Sứa cắn: Đề phòng khi đi biển cần biết

2015-04-28 18:35
- Sứa là món ăn nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng lên vùng da bị cắn khi tắm biển. Do vậy cần phát hiện và xử trí kịp thời.

Đi biển mùa hè là thú vui và sở thích của nhiều người, bên cạnh nỗi lo về đuối nước thì đi biển ngày hè cũng cần đề phòng sứa cắn. Sứa biển là loại hải sản thường được dùng làm món nộm hàng ngày nhưng thực tế nọc độc trong các xúc tu của chúng cũng gây ngứa, khó chịu cho vùng da bị tiếp xúc hoặc bị cắn.

Sứa không có não và tim, trên cơ thể có nhiều xúc tu. Mỗi xúc tu có chứa chất độc từ độc ít đến độc nhiều. Trong đó loại sứa hộp có nọc độc kinh khủng nhất gây ảnh hưởng đến các hệ cơ quan trong cơ thể.

Chị Hà Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) người từng bị sứa cắn trong lần đi biển năm ngoái đã rút được bài học nhớ đời. Theo lời chị Trang, lúc bị sứa cắn chị không hề hay biết chỉ thấy vùng da ở bàn chân ngứa, sưng. Ban đầu chị chỉ nghĩ do cát làm xây xước, tiếp xúc với nước biển nên bị đau như vậy. Nhưng khi thấy vết cắn đỏ ửng, sưng tấy, chị mới hay đó là vết sứa cắn.

"Do chủ quan, không chườm, rửa vết thương kịp thời nên tôi bị phù nề, khó chịu, đau đầu và ê ẩm toàn thân do nọc độc sứa. Sau đó tôi phải đến trạm y tế gần khu du lịch để xử lý mới có thể bớt đau. Đó là bài học nhớ đời mà tôi sẽ phải lưu ý trong những lần sau", chị Trang nói.

Trao đổi với chúng tôi, anh Đức Thành (Kỹ sư thủy sản) cho biết, sứa có thể gặp ở nhiều vùng biển. Nọc độc của sứa nằm ở xúc tu, chúng phát triển vào mùa hè - đúng mùa du lịch biển. Cho nên du khách khi đi dọc bờ biển, tắm biển phải lưu ý. Khi bị tấn công hoặc bị chạm vào cơ thể do ngoại lực, xúc tu của sứa sẽ cắn vào đối phương. Qua vết cắn nhỏ này, nọc độc thâm nhập qua da, đi vào cơ thể. Vết cắn nhỏ nhưng nếu không xử trí kịp thời cũng gây khó chịu.

Theo lời anh Thành, người bị sứa cắn có thể bị nặng hoặc nhẹ. Trong trường hợp nhẹ, vùng da xung quanh vết cắn chỉ bị đỏ ửng, sưng tấy một chút, đau rát, sau đó sẽ khỏi. Còn trong trường hợp nặng, không chỉ đỏ ửng, sưng tấy mà còn gây ảnh hưởng đến các hệ cơ quan trong cơ thể như hô hấp, tim mạch, thần kinh.

"Người bị sứa cắn nặng có thể thấy đau đầu, khó thở, tím tái, tim đập nhanh, khó đi lại, đau nhức trong cơ bắp do nọc độc thâm nhập". Anh Thành nhấn mạnh.

Với vết cắn nhẹ có thể tự chữa trị theo cách thông thường (chúng tôi sẽ nói ở phần sau), còn nếu vết cắn nặng gây khó thở, tim đập nhanh phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám kịp thời, tránh nguy hiểm tính mạng.

Xử trí khi bị sứa cắn

Theo kỹ sư thủy sản Đức Thành, khi bị sứa cắn phải nhanh chóng vào bờ để xem xét vết cắn. Tuyệt đối không chà xát mạnh, càng làm vết cắn bị đau, trầy xước dẫn đến nhiễm trùng. Sau đó, xem còn có xúc tu nào ở vết cắn hoặc gần đó không, nếu còn sót xúc tu phải kéo ra để đảm bảo nọc độc không tiếp tục gây đau và thâm nhập vào cơ thể.

Cách tốt nhất dùng nước biển để rửa vết thương do sứa cắn. Tiếp đó, hạn chế đi lại, cử động, nằm yên để có phương án vệ sinh vết cắn. Nếu dùng nước lã để rửa vết thương là điều không nên vì có thể làm cho vết thương nặng hơn.

Dùng thìa, chìa khóa hoặc vật có cạnh gạt những xúc tu còn bám lại giúp loại bỏ bớt chất độc đang tiềm ẩn bên trong vết cắn.

Khi người bị sứa cắn nằm yên, có thể dùng đá chườm lạnh để giảm bớt sưng, đau của vết thương. Nếu lấy xúc tu, cần phải đeo găng tay y tế chuyên dụng, không dùng tay không có thể làm vi khuẩn thâm nhập vào vết thương gây tổn thương nặng hơn hoặc nhiễm trùng.

Khi đi biển nhớ mang thuốc bôi do côn trùng đốt hoặc thuốc giảm đau để đề phòng khi bị sứa cắn. Nếu sau khi chườm đá vẫn còn đau có thể dùng thuốc giảm đau.

Bên cạnh đó có thể dùng giấm, mật ong, đường bôi lên vết thương. Bởi vì đường, mật ong có thể loại bỏ chất độc. Một phương pháp khác đơn giản là dùng lá muống biển vò nát rồi đắp lên vết cắn nhưng lưu ý lá muống biển cần được rửa sạch để tránh vi khuẩn thâm nhập.

Một số người nói dùng nước tiểu bôi lên vết thương do sứa cắn sẽ nhanh khỏi. Nhưng theo các bác sĩ, đây là cách không nên làm bởi như vậy sẽ làm vết thương nặng hơn. Do độ pH trong nước tiểu có thể làm vết thương sưng tấy, đỏ và loang rộng.

Sau khi xử trí tại chỗ, nếu vết thương nặng hoặc để yên tâm hơn cần đưa đến cơ sở y tế, trạm y tế để được rửa vết thương bằng oxy già. Theo dõi liên tục diễn tiến của người bệnh, để xác định tình trạng phát hiện sự bất thường nhằm cấp cứu kịp thời.

Linh Anh
(Theo Congluan.vn)

 

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bỏ thuốc lá - Chưa bao bao giờ dễ tới vậy!