Làm sao để sống chậm giữa dòng đời hối hả?
Tin liên quan
Bạn đã dám buông bớt chưa?
“Làm thế nào để sống chậm lại” – cậu bạn tôi liên tục hỏi đi hỏi lại câu đó.
“Cậu có sẵn sàng để buông bỏ không?” – tôi hỏi lại.
“Buông bỏ gì cơ?”
“Ví dụ như công việc cậu đang làm chẳng hạn. Không cần buông hẳn, chỉ cần bỏ bớt thôi”
“Không!”
“Thế thì cậu chưa sống chậm được đâu”.
Tôi cho rằng sống chậm cần rất nhiều can đảm mà cái can đảm đầu tiên là phải dám buông bỏ. Nhưng tôi biết bạn tôi sẽ không thể nào buông bỏ được đâu, cậu ấy còn muốn kiếm tiền nhiều hơn nữa, thèm trở nên giàu có, khao khát khẳng định giá trị bản thân. Những điều ấy chẳng có gì sai và có lẽ cậu ấy cũng chưa làm việc đến mức chạm ngưỡng. Khi bản thân mình như một quả bóng bay không thể bơm thêm vào được nữa thì người ta sẽ tự nghĩ cách xì bớt hơi trước khi nó phát nổ.
Bắt đầu từ hơi thở
Khi tìm đến chánh niệm, điều đầu tiên các bạn được khuyên sẽ là hít thở trong chánh niệm với kỹ thuật hít thở sâu bằng bụng. Lúc đầu tôi chưa quen thở sâu, hơi thở rất ngắn và cạn, tập thể thao một tí là đuối sức. Thậm chí khi làm theo một bài hướng dẫn thở sâu trên Youtube, tôi còn không thở được hết một nhịp thở theo thời lượng họ đặt ra, nó quá dài với tôi. Sau quen dần, mỗi khi đầu óc bắt đầu căng lên, tôi dừng lại và hít một hơi thật sâu, oxy chảy vào cơ thể nhiều hơn, não cũng dễ chịu hơn đôi chút. Cách này thật sự có tác dụng thật.
Bớt nhìn ngang rồi so sánh
Khi bạn mệt mỏi, bạn quá tải, bạn buộc phải dừng lại, bạn cần có người lắng nghe và sẻ chia thì cũng là lúc bạn phát hiện ra dường như tất cả mọi người xung quanh đều đang rất quay cuồng bận rộn và rất ít người dành thời gian cho bạn. Họ không cảm thấy áp lực sao? Có! Nhưng họ cắn răng chịu đựng, hoặc thỏa hiệp với nó, hoặc ngưỡng chịu đựng của họ tốt hơn bạn. Khi ấy, bạn bắt đầu sốt ruột, khi mình đang hòa mình trong cuộc đua thì người ta cũng đang chạy chứ đâu có đứng lại chờ mình. Huống hồ mình còn dừng lại, họ sẽ bỏ ra mình mất thôi. Thế là bạn chẳng có nổi một ngày nghỉ ngơi trọn vẹn với một cái đầu thanh thản.
Cách tốt nhất là hãy tạm cách ly với những nhân tố kích hoạt sự so sánh, lo âu trong bạn. Những tấm gương thành công, năng suất, hãy đưa họ ra khỏi tầm nhìn của bạn đi. Thậm chí có thể tạm dừng lên mạng xã hội vài ngày. Hãy đóng cửa, ngồi lại với bản thân và từ từ mở lại khi bạn đã sẵn sàng hơn.
Tất cả những cảm giác bất mãn, tự ti không phải vì bản thân bạn chưa đủ tốt mà vì bạn luôn so sánh mình với người khác. Hơn thua với người khác chi bằng hơn thua với chính bản thân – đó cũng là một loại áp lực, nhưng áp lực này đỡ tiêu cực hơn. Chỉ cần mỗi ngày bạn làm tốt hơn một chút, không cần vội vàng, rồi một ngày nhìn lại, bạn thấy mình đã tiến bộ hơn rất nhiều rồi.
Ăn một bữa ăn chậm rãi, thưởng thức trọn vẹn một bản nhạc, xem hết một tập phim mà không cảm thấy sốt ruột
Đã bao lâu rồi bạn không thể tập trung hoàn toàn vào việc cảm nhận mùi vị của món ăn mà luôn vừa ăn vừa làm việc khác? Nếu không phải vừa ăn vừa checkmail, lướt Facebook, chat với bạn thì cũng là vừa ăn vừa tranh thủ xem phim. Đừng! Hãy dừng lại, chậm thôi, làm từng việc một, đừng nhồi nhét nhiều thứ một lúc.
Nếu bạn đã trải qua một ngày làm việc vất vả, vậy hãy nằm dài trên giường và nghe list nhạc yêu thích, bạn sẽ thấy điều kỳ diệu của âm nhạc đấy. Chỉ một lúc sau, đầu óc bạn sẽ được giãn ra.
Nếu bạn đã từng phải mất đến mấy ngày mới xem hết một tập phim, vì chỉ có thể tranh thủ xem những lúc ăn cơm thì bây giờ hãy thử ngồi xem hết trọn vẹn một tập phim, sau khi ăn cơm xong. Đừng bật tốc tộ lên 1.5 chỉ để nhanh hết một tập, hãy cứ để phim phát ở tốc độ bình thường thôi và đừng nóng ruột tua nhanh.
Bạn chấp nhận rằng, bạn không thể giải quyết hết mọi công việc trong 24 giờ
Công việc trải dài từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, bạn không nhất thiết phải làm xong hết mọi việc trong 24 giờ. Giảm bớt sự cầu toàn và kỳ vọng của bản thân là bước quan trọng trong việc sống chậm. Hãy lập danh sách những công việc cần xử lý, chọn ra không quá 5 đầu việc để giải quyết, nếu có công việc khó, bạn thậm chí chỉ cần tập trung giải quyết cho xong 1 công việc đó thôi. Khi hết giờ hãy dứt khoát ngắt công việc để dành thời gian cho bản thân, có như vậy bạn mới có sự cân bằng và tái tạo năng lượng cho ngày tiếp theo.
Kiên nhẫn làm một công việc gì đó
Một việc gì đó có thể đơn giản như viết nhật ký, nghe sách nói, podcast hay vẽ một bức tranh chẳng hạn. Bạn không cần là người viết giỏi hay vẽ đẹp, bạn chỉ cần ngồi tỉ mẩn hoàn thành những công việc đó thôi. Bạn sẽ thấy sự kiên nhẫn của mình tăng lên đáng kể đấy.
Liệt kê những tác nhân gây căng thẳng và dừng lại
Tôi có một danh sách những công việc tôi hạn chế làm vì nó thường gây xao nhãng và để lại cảm xúc tiêu cực. Đó là checkmail quá nhiều lần, vô thức vào mạng xã hội, lướt báo mạng để giải khuây. Nhưng việc đó sẽ khiến bạn nạp tin tức tiêu cực một cách thụ động, gia tăng sự so sánh với người khác và làm tăng tình trạng stress. Bạn cũng có thể liệt kê những người dễ khiến bạn cảm thấy tiêu cực để tránh liên lạc với họ một thời gian.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất