Đừng để hỏng mắt vì kính siêu rẻ
2015-07-20 10:21
- Nhiều người thường mua kính đang được "thanh lý", "xả hàng"... tràn lan ở các cửa hàng kính vì nó rẻ hơn hẳn so với kính xịn. Đừng tham rẻ mà hại thân!
Tin liên quan
Hàng ngày, nhiều người vẫn ung dung sử dụng những chiếc kính giá rẻ như một món đồ trang sức hay vật dụng không thể thiếu trước khi ra đường nhưng lại hoàn toàn không biết đến những nguy hại khó lường đối với thị giác khi đôi mắt phải “chịu đựng” những cặp kính “dởm” này.
Mua bệnh cho mắt với giá “bèo”
Dưới hình thức “thanh lý hàng tồn kho”, các điểm bán kính đều giống nhau là luôn trong tình trạng “xả hàng”, “thanh lý”, “trả mặt bằng”... nhưng điều kỳ lạ dễ nhận thấy là họ luôn thanh lý từ tháng này qua năm nọ, lúc nào cũng thấy “hàng tồn kho” vô thời hạn. Họ hấp dẫn người mua bằng chiêu “hàng hiệu” nhưng đang giảm giá đến 90% nên chỉ còn 10.000 - 50.000 đồng cho những cặp kính “giá gốc” 100.000 - 500.000 đồng! Tuy nhiên, dù mang mác “hàng hiệu” nhưng kính chỉ được đựng trong túi nilon, không có hộp hay hóa đơn và tất nhiên là không bao giờ có phiếu bảo hành. Nếu có ai đó thắc mắc về hàng hiệu nhưng giá rẻ, nhân viên bán hàng sẵn sàng cho biết: “Hàng được xách tay về, không phải chịu thuế nên giá rẻ hơn nhiều lần so với chỗ khác, cũng loại hàng này nhưng vào các trung tâm thương mại sẽ có giá gấp đôi”. Tất nhiên, xách tay, tồn kho hay kính dởm chính hiệu núp bóng hàng hiệu thì chỉ có người bán mới biết, còn khách hàng thì mua giá nào cũng vẫn cứ “hớ” bởi theo tìm hiểu của PV, tất cả những sản phẩm kính như vậy đều là hàng Trung Quốc, kém chất lượng. Bà Ngô Thị Thu Thủy (Ashley Ngo) - nhà phân phối kính AR Group JSC, từng có thâm niên nhiều năm trong ngành kính, cho biết: “Kính nhái hàng hiệu xuất hiện tràn lan trong các cửa hàng lớn, người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn, khó mà phân biệt được. Một số cũng có dán tem nhưng người mua không thể xác định được thật giả. Không ít lần tôi phát hiện trong những cửa hàng kính lớn niêm yết giá của chiếc kính tới 2,5 triệu đồng trong khi giá thật chỉ khoảng 100.000 đồng, vì vậy giá nào họ cũng có thể bán được và nếu có giảm 50% , 70%, 90% thì vẫn cứ có lời”.
Kính giá rẻ đội lốt thương hiệu đủ màu sắc và kiểu dáng “thời thượng” được bày bán la liệt, ẩn chứa rất nhiều nguy cơ gây hại cho mắt.
Bên cạnh chiêu thức “xả hàng” thì trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội cũng như Tp.HCM, ở đâu cũng tràn lan các sạp bán kính khá “hút” người tiêu dùng với những tấm biển: “ hạ giá”, “siêu bền” mà người ta vẫn gọi chung là “kính vỉa hè” với đủ loại dành cho người lớn, trẻ nhỏ, phụ nữ và đàn ông... Điều đáng nói là các loại kính ở đây đều không nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là làm bằng chất liệu nhựa tái sinh, thoạt nhìn chúng đều có mẫu mã đa dạng, bắt mắt và được gắn mác những tên thương hiệu nổi tiếng nhưng giá cả chỉ từ 15.000 - 60.000 đồng/chiếc tùy loại. Giơ ra chiếc kính có ghi chữ Rayban góc phải mắt kính, chị chủ hàng đon đả: “Đấy em xem, nhìn loại này có khác gì hàng hiệu đâu, đeo vào vừa thời trang, vừa tránh được bụi, lại trông rất “chơi” mà giá chỉ có 25.000 đồng”. Thấy tôi vẫn băn khoăn về chất lượng, chị ta nhanh nhảu: “Yên tâm đi, hàng đảm bảo, cả trăm ngàn người mua kính của tôi rồi mà có thấy ai kêu ca gì đâu?!”. Khi đeo thử thì cảm giác đầu tiên là khó chịu và hơi mỏi mắt, tiếp đó thấy lâng lâng, khó định hình, thậm chí còn khó xác định phương hướng. Tìm hiểu kỹ hơn về xuất xứ những loại kính này thì được nhiều chủ sạp kính cho biết, các loại kính đều có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc các cơ sở sản xuất chui tại Hưng Yên, nguồn “hàng” rất dễ lấy, có nhiều đầu mối đi “đổ” cho các sạp bán lẻ với giá rất rẻ, bởi giá thấp nhất để làm ra một cái kính hoàn chỉnh chỉ là... 4.000 đồng. Vì vậy, chúng còn được đổ cất theo mớ, thậm chí bán theo cân.
Phải biết bảo vệ “tài sản quí báu” của mình
Các bác sĩ nhãn khoa cho biết, kính mắt vỉa hè thường là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm định. Bề mặt của kính không bằng phẳng nên đeo vào sẽ thấy hình ảnh không thật, biến dạng, khi đeo loại kính này, đầu tiên sẽ không nhận biết ngay được những tác hại của nó nhưng nếu đeo trong một thời gian dài sẽ vô cùng nguy hiểm, đó là nguy cơ bị tật khúc xạ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Theo BS. Nguyễn Văn Lịch - Chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Bưu điện thì muốn mua kính, nhất định phải đến các cửa hàng kính thuốc, kính mắt uy tín có cấp phép (với trường hợp mua kính thông thường) và cần đến bệnh viện để được đo khám trước khi mua kính bệnh. Đối với trẻ em, điều này càng cần thiết vì mắt trẻ em cần phải có quá trình làm quen với kính. Nhiều bệnh nhân đã từng có hiện tượng mỏi, nhìn nhòe, chảy nước mắt, khi đi khám mới biết tất cả những triệu chứng trên là hậu quả của nửa tháng dùng kính vỉa hè, thậm chí có những bệnh nhân còn bị đục thủy tinh thể do sử dụng loại kính này dài ngày. Rõ ràng, kính mắt giá rẻ nếu cứ dùng bừa bãi sẽ gây ra rất nhiều tai biến nguy hại tới mắt của người dùng, nhẹ là gây các bệnh về mắt, nặng có thể bị mù vĩnh viễn.
“Giàu hai con mắt”, “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, thế mà đôi mắt ấy hàng ngày đang bị “tra tấn” một cách không thương tiếc chỉ vì chủ nhân ham của rẻ, thiếu hiểu biết và coi thường sức khỏe của đôi mắt, thản nhiên mua bệnh cho đôi mắt vốn được coi là tài sản quý báu của mình. Tình trạng loạn thị, thị lực giảm, rối loạn thị giác, nguy cơ bị tật khúc xạ... ngày càng gia tăng cũng một phần do thói quen tùy tiện này. Vì vậy, trước khi mua kính, người tiêu dùng phải tới các cửa hàng có uy tín, có máy đo thị lực, có bảo hành sản phẩm dài hạn thì mới có thể bảo vệ được đôi mắt.
(Theo SKĐS)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Thành tích đáng nể của người đẹp Việt chinh chiến Miss Universe