Vụ 'đá xoáy' khán giả của nghệ sĩ Xuân Bắc: Ai mới là người “ăn cháo đái bát”?
Tin liên quan
Táo Quân là một món ăn tinh thần không thể thiếu với nhiều người Việt trong đêm 30 Tết suốt hơn 20 năm qua. Mỗi dịp Tết đến xuân về, sau một chương trình Táo Quân lại xuất hiện những ý kiến khen, chê khác nhau. Âu đó cũng là lẽ thường, bởi trong cuộc sống không có gì là hoàn hảo, vẹn tròn. Khán giả trăm người mười ý nên nghệ sĩ là dâu trăm họ. Điều này hẳn những ai theo đuổi nghệ thuật đều thấu suốt.
Vậy nhưng vẫn có những nghệ sĩ không chấp nhận được ý kiến ngược chiều từ công chúng. Danh tiếng, vị thế, sự tung hô quá đà và cả sự o bế khiến họ lầm tưởng rằng bất kỳ thứ gì họ làm ra đều tuyệt vời. Và từ đó tâm lý “ai cho mày chê con tao xấu” hình thành, khiến họ sẵn sàng phản ứng dữ dội trước những ai không cùng quan điểm.
"Cái tát của mẹ" mà nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - đăng tải chỉ là giọt nước tràn ly cho cả một chuỗi những hành động xem thường khán giả của các nghệ sĩ như anh. Họ sống lâu trong hào quang và sự tụng ca đến mức họ nghĩ mỗi thứ họ làm ra đều là sự ban ơn cho công chúng và vị trí của họ là vị trí của quan phụ mẫu chứ không phải người phục vụ nhân dân. Họ đề cao bản thân, xem nhẹ ý kiến khán giả, coi thường năng lực cảm nhận nghệ thuật của người xem, lập lờ đánh lận con đen về chuyên môn bằng những khái niệm không có giá trị đối sánh như sự vất vả, hi sinh… Họ quên rằng giá trị của nghệ thuật là bản thân tác phẩm, chứ không phải là chuyện bếp núc nơi hậu trường. Và việc một hay một vài nghệ sĩ lao tâm khổ tứ để làm ra tác phẩm không có nghĩa là tác phẩm đó sẽ hay. Bởi cái sự hay liên quan đến tài năng và tính chuyên nghiệp.
Như người mẹ năm nào cũng gói bánh chưng không có nghĩa cái bánh chưng của bà ngon. Cái bánh không ngon mà lại cấm con chê không chỉ cho thấy sự chủ quan, gia trưởng, bảo thủ của bà mẹ mà còn thể hiện một mối quan hệ mẹ con vô cùng lỏng lẻo, xa cách, thiếu sự ấm áp, hài hoà. Trong câu chuyện ngụ ngôn của Xuân Bắc có một đứa con hư và một bà mẹ kém cỏi. Kém cỏi trong cả chuyện gói bánh lẫn chuyện dạy con, lôi chuyện vất vả cực nhọc ra để lấp liếm cho chuyện cái bánh dở.
Tất nhiên mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả không thể là mối quan hệ mẹ con. Ví khán giả như con là một cách so sánh trịch thượng, thiếu văn hoá và hỗn xược. Bởi khán giả có nhiều thế hệ, nhiều lứa tuổi, trong đó có cả bậc cha chú của người nghệ sĩ kia. Song, giả thiết mối quan hệ ấy như mẹ với con thì muốn con cái ủng hộ, ngợi khen, người mẹ nghệ sĩ kia phải chuẩn mực trước đã. Một người mẹ tốt luôn tạo ra những đứa con ngoan. Và ngược lại.
Quay trở lại với mối quan hệ nghệ sĩ - công chúng, không có một nghệ sĩ nào có thể tồn tại với nghề mà không có sự ủng hộ của công chúng. Công chúng là những người "cầm cân nảy mực" chính xác nhất. Nếu nghệ sĩ mà không có công chúng, tài năng cũng không biết phục vụ cho ai và dùng để làm gì. Một chương trình truyền hình như Táo Quân tồn tại hơn một thập kỷ chính là nhờ sự mến mộ, ủng hộ của khán giả. Nếu không có khán giả ngóng trông, chờ đợi liệu chương trình có thể phát vào khung giờ vàng trong đêm 30 Tết hút rất nhiều doanh nghiệp quảng cáo như vậy? Chắc chắn là không! Không ai khác, công chúng chính là người quyết định sức sống của một vở diễn và tuổi nghề của một nghệ sĩ.
Nghệ sĩ tạo ra tác phẩm cho công chúng thưởng thức và giải trí. Công chúng mang đến cho nghệ sĩ danh tiếng, địa vị và tiền bạc. Đó là có đi có lại. Không ai ban ơn cho ai. Nhưng nếu có sự ban ơn thì đó luôn là hành động từ phía khán giả - những người vì tình yêu dành cho nghệ sĩ mà sẵn sàng cho đi nhiều hơn rất nhiều thứ mà họ nhận về.
Thế nên nếu có chuyện ăn cháo đái bát, thì không thể từ những người cho đi tiền bạc lẫn tình yêu. Nó phải từ những kẻ quen được nhận nhưng lại vô minh không biết thứ mình nhận từ đâu mà có.
Bài viết thể hiện quan diểm của tác giả.
Trang Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất