Đối mặt với căng thẳng: Không phải mọi cảm xúc tiêu cực đều giống nhau
Tin liên quan
Vì sao bạn cần học cách đối mặt với căng thẳng?
Những cảm xúc tiêu cực không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý mà về lâu dài còn gây bất lợi cho thể chất. Nó khiến bạn dễ mắc bệnh hơn và quá trình chữa trị, hồi phục cũng bị kéo dài.
Đối mặt với căng thẳng đòi hỏi bạn phải có tâm thái tích cực và phương pháp phù hợp với từng trạng thái mình đang mắc phải. Đừng để những u uất và áp lực tích tụ ngày càng nhiều, khiến bạn trở nên tự ti, khép kín, dễ kích động và giảm chất lượng cuộc sống.
Vượt qua tâm lý căng thẳng như thế nào?
Căng thẳng cấp tính
Đây là loại căng thẳng khiến bạn bị hỗn loạn cảm xúc chỉ trong thời gian nhất định và thường không kéo dài. Tuy nhiên, bạn vẫn cần có biện pháp đối phó với áp lực nhất thời này để không khiến hậu quả nghiêm trọng hơn.
Ví dụ một kỳ thi quan trọng, một cuộc tranh cãi với đồng nghiệp, một sự bất hòa với người thân… đều có thể làm bạn mất thăng bằng trong cảm xúc. Hãy thử những mẹo sau để cải thiện nhé.
- Hít thở sâu và chậm rãi giúp ổn định nhịp tim, cho bạn có thời gian để bình tĩnh và cân bằng cảm xúc trước khi giải quyết vấn đề.
- Học cách nhìn nhận mâu thuẫn hay áp lực ở nhiều góc độ khác nhau, nhất là hãy đặt mình vào vị trí đối tượng đang xung đột với bạn.
- Đi dạo hoặc thiền định ngắn trong 5 - 10 phút đều giúp bạn lấy lại trạng thái an tĩnh sớm nhất.
- Cuối cùng, hãy tin vào năng lực của chính mình.
Căng thẳng mãn tính
Đây là loại căng thẳng mà bạn bị nó quấn lấy thường xuyên. Nguyên nhân có thể do nhiều khía cạnh khác nhau, điển hình như thất bại trong công việc, bị tổn thương trong tình cảm, cô đơn quá lâu, đời sống thiếu thốn không như ý muốn…
Nếu bạn không biết cách cải thiện cảm xúc hiệu quả, loại trạng thái này kéo dài sẽ khiến bạn lẩn quẩn từ áp lực này đến áp lực khác và kéo theo hệ lụy cho sức khỏe tâm sinh lý. Đối mặt với căng thẳng bằng những mẹo này nhé.
- Xây dựng các mối quan hệ tích cực để khi bạn căng thẳng không lối thoát, họ có thể là chỗ dựa tinh thần và cho bạn lời khuyên hữu ích.
- Vận động thể chất mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng, đồng thời tập thể dục cũng giúp giảm căng thẳng thần kinh hiệu quả.
- Chế độ ăn uống lành mạnh góp phần cung cấp đủ năng lượng để bạn đối phó với cảm xúc tiêu cực. Một số thực phẩm ưa thích cũng đem lại cảm giác vui vẻ và thư giãn hơn.
- Dành thời gian thiền định ít nhất 30 phút mỗi ngày đem lại sự tĩnh lặng, trí tuệ cho thân tâm của bạn.
- Tự thưởng cho mình những điều thú vị như nghe nhạc, đọc sách, trồng cây, chơi với thú cưng… để cải thiện tâm trạng u uất, lấy lại tự tin và động lực cho bạn.
Kiệt sức do căng thẳng
Đây là một trạng thái tiếp diễn sau thời gian bạn rơi vào căng thẳng mãn tính. Kiệt sức cảm xúc khiến bạn mất đi mục tiêu sống và động lực làm việc, cơ thể trì trệ, thậm chí dễ dẫn đến những suy nghĩ và hành động cực đoan.
- Hãy cho phép bản thân nghỉ ngơi và thư giãn bằng những việc bạn yêu thích. Một chuyến dã ngoại ngắn ngày cũng có thể nạp năng lượng cho bạn, giải tỏa mọi cảm xúc tiêu cực dồn nén.
- Nhận ra điểm mạnh của mình cũng là bí quyết giúp bạn luôn tự tin, vững chãi và tìm thấy niềm vui trong công việc, dù việc đó trước đây khiến bạn ngán ngẩm hay sợ thất bại.
- Có chế độ sinh hoạt lành mạnh bao gồm ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, vận động vừa sức… Một cơ thể đầy năng lượng mới giúp bạn vượt qua căng thẳng sớm nhất.
- Mỉm cười nhiều hơn không những cải thiện tâm trạng của bạn, mà nụ cười còn truyền cảm hứng cho những người xung quanh, tạo ra vòng tròn xã hội tích cực luôn ủng hộ bạn.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn biết cách đối mặt với căng thẳng, lấy lại niềm tin yêu và dễ dàng thành công trong cuộc sống.
Thiên Khuê (Theo Mind)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất