ mất con đang trải qua những gì. Vì trừ khi bạn đã trải qua một bi kịch tương tự, bạn không bao giờ hiểu được sự sâu sắc của nỗi tuyệt vọng, đau buồn ấy.

Nếu như bạn thực sự muốn giúp các cha mẹ mất con, hãy thể hiện bằng hành động. “Giống như một người bạn đã tổng hợp thông tin hữu ích và gửi cho tôi. Hay một người bạn khác biết tôi không thể ăn uống được gì trong tuần đầu tiên, đã mua rất nhiều sữa Ensure loại đóng hộp để tôi uống cho có sức”. Hương bồi hồi. “Một số người khác gửi hoa và quà về nhà. Lại có người bạn khác, một ngày nọ xuất hiện trước cửa nhà và nói muốn đi dạo cùng tôi”.

Người thân và bạn bè cũng không cần tránh nhắc tới người con đã mất. Nhiều người sợ khơi gợi lại nỗi đau nhưng thực tế, “muốn xoa dịu được nỗi đau thì phải nhận diện nó, phải chạm vào nó, biết nó sâu nhường nào thì mới có thể chữa lành được”, Hương nói. Cũng như vết thương trên da thịt, việc che đậy lại chỉ khiến chúng ta không nhìn thấy, nhưng nó vẫn ở đó và vẫn rỉ máu đau đớn, sẽ mất rất nhiều thời gian hoặc thậm chí không bao giờ có thể lành lại. Bởi thế, bạn không cần phải lờ đi nỗi đau, hãy quan tâm hỏi han về đứa con đã mất một cách thực lòng. “Có thể ban đầu bạn sẽ thấy không thoải mái, nhưng những cha mẹ mất con như chúng tôi rất muốn nói về con của mình, bởi chúng tôi muốn con được nhớ đến chứ không phải bị lãng quên”.

Những dịp quan trọng như lễ Tết, sinh nhật hay ngày mất của con, bạn bè người thân có thể hỏi han động viên hoặc cũng có thể gửi quà. Hương nhớ về ngày của Mẹ đầu tiên sau khi chị mất con, một người bạn gửi cho chị một chiếc bánh táo. Loại bánh táo đó người bạn này cũng từng gửi nhân dịp con trai chị đầy tháng trước đây, khi ấy chị đã rất thích. Lần này, người bạn đề lời nhắn gửi kèm chiếc bánh rằng: “Tôi hy vọng bạn vẫn thích cái bánh táo này, bạn sẽ mãi mãi là một người Mẹ”.

Hay một đồng nghiệp cũ khác của chị đã gửi hoa hướng dương đến nhà chị dịp sinh nhật cậu bé Leonardo và nhắn nhủ: “Leonardo sẽ mãi mãi là bông hoa hướng dương toả nắng trong cuộc đời của bạn”. Những hành động tình cảm ấy khiến Hương rất xúc động và cảm thấy được an ủi vô ngần khi biết rằng, con trai bé bỏng của mình vẫn được nhớ tới và vẫn luôn được yêu thương.

Người mẹ tưởng nhớ con bằng cách gieo ‘mầm thiện’: ‘Động lực sống của tôi là trở thành người mẹ khiến con tự hào’

Vũ Lan Hương (áo xanh) bên chồng và gia đình, bạn bè trong buổi ra mắt sách "Sống tiếp qua năm đầu tiên mất con".

Bên cạnh đó, những ngày tháng đầu tiên, bạn bè và người thân thường quan tâm tới các cha mẹ mất con rất nhiều, tin nhắn hỏi han thường đến “ồ ạt”. Nhưng những ngày sau, mọi người thường bận rộn với rất nhiều việc riêng khác nên dễ lãng quên đi nỗi buồn ấy. “Nỗi tiếc thương con sẽ không bao giờ có điểm kết thúc, nó sẽ đi theo những người cha, người mẹ như tôi suốt cuộc đời. Vì thế tôi hy vọng, qua thời gian, bạn bè người thân vẫn nhớ rằng những người cha, người mẹ ấy vẫn đang thương nhớ đứa con của mình”, mẹ cậu bé Leonardo trải lòng.

“Động lực sống lớn nhất của tôi là trở thành một người mẹ khiến con tự hào”

Trong thời gian “điên cuồng” tìm đọc rất nhiều tài liệu nói về nhớ thương và mất mát, một người mẹ đồng cảnh ngộ trong mạng lưới cha mẹ mất con ở Singapore đã gửi tặng Hương một cuốn sách có tên “Surviving my first year of child loss” (“Sống tiếp qua năm đầu tiên mất con). Sách là tập hợp nhiều câu chuyện vừa đau thương vừa tràn đầy tình yêu và hy vọng do chính các cha mẹ viết về trải nghiệm của mình trong năm đầu mất con. Từng câu chuyện xúc động chạm đến trái tim của người mẹ mất con, Hương không cầm được nước mắt. Chị nhận ra mình không hề đơn độc. Rất nhiều cha mẹ cũng đã và đang trải qua giống như chị, họ cũng có những suy nghĩ, hành xử giống chị. Và quan trọng, họ đã tìm ra cách để chữa lành, để nhớ thương con một cách lành mạnh.

Trước đó, Hương không tìm được một tài liệu nào bằng Tiếng Việt nói về cách đương đầu với nỗi đau mất con. Chị nghĩ chắc hẳn, nhiều cha mẹ ở Việt Nam đã và đang rơi vào hoàn cảnh như chị đang bơ vơ và thiếu nhiều hỗ trợ về mặt tinh thần. Bởi thế, Hương quyết định liên lạc với tác giả để mua bản quyền và dịch cuốn sách sang Tiếng Việt. Chị mong muốn nó sẽ là một món quà hữu ích tới những cha mẹ đang vật lộn trong nỗi đau xót khôn cùng khi mất con. Bản thân chị cũng đóng góp một bài viết về trải nghiệm của chính mình.

“Quá trình dịch cuốn sách này thật khó khăn – không phải do vấn đề ngôn ngữ, mà vì từng câu chuyện, từng trang sách đều làm sống lại những giây phút cuối cùng khi chúng tôi phải lìa xa Leonardo và những ngày tháng đau khổ cùng cực sau đó”, chị kể. Khi chị giãi bày điều này với chuyên gia tâm lý, bà đã hỏi Hương: “Cô muốn tiếp tục công việc này hay muốn dừng lại?”. Hương trả lời không chút ngập ngừng: “Tôi muốn tiếp tục, tôi cần phải tiếp tục, bởi tôi biết rằng cuốn sách này sẽ giúp được rất nhiều cha mẹ tại Việt Nam. Tôi muốn cùng Leonardo mang đến một món quà cho các cha mẹ cùng cảnh ngộ, tôi muốn nắm tay họ cùng đi qua bi kịch lớn nhất trong cuộc đời.”

Dịch xong trang cuối cùng, Hương thấy như mình vừa hoàn thành một sứ mệnh cao cả: “Người ta vẫn nói, mỗi người đến với thế giới này đều mang một sứ mệnh. Có thể Leonardo đến với cuộc đời này là để tôi được giúp đỡ những cha mẹ khác. Hy vọng các cha mẹ sẽ tìm thấy sự đồng cảm, an ủi. Và ngay cả người thân, bạn bè của họ cũng hiểu hơn về quá trình nhớ thương hậu mất mát, có thể có phương pháp phù hợp nhất để hỗ trợ các cha mẹ mất con”. Cuốn sách “Sống tiếp qua năm đầu tiên mất con: Những câu chuyện của các cha mẹ đang nhớ thương con” do Hương và em gái Vũ Lan Dung dịch đã được Nhà xuất bản Thế giới và Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam phối hợp sản xuất, chính thức ra mắt vào tháng 6 vừa qua.

Người mẹ tưởng nhớ con bằng cách gieo ‘mầm thiện’: ‘Động lực sống của tôi là trở thành người mẹ khiến con tự hào’

Chữa lành người khác cũng là một trong những cách để chữa lành bản thân, giúp người khác cũng chính là một cách giúp mình, Hương tâm niệm. “Khi chúng ta làm được một việc có ích, giúp được những người kém may mắn, cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa hơn và tràn đầy động lực”. “Động lực sống lớn nhất của tôi lúc này là trở thành một người mẹ khiến cho Leonardo cảm thấy tự hào. Tôi mong muốn giúp đỡ mọi người và tạo ảnh hưởng tích cực tới xã hội như là một cách để tưởng nhớ Leonardo. Và xuất bản cuốn sách này là một cách để tôi thực hiện mong ước đó!”, Hương xúc động. Ngoài ra, Hương cũng kêu gọi bạn bè, người quen tặng sách cho các bệnh viện, để cuốn sách được đến tay các cha mẹ khi họ cần nhất. Tính đến hiện tại, rất nhiều người đã đăng ký để tặng khoảng 800 cuốn sách cho các bệnh viện ở khắp Việt Nam.

Người mẹ tưởng nhớ con bằng cách gieo ‘mầm thiện’: ‘Động lực sống của tôi là trở thành người mẹ khiến con tự hào’

Cuốn sách “Sống tiếp qua năm đầu tiên mất con" do Vũ Lan Hương và em gái Vũ Lan Dung dịch đã chính thức ra mắt vào tháng 6 vừa qua.

Sau sự ra đi của con, vợ chồng Hương đã dùng toàn bộ số tiền phúng viếng để lập nên quỹ nhân ái mang tên bé: “Quỹ nụ cười Leonardo”. Về sau, nhiều bạn bè chị cũng đóng góp thêm để chung tay hỗ trợ những trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền trong quỹ dùng để giúp đỡ trẻ mồ côi ở làng trẻ SOS Việt Nam. Hiện tại, quỹ đang hỗ trợ 11 gia đình ở các làng trẻ tại Hà Nội, Phú Thọ và Thanh Hoá.

Chặng đường “biến đau thương thành hành động” của Hương sẽ còn dài và có lẽ sẽ không có điểm kết thúc, cũng giống như hành trình nhớ thương Leonardo của chị vậy. Mỗi khi nhớ về nụ cười của con trai yêu dấu, Hương dường như lại được tiếp thêm sức mạnh. Bởi thế, hành trình tưởng nhớ con bằng cách lan toả điều tích cực của chị - chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở một cuốn sách.

Vy Cầm

Ảnh: NVCC

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Tập ngay 3 động tác đơn giản giúp "đánh bay" vai u thịt bắp, có ngay bờ vai thon dài, gợi cảm