7 nghệ thuật từ chối giúp bạn vẫn để lại ấn tượng cực tốt
Tin liên quan
Bạn có thể tự hỏi, làm thế nào để nói không và không cảm thấy tồi tệ về điều đó? Để trả lời cho câu hỏi đó, trước tiên bạn phải hiểu tại sao mọi người cảm thấy tồi tệ khi từ chối ai đó. Nói không có thể mang lại cảm giác bản thân là người vô tâm, vô ích. Và hầu hết mọi người không muốn trở thành một người xấu. Việc nói lời từ chối cũng khiến người ta cảm thấy mình đang làm đối phương thất vọng và cảm thấy tội lỗi. Kết quả là mọi người thường đi theo con đường ít xung đột nhất và lựa chọn đồng ý với người khác, tự dày vò bản thân mình.
Nếu mọi người nói không, họ thường làm điều đó theo những cách không hiệu quả kèm theo một lời bào chữa. Ví dụ, họ có thể nói, "Tôi muốn giúp đỡ nhưng tôi thực sự bận." Vấn đề với cách tiếp cận này là nó tạo cơ hội cho người kia tiếp tục hỏi vì cảm thấy có một cơ hội. “Tuần này cậu bận rồi, tuần sau thì thế nào?”
Và đây là cách bạn có thể nói không một cách hiệu quả:
1. Hãy cứ nói thật tự nhiên
Đừng vòng vo hoặc đưa ra những lời bào chữa yếu ớt hoặc ậm ừ. Điều này chỉ tạo cơ hội cho người khác. Đừng trì hoãn và tìm thêm lý do. Thay vào đó đưa ra lời giải thích ngắn gọn nếu bạn cảm thấy cần. Cũng đừng cảm thấy bị ép buộc hay cảm giác bị động tiêu cực, khi trả lời hãy lịch thiệp và càng ít nói càng tốt.
Tuy nhiên, nếu quá bối rối hoặc không chắc về câu trả lời, hãy bình tĩnh bảo rằng bạn cần thêm thời gian để suy nghĩ và xem lại lịch trình của mình, sẽ trả lời vào một thời điểm hẹn nhất định. Cách tiếp cận này rất lịch sự và đặt bạn vào vị trí chủ động hơn bằng cách thay đổi phía người quyết định đáp án cuối cùng.
2. Hãy quyết đoán và lịch sự
Hãy tỏ ra mềm mỏng nhưng quyết đoán khi bạn nói không với lời đề nghị của ai đó. Vì chỉ cần nắm được một chút yếu lòng của bạn, đối phương có thể sẽ dây dưa thêm và tìm cách thuyết phục bạn.
Dù tỏ ra dứt khoát với câu trả lời, nhưng bạn cũng cần lưu ý phải giữ phép lịch sự để đối phương không cảm giác hụt hẫng hay không được xem trọng. Lựa lời nói nhẹ nhàng và chú ý hoàn cảnh xung quanh, nếu giữa đám đông cũng có thể tác động đến sự tự ái của người đề nghị.
3. Hiểu chiến thuật của mọi người
Nhiều người và tổ chức sử dụng các kỹ thuật thao túng, dù cố ý hay không. Vì thế hãy chú ý vào điều này để tránh bản thân bị khó xử. Ví dụ: Hãy nghĩ đến khi bạn nhận được lời kêu gọi quyên góp cho một tổ chức từ thiện và có những lựa chọn bắt buộc: "Bạn muốn quyên góp số tiền 50k, 100k, 200k hay X?". Một chiến thuật khác: "Hầu hết mọi người quyên góp 100k - bạn muốn quyên góp bao nhiêu?"
Những thủ thuật thao túng tâm lý sẽ khiến rất nhiều người “sa hố” và tự giới hạn sự lựa chọn của bản thân. Khi gặp những trường hợp này, hãy tập đặt câu hỏi ngược lại cho bản thân, bình tĩnh suy xét và đưa ra quyết định cuối cùng. Hãy tỉnh táo, đừng để người khác dùng thuật chạm tự ái mà khiến bạn phải “xuống tay”.
4. Đặt ranh giới
Đôi khi mọi người gặp khó khăn khi nói không vì họ chưa dành thời gian để đánh giá mối quan hệ của mình và hiểu rõ vai trò của mình trong mối quan hệ. Khi bạn thực sự hiểu được động lực và vai trò của mình, bạn sẽ không cảm thấy lo lắng về hậu quả của việc nói không.
Bắt đầu bằng việc sắp xếp mức độ ưu tiên và quan trọng của từng mối quan hệ xung quanh bạn. Nếu là mối quan hệ không quá thân thuộc, bạn có thể thoải mái nói không nếu yêu cầu quá sức. Và cũng có những mối quan hệ chân thành, bạn sẽ nhận ra rằng mối quan hệ của bạn rất vững chắc và có thể chịu đựng được việc bạn nói không.
5. Đặt lại câu hỏi cho người hỏi
Điều này mang lại hiệu quả cao trong môi trường làm việc. Giả sử người giám sát yêu cầu bạn đảm nhận một số nhiệm vụ nhiều hơn khả năng của bạn. Bạn có thể nói, "Tôi rất vui khi làm việc X, Y và Z; tuy nhiên, tôi cần ba tuần chứ không phải hai tuần để làm tốt công việc. Bạn muốn tôi ưu tiên chúng như thế nào?"
Hoặc nếu ai đó hỏi bạn một thông tin nào đó mà bạn không thoải mái chia sẻ, hãy đặt câu hỏi ngược lại rằng “Vì sao bạn lại muốn có thông tin đó?”. Khi đó người hỏi sẽ lập tức khựng lại, cảm giác khó trả lời câu hỏi của bạn sẽ khiến họ không bắt bạn đưa ra câu trả lời nữa.
6. Hãy vững vàng
Nếu ai đó không thể chấp nhận lời từ chối của bạn thì bạn biết rằng người đó có thể không phải là một người bạn thực sự hoặc không tôn trọng bạn. Hãy đứng vững và đừng cảm thấy buộc phải nhượng bộ chỉ vì người đó không thoải mái.
Hãy có quy tắc và giới hạn riêng của bản thân mình, bạn không cần phải luôn luôn thỏa hiệp chỉ để làm hài lòng người khác. Những người thân yêu sẽ luôn tôn trọng vì nghĩ đến lợi ích của bạn, vì thế không cần cảm thấy áy náy với những người chỉ muốn lợi dụng bạn.
7. Hãy tôn trọng bản thân
Đặt cảm giác của bạn lên hàng đầu, bởi vì bạn cần tự tôn trọng chính mình trước khi muốn ai đó tôn trọng bạn. Nếu bạn luôn ưu tiên nhu cầu của người khác hơn nhu cầu của mình, bạn sẽ thấy năng suất làm việc của mình bị ảnh hưởng và sự oán giận sẽ tăng lên.
Có lẽ chúng ta có thể học hỏi từ Warren Buffett , người đã nói: “Sự khác biệt giữa người thành công và người rất thành công là người rất thành công nói không với hầu hết mọi thứ”.
Nghiêng Nhiên (Tổng hợp/ Theo Inc)
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất