Quấy rối tình dục nơi làm việc: Nạn nhân có dám lên tiếng?
Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục nơi làm việc. Đây là việc làm hữu ích góp phần chống lại tình trạng quấy rối tình dục xảy ra ngày càng nhiều. Đặc biệt, nơi làm việc đan xen nhiều mối quan hệ phức tạp, trong đó có sếp - nhân viên thường xảy ra không ít tình huống oái ăm.
Bộ quy tắc nêu rõ quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính làm ảnh hưởng xấu đến môi trường làm việc và sự bình đẳng giữa lao động nam và nữ. Hành vi này gây tâm lý lo lắng, căng thẳng cho nạn nhân, dẫn đến môi trường làm việc không an toàn, hiệu suất làm việc và năng suất lao động bị giảm sút.
Đặc biệt việc người sử dụng lao động, người giám sát, người quản lý hay đồng nghiệp có hành vi gây ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng, thăng chức, đào tạo, kỷ luật, sa thải, tăng lương hay các loại lợi ích khác của người lao động để đổi lấy sự thỏa thuận về tình dục đều bị quy là "quấy rối tình dục".
Chị A (Nhân viên văn phòng) từng phải xin nghỉ việc ở một công ty có thu nhập ổn chỉ vì ông sếp luôn buông những lời khiếm nhã, thậm chí gạ tình. Mỗi ngày đi làm vào thời điểm đó là những ngày đầy lo lắng khi sợ ánh mắt của sếp buông ra. Khi đi làm chị không dám mặc váy ngắn, áo luôn trong trạng thái "kín cổng, cao tường". Thậm chí, bản thân chị A sợ hỏi han sếp hoặc nhờ hướng dẫn bất cứ điều gì vì rất có thể lợi dụng cơ hội để động chạm vào cơ thể chị.
"Tôi có nghe nói đã có bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục nơi làm việc, nghe qua cũng rất tốt vì có quy tắc như vậy để nâng cao được ý thức bảo vệ, nhận ra được hành vi nào là quấy rối tình dục. Nhưng bản thân tôi đã từng trải qua việc bị sếp "để ý" cũng thấy rất khó để có thể lên tiếng, tố cáo hay bày tỏ cùng ai. Bởi vì, họ là chủ doanh nghiệp nếu không chịu đựng được nữa thì đành phải nghỉ việc chứ nếu lên tiếng thì chỉ có thiệt thòi bản thân. Do đó, tôi nghĩ có chăng quy tắc này giúp ích nhận diện hành vi quấy rối tình dục là chính để bảo vệ bản thân mình", chị A nói.
Trong khi đó chị T (Từng là nhân viên văn phòng) chưa quên được sự ám ảnh khi mỗi buổi tối nhận được vài chục tin nhắn gạ gẫm đi chơi của một nam đồng nghiệp. Dù chị T không có tình cảm gì, trong khi đã có chồng con đề huề. Chị T bực mình với việc làm của nam đồng nghiệp kia nhưng đành giữ kín. Cho đến khi số tin nhắn mỗi đêm lên đến hàng trăm, chị mới tá hỏa xin thôi việc vì lý do rất lãng xẹt "không chịu nổi".
Ai dám lên tiếng?
Thực tế quấy rối tình dục đã và đang âm thầm xảy ra ở nơi làm việc. Có người tỏ thái độ nhưng có người chỉ biết tránh mặt hoặc "sống chung với lũ". Nhưng rõ ràng, đây là hành vi khó có thể chấp nhận được, do làm cho người bị quấy rối luôn ở trong sợ hãi, lo lắng và khó tập trung làm việc. Mặt khác, tâm lý nhiều người coi đó là chuyện tế nhị, ngại nói ra và không dám nói vì sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ nơi làm việc.
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất