Bí quyết sống thanh thản gói gọn trong câu: Biết mình cần gì và bao nhiêu là đủ
Tin liên quan
Tôi từng là một nạn nhân của chủ nghĩa tiêu dùng. Tôi tiêu xài hoang phí cho những món đồ mình thích, sau đó lại xếp xó phủ bụi một thời gian dài trước khi cho nó ra đi. Tôi từng hối tiếc quá khứ và lo lắng về tương lai quá nhiều, điều đó khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Cho đến một ngày, tôi nhận ra mình cần phải thay đổi.
Hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước đầu tiên
Ý tưởng theo đuổi lối sống tối giản của tôi bắt đầu nhen nhóm từ khi tôi đột nhiên muốn mua một chiếc Ipad. Ngày đó tôi đang theo học vẽ điện tử, thấy nhiều người dùng Ipad để vẽ thích quá nên tôi cũng muốn có một chiếc. Vấn đề là tôi chỉ là người tay ngang học vẽ, không phải người vẽ chuyên nghiệp và cũng không chắc mình mua Ipad về có khai thác được tối đa và sử dụng lâu dài hay không. Tôi vốn muốn thứ gì là phải có thứ đó bằng được nhưng một chiếc Ipad là cuộc chơi tốn kém tiền bạc, đòi hỏi tôi phải cân nhắc thật kỹ.
Tôi biết đến lối sống tối giản cách đây vài năm qua một số bài báo. Tất cả hình dung mơ hồ của tôi về lối sống này là vất bỏ hết đồ đạc, chỉ để lại căn phòng trống trơn với số lượng đồ dùng tối thiểu, quần áo vài ba bộ, bát đũa chỉ một hai chiếc. Tôi lắc đầu nghĩ mình sẽ không bao giờ sống tối giản được.
Cho đến một ngày tôi biết đến blogger The Present Writer, một người có ảnh hưởng lớn trong việc phổ biến lối sống tối giản ở Việt Nam. Đọc loạt bài viết của chị về chủ nghĩa tối giản, tôi mới vỡ lẽ, à thì ra là như vậy. Tối giản không phải là vất bỏ hết đồ đạc để theo đuổi lối sống khắc khổ dưới cả nhu cầu của mình. Tối giản là một phong cách sống, một tư duy giúp người ta đạt được sự thanh thản, đủ đầy và hạnh phúc.
“Hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước đầu tiên” (Lão Tử). Cho đến nay tôi đã có hơn một năm sống tối giản và nhận ra khi tôi bắt đầu buông bỏ đồ đạc, tất cả mới chỉ bắt đầu. Tối giản không phải là đích đến mà là một hành trình.
Làm sao để biết mình cần gì và bao nhiêu là đủ?
Điều cốt yếu của sống tối giản là sống vừa đủ với những gì mình cần. Nhưng làm sao để biết mình cần gì và bao nhiêu là đủ?
Thông thường người ta bắt đầu từ việc bỏ bớt đồ đạc bởi chúng là những thứ vật chất hữu hình có thể nhìn thấy, cầm nắm được. Vật chất quyết định ý thức, chỉ cần dọn dẹp đồ đạc và bạn sẽ sống hạnh phúc hơn.
Bạn có từng ám ảnh bởi những lần dọn nhà cuối năm? Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao bạn đã dọn dẹp rất gọn gàng, ngăn nắp rồi mà chỉ được một thời gian lại bừa bộn như cũ? Bạn có thấy mệt mỏi khi cứ phải dọn nhà thường xuyên, liên tục?
Bởi lẽ mỗi khi dọn nhà, bạn chỉ đang sắp xếp lại, thậm chí “giấu” đồ đạc trong tủ, trong thùng hay những góc khuất ít để ý đến. Trong khi số lượng đồ đạc thì vẫn thế, không những không giảm đi mà còn tăng thêm bởi những món đồ mới bạn mua về. Tất nhiên bạn cũng có bỏ đi những thứ đồ cũ, hỏng hoặc đã lâu không dùng, nhưng đó chỉ là con số nhỏ bé trong núi đồ mà bạn đang sở hữu.
Trong cuốn Lối sống tối giản của người Nhật của Sasaki Fumio, tác giả đã đưa ra 55 quy tắc vất bỏ đồ đạc cho những ai muốn giảm bớt đồ trong nhà. Vất bỏ ở đây không có nghĩa là bạn cho đồ đạc ra thẳng bãi rác mà bạn có thể bán hoặc cho những ai thật sự cần đến chúng.
Có rất nhiều lý do khiến chúng ta gặp khó khăn khi bỏ bớt đồ đạc. Chẳng hạn như những thứ ta nghĩ “nhỡ đâu có lúc dùng” nhưng sự thật là chẳng bao giờ động đến. Fumio cũng giúp tôi nhận ra rằng giữ những món đồ mình không thích vì tiếc tiền chỉ khiến mình thêm bực bội. Hãy coi số tiền mình mất đi là học phí để tránh mắc phải sai lầm tương tự.
Với người mới bắt đầu “tập tành” vất bỏ đồ đạc, những vật kỷ niệm là những thứ khó bỏ đi nhất. Bởi chúng chủ yếu mang giá trị tinh thần, cho không được mà vất đi càng không nỡ. Với những thứ khó bỏ đi, tôi áp dụng phương pháp “sparking joy” của Marie Kondo. Theo đó, những thứ mà khi chạm tay vào mình cảm thấy vui vẻ, thấy rung động trái tim thì có thể giữ lại, còn không thì hãy bỏ đi. Và tôi đã nhận ra rằng, không phải kỷ niệm nào cũng khiến mình rung động con tim. Tôi vẫn giữ lại một số kỷ vật nhưng cũng mạnh dạn cho ra đi một vài thứ đã cũ, hỏng hoặc gợi lên ký ức không vui.
Bạn không thể vất bỏ đồ đạc vì thứ bạn không nỡ buông bỏ chính là chấp niệm về quá khứ. Những thứ chất đống trong nhà chính là quá khứ của chúng ta đã bị bám bụi. Bỏ đi những món đồ cũ giúp tôi tạm biệt qua khứ bụi bặm của mình để sống cho hiện tại và tương lai.
Sau khi bỏ bớt đồ đạc, bước tiếp theo là sắp xếp, bài trí. Bạn có thể tham khảo cuốn Nghệ thuật bài trí của người Nhật của Marie Kondo. Nhờ cuốn sách này, tôi đã chăm gấp quần áo hơn với kỹ thuật gấp dựng thẳng đứng (phương pháp Konmari). Tôi cũng thay đổi tư duy về cách cách cất giữa đồ đạc. Theo đó, tôi không còn cất kỹ, nhồi nhét đồ đạc chồng chất lên nhau trong tủ, thùng chứa mà luôn cố gắng bày biện trong tầm nhìn. Với những món đồ dùng thường xuyên, tôi luôn sắp xếp theo cách dựng thẳng đứng (áp dụng với cả quần áo) để dễ kiểm soát số lượng đồ mình sở hữu, tránh tăng số lượng đồ và không gây áp lực lên những món đồ bị xếp dưới.
Chỉ cần hoàn thành xong việc bỏ bớt đồ đạc và bài trí lại căn nhà, bạn đã thấy nhẹ nhõm cả người. Đồ đạc không còn luẩn quẩn vướng chân hay chiếm không gian sống khiến bạn ngột ngạt nữa, việc dọn nhà từ nay nhẹ tênh.
“Khi giảm bớt những vật dụng thông qua quá trình dọn dẹp, sẽ tới lúc đột nhiên bạn biết bao nhiêu là đủ với mình” (Marie Kondo).
Tự mình viết tiếp những chương mới của cuộc đời
“Lối sống tối giản giống như lời mở đầu của một cuốn sách, còn nội dung câu chuyện phải dựa vào bạn để viết tiếp. Điều quan trọng là sau khi vứt bớt đồ đi, bạn sẽ làm gì tiếp theo” (Sasaki Fumio)
Khi bỏ đi những thứ thừa thãi so với nhu cầu của mình, chưa bao giờ tôi cảm thấy cuộc sống của mình đủ đầy đến thế. Tôi tâm niệm mình đang có trong tay mọi thứ mình cần, mình không thiếu gì cả, những thứ mình chưa có nghĩa là mình chưa cần.
Khi bỏ đi những kỷ vật đã giữ gìn nhiều năm, tôi nhận ra những gì tôi không nhớ thì chúng đều không đáng nhớ. Bởi những ký ức quan trọng trong cuộc đời sẽ tự nhiên in sâu vào tâm trí chúng ta.
“Từ khi vứt hết mọi thứ, tôi mới có thể tự do theo đuổi những việc mình thích.” (Tyler Durden).
Vì tâm trí không còn bị vướng bận bởi đồ đạc, bạn sẽ có thời gian và sự minh mẫn để tìm hiểu xem mình thích gì, điều gì mới thật sự quan trọng trong cuộc đời bạn.
Sống tối giản thật sự khiến bạn hạnh phúc hơn, bởi vây quanh bạn lúc này chỉ toàn những thứ bạn cần hoặc bạn thích. Bạn không còn phải chịu đựng những thứ thừa thãi chất đống trong cuộc sống của mình. Khi nhu cầu mua sắm, tiêu xài giảm xuống, bạn cũng không còn phải quá lo lắng về việc phải kiếm thêm thật nhiều tiền mà bao nhiêu vẫn không đủ.
Người sống tối giản sẽ biết mình cần gì và tập trung sống cuộc đời của mình thay vì sân si với người khác. Lâu lắm rồi tôi không còn lướt newsfeed trên mạng xã hội để cập nhật xem bạn bè đang sống thế nào, đang có hot trend gì, tôi cũng không có nhu cầu phô bày cuộc sống của mình ra nữa. Nếu có thông tin quan trọng mà tôi cần biết về bạn bè, người thân thì bằng cách này hay cách khác tôi cũng sẽ biết thôi. Tôi thấy mình không bỏ lỡ điều gì khi từ bỏ mạng xã hội cả. Khi không còn soi mói, phán xét cuộc sống của người khác, khi không còn so sánh và ghen tị, tôi có nhiều thời gian hơn để chăm lo cho bản thân và sống hạnh phúc hơn nhiều.
Khi vất bỏ đồ đạc, tôi cũng vất luôn sự so sánh và tham vọng sở hữu ra khỏi đầu. Tôi đã có những thứ tôi cần, tôi không thiếu thứ gì cả, vì vậy tôi không cần phải so sánh với người khác. Chúng ta có thể dễ dàng so sánh vật chất nhưng trải nghiệm mới là vô giá và rất khó để đặt lên bàn cân. Sự trải nghiệm mới chính là thứ mà chúng ta nên đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc bởi chúng sẽ mang đến niềm hạnh phúc lâu dài.
Trong cuốn Quảng gánh lo đi và vui sống, Dale Carnegie viết rằng: “Đừng rửa những chiếc đĩa chưa bị bẩn”.
Số bát đĩa phải rửa hôm nay đã đủ cho một ngày. Bạn không cần phải nghĩ đến số bát phải rửa ngày mai hoặc trong cả năm để khiến bản thân choáng ngợp và nản lòng. Những nỗi lo về tương lại như thất nghiệp, kết hôn, sinh con, bệnh tật, già yếu và cái chết đều là những “chiếc đĩa bẩn” của tương lai. Việc của bạn chỉ là tập trung sống thật tốt cho hiện tại và như thế bạn sẽ được bình an.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất