Vụ cháy nhà làm 6 người chết ở Sài Gòn: Nguy hại khi nhà phố vừa ở vừa kinh doanh

2016-12-17 17:00
- Vụ cháy này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nhà phố (hay còn gọi nhà ống) vừa để ở, vừa hoạt động kinh doanh, bày biện vật dụng chắn hết lối đi và không có lối thoát hiểm nên khi xảy ra hỏa hoạn thường làm cho số người thiệt mạng rất lớn.
6 nạn nhân tử vong do ngạt khói
Liên quan đến nguyên nhân vụ cháy căn nhà 453/6 đường Lê Văn Sỹ (Q.3), làm 6 người chết, qua điều tra ban đầu, Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, căn nhà rộng khoảng 53m2 này được chủ cho thuê tầng trệt để ông Nguyễn Anh Thăng (SN 1969, quê tỉnh Bắc Giang) mở quán cà phê, tầng lửng là nơi gia đình ông Thăng sinh sống, lầu trên được chia phòng cho thuê trọ. 6 nạn nhân khi được đưa ra ngoài đều đã tử vong do bị ngạt khói từ đám cháy.
Theo đại tá Trần Thanh Châu - Phó GĐ Cảnh sát PCCC TPHCM - vụ cháy diễn ra thảm khốc đến vậy là do căn nhà này vừa ở, vừa kinh doanh. Lối thoát nạn chỉ một cửa duy nhất, ngoài ra bên trong có khá nhiều vật liệu dễ cháy.
Ghi nhận tại hiện trường, cơ quan chức năng xác định có 6 chiếc xe máy, 2 xe đạp, 1 tủ lạnh cùng nhiều vật dụng sinh hoạt bị cháy rụi. Xăng từ 6 xe máy này cộng với trần la phông nhựa có mút xốp và phía trên là gác gỗ nên khi cháy tỏa ra khói rất nhiều khiến các nạn nhân bị ngạt khói dẫn đến tử vong.

Vụ cháy nhà làm 6 người chết ở Sài Gòn: Hiểm họa nhà phố vừa ở, vừa kinh doanh

Ông Võ Khắc Thái - Chủ tịch UBND Q.3 - cho biết, sau khi nắm được danh sách các nạn nhân, quận đã phân công người túc trực tại bệnh viện để động viên, thăm hỏi gia đình những người bị nạn. Trước mắt, mỗi trường hợp tử vong quận hỗ trợ 10 triệu đồng để lo ma chay; người bị thương nặng được hỗ trợ 10 triệu đồng để lo thuốc thang, điều trị; những người bị thương nhẹ được hỗ trợ 5 triệu đồng để khắc phục khó khăn trước mắt.
Cụ thể 6 nạn nhân tử vong gồm: Ông Nguyễn Anh Thăng, bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy (SN 1979, vợ ông Thăng), Trần Ngọc Thiên Kim (SN 2006), Trần Ngọc Vân Anh (SN 2009), Trần Ngọc Bảo Hân (SN 2011) - đều là con ông Thăng; Phạm Ngọc Thúy Vi (SN 1980, cháu của ông Thăng).
Mất an toàn do không có lối thoát hiểm
Trên địa bàn TPHCM trong gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các căn nhà phố gây thiệt hại nặng về người. Trước khi xảy ra vụ cháy nhà phố 453/6 đường Lê Văn Sỹ làm 6 người thiệt mạng vào rạng sáng 16.12, thì trước đó ngày 28.11 cũng xảy ra một vụ cháy nhà phố 2 tầng trên đường Hồ Bá Phấn (Q.9), làm 2 người thiệt mạng.

Vụ cháy nhà làm 6 người chết ở Sài Gòn: Hiểm họa nhà phố vừa ở, vừa kinh doanh

Cách đó không lâu, vào ngày 4.10, xảy ra cháy tại một nhà phố khác trên đường Nguyễn Văn Quá (Q.12), khiến 3 người chết… Qua các vụ cháy gần đây cho thấy một tình trạng khá phổ biến là hầu hết nhà phố bị cháy gây thiệt hại nặng về người thường vừa để ở, vừa hoạt động kinh doanh. những căn nhà phố này thường bày biện bàn ghế, hàng hóa, vật dụng dễ cháy chắn hết các lối đi.
Trong khi hầu hết những căn nhà này thường chỉ có 1 cửa chính duy nhất là lối thoát (không có cửa phụ bên hông hay phía sau để thoát hiểm); hơn nữa, việc treo bảng hiệu, quảng cáo cũng làm cản trở thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn.
Theo Cảnh sát PCCC, hiện trên địa bàn TPHCM tồn tại hàng triệu căn nhà ống vừa ở, vừa kinh doanh nên khi xảy ra hỏa hoạn nguy cơ gây thiệt hại nặng về người là rất lớn. “Hầu hết nạn nhân thiệt mạng trong các vụ cháy thường do ngạt khói. Đặc biệt, đối với những nhà phố vừa ở, vừa buôn bán thường bày biện, chất hàng hóa trong nhà nên khi cháy càng làm cho khói tỏa ra nhiều hơn” - một cán bộ PCCC cho biết.
Đại tá Lê Tấn Bửu - GĐ Cảnh sát PCCC TPHCM - khuyến cáo, khi xây nhà phố, người dân cần chú ý tính toán thiết kế các lối thoát hiểm. Nếu nhà không có thiết kế lối thoát hiểm, thì người dân phải hết sức cảnh giác, không xếp hàng hóa chiếm hết các lối đi, đồng thời phải chủ động tự tạo những lối thoát hiểm dự phòng như: Tính toán trổ mái lên trên, hoặc lối thoát nạn sang nhà bên cạnh, trang bị một số vật dụng cần thiết (búa) để mở đường thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn.

Vụ cháy nhà làm 6 người chết ở Sài Gòn

Nếu nhà phố tạo ra được những khoảng trống thông thoáng thì khi chẳng may xảy ra cháy sẽ giúp khói thoát ra ngoài nhanh hơn, đồng thời có lối để người nhà thoát nạn kịp thời. Theo đại tá Bửu, một yếu tố rất quan trọng đối với người dân khi xảy ra hỏa hoạn là phải hết sức bình tĩnh.
Về nguyên tắc khói thường bốc lên trên, vì vậy khi xảy ra cháy, người dân cần cúi người thấp, men theo tường tìm đến lối thoát hiểm; dùng khăn, vải thấm nước che miệng, mũi để tránh nguy cơ bị ngạt khói; người dân tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh khi xảy ra cháy, vì những nơi này thường kín rất dễ bị ngạt.

 Ông Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia về ngành đô thị học (ĐH quốc gia TPHCM) - cho rằng: Thực tế ở các đô thị nước ta, có tình trạng nhà phố thiết kế dạng nhà ống, không có lối thoát hiểm, chỉ có cửa chính duy nhất là lối thoát, nên không an toàn PCCC.

Tại các khu đô thị mới, mặc dù đã có quy hoạch những khoảng trống thông thoáng để khi xảy ra cháy khói sẽ thoát ra ngoài nhanh hơn, đồng thời có lối để thoát nạn, thế nhưng nhiều người lại cố ý xây dựng cơi nới phá vỡ thiết kế, rào kín, tự đưa gia đình mình vào tình thế mất đường thoát hiểm. Do vậy, trong quản lý xây dựng, không thể dung túng cho những trường hợp xây dựng sai phép, vi phạm an toàn PCCC...

Theo Lao Động

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Em muốn có một cuộc tình già với anh