Xóa tan nỗi lo thâm hụt ngân sách hậu du lịch

Ngọc Nguyễn 2016-05-11 18:00
- Điều quan trọng nhất là bạn hãy gạch ra chi tiết đến mức có thể cho mỗi khoản chi.
Rất nhiều người trước khi đi du lịch thì háo hức nhưng sau khi đi du lịch về đều “méo mặt” cân đối các khoản thu chi.
Đối với những người ít có kinh nghiệm du lịch và đi du lịch theo kiểu nghỉ dưỡng thì việc hao hụt tài chính xảy ra thường xuyên hơn. 
Tôi có 1 cô bạn, cô ấy mới cùng với chồng của mình đi Nha Trang về. Trước khi đi, cô ấy dự tính ngoài tiền vé máy bay, cả 2 vợ chồng sẽ tiêu khoảng 10 triệu đồng cho 4 ngày du lịch tại đó. Vậy nhưng khi kết thúc hành trình, cô ấy rầu rĩ than thở vui thật đấy nhưng tiếc tiền quá, tính ra ngoài vé máy bay cả 2 vợ chồng tiêu tốn đến 17 triệu, ngoài dự tính. May mà ngoài tiền mặt cô ấy và chồng đều để tiền còn dư trong ATM nên chủ động được việc thanh toán các khoản.
Vậy, làm thế nào để tài chính không còn là nỗi lo của bạn khi đi du lịch? Dưới đây là 1 vài gợi ý, kinh nghiệm của tôi về những lần đi thăm thú với số tiền ít nhất có thể.

Gạch đầu dòng bạn có thể tiết kiệm:

Vé máy bay, vé tàu xe: Đây là những thứ mà bạn có thể tiết kiệm ở mức thấp nhất. Tiết kiệm như thế nào thì ai cũng biết việc bạn nên đặt sớm các loại vé này, đặc biệt là vé máy bay bạn có thể săn vé giá rẻ.
  Xóa tan nỗi lo thâm hụt ngân sách sau hậu du lịch
Săn vé máy bay giá rẻ là cách đầu tiên bạn tiết kiệm khi đi du lịch.
Ví dụ: Tôi có dự định đi Đà Nẵng vào tháng 4 năm nay, chính vì thế từ tháng 11 năm ngoái, khi 1 người bạn của tôi làm ở phòng vé (tôi nghĩ đây là lợi thế và các bạn nên có người quen nào đó ở các phòng vé) nhắn với tôi có vé giá rẻ vào tháng 4 năm sau, tôi liền đặt. Tôi hỏi thêm 1 số người bạn của mình họ có muốn đi du lịch chung trong khoảng thời gian đó không và chúng tôi đi cùng nhau. Vé khứ hồi Hà Nội – Đà Nẵng của tôi có giá gần 1,2 triệu/vé khứ hồi, tôi nghĩ đây chưa phải là giá rẻ nhất mà mình có thể mua, nhưng nó phù hợp với thời gian mà tôi mong muốn.
Còn vé tàu xe, cái này thì có giá cố định, vậy nhưng nếu bạn đi vào các dịp lễ tết thì đương nhiên giá cả sẽ tăng hơn so với bình thường.
Chỗ ngủ nghỉ:
Đương nhiên bạn không thể “ngủ bờ ngủ bụi” hoặc lang thang vỉa hè, hoặc chọn 1 chỗ nào đó “rách nát” để giảm chi phí. Bạn nên chọn cho mình 1 chỗ ở vừa đủ, không quá sang trọng như khách sạn, nhưng cũng đủ để sinh hoạt được trong những ngày ở nơi bạn đi du lịch. Thay vì vào khách sạn hạng sang, bạn có thể vào hostel. Và đương nhiên, nếu bạn đặt phòng trước thì bạn đã ước lượng được chi phí của mình cho việc ngủ nghỉ rồi đấy. Và điều nữa là nếu như vào dịp lễ tết, việc đặt phòng sớm sẽ giúp bạn không bị tăng giá phòng.
Kinh nghiệm: Đặt phòng trên Agoda. Tuy nhiên để thanh toán online với những chuyến đi du lịch nước ngoài bạn cần 1 thẻ visa. Sau đó bạn chuyển tiền vào thẻ visa này và chọn, book khách sạn mà bạn dự định.
Còn đối với nhiều nơi ví dụ như Đà Lạt chẳng hạn, có những loại phòng giá rẻ, ở cũng rất ổn và homestay thì bạn cứ nên tìm hiểu và lựa chọn ổn thỏa nhé!
  Xóa tan nỗi lo thâm hụt ngân sách sau hậu du lịch
Hạn chế mua sắm ở những cửa hàng, nhà hàng sang trọng.
Mua sắm:
Khi đi du lịch, bạn thường mua sắm rất… tốn kém. Việc mua sắm này đôi khi cũng không giúp ích được gì cả. Ví dụ như bạn mua đồ lưu niệm, bạn chọn mua quần áo, bạn chọn mua hải sản ở nhà hàng thay vì ngoài chợ… 
Vậy nên, theo tôi trước khi đi các bạn hãy tìm hiểu thật rõ nơi mình đến có những đặc sản gì, nếu muốn mua sắm thì tìm chỗ nào rẻ hơn từ kinh nghiệm của người đi trước.

Gạch đầu dòng những khoản khó tiết kiệm:

Xóa tan nỗi lo thâm hụt ngân sách hậu du lịch

Ăn món ngon ở những quán bình dân.

Ăn uống: Đây là khoản bạn khó lòng tiết kiệm được, dù dự trù trước bao nhiêu đi chăng nữa. Đặc biệt là nếu bạn có 1 vài người bạn và muốn ăn nhậu thì số tiền chi cho việc này khó mà kiểm soát được.
Vậy nên chẳng còn cách nào khác ngoài việc bạn tham khảo các địa chỉ ăn ngon, rẻ ở nơi đó thôi. Còn nếu ăn uống có phát sinh thêm thì bạn cũng nên dự trù 1 kinh phí nhỏ trước đó.
Di chuyển: Nếu như bạn đi du lịch, muốn đi chơi tại 1 điểm nào cách đó không xa thì đương nhiên bạn sẽ mất thêm tiền đi taxi hoặc tiền thuê phương tiện đi lại. Vậy nên bạn cũng khó lòng mà tính toán trước được. Theo kinh nghiệm của tôi các địa điểm vui chơi phát sinh này bạn nên dự trù trước và thay vì đi taxi bạn có thể thuê xe máy hoặc đi bus nếu thuận tiện cung đường.
Ví dụ như dạo đi Sài Gòn chơi, nhóm bạn tôi muốn đi Vũng Tàu, thay vì thuê taxi chúng tôi mua vé đi xe 9 chỗ, vừa thoáng, rộng mà giá có 140.000 đồng, rẻ hơn nhiều so với đi taxi đấy. Đến Vũng Tàu, muốn đi loanh quanh bạn cũng có thể thuê xe máy để đi lại.
Như vậy, đây là những khoản chi cơ bản cho mỗi 1 chuyến đi du lịch. Việc cần làm là bạn lên kế hoạch chi tiết nhất cho chuyến đi của mình. Đi đâu, thưởng thức món gì, ở đâu? Khi lên được lịch trình bạn sẽ tham khảo kinh nghiệm của người đi trước đó và dự tính được số tiền mình sẽ phải chi. Tất nhiên, bạn nên cộng thêm khoản phát sinh nữa nhé!
Trong chia sẻ này tôi không đề cập đến việc du lịch giá rẻ hay tiết kiệm, vì theo tôi với những bạn xác định đi du lịch để thăm thú nghỉ ngơi sau 1 thời gian làm việc thì bạn cũng nên “hưởng thụ 1 chút”, vấn đề bạn hưởng thụ như thế nào cho hợp với túi tiền của bạn mà thôi!
Ngọc Nguyễn
Ảnh: Sưu tầm
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 phút tập yoga mỗi ngày giúp bạn gái có được vòng eo nhỏ, đôi chân dài tít tắp