Từ vụ tô phở 300.000 đồng: Khách hàng phải nhớ điều này trước khi vào quán ăn

2016-04-04 18:52
- Khách hàng khi vào quán ăn hay nhà hàng phải hỏi kỹ mức giá, không nên để ăn xong mới tá hỏa khi cầm hóa đơn trên tay.

Mới đây, một cư dân mạng đã chia sẻ hình ảnh về mức giá giật mình của bát phở 300.000 đồng ở Hà Nội. Sự việc khiến nhiều người không khỏi choáng, không ít người còn lên án vì cách thu tiền vô tội vạ này.

Tuy nhiên, chia sẻ trên báo chí, bà Phương (Chủ quán phở) cho hay, giá bát phở bình thường đã 50.000 đồng/bát. Trong khi bát phở của cô gái đã ăn có 150.000 đồng/đùi, 4 quả kê gà (150.000 đồng/lạng), tràng trứng...Trả lời trên Thanh Niên, bà Phương cũng cho rằng, cái dở của bà chính là không báo giá cụ thể, trước những yêu cầu khách hàng chứ không phải chặt chém như lời cô gái tố.

Từ vụ tô phở 300.000 đồng: Khách hàng phải nhớ điều này trước khi vào quán ăn

Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp đầu tiên, khách hàng ngao ngán khi cầm hóa đơn tính tiền sau khi ăn suất bình dân. Chị Diệp Thy (Tp.HCM) khi đi du lịch ở Đà Nẵng ghé vào quán ăn bình dân ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng) ăn cơm xào hải sản. Sau khi nhận suất cơm từ nhân viên, chị Thy tá hỏa với mức giá mà quán đưa ra là 200.000 đồng. Chị Thy có tranh cãi với nhân viên. Tuy nhiên, chủ quán giải thích do cơm có nhiều hải sản nên đưa ra mức giá đó.  Chị Thy yêu cầu viết hóa đơn nhưng không được đáp ứng.

Không chỉ có ngày thường mà thời điểm mở cửa những ngày sau Tết, nhiều quán hàng vỉa hè, bình dân lại tranh thủ chặt chém đầu năm. Thậm chí nhiều bát phở ngày thường chỉ có 30.000 đồng nhưng sau Tết bị nâng giá lên 100.000 đồng, thậm chí 150.000 đồng. Có những khách hàng còn phản ánh ngoài việc giá phở tăng còn bị chặt chém nước uống, có người uống 2 chai nước và 1 bát phở bị tính giá đến 340.000 đồng, trong khi giá ngày thường chỉ ở mức 100.000 đồng.

Cách đây không lâu, cơ quan chức năng Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) cũng đã phải vào cuộc để xử phạt mức 5 triệu đồng với một nhà hàng chặt chém quá mức với khách hàng. Giữa tháng 7/2015, một cư dân mạng đã đăng tải  thông tin về gia đình bị một quán ăn ở Tp.Vũng Tàu bị tính 5 triệu đồng cho 1 bữa ăn.

Người này cho biết đã gọi canh chua tôm sú giá 130.000- 150.000 đồng nhưng quán lại tính phần tôm riêng là 3,6kg với giá 880.000 đồng/kg, khách uống hết 5 chai bia nhưng tính tiền 15 chai, sau khi tranh cãi quyết liệt thì quán giảm 10%. Đặc biệt, trước khi ra về chủ quán còn chia tiền “cò” cho taxi là 800.000 đồng vì không biết tài xế lại là người nhà của những vị khách trên.

Đây chỉ là một số trong vô số những vụ chặt chém của người bán với khách hàng. Có những người lên tiếng nhưng cũng có những người im lặng do ngại va chạm. Trên thực tế điều này càng dung dưỡng cho sự coi thường quy định của một số người bán.

Khách phải biết cách phòng chặt chém

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Phương Mai cho rằng, việc chặt chém không chỉ xảy ra ở nước ta mà kể cả một số nước khác. Tuy nhiên, khách hàng phải là người chủ động "phòng tránh" cho bản thân mình. 

"Nhiều khách hàng khi mua suất cơm hay ăn uống không mấy khi hỏi giá. Nhiều người chỉ đọc biển quảng cáo có món gì. Nếu phù hợp nhu cầu và sở thích sẽ vào ngay chứ không quan tâm đến giá cả. Tâm lý này rất phổ biến khi ăn ở quán bình dân hay vỉa hè. Cho nên khi ăn xong mới giật mình tá hỏa mức giá được đưa ra", chuyên gia nói.

Do vậy, điều đầu tiên khách hàng phải nhớ là hỏi mức giá cụ thể, chi tiết. Thậm chí khi vào mua một suất cơm hay hoa quả, nước uống mang cầm tay cũng nên hỏi rõ mức giá mới để nhân viên chế biến. "Đặc biệt khi ăn các loại hải sản, mức giá cao hơn các thực phẩm khác cần hỏi rõ giá đã chế biến, giá chưa chế biến hay thành phẩm có tính tiền công hay không. Các loại hải sản cũng có các mức giá khác nhau cùng loại tùy theo độ tươi ngon và cân nặng. Do đó, khách hàng hỏi kỹ để có sự lựa chọn phù hợp. Nếu như nghĩ đơn giản gọi chung chung ghẹ hay cua mà không chú ý loại 1 hay loại 2 sẽ có thể bị chặt chém", chuyên gia nhấn mạnh.

Với khách du lịch, khi ăn ở đâu cũng nên tìm hiểu qua các review trên mạng Internet hoặc diễn đàn để có thông tin cụ thể. Qua các diễn đàn này có thể sẽ nhận được những tư vấn cụ thể hoặc có những nhận xét về mức giá quá đắt hay phù hợp túi tiền.

"Bây giờ mạng xã hội phát triển, du khách thường cập nhật các thông tin về quán ăn đặc biệt là mức giá. Trong đó có không ít cả những phàn nàn chuyện giá cả đắt đỏ, thái độ phục vụ", chuyên gia Phương Mai nhấn mạnh.

Phương Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Tình yêu chưa bao giờ sai, cái sai có chăng là 'người yêu'...