Bác sĩ Bạch Mai chỉ cách sơ cứu khi bị cứa đứt mạch máu

2016-09-26 21:33
- Nếu được sơ cứu đúng cách, những nạn nhân gặp tai nạn bị cứa đứt mạch máu cổ vẫn có thể có cơ hội sống sót

2 trường hợp bị tôn cứa vào cổ gây mất máu dẫn tới tử vong xảy ra những ngày qua làm dấy lên nhiều lo ngại, đồng thời đặt ra vấn đề sơ cấp cứu trong "thời gian vàng" sau tai nạn sao cho đúng cách và hiệu quả, giúp người gặp nạn thoát được 'cửa tử'.

Chiều 26/9, tại bệnh viện Bạch Mai, TS Dương Đức Hùng (Trưởng đơn vị phẫu thuật Tim mạch) đã có buổi hướng dẫn sơ cứu khi bị đứt động mạch cổ hay tay chân.

TS. Dương Đức Hùng nhấn mạnh, cái chết thương tâm do tôn cứa vào cổ cháu bé cách đây vài ngày có một phần nguyên nhân vì không được sơ cứu đúng cách. Việc sơ cứu ban đầu tại hiện trường giúp cầm máu cho nạn nhân là kỹ năng sinh tồn phải có.

"Lượng máu trong cơ thể người trưởng thành khoảng 4 đến 5 lít, mỗi nhịp co bóp của tim tương đương 60ml. Nếu sơ cứu không đúng cách thì sau 5 phút nạn nhân sẽ hết máu, nếu đưa đến bệnh viện thì khả năng cứu sống rất thấp. Đây là kỹ năng sinh tồn, trong các trường học, trên các phương tiện truyền thông đại chúng nên truyền thông rộng rãi để giúp người bị nạn trên đường" - TS Hùng nói và giải thích thêm: Mục đích của việc sơ cứu là làm cho máu ngừng chảy, trong đó kỹ năng băng ép vết thương là quan trọng nhất.

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều trường hợp nếu biết cách sơ cứu có thể cứu được bệnh nhân, ngược lại sơ cứu không tốt để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

 

Đối với đứt động mạch tay chân, dùng 1 tay để giữ vết thương và dùng dây vải để cột lại, ngăn máu từ tim thoát ra qua vết thương, sau đó tìm vải hoặc cuộn khăn để bịt vào vết thương, ép băng cầm máu

Tại buổi hướng dẫn sơ cứu, TS Hùng đã tiến hành sơ cứu mô phỏng trên người thật. Khi tiến hành sơ cứu cho người bị đứt mạch máu, cần ngay lập tức dùng tay ép chặt vào vết thương để ngăn máu chảy.

Người bên ngoài hỗ trợ cần tìm kiếm những vật dụng như khăn giấy, miếng vải, khăn mặt, hoặc xé quần áo, dây nịt, bất cứ thứ gì có được để ép vào vết thương cầm máu ngay lập tức. Trong sơ cứu thì kỹ thuật băng ép là kỹ thuật cơ bản để cầm máu.

Đối với những vết thương động mạch ở tay chân, cần lấy ngón tay đè chặt lên mạch máu, sau đó cùng miếng vải gấp nhỏ bịt chặt vết thương, lấy dây vải băng chặt lại cầm máu. Người bị nạn có thể gập khuỷu tay hoặc khuỷu chân để cầm máu.

Trong quá trình hướng dẫn, TS.Hùng cho biết, ở vùng cổ có một động mạch lớn là động mạch cảnh, truyền máu lên não, nằm ngay dưới da, vị trí rất nông nên chỉ cần một vết cắt cũng có thể gây tổn thương mạch cảnh, máu sẽ phun ra rất nhiều.

Tuy nhiên ở cổ có đặc thù là có cả cơ quan hô hấp, nếu băng ép không đúng cách lại làm chẹt đường thở khiến nạn nhân không thở được. Do đó cần đặt một vật như thanh gỗ nhỏ vào phía đối trọng sau đó băng ép. Nếu không tìm thấy cành cây nhỏ thì có thể đưa một tay nạn nhân vòng lên đầu, băng ép qua tay để làm đối trọng, tay còn lại giữ chặt vào vị trí vết thương để cầm máu. Sau đó tức tốc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.

Đối với vết thương đứt mạch cảnh ở cổ, đầu tiên phải lấy tay bịt vết thương lại

Dùng vải hoặc khăn gấp nhỏ để bịt vết thương

Lấy một cây thước, que tre... để làm đối trọng

Dùng vải quấn chặt để bịt vết thương, khi có que tre, câu thước làm đối trọng sẽ không khiến nạn nhân bị nghẹt thở

Bác sĩ Bạch Mai chỉ cách sơ cứu khi bị cứa đứt mạch máu

Nếu không có que tre có thể vắt tay nạn nhân qua đầu rồi băng bó chặt 

                                                                                                                                                                   Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


7 bí quyết làm đẹp giúp bạn ngay lập tức trẻ hơn 10 tuổi