Kinh hãi ruồi đậu đặc kín nhà, nguy cơ bệnh tật có thể bạn chưa biết nếu không chú ý giữ vệ sinh và diệt ruồi?

Ngọc Minh 2017-07-20 15:17
- Ruồi quá nhiều không chỉ gây phiền toái cho sinh hoạt còn mang theo các vi rút, vi khuẩn, nấm, trứng giun gây ra nhiều bệnh khác nhau cho con người.

Thời gian gần đây, hàng trăm người dân xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội phải sống trong khốn khổ vì bị ruồi bủa vây kín đặc xung quanh nhà. Ruồi bu đen kín khắp nơi mỗi ngày người dân đặt bẫy thu được cả kg xác ruồi trong ngày. 

Trao đổi với TS. Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng) về vấn đề tại nơi sống có quá nhiều ruồi phát triển sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe của người dân. TS. Vũ Đức Chính cho hay, loại ruồi bay vào khu dân cư của người dân đậu trên kín cửa, trong nhà, gian bếp, ngoài sân... là loại ruồi nhà. Loại ruồi này có tên khoa học là Musca domestica.

Ruồi nhà là loại côn trùng khá gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày của con người. Ruồi nhà có mặt ở khắp mọi nơi gây phiền toái và có thể gây ra dịch bệnh cho con người.

Ruồi đậu kín đen nhà có nguy cơ mắc bệnh gì cao nhất

Nạn "giặc ruồi" tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

“Đặc biệt khi ruồi nhà xuất hiện với tần suất dày đặc sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân. Cảm giác khó chịu cả lúc làm việc và khi nghỉ ngơi. Từ đó có thể ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ mất vệ sinh”, TS. Chính nói.

Nỗi lo ruồi gây bệnh

Ruồi nhà là loại ruồi liếm thức ăn, vòng đời của ruồi nhà từ 2-3 tuần, nếu có điều kiện thuận lợi thì ruồi có thể sống lâu hơn. Ruồi cái có thể đẻ trứng 5 lần, mỗi lần đẻ từ 120-130 trứng. Trứng thường được đẻ vào nơi phân, rác bẩn, xác động vật chết… Trứng phát triển thành dòi sau đó chui xuống đất để phát triển tiếp thành nhộng và thành ruồi non khi chui ra khỏi ổ nhộng.

Ruồi nhà thường bị hấp dẫn bởi phân, máu, đờm dãi, thức ăn ôi thiu, bã mía lên men… Do tập tính liếm thức ăn chủ yếu là rác thải nên ruồi có nguy cơ mang mầm bệnh rất cao. Chúng mang mầm bệnh từ môi trường cho con người thông qua ăn uống. Khi không đi kiếm ăn, ruồi sẽ đậu ở những nơi khuất gió trần nhà, tường nhà, cánh cửa, kệ, tủ, bàn, dây phơi, thảm cỏ, bụi cây…

 “Ruồi nhà không chỉ gây phiền phức trong cuộc sống mà nó còn có thể lây truyền những bệnh cho con người. Do tập tính của loại ruồi này thường ăn liếm các loại thức ăn bẩn, mất vệ sinh. Cơ thể ruồi nhà có rất nhiều lông nhỏ cho nên có khả năng dính các mầm bệnh vi rút, vi khuẩn (salmonella, staphylococcus, E.coli) có thể gây bệnh đường ruột, tiêu chảy, kiết lỵ, thương hàn,… Ruồi nhà có thể mang mầm bệnh là bào tử nấm, trứng giun sán”, TS. Chính nói.

Theo các chuyên gia, do vòng đời của ruồi nhà ngắn, chu kỳ sinh sản nhanh và khi đẻ trứng số lượng sẽ rất nhiều nên người dân sống ở nơi có nhiều ruồi cần phải thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường sống, quản lý rác thải tốt để giảm trừ nơi đẻ trứng của ruồi.

Có thể tránh thu hút ruồi từ nơi khác bay tới bằng cách hạn chế mùi tanh của thức ăn. Dọn nhà cửa sạch sẽ để tránh làm ổ cho ruồi đẻ trứng. Thức ăn sau khi nấu xong phải có lồng bàn che không cho ruồi tiếp xúc. Khi nấu ăn xong cần dọn dẹp vệ sinh bếp nhà ăn.

Hiện nay, có nhiều cách để hạn chế số lượng ruồi ví dụ như dùng các phương pháp vật lý như đập, bẫy dính, bẫy nước, bẫy bằng đèn. Hoặc có thể  dùng thuốc phun để diệt ruồi trưởng thành và dòi.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Tập 5 bài gập bụng này trong 2 tuần mỡ bụng một đi không trở lại