Cơn ngứa, cảm giác thiêu đốt, đốm trắng xuất hiện trong quần lót là những trải nghiệm không mấy vui vẻ của người bị nhiễm nấm men. Ngay cả đối với những phụ nữ khỏe mạnh, bình thường cũng có thể bị nhiễm căn bệnh khó chịu này. Nguyên nhân gây ra tình trạng nấm men "vùng kín" là do các loại nấm bất thường, số lượng vi khuẩn tăng lên không kiểm soát.
Phụ nữ bị nhiễm nấm sẽ có cảm giác ngứa, nóng rát “vùng kín” và chất nhầy màu trắng ở vùng kín xuất hiện nhiều. Nhiễm nấm men không phải là một căn bệnh tự dưng mà có, đặc biệt là khi bạn bị tái đi tái lại thường xuyên. Tin tốt là nếu bạn có thể nhận diện những "thủ phạm" làm gia tăng nguy cơ để từ đó ngăn ngừa căn bệnh khó chịu này trước khi nó xuất hiện lần nữa.
1. Không thay băng vệ sinh thường xuyên
Nấm men phát triển trong môi trường có độ ẩm cao. Vì vậy, miếng băng vệ sinh hoặc tampon có độ ẩm cao được sử dụng trong ngày "đèn đỏ" chính là môi trường lý tưởng cho nấm men sinh sôi, theo các chuyên gia. Giải pháp đơn giản để khắc phục là cần thay mới băng vệ sinh, tampon thường xuyên trong khoảng 4 - 6 giờ, đặc biệt là khi trời nóng.
Ngoài ra, chị em cũng nên thay quần lót thường xuyên và phải đảm bảo chúng luôn sạch sẽ, khô ráo. Khi đi vệ sinh, bạn nên chú ý lau chùi vùng kín từ trước ra sau để tránh sự lây lan của nấm men.
2. Uống kháng sinh
Theo các chuyên gia, nếu bạn đang uống kháng sinh trị viêm họng, nhiễm trùng đường tiểu hoặc bất kỳ căn bệnh nào khác, nó có thể khiến toàn bộ hệ sinh thái vùng kín của bạn bị mất cân bằng.
Kháng sinh có thể giết chết các vi khuẩn có lợi trong âm đạo, khiến cho nấm men có cơ hội lớn nhanh hơn. Để tăng cường vi khuẩn tốt và giảm nguy cơ nhiễm nấm, các chuyên gia khuyên chị em nên uống bổ sung probiotic (men vi sinh) cùng với thuốc kháng sinh. Nếu như bạn muốn thúc đẩy các loại vi khuẩn có lợi này mà không cần thuốc thì có thể sử dụng sữa chua để thay thế.
3. Có đường trong máu cao
Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường hoặc có dấu hiệu tiền tiểu đường thì phải cẩn thận đấy. Tiểu đường là một trạng thái ức chế miễn dịch rất nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng, điển hình nhất là nấm men. Loại nấm này tăng trưởng mạnh trong môi trường nhiều đường. Đó là lý do phụ nữ bị tiểu đường có nguy cơ cao bị nấm men "vùng kín".
4. Gần gũi với bạn tình nhiễm bệnh
Đúng vậy, nấm men có thể lây lan. Bạn hãy cẩn thận kẻo lây nấm men từ bạn tình, người đang có nấm men ở dương vật., mặc dù đây là tình trạng thường phổ biến hơn ở những người đàn ông có bao quy đầu.
Bên cạnh đó, quan hệ tình dục nhiều, thậm chí là với người không bị nhiễm nấm men, cũng có thể dẫn tới thay đổi môi trường pH ở âm đạo và cho phép nấm men "áp đảo" các vi khuẩn có lợi. Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục sẽ giúp giảm bớt tình trạng này.
5. Mặc quần lót chật, bí
Quần lót chật và may từ vải tổng hợp không chỉ khiến cho "cô bé" có cảm giác bí bức, khó chịu mà còn tạo điều kiện cho nấm men phát triển khi môi trường "vùng kín" trở nên nóng, ẩm ướt. Các chuyên gia cũng cho hay chị em nên đi ngủ mà không mặc quần lót ít nhất 1 hoặc 2 lần mỗi tuần, bởi nó cho phép âm đạo được thông thoáng hơn.
Nếu muốn ngăn ngừa hoặc chữa bệnh nấm men, bạn phải lựa chọn quần áo có chất liệu cotton, giúp hạn chế được vi khuẩn phát triển do có tính thấm hút tốt, lại thoáng mát.
6. Sử dụng các sản phẩm vệ sinh phụ nữ có mùi hương
Người phụ nữ nào cũng muốn vùng kín của mình luôn có mùi thơm tho nhưng bạn không nên vì thế mà lạm dụng các sản phẩm tạo mùi hương ở khu vực này. Các loại xịt thơm, khăn lau, rửa, thậm chí là tắm xà phòng thơm cũng có thể khiến cho nồng độ axit ở "vùng kín" giảm, kết quả là làm bạn bị nhiễm trùng nấm men. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên sử dụng loại dung dịch vệ sinh nhẹ nhàng và nên tránh việc thụt rửa sâu.
Dương Thùy
4 item thời trang bạn nên đầu tư để mặc đẹp cả mùa hè