10 dấu hiệu chuyển dạ bà bầu nên biết
Đối với những mẹ đang cận kề ngày dự sinh thì cảm giác nóng lòng, sốt ruột đến mức đứng ngồi không yên. Mẹ không biết khi nào bé cưng chính thức chào đời, liệu con có ra sớm hơn một chút không hay sẽ chậm thêm vài ngày, liệu ngày dự sinh có chính xác hay không?... Mẹ lo mình sẽ không thể chủ động đón con yêu nếu bất ngờ chuyển dạ vào một thời điểm không báo trước, thậm chí mẹ lo lắng đến mức chẳng dám ra khỏi nhà vì sợ sẽ... đẻ rơi con ở đâu đó. Vì vậy, mẹ hãy đọc thật kĩ những dấu hiệu chuyển dạ dưới đây để yên tâm hơn nhé, bởi vì trước khi bé cưng chào đời, cơ thể sẽ phát "tín hiệu" để mẹ nhận biết.
Dấu hiệu chuyển dạ trước khi sinh 1 - 4 tuần
Tụt bụng
Ở các mẹ đã từng sinh con, dấu hiệu tụt bụng có thể xuất hiện trước khi chính thức "vỡ chum" khoảng một tháng; nhưng đối với mẹ sinh con so, dấu hiệu này bắt đầu muộn hơn, thậm chí trước khi sinh 1 tuần hay vài ngày mẹ mới thấy bụng mình "tụt" xuống. Đó là khi bé cưng quay đầu xuống dưới để chuẩn bị "chui" ra khỏi bụng mẹ. Lúc này phần đầu em bé chúc xuống khung chậu của mẹ và tạo áp lực lớn hơn lên bàng quang, vùng chậu khiến mẹ cảm thấy phía dưới nặng nề hơn, nhất là phải đi tiểu thường xuyên hơn. Tuy vậy, mẹ sẽ thấy nhịp thở của mình ổn định hơn, bình thường hơn do thai nhi đã di chuyển sâu xuống dưới, áp lực lên các vùng phía trên cơ thể giảm đi thấy rõ.
Khớp xương mềm đi
Để chuẩn bị cho em bé ra đời một cách thuận lợi, cơ thể bắt đầu sản sinh ra hormone ralaxin - đây là hormone khiến các cơ, khớp mềm đi, giúp em bé chào đời thuận lợi hơn. Tuy nhiên mẹ cũng lưu ý lúc này cơ thể dễ "loạng choạng" và mất cân bằng, vì thế cần đi đứng, di chuyển cẩn thận để tránh va đập hay ngã đột ngột nhé!
Chuột rút và đau lưng "trầm trọng" hơn
Đây là một trong những dấu hiệu chuyển dạ điển hình. Do em bé mỗi ngày một nặng hơn và tử cung đang phải căng ra hết cỡ, kéo theo các vùng cơ, khớp liên quan cũng bị kéo dãn để nâng đỡ cơ thể mẹ và bé. Đây chính là lý do khiến mẹ bị chuột rút và đau lưng nhiều hơn, đặc biệt, những mẹ sinh lần 2 sẽ thấy tình trạng này trầm trọng hơn cả lần sinh đầu.
Cổ tử cung mở
Vài tuần đến vài ngày trước sinh, cổ tử cung của mẹ bầu đã dần mỏng đi và mở ra để chuẩn bị "lối đi" cho em bé. Lúc này, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra độ mở và độ mờ (độ xóa) cổ tử cung khi khám cho mẹ để dự đoán ngày sinh nở. Tuy nhiên một số mẹ cho đến lúc chuyển dạ cổ tử cung mới bắt đầu mở ra, do đó mẹ không cần phải lo lắng nếu không thấy những dấu hiệu này trước đó.
Tiêu chảy
Nghe có vẻ không liên quan, nhưng thực tế là trước khi lâm bồn khoảng một tháng - một tuần, một số bà bầu thường bị tiêu chảy nhẹ do các cơ ở ruột thẳng ra, làm ảnh hưởng đến nhu động ruột dẫn đến hiện tượng tiêu chảy. Vấn đề này thường không nghiêm trọng lắm và mẹ nhớ ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước để cải thiện tình hình nhé!
Ngừng tăng cân/giảm cân
Dù thai nhi vẫn tiếp tục tăng cân đến tận khi chào đời nhưng vào những ngày cuối cùng của thai kì, cơ thể mẹ sẽ không tăng cân nữa, thậm chí cân nặng bị giảm đi chút đỉnh.
Mệt mỏi và lười di chuyển
Gần đến ngày sinh nở, thai nhi chúc xuống sâu hơn khiến mẹ phải ghé thăm toilet liên tục cả ngày lẫn đêm vì tử cung chèn ép lên bàng quang. Điều này khiến cho các
bà bầu đã mệt lại càng mệt thêm vì thiếu ngủ. Thêm nữa, cơ thể nặng nề, "cồng kềnh" và xương khớp lỏng lẻo khiến mẹ làm gì, đi đâu cũng khó khăn hơn, thành ra lúc nào mẹ cũng chỉ muốn được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
Dấu hiệu chuyển dạ trước khi sinh vài giờ
Ra nhiều dịch âm đạo
Cận kề ngày sinh nở, mẹ sẽ thấy mình luôn luôn "ẩm ướt" vì dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn. Đến khi nút nhầy cổ tử cung bong ra, mẹ còn thấy âm đạo tiết một mảng dịch nhầy lớn và có lẫn vài vệt máu mờ. Đây là lúc mẹ nên chuẩn bị tinh thần vì chỉ vài giờ nữa thôi, những cơn co có thể xuất hiện để đón bé chào đời.
Âm đạo chảy nước
Một trong những dấu hiệu chuyển dạ thường thấy vài giờ trước khi mẹ chính thức bước vào cuộc đẻ, đó là âm đạo ra nước. Mẹ chỉ cần chú ý một điều là rất có thể mình đang bị vỡ ối, rò rỉ ối nên tốt nhất hãy gọi cho bác sĩ/đến bệnh viện kiểm tra, tránh trường hợp cạn ối sẽ nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi trong bụng.
Cơn co thắt xuất hiện với tần suất tăng dần
Khác với cơn co thắt giả mà mẹ từng gặp trước đó, những cơn co chuyển dạ thường xuất hiện với tần suất tăng dần, ngày càng đau hơn và không có dấu hiệu dịu đi ngay cả khi mẹ thay đổi tư thế. Những cơn co này bắt đầu từ vùng lưng dưới, lan dần xuống bụng dưới và thậm chí có thể lan xuống hai chân; chúng mang tính chu kì và đau hơn chuyển dạ giả rất nhiều.
Lưu ý: Ngoài những dấu hiệu chuyển dạ trên, bà bầu cần nhanh chóng tới bệnh viện nếu thấy: âm đạo ra nhiều nước - nghi là rò rỉ/vỡ ối; chảy máu âm đạo hoặc ra dịch có màu máu nhạt; bị rối loạn thị giác, đau đầu hoặc phù nề nặng. Đây là những triệu chứng cho thấy sức khỏe của mẹ/bé đang gặp vấn đề và cần được xử lý gấp để bảo đảm sức khỏe cho cả hai mẹ con.
Nguyệt Nga
(Theo Congluan)
Xem thêm:
Đừng bao giờ tự tin về vị trí của mình trong trái tim ai đó