Có phải ‘mang tiền về cho mẹ’ mới là đứa con có hiếu?

I Am NGA 2022-01-05 08:37
- “Mang tiền về cho mẹ. Đừng mang ưu phiền về cho mẹ”, câu rap viral nhất nhì hiện nay nhưng có lẽ sẽ khiến nhiều đứa con thấy chạnh lòng.

“Mang tiền về cho mẹ

Đừng mang ưu phiền về cho mẹ”

Phải nói, Đen Vâu rất giỏi trong việc viết những câu rap độc đáo, chất lừ và vô cùng viral. Lần này, nhân dịp năm hết Tết đến, anh ra sản phẩm mới với tiêu đề đi ngay vào trọng tâm: Mang tiền về cho mẹ. Có lẽ, hiếm nghệ sĩ nào lại có cách viết nhạc gần gũi và mang tính thực tế cao như Đen Vâu.

Có phải ‘Mang tiền về cho mẹ’ mới là đứa con có hiếu?

Đen Vâu trong MV mới.

Đối với người trưởng thành, nhắc đến Tết là nhắc đến tiền, trăm thứ phải chi, động đến cái gì cũng phải dùng đến tiền. Nào là đào, mai, quất, hoa tươi trang trí nhà cửa. Nào là bánh chưng, giò chả, mâm cơm cúng mấy ngày Tết. Nào là bánh kẹo, mâm cao cỗ đầy đãi khách. Nào là quần áo mới. Nào là tiền lì xì. Đó chính là lý do nhiều người không thích Tết và càng lớn người ta lại càng ít háo hức mong chờ ngày Tết.

Có phải ‘Mang tiền về cho mẹ’ mới là đứa con có hiếu?

Những đứa con trưởng thành, ngày Tết nghiễm nhiên phải thực hiện nghĩa vụ của mình là “Mang tiền về cho mẹ”. Tất nhiên mẹ chẳng bao giờ chủ động bảo con cái đưa tiền, thậm chí còn chẳng cần số tiền đó, chỉ cần con về nhà đoàn viên với gia đình là đủ. Tiền dẫu ít, dẫu nhiều thì năm nào mẹ cũng vẫn lo cho cả gia đình một cái Tết tươm tất đấy thôi. Nhưng phận làm con đã trưởng thành, kiếm ra tiền, sao có thể tay không về nhà được. Dù còn độc thân hay đã có gia đình thì việc biếu tiền bố mẹ dịp Tết là một nghi thức không thể thiếu. Trưởng thành rồi, ai cũng hiểu Tết phải chi tiêu bao nhiêu khoản, nên con cái biếu tiền để san sẻ phần nào cho bố mẹ là điều đương nhiên.

Chúng ta kiếm tiền, suy cho cùng cũng chỉ để có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc và khiến người thân của mình hạnh phúc. Còn gì ấm áp hơn khi bạn được tự tay sắm sửa cho gia đình. Còn gì vui vẻ và tự hào hơn khi bạn biếu bố mẹ những đồng tiền bạn đã làm việc chăm chỉ để kiếm được.

Có phải ‘Mang tiền về cho mẹ’ mới là đứa con có hiếu?

Nhưng nếu ai đó không có tiền để đem về cho mẹ thì sao?

Nếu ai đó gặp khó khăn, mất việc, giảm lương, kinh doanh thua lỗ, phá sản, nợ nần do ảnh hưởng của đại dịch thì sao?

Họ có chạnh lòng, tủi thân khi nghe câu “Mang tiền về cho mẹ” không?

Liệu Tết này họ có về nhà không? Hay lại tìm một cái cớ để tránh gặp mặt người thân, họ hàng?

Khi kiếm ra tiền, việc mang tiền về cho mẹ chỉ là chuyện nhỏ, chẳng ai lại không muốn làm điều đó. Nhưng có lẽ, tiền không phải là thứ duy nhất để gắn kết tình cảm gia đình và chứng tỏ lòng hiếu thảo.

Chị họ tôi đi lấy chồng xa, Tết năm nào về nhà ngoại cũng trĩu trịt nào quà, nào bánh, rồi tiền biếu bố mẹ. Có lẽ chị nghĩ mình ở xa, không thể ở bên chăm sóc bố mẹ nên mỗi lần về thăm nhà lại mua quà, biếu tiền bố mẹ như bù đắp phần nào. Và chị muốn bố mẹ yên tâm rằng cuộc sống của chị vẫn ổn.

Có phải ‘Mang tiền về cho mẹ’ mới là đứa con có hiếu?

Tết năm ngoái chị không về, ai cũng nghĩ là chị bận. Thế rồi, sau Tết vài tháng, chị đột ngột qua đời trong một tai nạn. Cả họ nhà tôi về đưa tiễn chị, mới biết cuộc sống của chị chẳng hề êm đẹp mà lại khó khăn, vất vả đến thế. Lúc ấy, chồng chị hiện vẫn bị bắt tạm giam được vài tháng, đến đám tang vợ cũng không thể về. Một mình chị đi làm nuôi hai con nhỏ, chăm sóc bố mẹ chồng già yếu, chị trở thành người trụ cột gánh vác cả gia đình trên vai. Đó là lý do Tết năm ngoái chị không về nhà ngoại và không một ai biết gì về những biến cố của chị ở nhà chồng.

“Con khổ quá con ơi!” là câu nói mà bác tôi đã nhắc đi nhắc lại trong sự đau lòng tột bậc.

Tết năm ngoái, cậu bạn tôi cũng chọn ở lại thành phố thay vì về nhà. Hầu như chẳng Tết năm nào cậu có mặt ở nhà, những năm trước vì đặc thù công việc phải làm xuyên Tết, còn hai ba năm trở lại đây cậu kinh doanh thất bại, thua lỗ vì đại dịch nên áp lực và không muốn về. “Nhưng tớ vẫn gửi tiền về rồi” – cậu nói, như một cách để thể hiện trách nhiệm của một đứa con.

Trong bộ phim Về nhà đi con, bố Sơn có câu nói cảm động: “Về nhà đi con, bố không muốn con phải giả vờ yên ổn, giả vờ hạnh phúc”.

 Có phải ‘Mang tiền về cho mẹ’ mới là đứa con có hiếu?

"Bố không muốn con phải giả vờ yên ổn, giả vờ hạnh phúc."

Vì muốn bố mẹ yên tâm về mình nên càng lớn những đứa con càng nói dối nhiều hơn. Nhưng bố mẹ sẽ đau lòng biết nhường nào khi biết con luôn phải giả vờ yên ổn. Bởi vì cuộc sống có lúc thăng lúc trầm, lúc thành công, lúc thất bại. Cuộc sống này đâu phải một đường thẳng để lúc nào cũng yên ổn.

Đồng ý rằng con cái nên “Mang tiền về về cho mẹ/ Đừng mang ưu phiền về cho mẹ”, nhưng đó là khi bạn kiếm ra tiền. Còn nếu cuộc sống của bạn ở ngoài kia vất vả quá, khó khăn quá, bạn vẫn cứ nên về nhà, lúc nào cũng có những vòng tay dang rộng chào đón bạn. Bởi vì, cha mẹ luôn mong con cái sống yên ổn, hạnh phúc và có thể về nhà bất cứ lúc nào mà không cần phải mang theo tiền.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

12 cung Hoàng đạo có bao nhiêu tình yêu đích thực trong suốt cuộc đời?