Có một nỗi sợ mang tên ‘thứ Hai’: Bạn đang ghét thứ Hai, hay đang ghét công việc của chính mình?
Tin liên quan
Cứ trong 3 người thì có 1 người ghét thứ Hai
Nếu như sáng nay thức dậy bạn cảm thấy buồn chán và không muốn bước chân ra khỏi nhà, bạn không hề cô đơn.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tâm trạng của mọi người thường xuống ở mức thấp nhất vào thứ Hai. Ngày này cũng được lấy làm chủ đề của nhiều bài hát u sầu, như “Monday, Monday” của Mamas & Papas, “Rainy days and Monday” của Carpenters, “I don’t like Monday” - Boomtown Rats và “Manic Monday” của The Bangles.
Chưa hết, một cuộc khảo sát trên tờ Daily Mail của Anh đã chỉ ra, thứ Hai được xem là “ngày khốn khổ nhất” trong tuần đối với người dân nước này. Cụ thể, hơn một nửa trong số những người được khảo sát sẽ dành cả ngày để than thở, phàn nàn, đặc biệt là vào buổi sáng. Thời gian trung bình mà họ dành để “rên rỉ” vào sáng thứ Hai là 34 phút, trong khi những ngày còn lại chỉ 22 phút.
Cứ 3 người thì có 1 người cho biết họ ghét thứ Hai hơn bất kỳ ngày nào khác trong tuần. Một số lý do phổ biến nhất là: Họ sợ hãi một tuần làm việc sắp tới với một “núi” email cần xử lý, hay vẫn chưa kịp tận hưởng ngày cuối tuần trọn vẹn, cảm thấy mệt mỏi và mất một lúc để trở lại “chế độ làm việc”,… Và sáng thứ Hai bắt đầu, họ than vãn về đủ thứ: khối lượng công việc sẽ phải làm, máy tính khởi động chậm, đường tắc, thời tiết thay đổi, sức khoẻ kém, hay thậm chí là không có gì để mặc cũng có thể khiến mọi người rơi vào tâm trạng tồi tệ.
Vì sao chúng ta ghét thứ Hai đến vậy?
Nhưng chính xác thì điều gì khiến ngày thứ Hai trở nên khó khăn về mặt tâm lý như vậy? Các chuyên gia sức khoẻ tinh thần đã phân tích và rút ra được nhiều nguyên nhân khác nhau. Và mặc dù những lời giải thích này không áp dụng cho tất cả mọi người, nhưng một trong số những lý do dưới đây có thể dành cho bạn nếu như bạn là một người dễ “quạu” mỗi khi tuần mới bắt đầu:
Nhịp sinh học cơ thể của bạn bị đảo lộn
Những ngày thường, đa phần chúng ta tuân thủ một lịch trình giấc ngủ đều đặn và vào cuối tuần, chúng ta ngủ nướng “thả phanh” vì biết rằng ngày hôm sau không cần phải dậy sớm. Điều này khiến cho nhịp sinh học của bạn bị đảo lộn.
Sanam Hafeez, một nhà tâm lý học thần kinh ở New York cho biết: “Ngủ thêm vào cuối tuần là một điều tốt, nhưng việc thay đổi lịch trình giấc ngủ có thể phá vỡ quỹ đạo của đồng hồ sinh học trong cơ thể. Bởi thế, dẫu bạn có được nghỉ ngơi thoải mái vào Chủ Nhật, bạn vẫn có thể cảm thấy buồn ngủ vào thứ Hai. Khi mệt mỏi, chúng ta thường dễ cáu kỉnh, nóng tính hơn bình thường”. Tóm lại, để đồng hồ sinh học không bị thay đổi quá nhiều, ngày cuối tuần bạn chỉ nên ngủ “nướng” thêm khoảng 1h so với ngày thường.
Đối với một số người khác, ngày cuối tuần lại khiến họ cạn kiệt năng lượng hơn cả ngày thường. Meg Gitlin, một nhà trị liệu tâm lý, chỉ ra lí do: “Đa phần mọi người thích dành cuối tuần để nghỉ ngơi và lấy lại tinh thần, nhưng thực tế, chúng ta lại cố gắng “nhồi nhét” quá nhiều thực phẩm và đi ngủ muộn hơn ngày thường. Bên cạnh đó, chúng ta còn dùng ngày cuối tuần để ở bên gia đình, bạn bè, việc này dù tốt nhưng lại lấy đi nhiều năng lượng cảm xúc. Chính vì thế, vào các ngày thứ Hai, nhiều người cảm thấy mệt mỏi và không muốn làm gì”.
Ngủ nướng “thả phanh” vào cuối tuần khiến cho nhịp sinh học đảo lộn.
Thứ Hai gõ cửa khiến bạn mất cảm giác tự do
Lý do phổ biến nhất khiến thứ Hai “bị ghét bỏ” là bởi nó theo sau 2 ngày tự do và tràn đầy tận hưởng. Dẫu cho có những ngày cuối tuần tất bật tới mấy, vẫn có rất nhiều khoảnh khắc chúng ta được thư giãn (như thức dậy muộn hơn, bữa trưa thoải mái hơn,…). Sự thay đổi cảm xúc này có thể khiến cho một số người cảm thấy nặng nề khi mất đi trạng thái thoải mái vô tư mỗi cuối tuần.
Khi thứ Hai đến, nhiều người cảm thấy sợ hãi với việc phải quay trở lại với trách nhiệm của mình thay vì dành thời gian cho những việc họ yêu thích. Về mặt tâm trí, thật khó để chuyển từ trạng thái tự do sang nghĩa vụ và trách nhiệm chỉ trong chốc lát.
Bạn không yêu công việc của mình
Trên mạng xã hội hỏi đáp Quora, một câu hỏi được đặt ra rằng: “Tại sao phần lớn mọi người lại thấy thứ Hai thật tệ?”. Và một bình luật thu hút nhiều sự đồng tình nhất là:
“Thật ra họ không ghét thứ Hai. Thứ mà họ ghét, chính là công việc của họ kia”.
Căng thẳng với công việc là một lý do phổ biến khiến cho thứ Hai trở nên “đáng chán”. Cho dù nguyên do là ông sếp khó tính hay những người đồng nghiệp hay “kèn cựa”, cảm giác lo lắng và xuống tinh thần có thể bắt đầu từ tối Chủ nhật, từ đó khiến bạn khó có thể hào hứng đi làm vào ngày thứ Hai. Có lẽ đúng như bình luận phía trên đã nói, thứ Hai không có lỗi, thứ làm chúng ta bực bội rất có thể là công việc mình đang làm.
Nhưng không phải ai cũng có thể nhanh chóng ngay lập tức khi đã chán ghét công việc. Lí do níu kéo chúng ta ở lại với một vị trí mình không thực sự thích, có thể là những gánh nặng về tài chính hoặc thiếu các cơ hội công việc phù hợp hơn, hoặc đơn giản là bạn quá lười update CV để đi tìm một “bến đậu khác”. Nhưng mọi công việc đều sẽ tồn tại những khó khăn cố hữu. Đôi khi để đối mặt với khó khăn, chúng ta có thể học cách “lướt ván” trên chướng ngại thay vì cố tìm cách chống lại nó.
Hãy thử những giải pháp dưới đây để lấy lại tinh thần trong công việc:
Cảm thấy biết ơn khi có một công việc
Trước khi nghĩ tới công việc này chán ghét ra sao, bạn hãy nghĩ rằng có hàng triệu người đang thất nghiệp ngoài kia và tìm việc trong vô vọng. Có thể công việc của bạn chưa thật hoàn hảo, nhưng nó vẫn giúp bạn duy trì sinh hoạt và đóng góp cho xã hội.
Chia sẻ cùng với quản lý của mình
Thay vì canh cánh trong lòng, hãy chia sẻ thẳng thắn với người quản lý của bạn về suy nghĩ của bản thân như: “Công việc của tôi rất nhàm chán”, “Tôi không được phát triển bản thân khi làm công việc này”,… Nếu như họ muốn giữ bạn lại, họ sẽ đưa ra hành động để giúp bạn cảm thấy hài lòng hơn với môi trường làm việc. Một cuộc đối thoại rõ ràng, cởi mở sẽ giúp bạn giải quyết được nhiều vấn đề thay vì giữ mãi khó chịu trong lòng.
Tự tạo niềm vui trong công việc
Bạn có thể là một kế toán viên với cả núi sổ sách giấy tờ mỗi ngày, hoặc là một người làm công việc hành chính lặp đi lặp lại. Thoạt nghe sẽ thấy rằng những công việc này thật tẻ nhạt. Thế nhưng, nếu bạn làm việc với tâm thế tận hưởng, bạn sẽ có nhiều cách để đem niềm vui vào công việc của mình. Đó có thể là tổ chức ăn uống cùng các đồng nghiệp trong giờ nghỉ trưa, kể cho mọi người nghe những câu chuyện hài hước mà bạn vừa bắt gặp trên newfeed,… Dí dỏm một chút sẽ không đánh mất đi sự chuyên nghiệp của bạn.
Nếu bạn làm việc với tâm thế tận hưởng, bạn sẽ có nhiều cách để đem niềm vui vào công việc của mình.
Bạn ghét thứ Hai vì… hiệu ứng đám đông
Chúng ta đang sống trong một nền văn hoá mà thái độ “TGIF” (“Thanks God it’s Friday”) đang dần trở nên phổ biến chốn công sở. Từ đó, các ngày thứ Hai trở thành “kẻ thù không đội trời chung”. Nhiều khi, chúng ta ác cảm với một điều gì đó chỉ vì rất nhiều người có thành kiến với nó. Và thứ Hai cũng không phải ngoại lệ.
Để thứ Hai không còn là nỗi ám ảnh
Cuối tuần, hãy cho mình thực sự nghỉ ngơi
Liên tục suy nghĩ về những đầu việc chưa hoàn thành, kiểm tra tin nhắn, email công việc,… trong những ngày nghỉ là sai lầm điển hình khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi vào thứ Hai. Hãy tắt điện thoại, rút phích cắm laptop và tận hưởng ngày cuối tuần thật trọn vẹn và hết mình. Đây là thời gian để bạn thư giãn, ăn uống xả hơi, ngủ đủ giấc và nạp lại năng lượng. Những ngày cuối tuần thoải mái sẽ khiến bạn dồi dào hứng khởi để bắt đầu một tuần mới “cháy” hết mình với công việc và cuộc sống.
Vận động cơ thể
Để lên giây cót cho tuần mới, “liều thuốc” đầu tiên bạn cần đó là những bài tập thể dục hoặc chạy bộ. Nếu có thể, hãy dậy sớm hơn để vận động cơ thể bằng những bài tập nhẹ nhàng. Việc này sẽ giúp bạn sảng khoải và tỉnh táo hơn trước khi bắt tay vào những đầu việc của tuần mới.
Đem niềm vui vào nơi làm việc
Thay vì chờ đợi vào những yếu tố ngoại cảnh, tại sao chúng ta không tự tạo ra những niềm vui nho nhỏ ở nơi làm việc để tự cải thiện tâm trạng bản thân? Đó có thể là mang chút đồ ăn, bánh kẹo tới để các đồng nghiệp cùng thưởng thức và vui đùa trò chuyện, hoặc chủ động “khởi xướng” nên các hoạt động vui chơi ngoài giờ ở cơ quan. Sẽ tốt hơn khi bầu không khí làm việc của bạn luôn dễ chịu, hoà đồng và hài hước vui vẻ.
Vạch ra kế hoạch cụ thể cho công việc
Vào mỗi thứ Hai, hãy liệt kê rõ ràng và chi tiết những công việc bạn cần làm trong tuần mới. Khi có sự sắp xếp rõ ràng, bạn sẽ xử lý hiệu quả những đầu việc được giao một cách chủ động và tự tin hơn.
Hãy liệt kê rõ ràng và chi tiết những công việc bạn cần làm trong tuần mới. Và đừng quên, âm nhạc cũng là một "liều thuốc" hiệu nghiệm giúp bạn thêm phấn chấn.
Âm nhạc cũng là một “liều thuốc”
Âm nhạc cũng có thể giúp con người quên đi mệt mỏi. Những giai điệu hay và sôi động có thể “thổi bay” cơn buồn ngủ và giúp bạn thêm phấn chấn cho danh sách đầu việc dài dằng dặc của tuần mới. Đã có nghiên cứu cho rằng nghe nhạc mà bạn thích sẽ giúp cơ thể sản sinh hormone Dopamine – một trong những hormone khiến con người hạnh phúc, đồng thời kích thích sự sáng tạo. Cạnh đó, các nhà khoa học của Nhật Bản cũng nghiên cứu và nhận thấy, những người nghe nhạc trong khi làm việc cảm thấy mất sức ít hơn so với những khi không nghe nhạc. Bởi vậy, bạn có thể chọn và mở những bản nhạc mình yêu thích trong lúc làm việc để tiếp thêm sức sống cho chính mình.
Cẩm Mịch
Ảnh: Unsplash
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất