Trẻ sử dụng điện thoại thông minh càng sớm càng dễ mắc tật khúc xạ về mắt

2016-06-11 12:10
- Những tia sáng xanh phát ra từ màn hình của những chiếc điện thoại thông minh sẽ tác động và gây hư tổn trực tiếp cho võng mạc, làm tăng nguy cơ mắc các tật khúc xạ ở trẻ nhỏ.

Đừng chiều hư trẻ nhỏ bằng điện thoại hay máy tính bảng

Cuộc sống hiện đại đi kèm với công nghệ tiên tiến khiến hầu như gia đình nào cũng đều có ít nhất một chiếc điện thoại thông minh trong nhà. Để dỗ con ăn cơm, con không quậy phá, chạy nhảy… thay vì chơi với con, nhiều cha mẹ lại cho con dùng điện thoại để hạn chế trẻ hiếu động.

Trẻ sử dụng điện thoại thông minh càng sớm càng dễ mắc tật khúc xạ về mắt
Trẻ dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng sớm dễ gặp phải các tật khúc xạ. Ảnh minh họa.

Là bà mẹ 3 con nên có lúc chị Khánh Vi ở Ba Đình như "phát điên", nhất là mỗi khi lũ trẻ nghịch ngợm, đánh nhau tranh đồ chơi... Để cho con chơi ngoan và có thời gian cơm nước làm việc nhà, chị đã đưa cho con điện thoại chơi. Khi có được chiếc điện thoại, 3 đứa con chị mải miết chơi những trò điện tử trên mạng, không còn làm phiền mẹ. Trong một lần tình cờ, chị đưa các con đi kiểm tra mắt thì phát hiện 2 bé có dấu hiệu của loạn thị mà theo bác sĩ là do sử dụng thiết bị điện thoại di động để chơi điện tử quá nhiều. Điều này khiến chị rất hối hận vì cho con sử dụng điện thoại sớm. Rất may cho trường hợp của chị Khánh Vi là 2 cháu mới xuất hiện dấu hiệu loại thị nên vẫn có cơ hội để hồi phục.

Bác sĩ Đặng Văn Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện mắt Quốc tế DND cho biết: “Cách các bậc phụ huynh dỗ dành, chiều hư con khi cho dùng điện thoại thông minh sớm vô tình gây ra rất nhiều nguy hại cho mắt trẻ. Trẻ sử dụng điện thoại càng sớm và thời gian sử dụng càng nhiều thì mức độ gây hại cho mắt càng gia tăng. Bệnh viện cũng đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ gặp phải các tật khúc xạ về mắt do được bố mẹ cho sử dụng điện thoại”.

Những tật khúc xạ thường gặp ở trẻ nhỏ do sử dụng điện thoại liên tục có thể kể tới như: cận thị, loạn thị. “Ánh sáng từ màn hình điện thoại quá sáng so với mắt trẻ. Trẻ nhỏ dùng điện thoại chơi thường tập trung cao độ, ít chớp mắt nên mắt cũng phải tăng điều tiết, gây nên tình trạng nhức mỏi mắt, khô mắt…”, bác sĩ Đặng Văn Quế cho biết.

Ánh sáng từ màn hình điện thoại nguy hại cho mắt tới đâu?

Điện thoại thông minh đang phá hủy mắt trẻ từng ngày

“Tiếp xúc với ánh sáng xanh của điện thoại thường xuyên và thời gian dài là nguyên nhân gây ra thoái hóa điểm vàng ở mắt, gây nên cận thị, giảm thị lực ở trẻ nhỏ”, bác sĩ Đặng Văn Quế nói.

Theo bác sĩ Đặng Văn Quế, khi màn hình điện thoại hoạt động thường phát ra những tia sáng màu xanh, có bước sóng 380mm - 450mm. Cường độ của ánh sáng xanh thường rất mạnh và có khả năng xuyên thấu. Trẻ từ 1- 2 tuổi có khoảng 70-80% ánh sáng xanh có thể xuyên qua thủy tinh thể tới võng mạc. Vì vậy, khi dùng ánh sáng xanh để điều trị vàng da ở trẻ nhỏ luôn phải có thiết bị bảo vệ cho mắt.

Một nghiên cứu của trường Đại học Dược Gifu Nhật Bản thực hiện cũng có thấy ánh sáng xanh phá hủy tới 80% tế bào võng mạc của mắt khỉ. “Tiếp xúc với ánh sáng xanh của điện thoại thường xuyên và thời gian dài là nguyên nhân gây ra thoái hóa điểm vàng ở mắt, gây nên cận thị, giảm thị lực ở trẻ nhỏ”, bác sĩ Đặng Văn Quế nói.

Việc sử dụng điện thoại quá mức cũng gây triệu chứng mất ngủ ở trẻ nhỏ. Đó là do ánh sáng của điện thoại tác động tới não làm cho nó không sản xuất đủ melatonin - một chất dẫn truyền thần kinh có vai trò quan trọng giúp con người chìm vào giấc ngủ. Điều này dẫn tới nhịp sinh học bị đảo lộn, từ đó dễ mệt mỏi và có nguy cơ bị kiệt sức.

Theo phân tích của một số chuyên gia tâm lý, độ tuổi từ 0-2 tuổi não thường phát triển gấp 3 lần về kích thước. Lời nói, hành động, tiếp xúc cha mẹ và con cái, quá trình chơi với con sẽ giúp cho não phát triển và tăng gắn kết tình cảm. Nếu trẻ dành nhiều thời gian chơi điện thoại thì sự gắn kết bố mẹ và con cái sẽ ít đi. Ngoài ra, trẻ dùng điện thoại nhiều còn gây ra các vấn đề như: rất dễ nổi cáu, khả năng học hỏi, giao tiếp chậm, dễ bị kích động, nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh…

Cũng theo bác sĩ Đặng Văn Quế, trẻ nhỏ thường chỉ dùng điện thoại để chơi, không phải để học. “Vì vậy, để bảo vệ mắt và sức khỏe cho trẻ nhỏ, cách tốt nhất là không cho trẻ dùng điện thoại. Cha mẹ nên khuyến khích và cùng con tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời. Trẻ biếng ăn thì cần phải xem lại khẩu phần ăn và chế độ ăn của trẻ có phù hợp hay không…”, bác sĩ Đặng Văn Quế nói.

Theo tiến sĩ Carl Kupfer, nguyên Giám đốc Viện mắt Quốc gia Hoa Kỳ, tình trạng thoái hóa điểm vàng sẽ tăng lên 6,3 triệu ca vào năm 2030. Thoái hóa điểm vàng do dùng điện thoại và máy tính bảng có thể sẽ trở thành một dạng "đại dịch".

 

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 5 con giáp luôn được phúc báo cả đời, cuộc sống thuận lợi vẹn toàn