Những hiểu lầm đáng tiếc về người hướng nội: Hóa ra không phải ai cũng ít nói và 'ru rú ở nhà' đâu!
Tin liên quan
Có những người nổi tiếng trên mạng xã hội với hàng trăm nghìn lượt follow, thường xuyên chia sẻ những quan điểm của mình trên blog cá nhân nhưng họ vẫn tự nhận mình là người hướng nội. Vậy còn những hiểu lầm gì về người hướng nội mà chúng ta chưa biết?
Giờ ai cũng là người hướng nội
Lên các forum trên mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp những câu đầy tính “cà khịa” như “Giờ ai cũng hướng nội hết” hay “Ai cũng tự nhận mình thuộc nhóm tính cách hiếm gặp nhất thế giới trong bài test MBTI”.
Một lý do đơn giản để lý giải cho hiện tượng này, đó là người hướng nội có đời sống online “sôi động” hơn cuộc sống thực. Họ ưa thích nhắn tin, comment thay vì trò chuyện trực tiếp. Có những người nhắn tin rất dài, bình luận rất sôi nổi trên mạng nhưng ở ngoài đời họ trầm lặng và ít nói.
Bên cạnh đó, người hướng nội thường thích mày mò, tìm hiểu những thứ mình quan tâm, trong khi những người hướng ngoại đang bận rộn với những hoạt động bên ngoài. Do đó, trong hầu hết các hội nhóm, bao gồm cả những hội nhóm về tâm lý, tính cách, đa số là người hướng nội vào thảo luận. Từ đó mới có hiện tượng nhóm tính cách hiếm gặp nhưng ai cũng tự nhận mình thuộc về nhóm tính cách đó, vì những người giống nhau họ đang tụ lại cùng một chỗ.
Người hướng nội lầm lì, ít nói
Không phải họ lầm lì, ít nói mà cẩn thận lựa chọn xem cái gì cần lên tiếng, cái gì không. Khi cảm thấy mình không nhất thiết phải lên tiếng thì họ sẽ im lặng. Họ cũng thường im lặng khi cần tập trung suy nghĩ một vấn đề gì đó. Ngoài những lúc như vậy, họ vẫn vui vẻ giao tiếp với mọi người. Có kha khá những KOL nổi tiếng trên mạng xã hội với hàng trăm ngàn lượt follows nhưng họ vẫn tự nhận mình là người hướng nội. Chính những khoảng thời gian tập trung suy nghĩ đã khiến họ tạo ra những nội dung có giá trị, được nhiều người đón nhận đến vậy.
Người hướng nội khó gần
Thực ra họ chỉ đang hơi ngại chủ động bắt chuyện một chút. Họ thường thích những buổi tụ tập với nhóm nhỏ hơn là đến những bữa tiệc đông người. Khi đến một nơi đông người, họ thường quét mắt quan sát xem có bắt gặp người quen nào ở đó không. Nếu không có ai quen biết, họ sẽ chọn ngồi một chỗ, lặng lẽ quan sát những người xung quanh. Đôi khi họ sẽ cảm thấy lạc lõng một chút và cảm thấy rất biết ơn nếu ai đó chủ động đến bắt chuyện với họ, nhất là khi người ta lại nói trúng phóc đúng chủ đề họ thích.
Người hướng nội thích "ru rú ở nhà"
Đa số những người hướng nội không thích câu hỏi cuối tuần có kế hoạch gì không vì hầu hết các cuối tuần họ thường ở nhà. Như vậy không có nghĩa là họ chỉ biết ru rú quanh quẩn ở nhà, họ vẫn ra ngoài, đi đến những cuộc hẹn, gặp gỡ người khác nếu có dịp. Điểm khác biệt là họ không cố tìm lý do để đi ra ngoài, không cảm thấy bất tiện với việc ở nhà. Họ vui vẻ, hài lòng với những khoảng thời gian ở một mình, coi đó là điều hiển nhiên. Người hướng ngoại nhìn vào có thể cảm thấy cuộc sống của những người hướng nội có vẻ nhàm chán, chỉ loanh quanh ở nhà, không có chỗ nào để đi chơi. Thực ra người hướng nội vẫn có cả tá việc để làm và những thú vui riêng khi ở một mình.
Thực ra xu hướng tính cách không cố định
Bạn làm các bài trắc nghiệm tính cách và kết quả cho thấy bạn là người hướng nội. Điều đó không có nghĩa rằng bạn bị đóng khung trong những kết quả đó. Ai rồi cũng khác, người ta cũng cần thay đổi để thích nghi với môi trường sống và từng giai đoạn cụ thể của cuộc đời. Một người hướng nội vẫn có thể trở nên cởi mở, quảng giao, tích cực tham gia các hoạt động. Một người hướng ngoại cũng có thể học cách ngồi lại với chính mình và trò chuyện với bản thân nhiều hơn. Vì vậy, dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại cũng hãy cứ thoải mái đón nhận điều đó nhé.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất