Theo mẹ đi chụp cúc họa mi, bé gái 3 tuổi phải nhập viện
Tin liên quan
Dị ứng phấn hoa nặng có thể suy hô hấp
Đua theo trào lưu chụp cúc họa mi, dịp cuối tuần chị Minh Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã thuyết phục chồng đưa gia đình tới vườn hoa Nhật Tân để chụp ảnh.
Bé Su (3 tuổi con gái chị Minh Anh) tỏ ra khá thích thú khi được đi chơi và chụp ảnh tại vườn hoa cúc họa mi. Trong lúc chụp ảnh, chị Minh Anh thấy bé Su có triệu chứng hắt hơi, nhưng chủ quan nên không biết con bị dị ứng phấn hoa. Khi về tới nhà, bé Su bắt đầu sốt, hắt hơn sổ mũi liên tục, chảy nước mũi.
Tình trạng khó thở của bé Su tăng khiến cho chị Minh Anh phải đưa bé Su vào nhập viện điều trị. Bé su được bác sĩ kiểm tra sức khỏe. Sau khi hỏi yếu tố gây bệnh, bác sĩ chẩn đoán bé Su bị dị ứng phấn hoa.
Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Xanh pôn, dị ứng phấn hoa thường là những dị ứng nhẹ và thường được điều trị tại tuyến dưới. Dị ứng phấn hoa hay gặp ở thể hen suyễn hơn là thể phát ban trên da.
Nguyên nhân là do các hạt phấn hoa đi vào cơ thể, cơ thể không thích ứng được sẽ tạo ra các kháng nguyên gây ra tình trạng dị ứng.
Trẻ nhỏ rất dễ bị dị ứng phấn hoa (Ảnh minh họa).
“Vào mùa hoa nở (xuân, hè) tình trạng hen phế quản ở trẻ thường tăng do có nhiều loại phấn hoa trong không khí. Dị ứng phấn hoa nặng, đặc biệt ở trẻ có bệnh hen có thể gây khó thở suy hô hấp nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng của trẻ nhỏ”, bác sĩ Nguyễn Văn Thường nói.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường, vào mùa hoa sữa nở, số trẻ em bị hen phế quản do dị ứng mùi hoa sữa cũng tăng. Đặc biệt ở những gia đình có cây hoa sữa ở ngay cạnh bên làm cho trẻ rất khó chịu.
Các triệu chứng lâm sàng
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, khoa Nhi của bệnh viện vẫn tiếp nhận điều trị cho trẻ nhỏ bị dị ứng phấn hoa hàng năm. Trong đó phần lớn là trẻ dưới 10 tuổi. Số ca nặng bị dị ứng và nguy hiểm tới tính mạng gần như không có.
Cơ thể trẻ nhỏ có thể bị dị ứng với rất nhiều tác nhân trong đó có phấn hoa, thức ăn, hóa chất, lông thú, thời tiết, thức ăn… Dị ứng phấn hoa là một trong những dị ứng phổ biến nhất, rất thường gặp vào mùa xuân và mùa hè.
“Dị ứng phấn hoa cũng sẽ có những biểu hiện lâm sàng như các dị ứng khác như. Trẻ có thể thấy đau đầu, sổ mũi (nước mũi trong), ngứa mũi, hắt hơi thành tràng liên tục, chảy nước mắt, ngứa mắt. Bệnh nhi bị nặng có thể bị nổi mề đay, khó thở niêm mạc đường hô hấp bị phù nề”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Khi trẻ bị dị ứng phấn hoa, bé sẽ dễ chịu hơn khi không tiếp xúc với phấn hoa. Do đó phụ huynh tránh đưa trẻ đến những nơi có nhiều hoa hay mua hoa cắm trong nhà.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho hay: “Dị ứng phấn hoa sẽ cực kỳ nguy hiểm cho trẻ có thể bệnh hen và có cơ địa dị ứng”.
Những tác nhân dễ gây ra dị ứng đối với trẻ nhỏ
Bụi (nhất là bụi nhà); Nấm mốc; Không khí lạnh, bệnh cúm; Khói thuốc lá; Khói củi đốt; Dầu thơm; Mùi thơm; Các loại thuốc xịt, hơi xịt; Thức ăn (tôm, cua, cá, lạc, đậu…); Các loại thuốc; Phân hoặc xác gián; Phấn hoa; Vết cắn của côn trùng.
Theo hãng tin AFP bão phấn hoa tại Úc đã khiến cho 6 người tử vong; 5 người thở máy và 8.500 người phải đi khám.
Nguyên nhân được xác định là do cơn bão 21/11 phát tán phấn hoa khắp thành phố. Phấn hoa thâm nhập sâu vào phổi, khiến nhiều người lên cơn hen suyễn.
Loại phấn hoa của cỏ lùng thường mọc hoang trong các công viên và trang trại tại úc được cho là thủ phạm gây ra hiện tượng trên. Theo các chuyên gia, khi phấn hoa trong loại cỏ dại này gặp điều kiện ẩm ướt do độ ẩm hoặc nước, nó sẽ phát tán thành các mảnh nhỏ, thâm nhập vào phổi của người thông qua mũi. Khi đi vào phổi, các chất gây dị ứng có thể gây ra hen suyễn, các ống phế quản nhỏ bị viêm, kéo theo nhiều chất nhầy, co hẹp, khiến con người không thể hô hấp.
Tên nhân vật đã được thay đổi.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất