Sự đau đớn của người chuyển giới để trở thành...phụ nữ

Hoàng Sa 2015-05-20 09:26
- Để có một thân hình thon thả, gợi cảm với người chuyển giới, nỗi đau mà họ phải chịu không hề đơn giản.
Vượt qua nỗi đau để trở thành... phụ nữ
Đó là chia sẻ của Lê Ánh Phong, sinh năm 1988 (quê Quảng Ngãi) khi nghĩ về khoảng thời gian khó khăn khi cô đi phẫu thuật chuyển đổi giới tính. 
Ánh Phong chia sẻ, cô là con út trong một gia đình có 7 anh chị em ở Quảng Ngãi. Khác với những người đồng tính khác, họ phát hiện ra mình đồng tính khi bước vào tuổi dậy thì, còn bản thân Ánh Phong biết mình có xu hướng thích người đồng giới từ năm học lớp 4. “Khi đó, tôi cảm thấy rất lo sợ, sống khép kín với người thân, những người xung quanh và luôn có suy nghĩ cả đời sẽ sống mãi với hình ảnh ấy”, Phong nói.
Người chuyển giới và những nỗi đau ít ai thấu hiểu
Hiện tại, Ánh Phong đang là nhân viên cho một nhà hát trên địa bàn Thủ đô.
Đến khi lên đại học, Phong học trường ĐH Sân khấu Điện Ảnh. Được làm quen với môi trường nghệ thuật, thấy có nhiều người giống mình nên lúc đó Phong bắt đầu tìm hiểu thế nào là người chuyển giới. Phong chia sẻ: “Ban đầu, gia đình tôi ngăn cản gay gắt nhưng tôi đã dùng mọi cách để thuyết phục. Sau này, bố mẹ cũng hiểu và chấp nhận. Khi tôi khoác lên mình những bộ trang phục điệu đà, không ai tỏ ra lạnh nhạt bởi tính cách, thói quen thường ngày của tôi đã chinh phục họ rồi”.
Nghĩ về quãng thời gian chống chọi với nỗi đau khi bắt đầu thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, Phong cho biết: "Trước lúc đi phẫu thuật mình đã suy nghĩ rất nhiều, đặc biệt là bố mẹ và các anh, chị, những người luôn quan tâm và lo lắng cho mình. Tuy nhiên, nghĩ về ước mơ từ nhỏ tới lớn của mình là được trở thành con gái nên mình quyết định phẫu thuật”.
Người chuyển giới và những nỗi đau ít ai thấu hiểu
Ánh Phong hạnh phúc bên bạn trai hiện tại.
Sau khi dùng hooc môn 1 năm, Phong quyết định cùng anh trai và chị gái lên đường sang Thái Lan phẫu thuật, bởi Phong may mắn hơn người khác khi sở hữu thân hình khá nữ tính nên không cần can thiệp nhiều bởi dao kéo. “Ca mổ diễn ra trong khoảng 5 tiếng đồng hồ. Khi không còn thuốc mê, toàn thân tôi đau ê ẩm. Phẫu thuật xong, máu từ vết mổ liên tục chảy ra. Mất 4 – 5 ngày, tôi phải nằm trên giường bệnh cùng với kim tiêm, dịch truyền. Sau đó, tôi bắt đầu dậy tập đi và tập… thông âm đạo. Nỗi đau đớn để làm hai việc này, không có lời nào có thể diễn tả được”, Phong kể. Sau khoảng thời gian đó, sức khỏe giảm sút, Phong liên tục phải tập thể dục kết hợp với ăn uống điều độ để có thân hình như hiện tại.
Trải qua giây trầm buồn, đôi mắt cô gái bừng lên vẻ hạnh phúc: "Người chuyển giới khác thường bị xã hội kì thị, nhòm ngó nhưng bản thân tôi lại được đồng nghiệp, bạn bè tin yêu, người thân ủng hộ. Họ phải làm việc không an toàn để kiếm sống, còn tôi lại có công việc ổn định và người yêu luôn động viên, chăm sóc tận tình. Ông trời không đối xử bạc đãi với bất cứ ai bao giờ. So với những người khác, tôi là người khá may mắn”.
Không có nỗi đau nào bằng tiêm hooc môn
Gặp Nguyễn Ngọc Anh, sinh năm 1991 (Hà Nội) trong một cuộc hội thảo, với giọng nói trầm khàn, mái tóc dài, khuôn mặt khá nam tính khiến ai nhìn cũng nhận ra cô là người chuyển giới. 
Ngọc Anh chia sẻ, khi còn nhỏ với thân hình con trai nhưng cô rất thích mặc váy, trang điểm và chơi búp bê. Bạn bè cùng trang lứa ai cũng cảm thấy kì lạ và thường xuyên dị nghị. “Khi phát hiện ra bản thân khác lạ, tôi chia sẻ với các thành viên trong gia đình, ai cũng tỏ ra lo lắng, đặc biệt là mẹ. Khi đó, mẹ khóc rất nhiều, tìm đủ mọi cách khuyên ngăn, muốn tôi trở về đúng con người hiện tại. Tôi đã tìm đủ mọi cách thuyết phục gia đình và cuối cùng cũng được chấp nhận”, Ngọc Anh kể.
Người chuyển giới và những nỗi đau ít ai thấu hiểu
Công việc hiện tại của Ngọc Anh là người mẫu tự do.
Hiện tại, công việc của Ngọc Anh là làm người mẫu cho các sự kiện hoặc show thời trang. Thu nhập không cao, để giữ dáng, hàng tuần, Ngọc Anh tiêm hooc môn hoặc uống thuốc. “Mỗi lần bác sĩ dùng thuốc tiêm vào người, toàn cơ thể đau như có ai dùng dao cắt. Cả cơ thể nóng bừng bừng, tôi phải nằm nghỉ ngơi một lúc mới điều hòa lại được. Những lúc như thế, chỉ mong có người thân bên cạnh động viên, an ủi. Nhưng bản thân tôi lại tự lập từ nhỏ nên không muốn để cho gia đình lo lắng”, Ngọc Anh cho biết.
Rồi Ngọc Anh kể, rất nhiều bạn bè giống như cô, vì không có tiền phẫu thuật thẩm mĩ nên thường mua thuốc về rồi tự tiêm. “Để vượt qua nỗi đau, họ thường sử dụng thuốc tránh thai để làm giảm lượng hooc môn trong thuốc. Cũng có người không may mắn bị áp xe, thuốc trào ra ngoài gây nguy hiểm tính mạng. Bản thân tôi chưa gặp phải tình trạng như vậy và cũng không muốn việc đó sẽ tới với mình. Ước mong lớn nhất của tôi bây giờ là công việc đều đặn, tích cóp tiền để có thể sang Thái Lan phẫu thuật chuyển đổi giới tính”, cô chia sẻ.
Khi hỏi về tương lai lâu dài với bạn trai hiện tại, Ngọc Anh chia sẻ: “Anh ấy rất quan tâm, yêu và luôn ở cạnh động viên tôi. Cả hai gia đình đều biết và ủng hộ. Nếu sau này, khi được trở về với hình dáng phụ nữ, tôi và anh sẽ xin một đứa con về nuôi để giữ tình yêu luôn bền chặt. Đối với tôi, ai là chồng, ai là vợ không quan trọng, chỉ cần yêu thương, thấu hiểu nhau, như vậy là quá đủ rồi”.
Hoàng Sa
(Theo Congluan.vn)
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

100 năm trước, vẻ đẹp của phụ nữ Việt ra sao so với thế giới