Vì sao các gia đình Việt lại lì xì mừng tuổi nhau những ngày Tết Nguyên Đán?

Trang Lê 2017-01-29 09:00
- Lì xì ngày Tết là một phong tục tốt đẹp của người Việt với nhiều ý nghĩa đặc biệt như chúc năm mới may mắn, khỏe mạnh và hạnh phúc cho người nhận phong bao lì xì đỏ.

Hằng năm, cứ vào những ngày Tết Nguyên Đán là con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc Tết, rồi tặng quà và mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ lì xì lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền lẻ mới gọi là lấy hên và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới.

Tương tự như vậy, khi khách đến thăm nhà vào những ngày Tết cũng không quên lì xì cho con cháu, người già kèm theo lời chúc phúc đầu năm, đồng thời đón nhận lại những lời chúc sức khỏe, may mắn, phát đạt từ gia chủ.

Vì sao lại có phong tục lì xì ngày Tết?

Ông bà, cha mẹ mừng tuổi cho con cháu.

Để tìm hiểu rõ hơn về phong tục lì xì ngày Tết, PV Emdep.vn đã có cuộc tra đổi với GS. TS Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam.

GS. Thịnh cho biết phong tục lì xì ngày Tết bắt nguồn từ Trung Quốc và được du nhập vào Việt Nam từ rất lâu đời. Theo GS. Thịnh, phong tục này bắt nguồn từ truyền thuyết với mong muốn cho trẻ con ăn ngon ngủ yên và lớn nhanh không bị bệnh tật gì.

“Theo truyền thuyết, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon giấc khiến chúng giật mình khóc thét lên. Hôm sau trẻ đau đầu, sốt cao. Có trẻ còn bị ốm. Chính vì yêu quái như vậy mà các bậc cha mẹ phải thức vào đêm giao thừa để canh cho con mình không bị yêu quái xoa đầu”.

Theo vị giáo sư này, phong tục trên bắt nguồn từ nhũng mong muốn của người dân trong thực tế cuộc sống: “Năm đó có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được một người con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé.

Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy.

Hai vợ chồng vui mừng đem chuyện kể lại cho mọi người nghe. Thấy việc lấy tiền bọc trong bao đỏ xua đuổi được yêu quái, giúp cho trẻ em mạnh khỏe an lành nên cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào những phong bì đỏ cho trẻ em, còn gọi là tiền lì xì. Và nó dần dần trở thành phong tục mừng tuổi hay còn gọi là lì xì đầu năm”.

Hiện tại ở Việt Nam, người dân thường lì xì cho trẻ nhỏ, người già và cả những người thân yêu trong gia đình nữa. Phong tục lì xì đầu năm được tất cả mọi người đón nhận.

Đầu năm mới nhận được một bao lì xì đỏ của người thân, người nhận sẽ vô cùng vui mừng và cảm thấy mình rất may mắn trong năm nay.

Theo GS Thịnh, người Việt Nam sẽ lì xì bằng tiền. Tục lì xì này không chỉ giới hạn trong mùng một Tết mà có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm cho đến khi hóa vàng. Nhiều nơi mùng 9 mùng 10 mới gặp được con cháu thì họ vẫn lì xì.

“Phong bao để đựng tiền lì xì cũng được chọn lựa một cách cẩn thận, thường là màu đỏ vì đối với người dân Việt, màu đỏ tượng trung cho sự tươi mới, may mắn”.

Lý gải về việc người Việt càng mừng nhiều phong bao lỳ xì càng tốt, GS. Thịnh nói, phong bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc. Người ta nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì người ta càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc trong năm mới vừa sang.

Ngoài ý nghĩa ở trên, theo GS. Thịnh, cha mẹ mừng tuổi cho con cái còn có ý nghĩa, cha mẹ sẽ hướng dẫn con trẻ quản lý tiền bằng cách mua con lợn đất, cho tiền vào đó để giáo dục cho trẻ bài học tiết kiệm, khi cần mua gì hay làm gì sẽ mổ lợn ra và lấy số tiền mình tiết kiệm được rồi mua.

 mừng tuổi

Giáo sư Ngô Đức Thịnh nói về ý nghĩa của phong tục lì xì ngày Tết.

Nhiều gia đình còn hướng dẫn con mình dùng tiền mừng tuổi vào công tác từ thiện để dạy cho con bài học về sự quan tâm người khác.

Tuy nhiên, GS. Thịnh cũng trăn trở, nhiều năm gần đây phong tục tốt đẹp này đang dần bị biến tướng, nhiều người dùng việc này để nhân cơ hội thể hiện bản thân mình.

Có những người lì xì 1 triệu đồng, rồi tiền đô với nhiều đồng 100 đô. Việc lì xì này cho con trẻ sẽ mang lại tác động không tốt cho trẻ khi để cho trẻ cầm quá nhiều tiền một lúc. Ngoài ra, có nhiều gia đình thì mặc cho con tiêu xài tiền lì xì theo ý thích nên làm con trẻ có nhận thức khác về phong tục này. Nhiều trẻ mong đến Tết để nhận được nhiều tiền, ai mừng tuổi nhiều tiền thì thích, ai mừng tuổi ít tiền thì không thích.

Do đó, theo GS. Thịnh, người Việt Nam hãy coi phong tục mừng tuổi đầu năm như một bản sắc văn hóa tốt đẹp và nên gìn giữ, phát huy theo đúng nguồn gốc và ý nghĩa của nó.

Trang Lê

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Quiet quitting: Bạn có đang ‘làm việc cầm chừng’?