Thế hệ trẻ đang ngày càng 'nói không' với lối sống hối hả

2022-01-05 11:00
- Thế hệ trẻ đang ngày càng nói không với lối sống thiếu đi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.

Elon Musk từng nói: “Không ai có thể thay đổi được thế giới trong 40 tiếng mỗi tuần”. Những người thành công luôn tôn vinh giá trị của việc chăm chỉ làm việc, sự quyết tâm, hy sinh vì công việc như bí quyết thành công của mình.

Những lời như vậy truyền cảm hứng và thúc đẩy mọi người tự ép bản thân hối hả làm việc để thành công. Đa phần chúng ta sẽ làm việc 8 tiếng mỗi ngày và sống theo đồng lương hàng tháng, chật vật để trả các chi phí. Nhưng một ngày làm việc của bạn sẽ dài hơn rất nhiều nếu bạn đang phải cố gắng để đạt được giấc mơ của mình, mong muốn thăng tiến hoặc hi vọng tăng lương.

Bạn thường tin rằng, bạn có thể làm được mọi thứ nếu bạn làm việc đủ chăm chỉ. Thế nhưng, thực tế khác xa rất nhiều với điều bạn được hứa hẹn. Lối sống hối hả (hustle culture) động viên mọi người thúc đẩy bản thân vượt qua giới hạn, không ngừng nghỉ, thậm chí khiến ta chịu đựng sự đau đớn về cả thể chất lẫn tinh thần.

Sự thật xấu xí về chứng nghiện công việc thể hiện/sĩ diện (performative workaholism)

Chứng nghiện công việc thể hiện/sĩ diện muốn nói tới những người có thói quen biến công việc thành cuộc sống của mình và chê bai người khác khi không làm việc. Bạn không chỉ làm việc chăm chỉ mà còn khoe khoang về việc đó. Lối sống này đề cao lợi ích của cấp trên hơn những nhân viên bình thường.

Dịch bệnh khiến thế hệ Gen Y (những người sinh từ 1981-1996) và Gen Z (1997-2012) có thời gian nghỉ ngơi và suy ngẫm lại về lối sống này. Họ nhận ra rằng lối sống hối hả ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thể chất và tinh thần mà không mang lại bất kỳ lợi ích vật chất đáng kể nào, thậm chí còn khiến họ băn khoăn về giá trị của bản thân.

Thế hệ trẻ đang ngày càng nói không với lối sống hối hả

Do đó, càng nhiều người đang cố gắng thoát ra hình mẫu làm việc quá sức trong nhiều năm vừa qua. Tư tưởng “thúc đẩy bản thân vượt qua giới hạn” hiện càng bị chất vấn và nghi ngờ với ngày càng nhiều nhân viên cho rằng không cần thiết để tham gia vào một cuộc chiến sống còn như vậy.

Trong nhiều cuộc nói chuyện với các bạn thế hệ Gen Y, họ đã chứng minh rằng bản thân đã có quan điểm chống lại nền văn hóa này vì lợi ích sức khỏe thể chất và tinh thần. Việc từ chối thể hiện giá trị bản thân theo cách trên cũng đã hiện hữu ở cả hai thế hệ Gen Y và Gen Z.

"Văn hóa hối hả để lại nhiều tác hại, đặc biệt là tới phụ nữ"

Lối sống hối hả dễ khiến một người rơi vào môi trường làm việc độc hại bởi nó không đề cao sức khỏe tinh thần. Anne-Lise Hadzopoulos (26 tuổi) là một sinh viên ngành Nghiên cứu phát triển ở Thụy Điển. Cô đã trực tiếp trải nghiệm cảm giác này khi làm việc quản lý tại một công ty. Đối với phụ nữ, môi trường làm việc như vậy đã khó khăn mà lại còn có thêm những áp lực đi kèm khác.

“Tôi đã từng ở một công ty mà đồng nghiệp mình sẽ làm thêm giờ không lương vào buổi tối và cuối tuần”, Anne-Lise chia sẻ với Khaleej Times. Bên cạnh đó, đa số đồng nghiệp của cô cũng rất mệt mỏi, luôn luôn tìm kiếm sự công nhận từ người quản lý mà hầu như không để ý tới họ.

Cô cảm thấy xấu hổ ở nơi làm việc cũ nhưng vẫn tiếp tục làm, kể cả khi quản lý không có hành động xử lý nào đối với người gây áp lực. Sức khỏe của cô bắt đầu có nhiều dấu hiệu giảm sút, như đau đầu hay lo lắng bị tấn công tại nơi làm việc.

Ban đầu, cô không muốn nghỉ việc vì điều đó có nghĩa là kẻ bắt nạt chiến thắng. Thế nhưng, một người bạn của Anne-Lise thuyết phục cô rằng sức khỏe tinh thần là quan trọng nhất.

Sức khỏe tinh thần của nhân viên sẽ liên quan trực tiếp tới môi trường và cấu trúc làm việc mà công ty lựa chọn. Cần có thời gian để nhân viên có đủ can đảm chống lại những quy tắc độc hại tại nơi công sở. Anne-Lise nhấn mạnh rằng: “Có nhiều người thông minh đã từng mắc kẹt ở những công việc tệ hại. Việc bảo vệ bản thân và biết rằng mình đã đạt được điều gì mới là quan trọng”.

Thế hệ trẻ đang ngày càng nói không với lối sống hối hả

"Ở trường đại học của tôi, có rất nhiều áp lực thi cử"

Lối sống hối hả cũng tồn tại trong cả môi trường giáo dục. Sinh viên đại học thường được kỳ vọng sẽ hoàn thành một khối lượng bài tập khổng lồ. Đối với sinh viên nước ngoài, những người phải làm việc bán thời gian để có tiền trang trải học phí, trải nghiệm đó còn có thể kinh hoàng hơn rất nhiều. Roberta I, một sinh viên cao học tại Italy chia sẻ rằng: “Trường của tôi tập trung vào kết quả thành tích hơn là chất lượng đào tạo”.

Ưu tiên bản thân là một điều Roberta đã luôn xác định rõ ràng từ trước đến nay. Tuy nhiên, sự nhận thức này lại xuất phát từ những trải nghiệm khó quên. “Ban đầu, tôi rất hay lo lắng về các bài kiểm tra. Dần dần, tôi nhận ra sự lo lắng đó ảnh hưởng tới hiệu suất của mình. Bây giờ, tôi đã thoải mái hơn và mong rằng sẽ tiếp tục được lối suy nghĩ này khi đi làm”, cô chia sẻ.

Một số quy định Roberta đã tự đặt ra cho bản thân để sau này đi làm trong môi trường doanh nghiệp như không để nỗi lo lắng ảnh hưởng tới công việc hàng ngày và học cách nói “không” với công việc khi cần thiết.

"Tôi từng gặp một trưởng phòng khoe khoang về việc trả lương thấp cho nhân viên mà công việc vẫn được hoàn thành"

Malcom Harris là tác giả của cuốn sách “Giới trẻ ngày nay: Tư bản con người và những điều tạo nên thế hệ Millennials”. Harris cho biết những con người ở thế kỉ 21 là một thế hệ chăm chỉ và học hành đầy đủ nhưng vẫn bị dạy phải chấp nhận những công việc lương thấp hoặc không lương để lấy kinh nghiệm.

Vinzent Macalindong là một người trẻ ở Chicago, tin rằng các công ty dùng văn hóa hối hả để đưa bạn ảo tưởng sai lầm về việc thăng tiến nhanh chóng: “Thực tế là bạn đang cạnh tranh với hàng trăm người ngoài kia và chỉ có 2-3 vị trí ở trên cao. Tôi thấy nhiều người thay đổi việc làm chỉ vì họ không có được mức lương mong muốn”.

Vinzent từng ở nước ngoài làm việc một thời gian. Khi đó, anh đã gặp một người trưởng phòng khoe khoang về việc trả lương thấp mà công việc vẫn được hoàn thành. “Đây không phải là việc bạn nên tự hào đâu”, anh thẳng thắn chỉ ra.

“Bố mẹ so sánh tôi với bạn bè, khiến tôi cảm thấy thua kém”

Ashish M (24 tuổi) là một nhà báo tại Nepal, vừa làm vừa học, thi thoảng cũng nhận các công việc tự do khác. Anh bộc bạch: “Đa số những người tôi học cùng hồi trước bây giờ đều là bác sĩ. Họ đăng lên mạng xã hội về việc họ làm việc 18 tiếng liên tục hay chưa ngủ trong 48 tiếng vừa qua. Chỉ nhìn những bài viết đó khiến tôi cảm thấy mình làm chưa đủ, nên tôi làm thêm”.

Ashish tin rằng mọi người đang tôn vinh sự kiệt sức bằng việc cho rằng văn hóa làm việc này là tích cực. Bố mẹ và họ hàng của anh luôn kỳ vọng anh sẽ làm việc nhiều như bạn bè, dẫn tới những ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của anh: “Nó khiến tôi cảm thấy xấu hổ và thấp kém, như thể thật sai trái khi có thời gian rảnh”.

Dịch bệnh khiến mọi người nhận ra tầm quan trọng của các mối quan hệ thực sự. Họ tìm về với gia đình và bạn bè, tạm thời tránh xa công việc và suy ngẫm về cuộc đời của mình. Đối với Ashish hiện nay, duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều quan trọng nhất.

Chúng ta đang sống trong một thế giới của sự hối hả. Lối sống hối hả định hình thành công dựa trên thu nhập của bạn. Tuy nhiên, định nghĩa thành công đối với mỗi người đều khác nhau. Đừng hy sinh giấc mơ thành công của bạn chỉ vì lối sống hối hả bảo bạn vậy.

Theo Baohatinh.vn

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Du lịch Quy Nhơn: Eo Gió hoang sơ và đẹp ngỡ ngàng