Lừa đảo qua Facebook: Sập bẫy vì "nhẹ dạ cả tin"?
2016-04-07 07:12
- Để không bị sập bẫy lừa đảo qua Facebook, cần nâng cao cảnh giác tránh sự "nhẹ dạ cả tin".
Tin liên quan
Mới đây, đội 8 Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46, Công an Tp.Hồ Chí Minh) đã bắt băng nhóm kết bạn qua mạng xã hội Facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Băng nhóm này do 1 người Nigeria cầm đầu, qua mạng xã hội Facebook đã kết bạn với phụ nữ. Sau đó, nói chuyện về quan hệ tình cảm, hứa cưới nạn nhân làm vợ và hứa gửi quà tặng, đô la từ Nigeria về Việt Nam. Khi có sự tin tưởng, các đối tượng trong băng nhóm chuyển thông tin người bị hại cho đồng bọn ở Việt Nam. Những kẻ này giả danh nhân viên công ty chuyển phát, nhân viên hải quan yêu cầu đóng phí, chuyển vào tài khoản.
Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Ihugba Augustine Chinonso (tên thường gọi là Ben, 30 tuổi, quốc tịch Nigeria, tạm trú quận 12), Onu Chinonso Peter (31 tuổi, quốc tịch Nigeria, tạm trú quận 12), Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (25 tuổi, ngụ quận 7), Trần Viết Hùng (34 tuổi, ngụ quận 12), Lê Văn Nhóc (21 tuổi, ngụ huyện Tân Châu tỉnh Tây Ninh), Phạm Trường Thành (23 tuổi, ngụ huyện Định Quán tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Văn Hải (26 tuổi, ngụ huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận). Riêng Lê Thị Mai Phương (34 tuổi, vợ Hùng) do đang có con nhỏ nên chưa bị bắt giữ.
Sau 3 tháng điều tra, công an đã bắt băng nhóm này. Với thủ đoạn như đã nói ở trên các đối tượng trong băng nhóm đã chiếm đoạt được gần 11 tỷ đồng.
Hồi tháng 1/2016, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tp.Cần Thơ đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú với Trần Bảo Trâm (Cờ Đỏ, Tp.Cần Thơ) về hành vi lừa đảo quảng cáo, bán hàng qua mạng Internet để chiếm đoạt tài sản của nhiều người.
Theo đó, từ tháng 9/2013 đến 12/2014, Trâm đã lập các tài khoản khác nhau trên mạng xã hội Facebook và dùng các tài khoản này để bán các mặt hàng như mỹ phẩm, quần áo, giày dép...Khi mua khách hàng đóng tiền cọc khoảng 80-100% giá trị tùy theo sản phẩm.
Tuy nhiên, sau khi đã nhận tiền cọc, Trâm lại giở thủ đoạn kêu bệnh nặng, tai nạn...không chuyển hàng cho khách. Thậm chí, đối tượng này còn làm giấy tờ chuyển tiền giả rồi chụp màn hình gửi cho khách để trốn tránh. Với thủ đoạn này, Trâm đã chiếm đoạt được gần 300 triệu, hơn 200 khách hàng mắc bẫy.
Đừng nhẹ dạ cả tin
Cùng với sự tiện ích và môi trường mở mà mạng xã hội mang lại thì có không ít người lại lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hình thức của sự lừa đảo có không ít như bán hàng nhưng nhận tiền không trả hàng đúng lời hứa, hack nick để nhờ mua thẻ cào điện thoại hay tán tỉnh, buông lời "ong bướm" để nạn nhân sập bẫy và tin vào những lời hứa hão như chuyển quà, mời đi du lịch rồi bắt đóng phí, tiền ship trước khi nhận quà.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia công nghệ thông tin Đức Sang cho hay, ngoài thủ đoạn gian manh của kẻ lừa đảo thì bản thân người sử dụng Facebook có một bộ phận nhẹ dạ, cả tin. "Những tên tội phạm lừa đảo đánh vào tâm lý này của người dùng Facebook. Khi đã tiếp cận, qua một thời gian trò chuyện, nếu không cảnh giác rất dễ bị sập bẫy. Cho nên cần phải nhìn nhận vấn đề này từ góc độ người dùng. Nếu có người lạ kết bạn hay trò chuyện phải hết sức cảnh giác. Thậm chí, khi nghe đến chuyện tặng quà hay ý muốn mời đi đâu đó phải tự phòng về cho bản thân. Bởi không có điều gì dễ dàng như vậy. Cụ thể từ vụ việc trên đây, những lời hứa tặng quà và tiền từ một người xa lạ gửi cho mình mà vẫn tin được thì chứng tỏ người dùng Facebook đang bị nhẹ dạ quá mức".
Cách đây không lâu, trên Facebook rộ lên việc nhiều người bị hack nick sau đó kẻ gian vào nick người bị hại để trò chuyện với bạn bè để nhờ mua card điện thoại.
"Không ít người bị lừa do chưa biết thủ đoạn này. Đây là chiêu trò cũ của những kẻ lừa đảo nên nhiều người cũng đã biết cách đề phòng. Tuy nhiên, nói về nguyên nhân bị hack nick Facebook, ở góc độ người dùng cũng phải cẩn thận khi click vào các đường dẫn Website không rõ ràng hay có sự nghi ngờ. Bởi rất có thể trong các đường link đó chứa mã độc, virus ăn cắp mật khẩu, mã đăng nhập và chiếm đoạt tài khoản của người dùng", chuyên gia nhấn mạnh.
Rõ ràng thủ đoạn của những kẻ lừa đảo hết sức tinh vi nhưng nếu người dùng luôn cảnh giác thì việc không để bị lừa dễ dàng hơn rất nhiều. "Tóm lại, nếu bạn không tham gia một chương trình trúng thưởng hay ghi danh bốc thăm ở một nơi nào đó thì không thể có chuyện ai cho bạn trúng iPhone, điện thoại, trúng tiền mặt...như các tin nhắn spam của một số đối tượng gửi vào Facebook. Đó là điều cơ bản đầu tiên cần nhớ", chuyên gia nói.
Mặt khác, việc mua hàng qua mạng cũng cần phải lưu ý chọn cửa hàng có nhiều người biết, được nhiều người đánh giá tốt. Nếu mua hàng qua mạng, đừng chỉ quan tâm đến sản phẩm mà phải hỏi địa chỉ shop, thông tin của người bán. Điều này giúp bạn có thể khiếu nại hay báo cho cơ quan chức năng khi bị lừa đảo.
"Trước khi chuyển tiền đặt cọc hãy tìm kiếm các thông tin trên mạng Internet xem shop online đó đã có điều tiếng gì hay chưa. Nếu có hãy cẩn thận và đề phòng, nếu đến được tận nơi xem thực hư chất lượng và người bán là ai thì sẽ an toàn hơn", chuyên gia nói.
Bình An
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Ngô Diệc Phàm kết tội hiếp dâm trẻ em chưa vị thành niên ở Mỹ