Những bộ phim về tình dục gây tranh cãi (Phần 1)

Lê Phan 2015-02-17 07:32
- Các bộ phim khai thác đề tài nhạy cảm luôn thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận, đồng thời, kéo theo đó là làn sóng tranh cãi dữ dội. Ranh giới giữa sex và sáng tạo nghệ thuật trong điện ảnh thật mong manh.

1. Sweet Sweetback’s Baadasssss Song (1971)

Bộ phim độc lập của đạo diễn da màu Melvin Van Peebles là một trong những tác phẩm điện ảnh tiên phong về việc quay những cảnh sex thật để tăng tính chân thực trên màn ảnh. Phim được nhà chính trị nổi tiếng Huey P. Newton ca ngợi là “cuộc cách mạng thực thụ đầu tiên cho phim về người da màu”. Nội dung kể về những cuộc đấu tranh của người đàn ông Mỹ gốc Phi Sweetback, vốn là đứa trẻ mồ côi và lớn lên trong nhà thổ trước sức mạnh cáo buộc của người da trắng.

Do không được tài trợ, nên đạo diễn Melvin Van Peebles phải tự xoay sở từ rất nhiều nguồn để thực hiện bộ phim. Ông được diễn viên hài Bill Cosby cho vay 50 ngàn USD để hoàn thành ấp ủ. Để tiết kiệm chi phí, ngoài vai trò đạo diễn, ông còn đảm nhận luôn vị trí nhà sản xuất, biên kịch, nhà soạn nhạc và diễn viên chính của bộ phim này. Ông tự đóng những cảnh sex và thậm chí còn mắc một căn bệnh lây qua đường tình dục khi thực hiện những cảnh này. Con trai ông, Mario, xuất hiện ở một số cảnh sex giả. Với sự trần trụi không thể nào tưởng tượng được so với lúc bấy giờ, "Sweet Sweetback’s Baadasssss Song" gây chấn động khi ra mắt đầu thập niên 1970 và trở thành cột mốc lịch sử quan trọng của điện ảnh Mỹ - Phi.

2. In the Realm of Senses (1976)

"In the Realm of Senses" (tựa gốc Ai No Korīda: Vương quốc nhục cảm), là tác phẩm nổi tiếng nhất của cố đạo diễn người Nhật – Nagisa Oshima. Bộ phim hợp tác Pháp - Nhật dựa trên một câu chuyện có thật, xoay quanh chuyện tình giữa cô hầu gái Sada Abe và ông chủ khách sạn Kichizo Ishida vào những năm 30 ở Tokyo. Cặp đôi này tìm kiếm khoái lạc mới trong những thử nghiệm bạo dâm - khổ dâm lạ kỳ. Không những bị phản đối bởi việc phạm vào điều kiêng kỵ là phô bày trọn vẹn cơ thể người phụ nữ, phim còn bị chỉ trích bởi cái kết không có hậu đến rùng rợn. Làn sóng phản đối khủng khiếp đến nỗi Oshima phải đưa bản phim sang Pháp để in tráng vì không được duyệt ở quê nhà. Nữ diễn viên chính Eiko Matsuda bị Cục Điện Ảnh Nhật tẩy chay trong một thời gian dài và đã phải lưu lạc trong suốt 20 năm.

Được trình chiếu tại LHP Cannes sau đó nhưng "In The Realm of Senses" đã bị nhiều nhà phê bình đánh giá là một bộ phim porno. Phải tới vài năm sau, bộ phim này mới được đón nhận nồng nhiệt hơn ở thị trường quốc tế. Nhiều nhà phê bình lớn bắt đầu chú ý và đề cao tính ẩn dụ đầy nghệ thuật trong phim. Khai thác tâm lý của con người và đời sống tình dục một cách trần trụi, "In The Realm of Senses" thực sự đưa người xem bước vào lãnh địa của những cảm xúc mãnh liệt nhất, chân thực nhất của các nhân vật. Hiện tại nó đã được xếp vào một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển của người Nhật và được giảng dạy ở một số trường điện ảnh trên thế giới và được nhiều sinh viên theo học nghệ thuật thứ bẩy chuyên nghiệp, đặc biệt là ngành lý luận phê bình, yêu thích.

3. Basic Instinct (1992)

"Basic Instinct" (Bản năng gốc) là bộ phim tâm lý kịch tính thuộc hàng kinh điển của điện ảnh Mỹ do Paul Verhoeven đạo diễn, Joe Eszterhas và viết kịch bản với sự góp mặt của ngôi sao Michael Douglas, Sharon Stone (lúc đó chưa nổi danh), Jeanne Tripplehorn và George Dzundza. Bộ phim xoay quanh nhân vật thám tử Nick Curran (Douglas), người phụ trách điều tra về một vụ giết người man rợ mà nạn nhân là một cựu ca sĩ giàu có,một nhà văn quyến rũ giàu sang tên là Catherine Tramell (Stone) cũng liên quan đến vụ án và mối quan hệ của Nick Curran với người phụ nữ bí ẩn. Ban đầu khi biết bạn diễn của mình là một cô đào mới nổi, Douglas đã giảy nãy đòi thay diễn viên. Nhưng chính sự tự tin, vẻ đẹp của Stone đã hoàn toàn chinh phục ông. Sự hóa thân hoàn hảo của bà, đặc biệt trong cảnh ngồi bắt chéo chân khi bị hỏi cung đã đưa bộ phim xếp hàng kinh điển với vẻ quyến rũ chết người.

Ngay từ khi công chiếu, "Basic Instinct" tạo ra luồng dư luận mạnh mẽ liên quan đến các cảnh nóng và hình ảnh bạo lực đẫm máu trong phim. Nó còn đặc biệt bị chỉ trích bởi các tổ chức ủng hộ người đồng tính vì có nội dung liên quan đến quan hệ tình dục đồng tính cũng như sự tham gia của người phụ nữ đồng tính đóng vai trò mắt xích trong chuỗi sự kiện giết người. Mặc dù vậy, phim gặt hái thành công vang dội về doanh thu với 352 triệu đô la toàn cầu. Và mang về cho Sharon Stone giải Quả cầu vàng, hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất”.

Bộ phim sau đó được làm tiếp với tên gọi "Bản năng gốc 2" vào năm 2006. Tuy nhiên, nhiều tình tiết và nhân vật thay đổi khiến phim không còn tạo được tiếng vang như phần đầu

4. Baise Moi (2000)

Phim được thực hiện bởi hai đạo diễn Virginie Despentes và Coralie Trinh Thi - một người Pháp gốc Việt. Ngay từ cái tên - "Baise Moi" đã gây được sự tò mò của người xem và tạo nên những con sốt mạnh mẽ trên thị trường phim ảnh ngay từ khi mới ra mắt. Phim xoay quanh hai cô gái làng chơi: Nadine và Manu. Manu không những bị bạn trai đối xử tệ bạc, mà còn bị một bọn côn đồ cưỡng bức rất dã man. Nadine thì trọng thương sau một vụ hãm hiếp. Hai cô gái đã hợp lại với nhau và quyết tâm trả thù những gã đàn ông khốn nạn. Bằng vẻ đẹp cơ thể, họ đã quyến rũ các nạn nhân để rồi bắn chết từng người trong số họ.

Tính dục và bạo lực của "Baise Moi" được phơi bày trên màn ảnh không chút ngần ngại và che giấu. Đó chính là lý do khiến bộ phim bị cấm chiếu ở rất nhiều nước trên thế giới. Sự tham gia diễn xuất của nhiều ngôi sao cấp ba cũng khiến cho bộ phim từng bị giới truyền thông liệt vào hàng phim đồi trụy, bạo lực khiêu dâm. Tuy nhiên, thực tế "Baise Moi" muốn truyền tải những vấn đề xã hội bằng cách trần trụi và chân thực nhất để giúp người xem cảm nhận được về cuộc sống của những cô gái bị coi là cặn bã xã hội. Có thể nói "Baise Moi" giống như là một phiên bản mạnh mẽ hơn của bộ phim nổi tiếng "Thelma & Louise".

5. Intimacy (2001)

"Intimacy" khai thác khía cạnh sex có phần hơi trơ trẽn nhưng cũng không kém sự tinh tế. Diễn biến và sự thay đổi tâm trạng của hai nhân vật chính mỗi khi làm tình là yếu tố thu hút người xem. Jay là một bartender bị vợ ruồng bỏ do đã hết hứng thú với mối quan hệ vợ chồng, sống trong một ngôi nhà cũ kỹ, hàng tuần làm tình với một người phụ nữ đến cái tên anh ta cũng không hề biết. Mới đầu họ tìm đến nhau chỉ để thỏa mãn nhu cầu tình dục, nhưng về sau Jay phát hiện ra rằng anh đã yêu người phụ nữ đó. Nhưng Claire - tên thật của người phụ nữ đó - lại đã có gia đình và một cậu con trai. Jay đã quyết định chấm dứt mối quan hệ của họ...

Việc sử dụng nhạc nền là những ca khúc pop nổi tiếng ở thập niên 70 và 80 như "Rivers of Babylon", "Shack Up hay Candidate" khiến ngôn ngữ điện ảnh của bộ phim giàu tính nghệ thuật hơn. Ngoài danh hiệu Gấu Vàng cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim Berlin vào năm 2001, "Intimacy" còn đem về cho nữ diễn viên Kerry Fox giải Gấu Bạc với danh hiệu Nữ diễn viên xuất sắc.

6. Sex and Lucia (2001)

Bộ phim Tây Ban Nha như một sự lặp lại phi tuyến tính và siêu thực trên cái nền cảnh bờ biển Địa Trung Hải của Tây Ban Nha và Pháp. Ở đó, tâm trạng con người dập dềnh như sóng nước. Lucia, cô bồi bàn xinh đẹp, sau trận cãi nhau với người bạn trai là nhà văn Lorenzo, rơi vào tình trạng suy sụp khi cảnh sát thông báo cho Lucia biết Lorenzo đã để lại một bức thư tuyệt mệnh. Không chịu nổi sự thật này, Lucia khăn gói đến hòn đảo bí ẩn mà bạn trai cô thường đề cập nhằm tìm kiếm sự thanh thản. Bộ phim là tổng hợp những câu chuyện đan xen quá khứ và hiện tại những mối tình ái mà Lucia trải qua, cũng như của những nhân vật trong quyển tiểu thuyết mà Lorenzo đang viết dở.

Phần lớn thời lượng phim các nhân vật gần như... không có lấy mảnh vải che thân, “quằn quại” đấu tranh với những ham muốn phi luân lý. Tuy không quá trần trụi và được các nhà phê bình đề cao về phần kịch bản, nhưng 2001 vẫn chưa phải là thời điểm dễ thở để ra rạp cho một bộ phim tràn ngập cảnh sex - loạn luân và đồng tính nữ như "Sex and Lucia". May mắn là, phim thành công cả về doanh thu phòng vé lẫn tính nghệ thuật, khi bộ phim giành được một lúc hai giải Nữ chính trong phim đầu tay xuất sắc nhấtDựng phim xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Goya của Tây Ban Nha. Trang bình phim Rotten Tomatoes cho điểm bộ phim là 71%, với lời nhận xét có cánh: “Ẩn sâu bên dưới sự khỏa thân là một bộ phim trực quan và nhiều mặc cảm.”
 

Lê Phan (còn tiếp)
Nguồn ảnh: IMDb
(Theo Congluan.vn)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 cách an toàn và dễ làm để rã đông thịt